LY HÔN
(Sau cơn mưa trời đã sáng )
– Tôi chán cuộc sống này lắm rồi! Thứ đàn ông vừa ăn bám vừa nghiện rượu như anh, tốt nhất là đừng lấy vợ. Ly hôn đi!
Choang!
Nó nghe tiếng ly bị đập vỡ rồi tiếng ba nó gầm lên:
– Vợ gì mà dữ như chằn tinh! Ly hôn thì ly hôn.
Còn nó ngồi ngoài cửa, ôm chặt con chó “Ki” vào lòng, nước mắt cứ thế tuôn ra như suối. Nó lẩm bẩm:
– Ki ơi! ba mẹ ly hôn thì tao với mày phải làm sao đây, rồi mày sẽ ở với ai?
Con Ki nhìn nó bằng cặp mắt hết sức hiền lành, chỉ biết dựa đầu vào cô chủ nhỏ để mong được che chở.
Tội nghiệp con bé, mới có 5 tuổi mà rất khôn, cái gì cũng biết. Người nó gầy gò, choắt lại. Cả khuôn mặt nhỏ bé chỉ thấy đôi mắt to mênh mông, lúc nào cũng buồn rười rượi. Ba nó nuôi con Ki từ khi nó chưa chào đời. Khi mẹ bế nó từ bệnh viện về và nói với Ki:
– Đây là bé Hân. Ki nhớ phải chăm bé nhé!
Ki không rời nó từ ngày ấy. Nó ngủ, Ki nằm phủ phục dưới đất canh chừng. Nó thức dậy ọ ẹ, Ki ngay lập tức phóng xuống bếp sủa, báo cho mẹ nó biết. Nó lẫy, nó bò, Ki háo hức động viên nó. Hai đứa gắn bó với nhau như hình với bóng, ngoài ba mẹ ra, Ki là bạn thân nhất của nó. Đi học lớp mẫu giáo về, có chuyện gì nó cũng kể cho Ki nghe. Nó nghĩ, Ki chỉ mỗi tội không biết nói, chứ nó nói điều gì Ki cũng hiểu hết. Bằng chứng là qua màn nước mắt nó thấy mắt Ki long lanh như đang khóc. Nó hỏi Ki:
– Tại sao ba mẹ không thương nhau như lúc trước?
Lúc trước là một năm trước. Khi đó ba đi làm công nhân, mẹ bán cơm tấm. Chiều về, ba chở nó và Ki đi chơi. Tối về, ba để Ki chơi với nó, rồi ra đầu ngõ phụ mẹ dọn quán. Khuya mẹ kêu mệt là ba bóp vai, đấm lưng cho mẹ. Ba thương hai mẹ con lắm mà. Đùng một cái, công ty nơi ba làm phá sản, giải thể vì dịch Covid, còn quán cơm tấm của mẹ càng ngày càng ế, đời sống khó khăn quá, ai cũng phải tiết kiệm. Cả năm trời, ba đi xin việc khắp các công ty nhưng không ai nhận. Mẹ gồng gánh cả nhà mệt quá nên sinh ra cáu bẳn. Từ sáng tới tối, gặp ba ở đâu là mẹ kể một đống những khoản chi tiêu trong nhà. Ba cũng thử chạy xe ôm, nhưng đứng cả ngày không có ai gọi. Ba buồn nản rồi đi uống rượu với bạn bè. Mẹ thấy thế tức quá, ngày nào cũng gây gổ.
Đang rối beng lên thì dì Ba em mẹ ở Mỹ về chơi, khoe sướng, khoe giàu, chê ba bất tài, vô dụng càng làm mẹ tức. Nó bắt đầu nghe thấy hai từ “Ly hôn” từ vài tháng trước và lờ mờ hiểu là rất xấu. Cứ mỗi khi ba mẹ cãi nhau mà nói ra hai từ đó là nó khóc òa lên rồi hét lớn:
– Không ly hôn! Không được ly hôn!
Có lần mẹ nó gọi điện thoại về quê kêu bà ngoại, bà nội lên phân xử. Nó nghe bà ngoại la mẹ nó:
– Lúc trước là đứa nào nói chỉ chịu thằng Tiến (tên ba nó). Có ai dí súng vào đầu bắt mày lấy nó đâu. Vợ chồng ăn đời ở kiếp với nhau chứ cứ hở ra một tí là đòi ly hôn.
Còn bà nội nói riêng với ba nó:
– Con vợ mày nó cực quá nên nó mới đông đổng thế. Mày là đàn ông ráng nhịn vợ cho êm cửa, ấm nhà. Quê mình năm nay đói lắm, người thất nghiệp về ngồi không đầy.
Lần này là lần đầu nó thấy ba nó đập bể ly. Bình thường ba nó hiền lắm, luôn luôn nhường nhịn mẹ nó. Nó nghĩ tình hình nhà nó không xong rồi. Nó nói với Ki:
– Ki ơi ba mẹ sắp ly hôn rồi, không ai cần hai chúng mình nữa. Hai đứa mình bỏ nhà đi thôi.
Nó vào nhà lấy dây xích quàng cổ cho Ki, rồi cứ thế mặc bộ đồ bộ, đi đôi dép nhựa, dong Ki ra đường. Ba mẹ nó đang mải gây gổ nên cũng không phát hiện ra sự vắng mặt của nó.
Trời về chiều, hai đứa loanh quanh trong công viên lớn ở cách xa nhà. Nó đói quá dắt Ki đến nhìn chằm chằm vào xe bánh mì. Bà bán bánh mì hỏi nhà nó ở đâu nó không nói, mắt ngấn nước. Bà thương tình cho một ổ, nó và Ki chia đôi. Cô bán nước bên cạnh thấy thế cho luôn chai nước. Hai đứa nó lại cùng nhau uống. Nó không biết trước mắt sẽ ra sao, nhưng có Ki bên cạnh là nó không sợ. Nó sợ nhất là phải chứng kiến những trận cãi cọ của ba mẹ nó. Thật ra ba nó hiền lắm, nhưng mẹ nó chửi dữ quá nên ba nó chịu không nổi. Mẹ nó đi bán cơm thì ba nó ở nhà chăm sóc nó chu đáo lắm, mấy tháng nay mẹ nó không cho nó đi học nữa vì không có tiền đóng. Ba nó vừa dạy nó học, vừa chơi đồ hàng với nó. Ba nó rất khéo tay, làm cho nó biết bao nhiêu đồ chơi.
Trời tối dần. Nó bắt đầu nhớ nhà, nhớ ba mẹ. Dắt Ki đi lang thang ngoài nắng nên nó bắt đầu hâm hấp sốt. Nó đến bên ghế đá ôm Ki nằm xuống bên cạnh rồi vừa khóc, vừa run lẩy bẩy. Ki nằm liếm mặt nó, liếm hết những giọt nước mắt cứ tuôn ra không ngừng. Đêm khuya có mấy chú dân phòng đi tới, thấy Ki sủa quá mới đưa hai đứa về trạm gác. Hỏi nhà nó ở đâu, nó trả lời rất rõ ràng vì ba nó đã dạy nó rất nhiều lần. Nó nhớ cả số điện thoại của Ba Mẹ nó. Các chú lấy số điện thoại gọi liền cho ba nó.
Lại nói đến chuyện của ba mẹ nó. Cãi nhau chán chê thì mẹ nó đi ra quán nướng thịt. Còn ba nó chuẩn bị nấu cơm chiều cho hai cha con ăn. Gọi “Hân ơi, Hân ơi ” không thấy trả lời, gọi tiếp “Ki Ki” cũng không thấy Ki lao về như mọi lần. Ba nó chạy ra đường, tới những chỗ hai đứa hay chơi đều không thấy. Bà Sáu bán thuốc lá đầu hẻm nói thấy nó dắt con Ki vừa đi vừa khóc. Ba nó giật mình chạy ra kêu mẹ nó, thế rồi hai vợ chồng chở nhau đi khắp nơi, ra các bến xe, đến đồn công an trình báo. Mẹ nó khóc ngất trên lưng ba nó, cứ “Hân ơi!, con ơi!” mà gào. Tới lúc nghe điện thoại của chú dân phòng, hai người như người chết đi, sống lại, vội vàng phóng tới. Đến nơi thấy nó lên cơn sốt cao, vừa ôm con Ki vừa lẩm bẩm “Đừng ly hôn! Ba mẹ đừng cãi nhau nữa!” Hai người nhìn nhau tràn ngập ân hận. Mẹ nó quỳ xuống bên cạnh nó vừa khóc, vừa ôm nó vào lòng.
– Ba mẹ đây con ơi! Ba mẹ không cãi nhau nữa, cũng không ly hôn nữa.
Mấy tháng sau, chú dân phòng có việc đi ngang qua đầu hẻm nhà nó, thấy ba nó đang nướng thịt thì hỏi:
Bà xã với con bé đâu rồi?
Mẹ nó từ xa đi tới, bụng đã nhô lên, con Ki chạy tung tăng theo sau.
Ba nó cười rõ tươi trả lời:
– Cháu đi học chưa về!