Thư việnTu đức

Đặc Sủng Và Hồng Ân: Hoa Trái Của Thánh Thần

Đặc Sủng Và Hồng Ân: Hoa Trái Của Thánh Thần
Sau Công Đồng Vatican II, người ta thấy có ba luồng thần học về đoàn sủng:
1/ Có những người chủ trương rằng bản chất của Hội Thánh có tính cách đoàn sủng chứ không phải là phẩm trật; nói khác đi, họ đối chọi các đặc sủng với cơ cấu phẩm trật. Một tác giả tiêu biểu cho khuynh hướng này là Hans Kung.
2/ Phong trào đặc sủng (Mouvement charismtique) nhấn mạnh đến đặc sủng chữa bệnh và nói tiếng lạ trong các buổi họp cầu nguyện. Sau một vài thái quá của buổi đầu, nay phong trào đổi tên là “canh tân Thánh Linh”, bớt để ý tới các hiện tượng kỳ lạ nhưng chú trọng tới đời sống tâm linh cầu nguyện hơn.
3/ Thần học về đời tu đã dùng tiếng đoàn sủng để diễn tả chỗ đứng của đời tận hiến trong Hội Thánh cũng như căn tính của mỗi dòng.
A. THẦN HỌC VỀ ĐOÀN SỦNG DỰA THEO KINH THÁNH VÀ CÁC VĂN KIỆN GẦN ĐÂY CỦA HỘI THÁNH
I. Tân ước
Tiếng “đoàn sủng” trong Việt ngữ dịch bởi từ “Charisma” của Hy Lạp và Latin. Thực ra trong nguyên gốc Hy Lạp “chariama” chỉ có nghĩa món quà tặng phẩm. Trong các thư, thánh Phaolô đã dùng danh từ ấy 16 lần để nói về các hồng ân mà Thánh Thần ban cho các tín hữu nhằm xây dựng Công Đồng (Rm 1,11; 5,15.16; 6,23; 11,29; 12,6; 1Cr 1,7; 7,7; 12,4.9.28.30.31; 2Cr 1,11; 1Tm 4,14; 2Tm 1,6). Như vậy, “đoàn sủng” có nghĩa là ơn ban nhằm tới ích lợi của cộng đoàn (chứ không nhằm tới ích lợi cá nhân): Thánh Phaolô cũng gọi chúng ta “những sự thần khí” (pneumata, pneumatika: 1Cr 2,13; 9,11; 12,1; 14,1). Hơn nữa, 1Cr 12,8; 10,28-30; Rm 12,6-8; Ep 4,11 đã liệt kê các đoàn sủng. Tuy nhiên, khi đối chiếu các bản danh mục ấy ta thấy có những điểm trùng hợp được lặp lại; từ đó các học giả kết luận rằng thánh Phaolô không có chủ ý kê khai hết tất cả các thứ đoàn sủng một cách tỉ mỉ chi tiết (vì không ai có thể lường được hết những tác động của Thánh Thần), cho bằng hướng dẫn việc sử dụng chúng. Giáo huấn của Thánh Phaolô (được quảng diễn ở 1Cr từ chương 12 đến chương 14; Rm 12,3-8) có thể tóm lại ở những điểm chính như sau.
1/. Các đoàn sủng tuy nhiều nhưng cũng phát xuất từ một nguồn gốc (tức là Thánh Thần) và cũng nhằm về một mục tiêu là để xây dựng Hội Thánh (1Cr 12,4-11; Rm 12,3-5). Do đó, không có lý do gì mà những người đã nhận được đoàn sủng lại đâm ra ghen tị nhau. Trái lại, tất cả cần bổ túc cho nhau như những chi thể hợp tác với nhau để cho toàn thân được sống (1Cr 12,12-14).
2/. Hiểu như vậy, không nên khinh rẻ lẫn nhau, coi ơn này cao quý hơn ơn nọ. Trong một thân thể, những cơ quan coi như kín đáo, thấp kém hơn cả lại là cần thiết cho sự sinh tử hơn cả (1Cr 12,22-26). Tuy nhiên, Phaolô cũng vạch ra một hệ trật của các đặc sủng: đứng đầu là các tông đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy (1Cr 12,28-30; x. Rm 12,6-8). Dù sao, đoàn sủng cao quý nhất đáng cho hết mọi người thèm khát là đức mến. Phaolô đã dành suốt cả chương 13 để ca tụng đức mến.
3/. Mặt khác, Phaolô cũng không quên lưu ý về sự cảnh giác để nhận định đâu là đoàn sủng thực hay giả (1Cr 12,2-3). Thực vậy, tuy phải tinh tế kẻo dập tắt ơn Thánh Thần (1Tx 5,19-21), nhưng không phải tất cả các hiện tượng kỳ lạ đều xuất phát từ Thánh Thần. Vài tiêu chuẩn để phân biệt: sự tuyên xưng đức tin chân chính (Đức Kitô là Chúa); lòng bác ái…
4/. Trong bốn danh sách các đoàn sủng, người ta đếm tới 20 thứ. Các học giả đã đề ra những lối phân loại khác nhau, thí dụ: ngoại thường (nói tiếng lạ, chữa bệnh) và thông thường (dạy dỗ, rao giảng, an ủi). Có thứ phân loại dựa theo hình thức hoạt động, thí dụ: tri thức (ngôn sứ, dạy dỗ, khuyên lơn) và thực hành (quản trị, hướng dẫn, phục dịch,v.v…).
II. Lịch sử Giáo Hội
Trải qua lịch sử Giáo Hội, vấn đề “đòan sủng” rơi vào quên lãng, một phần có lẽ vì phản ứng lại những phong trào bồng bột mệnh danh là do Thánh Linh khởi xướng và chống đối lại giáo quyền. Vào thời Trung cổ, thánh Thomas Aquinas đã gọi nó bằng tên là “gratia gratis data” (dịch sát chữ là: “ơn được ban nhưng không”). Dĩ nhiên, cái gì đã là ơn huệ (gratia) thì phải là “nhưng không” (gratis) rồi: tuy nhiên thánh Thomas muốn phân biệt hai loại ơn huệ Chúa ban:
– 1/. Một đàng “gratia gratis data” là thứ ơn huệ được ban nhằm công ích cộng đoàn chứ không nhằm thiện ích của bản thân của người lãnh; vì vậy, có thể có chuyện là một người lãnh được ơn đó mà lại không có ơn nghĩa với Chúa. (Thí dụ: Chúa có thể ban cho người nào được tài cao sáng trí để lãnh đạo cộng đoàn, nhưng chưa chắc gì người ấy trọn lành thánh thiện).
– 2/. Đối lại, “gratia gratum faciens” (quen gọi là ơn thánh sủng) là ơn nhằm tới thiện ích bản thân của người lãnh, giúp cho họ sống trong ơn nghĩa với Chúa.[1]
Mãi tới Công Đồng Vatican II, thần học mới lại chú ý tới các “charisma”. Nên biết là các bản văn Công Đồng viết bằng tiếng Latin và trích dẫn các đoạn Kinh Thánh theo bản dịch Vulgata: vì thế từ “charisma” trong nguyên gốc Hy Lạp được dịch ra nhiều từ khác nhau: dona, dona peculiaria, gratia, gratiae speciales, chaismata, dona charismatica.[2] Trong hai đoạn văn vừa trưng dẫn, Công Đồng khẳng định rằng Thánh Thần tác động trong Hội Thánh không những qua các Bí tích và tác vụ mà còn qua các đoàn sủng nữa. Các đoàn sủng ấy được trao ban nhằm giúp cho các tín hữu có khả năng đảm nhiệm những công tác khác nhau nhằm giúp ích cho Hội Thánh. Các đoàn sủng, dù là phi thường hay tầm thường, cần được đón nhận với lòng biết ơn khiêm tốn, và cần phải hành sử nhằm xây dựng cộng đoàn Giáo Hội và nhân loại. Các nhà hữu trách trong Hội Thánh không nên dập tắt Thánh Thần, nhưng phải biết nhận định thực hư. Công Đồng trưng dẫn những đoạn văn sau đây của Tân ước: 1Cr 12,7.11; Ep 4,16; 1Tx 5,12.19-21.
Tiếc rằng, sau Công Đồng, dựa theo số 4 của Hiến chế về Hội Thánh (Thánh Thần hướng dẫn Hội Thánh bằng những ơn phẩm trật và đặc sủng), có tác giả đối chọi phẩm trật với đoàn sủng, giữa khía cạnh cơ chế với khía cạnh sinh động của Hội Thánh. Họ quên rằng Công Đồng cũng nói tới phẩm trật như là một đoàn sủng, đặc biệt là họ được đoàn sủng bất khả ngộ khi hành sử huấn quyền.[3]
Thiết tưởng để có quan niệm quân bình về đoàn sủng, ta cần phải nhìn Hội Thánh trong tương quan với Thánh Thần: Ngài làm cho Hội Thánh được sinh động bằng các đoàn sủng, nhờ đó các tín hữu đóng góp mỗi người một cách vào sinh hoạt của cộng đoàn. Sự lãnh đạo cũng được kể vào số các đoàn sủng bởi vì một cộng đoàn mà không có người lãnh đạo thì sẽ ra hỗn độn. Tuy nhiên, người lãnh đạo không nắm giữ tất cả các đoàn sủng trong tay, bởi vì Thánh Thần trút đổ đoàn sủng trực tiếp xuống các tín hữu chứ không phải qua trung gian của cơ quan lãnh đạo. Do đó, cần phải xóa bỏ hình ảnh về một Hội Thánh chia thành hai thành phần: một bên chủ động ra lệnh (hàng giáo phẩm) còn một bên thụ động tuân lệnh. Không! Thánh Thần đã trút xuống cộng đoàn nhiều đoàn sủng, nghĩa là Ngài đã biến các tín hữu thành những thành phần chủ động, mỗi nguời góp tay làm một việc, nhằm xây dựng cộng đoàn. Nhiệm vụ của cơ quan lãnh đạo là biết phối hợp các sáng kiến khác nhau, sao cho chúng được hài hòa trong đức ái thay vì trở thành đố kị xung khắc.
Các đoàn sủng thì đa hình đa dạng, nhưng có một vài đoàn sủng xem ra thường xuyên hơn cả, tựa như: lãnh đạo, giảng dạy, an ủi, làm việc từ thiện. Các tu sĩ cũng được liệt vào hàng ngũ đoàn sủng, bởi vì không những vì biết bao nhiêu công tác họ thực hiện để phục vụ cộng đoàn, nhưng còn vì họ thôi thúc cộng đoàn nên thánh qua việc tận hiến cho Thiên Chúa Đấng đáng mến trên hết mọi sự.
Dù sao cũng đừng quên rằng các tín hữu giáo dân cũng lãnh nhận rất nhiều đoàn sủng, như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết trong Tông huấn Christifideles Laici số 24, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo nói tới các đoàn sủng ở các số 799-801, 951; 2003-2004.
Như thế cần lưu ý hai điểm:
– 1/. Như đã nói ở đầu, trong Việt ngữ, “charisma” được dịch là “đoàn sủng”, xét vì là hồng ân được ban nhằm ích lợi của cộng đoàn Hội Thánh. Đôi khi nó cũng được dịch là “đặc sủng” xét vì tính cách đặc biệt của nó (gratiae speciales, dona peculiaria), theo nghĩa là không phải ai ai cũng nhận được (như trường hợp ơn thánh sủng) nhưng chỉ một số người nào đó thôi: Thánh Thần thổi đâu tùy ý! Tiếc rằng không thiếu người đã hiểu “đặc sủng” theo nghĩa là: ơn kỳ lạ, ngoạn mục (nói tiên tri, nói tiếng lạ, chữa bệnh tật).
– 2/. Giữa những đoàn sủng thiên hình văn trạng thiết tưởng không thể nào bỏ qua “đoàn sủng chân lý” (charisma veritatis) được ban cho Hội Thánh. Thực vậy, Chúa Giêsu đã hứa phái Thánh Thần chân lý đến với Hội Thánh, để giúp Hội Thánh đào sâu thêm chân lý của Lời Chúa và trung thành với chân lý. Đoàn sủng này quen gọi là ơn “bất khả ngộ”. Những đoàn sủng khác thì được ban cho cá nhân để họ phục vụ ích lợi của Hội Thánh; còn đoàn sủng chân lý thì nói được là ban cho chính Hội Thánh xét như một cộng đoàn hiệp nhất. Trong hiến chế về Hội Thánh Lumen Gentium số 25, Công Đồng Vatican II đã nói tới đặc ơn ấy ở nơi toàn thể Hội Thánh, trước khi nói tới đặc ơn nơi Đức Thánh Cha và Giám mục đoàn. Thêm vào đó, ở số 12, Công Đồng cũng nói rằng toàn thể dân Chúa được Thánh Thần giữ gìn cho khỏi sai lầm trong đức tin. Lời khẳng định đó được lặp lại trong Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo ở các số 91-93.
B. CÁC HỒNG ÂN VÀ HOA TRÁI CỦA THÁNH THẦN
Trước đây, các sách thần học và giáo lý thường nói tới Chúa Thánh Thần khi bàn tới Bảy Ơn của Ngài, đặc biệt khi bàn về Bí tích Thêm Sức. Khi trở về với Thánh Kinh, thần học thấy rằng trước khi nói tới các hồng ân của Thánh Thần (dona Spiritus Sancti) thì cần phải nói tới Thánh Thần như là hồng ân (Spiritus Sanctus ut Donum). Trong lòng Ba Ngôi, Thánh Thần là Tình yêu trao ban giữa Cha với Con. Tình yêu trao ban ấy xuống trên vũ trụ và nhân loại. Đặc biệt, Thánh Thần là “hồng ân” được ban cho Đức Kitô chịu chết và sống lại. Thêm vào đó, trong những bài vừa qua, khi bàn về Thánh Thần trong Hội Thánh, chúng ta thấy rằng ngoài ban cho Hội Thánh nhiều dạng thức hồng ân khác nhau, trong số đó có các đoàn sủng nhằm xây dựng cộng đoàn. Trong bối cảnh ấy, bảy ơn Chúa Thánh Thần có còn ý nghĩa gì nữa không?
I. Bảy ơn Chúa Thánh Thần
Bảy ơn Chúa Thánh Thần liên hệ tới từng người tín hữu: chúng biểu lộ sự hiện diện và tác động của Thánh Thần trong tâm hồn của mỗi Kitô hữu. Đành rằng Thánh Thần ngự trong tâm hồn như là trong đền thờ (x. Rm 8,9-11; 1Cr 3,16-17), và Ngài là chủ xướng của hết mọi nhân đức tâm tình ước muốn lành thánh cùng như lời cầu nguyện: nhưng thần học cổ điển đã muốn diễn tả tác động nổi bật của Ngài qua bảy hồng ân.
Thánh Thần về bảy ơn Chúa Thánh Thần dựa trên đoạn văn của Isaia 11,2. Ngôn sứ này nói đến một vị vua lý tưởng thuộc dòng dõi Đavít, được thần khí trang điểm với các nhân đức lỗi lạc vượt xa các tiền bối. Thần khí Giavê sẽ đậu xuống trên vị ấy: thần khí khôn ngoan và trí tuệ (như 70 bô lão và Salomon: Tl 1,13; 1V 3,12), thần khí mưu lược và hùng mạnh (như Đavít), thần khí hiểu biết và kính sợ Giavê (như các tổ phụ Abraham, Isaac, Giacop, Môsê). Theo nguyên bản Do Thái, ta thấy có 6 đức tính ghép từng đôi một; thế nhưng không hiểu vì lý do gì đức tính chót (kính sợ Giavê) lại được lặp lại ở câu 3 tiếp theo (“Ngài được đầy tràn thần khí kính sợ”). Có lẽ vì muốn tránh sự trùng lặp lại, cho nên bản dịch Hy Lạp (bản LXX) và Latin (bản Vulgata) đã đổi “kính sợ Chúa (yirath Yahweh)” ở câu 2 ra là “hiếu thảo” (eusebia, pietas). Từ đó, có thể đếm được bảy đức tính trong Kinh Thánh, số 7 là biểu hiện của hoàn toàn (đang khi mà văn hóa Á Đông đòi phải có 10 thì mới đủ “thập toàn”!. Trong sách Khải Huyền, chúng ta cũng thấy nói tới 7 thần khí: 1,4; 3,1; 5,6). Dĩ nhiên, theo văn bản, tất cả các đức tính vừa nói (dù là 6 hay 7) đều ám chỉ về vị Thiên Sai, nghĩa là về Đức Kitô. Tuy nhiên, từ thánh Augustin (354-430)[4] và Gregorio Cả (k. 540-604)[5] truyền thống Kitô giáo đã áp dụng vào đời sống của mỗi tín hữu dưới ảnh hưởng của Thánh Thần. Ý nghĩa của bảy ơn thường được giải thích như sau:
– 1. Khôn Ngoan (Sapientia), giúp cho ta gắn bó với Thiên Chúa, nguồn hạnh phúc thực;
– 2. Thông Hiểu (Intellectus), ban cho ta sự hiểu biết sâu xa các chân lý đức tin;
– 3. Minh Luân (Scientia) giúp ta phán đoán giá trị của các thụ tạo theo ánh sáng đức tin;
– 4. Chỉ Giáo (Consilium), ban cho ta biết chọn lựa con đường nào hợp ý Chúa hơn cả và ngoan ngoãn để cho Chúa hướng dẫn.
– 5. Sùng Hiếu (Pietas), ban cho ta lòng tôn thờ Thiên Chúa với tinh thần con thảo và liên hệ với mọi người như con cái cùng Cha.
– 6. Can Đảm (Fortitudo), vượt thắng mọi khó khăn hoặc chịu đựng đau khổ bằng sức mạnh Chúa ban.
– 7. Kính Sợ Chúa (Timor Domini), tránh tội và loại bỏ sự quyến luyến của cải trần thế khi nó làm mất lòng tôn kính yêu mến Chúa.
Thánh Thomas Aquinas là tác giả đã trình bày một cách hệ thống mạch lạc nhất về vai trò của Bảy Ơn Thánh Thần trong đời sống của người Kitô hữu. Theo quan điểm của thánh Thomas, con người khao khát tìm về hạnh phúc. Hạnh phúc đích thực của con người là chính Thiên Chúa, bởi vì chỉ có nơi Chúa con người mới tìm thấy thỏa mãn tất cả mọi khao khát về hiểu biết và ước muốn.[6] Làm thế nào để đạt tới hạnh phúc ấy? Thưa bằng hai cách: một đàng bằng sự cố gắng của con người qua việc thực hành các nhân đức; đàng khác là nhờ vào chính Thiên Chúa. Thực vậy, Thiên Chúa đến giúp đỡ chúng ta bằng lời chỉ giáo của Ngài (thánh Thomas gọi là Luật Chúa) và bằng ân sủng.[7] Thánh Thomas nhấn mạnh rằng, Luật Mới (Lex Nova: luật Tân ước) hệ tại ơn thánh của Thánh Thần ghi khắc trong tâm khảm ta chứ không phải trên bia đá nữa.[8] Chính trong bối cảnh đó mà thánh Thomas trình bày các ơn của Chúa Thánh Thần: 7 ơn ấy được ban cho ta để kiện cường 7 nhân đức trụ cột điều khiển tất cả các hành vi (ba nhân đức đối thần: tin, cậy, mến; bốn nhân đức luân lý: khôn ngoan, công bằng, tiết độ, can đảm).
– 1/. Tương ứng với đức tin là hai ơn thông hiểu và minh luận.
– 2/. Tương ứng với đức cậy là ơn kính sợ;
– 3/. Tương ứng với đức mến là ơn khôn ngoan;
– 4/. Tương ứng với đức khôn ngoan là ơn chỉ giáo;
– 5/. Tương ứng với đức công bằng là ơn sùng hiếu;
– 6/. Tương ứng với đức tiết độ là ơn kính sợ;
– 7/. Tương ứng với đức can đảm là ơn dũng cảm (mạnh bạo).
Dĩ nhiên, không thiếu người đã chỉ trích sự phân chia ấy vì xem ra gượng ép, bởi vì đức tin tương ứng với hai ơn (thông hiểu và minh luận), còn một ơn kính sợ lại tương ứng với hai nhân đức (cậy và tiết độ). Thậm chí có người đã chỉ ra là chính thánh Thomas Aquinas đã thay đổi ý kiến khi đi từ phần luân lý tổng quát.[9] Thực ra, sự phối trí chi tiết giữa các ơn với các nhân đức có lẽ không quan trọng cho bằng chủ ý mà thánh Thomas muốn phát biểu, đó là: trên con đường tiến đến sự kết hiệp với Chúa, chúng ta không hành động lẻ loi. Như các ơn của Thánh Thần, các hành vi của ta trở thành hành vi “đồng lao” của Thánh Thần: Chúa Thánh Thần hành động với ta đến nỗi có thể nói được rằng các hành vi nhân đức mà ta làm là của Ngài hơn là của ta.[10] Đây là điều mà thánh Phaolô đã nói nhiều lần, thí dụ Thánh Thần đến cùng cầu nguyện với ta (Rm 8,26) đến nỗi nói được là ta cầu nguyện trong Thánh Thần (Ep 6,18), bởi vì Ngài giục ta thốt lên nhhư Đức Kitô “Abba, cha ơi” (Rm 8,15; Gl 4,6).
II. Các hoa trái của Thánh Thần
Trong tiếng Việt, có 3 danh từ khác nhau: Thánh Thần, Thánh Linh, Thần Khí để dịch từ “Spiritus Sanctus”; còn tính từ “spiritualis” thì lại được dịch là “thiêng liêng”. Thực ra, trong nguyên ngữ Hy Lạp và Latin, tính từ “spiritualis” (pneumatikos) không chỉ có nghĩa là thiêng liêng (đối lại với vật chất) mà còn có nghĩa là thuộc về Thánh Thần. Do đó, “vita spiritualis” không phải chỉ là đời sống thiêng liêng (tâm linh) mà còn có ý nghĩa là đời sống theo Thánh Thần, dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần. Thánh Phaolô đã dành suốt Chương 8 của thư gửi Rôma để nói về sự sống mới trong Thánh Thần. Chương 5 của thư gửi Galat viết: “Nếu chúng ta sống nhờ Thánh Thần, thì chúng ta hãy tiến bước theo Thánh Thần” (Gl 5,25). Phàm ai sống theo Thánh Thần thì sẽ phát sinh những hoa trái của Thánh Thần được kê ra như sau: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5,22-23). Chắc chắn rằng, thánh Phaolô không hề nghĩ là chỉ có 9 hoa trái đó mà thôi (bản dịch Vulgata thêm 3 hoa trái nữa, nên có tất cả là 12). Thánh nhân chỉ muốn đan cử một vài ví dụ điển hình để đối chọi lại với những công việc của tội lỗi nói ở những câu liền trước đó (Gl 5,19-21).
Mỗi thời, mỗi nơi, mỗi người có thể bị hấp dẫn bởi một hoa trái nào đó tùy theo thời thế, hoàn cảnh, tính tình. Dĩ nhiên, hoa trái tuyệt vời hơn cả là yêu thương bác ái không những bởi là vì hồng ân cao trọng nhất mà chúng ta cần thèm khát theo đuổi (1Cr 13,13-14,1) nhưng còn tại vì chính Thánh Thần là hiện thân của tình yêu bác ái (Rm 5,5). Liền với tình yêu, thánh Thomas Aquinas nhận thấy một hoa trái khác là tự do, như thánh Phaolô đã nói: đâu có Thánh Thần Chúa, đấy có tự do (2Cr 3,17). Tự do không có nghĩa là tháo thứ phóng túng, tha hồ làm càn; nhưng tự do có nghĩa là hành động do tình yêu thúc đẩy chứ không phải vì sợ sệt.[11] Hơn nữa, có thể nêu bật những hoa trái khác của Thánh Thần nơi lòng bác ái phục vụ tha nhân, nơi lòng bác ái truyền giáo, nơi lòng bác ái làm chứng cho Tin Mừng,v.v… (đó là chưa kể những hậu quả của đức ái được kê ra ở 1Cr 13: nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tuông,v.v…). Ngoài ra, cũng không thể bỏ qua một hoa trái phản ánh hoạt động độc đáo của Thánh Thần: đó là chiều kích sâu xa của đời sống nội tâm, bởi vì Ngài tác động kín đáo nơi thâm cung của cõi lòng, xa cách cảnh huyên náo bồng bột và hời hợt. Thông điệp Dominum et Vivificantemda của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (ban hành ngày 18-05-1986) trình bày tác động của Thánh Thần củng cố con người nội tâm ở các số 58-60.
Xin mạn phép trích dẫn từ ca-tiếp-liên đọc (hay hát) trong thánh lễ Hiện Xuống (Veni Sancte Spiritus), vài từ ngữ mô tả vai trò của Thánh Thần trong cuộc đời của chúng ta, Ngài là:
“Cha kẻ cơ bần,
Đấng ban ơn huệ,
Đấng soi sáng tâm hồn,
Đấng an ủi tuyệt vời,
Khách trọ hiền lương của tâm hồn,
Đấng ủy lạo dịu dàng,
Sự nghỉ ngơi trong cảnh lầm than,
Niềm an ủi lúc lệ rơi,
Sự sáng chứa chan hồng phúc”.
Trên đây, chúng tôi đã trưng dẫn lời khuyên của thánh Phaolô (Hãy tiên bước theo Thánh Thần: Gl 5,25): bây giờ, cần thêm một lời răn nữa: “Đừng làm phiền lòng Thánh Thần của Chúa” (Ep 4,30).
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo trình bày các ơn huệ và hoa trái của Thánh Thần ở các số 1830-1832. Hơn thế nữa, toàn thể đời sống luân lý của người Kitô được mang nhãn hiệu là “đời sống trong Thánh Thần” (số 1699). Thánh Thần chiếm một chỗ quan trọng trong Huấn giáo về đời sống luân lý (số 1697; 740).
C. CHÚA THÁNH THẦN TRONG ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN PHỤNG VỤ
I. Thánh Thần trong đời sống cầu nguyện cá nhân
Trong thư gửi Rôma (8,26-27), thánh Phaolô đã nhắc nhở chúng ta rằng cần phải có Thánh Thần đến giúp đỡ thì chúng ta mới biết cách cầu nguyện đẹp lòng Chúa. Thực vậy, chúng ta cần Thánh Thần không phải để dạy các kinh phải đọc (xét vì các sách kinh nguyện không thiếu) cho bằng để có thể đàm đạo thân mật với Chúa, như là con cái nói chuyện với cha mẹ (x. Rm 8,14). Đối lại, đâu mà có lời cầu nguyện chân thành (kể cả ở ngoài Kitô giáo) thì đấy Thánh Thần đang tác động. Như đã nói, Đức Gioan Phaolô II đã ghi nhận điều đó trong Thông điệp Dominum et Vivificantemda số 65.
Khi trình bày về đời sống cầu nguyện trong phần thứ Bốn, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã dành nhiều đoạn để nói về Thánh Thần. Ngay từ buổi khai sinh, Hội Thánh đã ý thức về vai trò của Thánh Thần đối với việc cầu nguyện, khi mà cộng đoàn các tín hữu tiên khởi ở Giêrusalem đã họp nhau ở nhà Tiệc Ly, cầu xin Ngài đến dạy dỗ, nhớ lại những lời của Chúa (số 2623). Thánh Thần soi sáng cho Hội Thánh biết lắng nghe tiếng của Chúa khi đọc Sách Thánh để từ đó có thể đáp lại (số 2625). Thánh Thần khêu gợi cho ta những tâm tình cám mến ngợi khen, để ta có thể thốt lên với Chúa (số 2639). Thánh Thần cũng huấn luyện ta cầu nguyện khi nuôi dưỡng lòng trông cậy tín thác, một điều kiện không thể thiếu khi cầu nguyện (số 2657-2659; 2728; 2739). Thánh Thần được gọi là “thầy dạy nội tại của sự cầu nguyện” (số 2672; 2650). Ngài cầu nguyện trong ta và với ta (số 2766). Dĩ nhiên, sách Giáo Lý dạy: “Cha ban Thánh Thần cho chúng ta” (số 2615), và cầu nguyện với chính Thánh Thần: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến” (số 2670-2671). Trong phụng vụ Latin có hai bài ca cổ truyền: “Veni Creator Spiritus” (thánh thi kinh chiều Lễ Hiện Xuống: “Xin ngự đến, lạy Thánh Thần sáng tạo”, sáng tác khoảng thế kỷ IX), ca-tiếp-liên “Veni Sancte Spiritus” (gán cho Stephen Langton, TGM Cantobery +1228). Một kinh nguyện phổ thông nữa lấy từ tiên xướng kinh Chiều I của Lễ Hiện Xuống: “Lạy Chúa Thánh Thần, Ngài làm cho các dân tộc, tuy ngôn ngữ bất đồng nhưng vẫn cùng tuyên xưng một đức tin duy nhất, xin ngự đến tâm hồn các tín hữu, và làm cho họ cháy lửa yêu mến Ngài”.
Thánh Thần không những dẫn đưa chúng ta vào kết hiệp với Chúa Cha và với Ba Ngôi (số 2565; 2780), nhưng Thánh Thần còn liên kết các tín hữu nên một khiến tất cả cùng tâm đầu ý hợp tuyên xưng: “Lạy Cha của chúng con” (số 2790).
II. Thánh Thần trong phụng vụ các Bí tích
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo bàn đến phụng vụ và Bí tích trong phần thứ Hai. Ngay từ chương đầu, các số 1091-1108 đã được dành để trình bày về “Thánh Thần và Hội Thánh trong phụng vụ”. Đây là một sự cải tiến rất đáng kể trong thần học từ sau Công Đồng Vatican II, chấm dứt một cuộc tranh luận từ năm thế kỷ giữa Giáo Hội Latin và các Giáo Hội Đông Phương, quen gọi là “vấn đề epiciesis”.[12] Cuộc tranh luận nảy ra chung quanh câu hỏi sau đây: Vào lúc nào thì bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa Giêsu? Thần học Latin trả lời là sau khi linh mục đọc lời truyền phép; còn thần học Đông Phương thì trả lời là vào lúc đọc lời khẩn cầu Thánh Thần xuống trên lễ vật (epiclesis). Ngày nay, nhờ những cuộc nghiên cứu lịch sử (Thánh Kinh, Giáo phụ) cũng như những cuộc đối thoại đại kết, sự bế tắc nói trên đã được khai thông: cả hai yếu tố cần phải bổ túc cho nhau thay vì loại trừ nhau. Thực vậy, các Giáo phụ cả Đông Phương lẫn Tây Phương (thí dụ như Augustin, Ambrosio) với cái nhìn toàn diện về các Bí tích đã cho rằng không thể nào tách rời hai yếu tố khi cử hành Bí tích được. Những lời mà linh mục đọc khi cử hành Bí tích không phải là lời của linh mục nữa mà lời của Đức Kitô: chính Đức Kitô mới là vị chủ sự của các Bí tích. Thế nhưng làm thế nào mà lời của linh mục lại có thể là lời sống động của Đức Kitô nếu không có sự can thiệp của Thánh Thần? Tư tưởng thần học đó vẫn còn được duy trì trong các tác phẩm của thánh Thomas Aquinas.[13] Tiếc rằng sau đó, các nhà thần học đã suy luận dựa theo luận cứ triết học và pháp lý nhiều hơn là dựa vào Thánh Kinh và các nghi thức cử hành sống động; do đó họ chỉ giới hạn vào những công thức truyền phép như là mô thức làm nên Bí tích. Hậu quả là không thiếu lần Bí tích bị coi như lời bùa chú, chứ không còn như là buổi cầu nguyện chúc tụng tạ ơn của cộng đồng tín hữu dâng lên Thiên Chúa Ba Ngôi nữa.
Các sách phụng vụ được duyệt lại sau Công Đồng Vatican II đã tìm cách sửa đổi lại não trạng vừa nói (tức là Bí tích không phải là bùa chú, nhưng là lời kinh khẩn nài của cộng đoàn). Đứng hàng đầu các sách được canh tân phải kể tới Sách Lễ Rôma. Chúng ta nhận thấy các Kinh Nguyện Thánh Thể (hay Kinh nguyện Tạ Ơn) mới soạn đều thêm hai lời khẩn nài Chúa Thánh Thần (epiclesis) trước và sau khi truyền phép: trước khi truyền phép, để nài xin Thánh Thần biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô; sau khi truyền phép, để nài xin Thánh Thần biến đổi chính các tín hữu thành một của lễ sống động với Đức Kitô tiến dâng lên Thiên Chúa. Do đó, nhờ Thánh Thần mà thần học về Thánh Thể trở nên phong phú hơn. Xưa kia Thánh Thần đã tạo nên thân thể của Đức Giêsu trong lòng của đức Maria; giờ đây, không những là Ngài biến đổi bánh rượu thành Mình thánh, nhưng còn biến đổi chúng ta thành thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô: Thánh Thần liên kết chúng ta với Đức Kitô và do đó cũng liên kết chúng ta với nhau nữa. Như vậy, Thánh Thần làm cho việc cử hành Thánh lễ đạt tới tiêu điểm của mình, bởi vì không phải chỉ biến đổi bánh rượu thành Mình Máu Chúa, nhưng còn biến đổi chính chúng ta thành của lễ sống động dâng lên Chúa Cha, nhờ Đức Kitô trong Thánh Thần.
Chính trong viễn ảnh đó mà quan điểm về các Bí tích khác cũng được sửa đổi. Trước đây ra như Chúa Thánh Thần chỉ được nhắc tới trong Bí tích Thêm sức; nhưng nay Thánh Thần hiện diện trong tất cả Bảy Bí tích.
– 1/. Chúng ta được Rửa Tội trong “nước và Thánh Thần” (Ga 3,5) để tái sinh làm con Thiên Chúa, chi thể của Đức Kitô và đền thờ của Thánh Thần, mang trong mình bảo chứng của sự sống bất diệt.
– 2/. Nhờ Bí tích Thêm Sức, người tín hữu lãnh nhận “ấn tích ơn Chúa Thánh Thần”: Thánh Thần đặt ấn tích trên chúng ta, niêm phong củng cố tăng cường và điều mà Ngài đã khởi sự trong Bí tích rửa tội, đó là cho chúng ta thông dự vào sự xức dầu của Đức Kitô, làm ngôn sứ, tư tế và vương giả. Thánh Thần được Đức Kitô trao ban cho chúng ta cũng như đã được ban cho các tông đồ vào dịp lễ Ngũ Tuần, nghĩa là để chúng ta được sai đi làm chứng nhân cho Tin Mừng.
– 3/. Thánh Thần hiện diện trong Bí tích Hòa Giải là điều đã được Phúc âm thánh Gioan nói tới: “Hãy nhận lãnh Thánh Thần; các con tha tội cho ai thì người ấy được tha” (Ga 20,22). Hơn thế nữa, việc tha tội đi kèm theo việc canh tân đổi mới trong tâm can: đây là một công trình của Thánh Thần đã được các ngôn sứ nói tới (Ed 37,9) và được thánh Phaolô quảng diễn: Thánh Thần giải phóng ta khỏi nô lệ tội lỗi và sự chết, đồng thời Ngài phú ban sự sống mới.
– 4/. Khi lĩnh Bí tích Xức Dầu, bệnh nhân lãnh nhận “sức mạnh” của Thánh Thần (x. Cv 10,38), sức mnạh nhờ đó Đức Giêsu đã chữa lành các bệnh nhân khi đặt tay và xức dầu cho họ (Mc 6,13), sức mạnh giúp Đức Giêsu dâng mình như lễ vật hiến tế (Dt 9,14).
– 5/. Người lãnh Bí tích Truyền Chức lãnh nhận Thánh Thần để tiếp tục sứ mạng của Đức Kitô mục tử nhân lành, Đức Kitô được Thần Khí đáp xuống để mang Tin Mừng cho người nghèo, loan báo sự giải thoát cho người tù đày.
– 6/. Thánh Thần tình yêu cũng được ban cho các đôi tân hôn để họ có thể kiến tạo một Hội Thánh trong gia thất, nơi biểu lộ sự thông hiệp tình yêu tựa như sự thông hiệp giữa Ba Ngôi cũng như nơi truyền thụ sự sống tự nhiên và thông truyền đức tin.
Tóm lại, bảy Bí tích là Bảy sự can thiệp của Thánh Thần: lúc Rửa Tội, Thánh Thần trùng tu nơi ta hình ảnh của Đức Kitô; khi Thêm Sức, Thánh Thần kiện cường Hội Thánh trong đức tin; trong Thánh Thể, Thánh Thần duy trì chúng ta trong tình hợp nhất yêu thương; khi Hòa Giải, Thánh Thần biến đổi con tim chúng ta; qua Chức Thánh, Thánh Thần biến chúng ta thành những người thờ lạy Cha cách đích thực; nơi dây Hôn Phối, Thánh Thần thánh hóa Hội Thánh hiền thê của Đức Kitô.
Các sách Nghi thức Bí tích được duyệt lại sau Công Đồng Vatican II đã cố gắng diễn tả nền thần học đó không những qua các kinh nguyện và mô thức, mà còn qua các cử chỉ nữa (tựa như: đặt tay lên đầu, xức dầu, hà hơi).
Bình Hòa, OP.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!