SẦU MÀ KHÔNG BI – BI MÀ KHÔNG SẦU
Nhìn ai đó cái mặt sầu sầu, tôi hay chọc : Làm cái gì mà đóng vai Lý Mặt Sầu vậy ?
Thật ra Lý Mặt Sầu nó trùng với âm tiết Lý Mạc Sầu.
Lý Mạc Sầu biệt hiệu là Xích Luyện Tiên Tử là một nhân vật hư cấu trong tiểu thuyết Thần điêu hiệp lữ của Kim Dung. Lý Mạc Sầu là đệ tử đời thứ ba của phái Cổ Mộ, là sư tỷ của Tiểu Long Nữ, là một con người rất xinh đẹp nhưng tàn độc với công phu Ngũ độc thần chưởng và Băng phách ngân châm.
Một trong những yếu tố làm nên thành công cho kiệt tác “Truyện Kiều” của Nguyễn Du là bút pháp tả cảnh ngụ tình đặc sắc. Đại thi hào đã có hai câu thơ thật hay để khái quát về bút pháp nghệ thuật tài tình này:
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”…
Thật ra mà nói, cuộc đời mà, có ai muốn mình phải rơi vào cành sầu bao giờ đâu. Ai ai cũng muốn mình an vui hạnh phúc nhưng rồi éo le thay cho cuộc đời là u buồn và sầu khổ nó bám chặt và như yêu lắm đời của người đó. Có người khổ từ nhỏ cho đến lớn và thậm chí khi về già cũng khổ nữa. Cái khổ, cái nghèo, cái sầu muộn nó như không muốn buông tha đời của ai nào đó. Thế nhưng rồi, trước cái khổ, cái nghèo, cái u buồn đó có người lại thấy bình an và bằng lòng với những gì họ có. Và như thế, họ cứ vui vẻ bước đi trong đời dẫu rằng người khác thấy họ là khổ và cho họ là khổ.
Một người nữ, một người mẹ phải nói sầu khổ nhất trong cõi đời này có thể nó đó chính là Đức Trinh Nữ Maria.
Mẹ đẹp tuyệt trần ! Mẹ được Chúa trao ban cho nhiều đặc ân cũng như nhiều ân phúc. Thế nhưng rồi ta lại thấy đẹp, đặc ân ấy phủ vây bằng những khổ đau. Và ta có thể nói rằng Đức Mẹ là Đức Mẹ sầu bi. Mà cũng chả nói, công nhận như thế mới đúng với cuộc đời của Mẹ.
Khi Thiên Chúa yêu thương tuyển chọn thì Mẹ đã mang lấy đau khổ trong đời.
Trước tiên, đau đớn tủi hờn với cái chuyện không chồng mà chữa. Thế nhưng rồi Thiên Chúa lại an bài cho có sự hiện diện của Thánh Giuse đến bên đời Mẹ.
Rồi, cưu mang Ngôi Lời Nhập Thể nhưng rồi đến ngày khai hoa nở nhụy thì lại sinh con mình nơi hang đá bò lừa (và dĩ nhiên là hôi tanh)
Rồi lại cùng Thánh Giuse trốn sang Ai Cập để thoát khỏi lưỡi gươm của Herode
Rồi lại trở về quê hương sống đời nghèo khó
Rồi lạc mất con giữa Đền Thờ
Rồi được nghe lời tiên tri từ miệng ngôn sứ : Một lưỡi gươm đâm thấu tâm hồn Bà
Rồi chứng kiến cảnh con mình lê bước trên con đường thập tự
Rồi đau đớn nhìn con bị đâm giữa 2 tên trộm cướp
Rồi ôm xác con rướm máu với nỗi đau không tả nổi.
Đời của Mẹ là thế đó ! Bao nhiêu cái chữ “rồi” với những đớn đau của kiếp người.
Với người khác hay với mỗi chúng ta khi đứng trước những khổ đau ấy chắc chắn chúng ta sẽ bỏ cuộc hay nếu không bỏ cuộc thì cũng trách móc kêu than. Đàng này, Mẹ không một lời ai oán. Mẹ lẳng lặng đi theo con của Mẹ và lặng thinh để đón nhận đau khổ (thập giá) cùng với con trong cuộc đời.
Chúa Giêsu đau đớn về thể xác bao nhiêu thì Mẹ Maria đau khổ về tinh thần bấy nhiêu. Thế nhưng rồi Mẹ hoàn toàn vâng phục và đón nhận tất cả những nỗi đau ấy không một lời oán than.
Tại sao Mẹ lại chịu được như vậy ? Xin thưa rằng Mẹ có một niềm tin sắt son vào Thiên Chúa. Mẹ xác tín như trong lời Magnificat : “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi”. (Lc 1,46-47)
Vấn đề nằm ở chỗ đó ! Ở cái chỗ Thiên Chúa chính là đấng cứu độ tôi.
Với Mẹ : tôi tin Chúa, tôi ngợi khen Chúa, tôi chúc tụng Chúa không phải là vì Chúa cho tôi đẹp, Chúa cho tôi giàu sang, Chúa cho tôi nhà lầu xe hơi hay địa vị cao trong cuộc đời nhưng Chúa là đấng cứu độ tôi. Chúa đã mặc cho tôi (Mẹ) hồng ân cứu rỗi !
Không dông dai dài dở hay vòng vo tam quốc ! Ta đi thẳng vào vấn đề và nhìn thẳng vấn đề nơi đời Mẹ đó là vì Mẹ tin và xác tín Chúa chính là đấng cứu độ để rồi tất cả những thương đau ở cuộc đời này chả là gì so với cái phần phúc vinh quang ở đời sau. Chính vì thế nên tất cả những nỗi sầu đến với đời Mẹ nhưng Mẹ không bi và tất cả những sự bi đến với đời Mẹ nhưng Mẹ không sầu.
Căn cốt của chuyện sầu không bi mà bi cũng không sầu đó là niềm tin.
Cũng như ngày hôm qua, khi ta chiêm ngưỡng suy tôn thánh giá. Ta tin thánh giá chính là nguồn ơn cứu độ thì thánh giá xem chừng ra chả là gì cả của đời ta. Ta vác, ta chịu đựng khổ đau thì ta sẽ được vinh quang.
Chúa Giêsu đi qua (không phải là né tránh hay bay qua) thánh giá để thánh giá trở thành nguồn ơn cứu độ của trần gian
Mẹ Maria cũng đi qua thánh giá đời mình để Mẹ được hưởng ơn cứu độ.
Và, mỗi chúng ta cũng không có con đường nào khác là con đường thánh giá. Nghĩa là chúng ta cũng phải cùng vác thập giá đời mình thì ta mới được cứu độ.
Kinh nghiệm nơi Mẹ Maria cho ta thấy rõ và ta thêm niềm tin vào Chúa. Với Mẹ, Mẹ có sầu nhưng không bi mà có bi nhưng cũng không sầu. Đơn giản là Mẹ xác tín vào tình thương và quyền năng của Thiên Chúa.
Phần ta, ta có tín thác và xác tín vào quyền năng của Thiên Chúa hay không ? Nếu như tinh tưởng và tín thác thì như Mẹ, những nỗi sầu có đến đời ta ta cũng không bi lụy và những nỗi bi lụy có đến đời ta, ta cũng không sầu.
Sầu bi, buồn chán, thất vọng đến với ta có khi do tự con người của ta. Chính vì đứng núi này trông núi nọ hay không cảm thấy đủ nên rồi ta sầu hay chán nản cùng bi quan đó thôi.
Thử một lần nào đó, ta tiếp cận (nói đúng hơn là ở gần hay ở với) với người nghèo, người đồng bào thiểu số ta sẽ có một chút nào đó cảm nghiệm về đời ta.
Ta sướng, ta may mắn, ta thành công, ta có nhiều sự trong đời để rồi có lúc nào đó ta mất hay ta không được như người khác ta sẽ cảm thấy chán chường, thất vọng và đau khổ. Khi ta ở với anh chị em đồng bào thiểu số, ta sẽ thấy rằng đời họ chả có gì để mất và nhà họ chả bao giờ biết khóa cửa là gì cả thì ta sẽ thấy bình an cho cái sự nghèo của họ.
Ta có nhiều cùa cải quá nên ta lo lắng nhiều. Nào là mua ổ khóa cho thật tốt, nào là gắn camera để quản lý cho thật chặt. Với người nghèo và người đồng bào, ta thấy họ thanh thản vô cùng với vật chất.
Phần ta, ta chạy vạy, ta lo toan, ta tính toán nhiều quá.
Rồi ngày qua ngày, ta cũng chết, người đồng bào cũng chết. Chuyện ta thấy rõ là cả 2 đều xuôi tay không mang theo thứ gì.
Những lần dự đám tang của người đồng bào, tôi thấy họ nhẹ nhàng và thanh thoát. Cũng xong một kiếp người. Nhất là có những người nghèo đến độ không có quan tài để đựng họ đề họ phải đi xin nhưng thấy sao họ bình an và thanh thản thế : cũng xong một kiếp người.
Ta, có khi ta thấy họ và ta nó : Ồ ! Tội nghiệp họ quá hen ! Thương người J’ rai (K’ Ho, E đê …) quá ha ! Nhưng thận trọng, ta phải nói tằng ta phải tội nghiệp ta vì ta quá nặng nề về vât chất và danh vọng để rồi ta không bình an như họ. Tưởng chừng họ khổ, họ không bình an nhưng kỳ thực họ bình an lắm.
Đời họ đơn giản không hơn thua trộm cắp gian xảo. Có điều do tiếp cận với văn hóa khác nên họ mới sinh ra những tệ nạn mà từ xưa trong làng họ không có.
Rõ ràng ta thấy họ đau khổ, họ không được cái này cái kia. Đó là cái nghĩ của ta. Phần họ, họ bình an. Bình an hay không là do suy nghĩ và tiêu chí sống của mỗi người. Mỗi người khi thấy đủ thì sẽ bình an và ngược lại.
Khổ đau sầu muộn trong đời ta cũng thế ! Ai ai mà không có khổ đau vì đời là bể khổ mà ! Thế nhưng đứng trước những khổ đau ta nhìn với lăng kính nào ? Nếu ta nhìn đời ta với những khổ đau với lăng kính đức tin như Mẹ Maria thì chắc chắn đời ta sẽ như Mẹ : sầu mà không bi – bi mà không sầu.
Sầu mà không bi – bi mà không sầu cũng do quyết định chọn lựa của mỗi chúng ta thôi.
Tin Chúa, bám vào Chúa thì ta sẽ nhẹ nhàng và thanh thoát với đời và vui vẻ bước đi trong đời với những chữ “Rồi” (Rồi sinh con trong hang đá, rồi trốn sang Ai Cập, rồi lạc mất con, rồi nhìn con chịu chết nhục nhã …) như Mẹ.
Đời ta cũng vậy, ngày mai (tương lai) cũng sẽ có bao nhiêu như “Rồi” nhưng ta mãi mãi bình an vì tin và tín thác đời ta cho Chúa.