BẰNG CHỨNG TÌNH THƯƠNG
(THỨ NĂM TUẦN THÁNH)
Qua Lời Tổng Nguyện của Thánh Lễ Thứ Năm Tuần Thánh này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Trong Bữa Tiệc Ly trọng đại, trước ngày tự hiến thân chịu khổ hình, Ðức Giêsu đã trối cho Hội Thánh một hy lễ mới: muôn đời tồn tại, làm bằng chứng tình thương của Người. Chiều nay, chúng ta đến tham dự yến tiệc cực thánh, như lời Người truyền dạy, xin Chúa cho tất cả chúng ta được đầy tràn tình yêu và sức sống viên mãn của Người.
Bằng chứng tình thương mà Đức Giêsu đã để lại cho chúng ta là bài học vâng lời Chúa Cha cho đến cùng. Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thư gửi tín hữu Hípri cho thấy: Dầu là Con Thiên Chúa, Đức Kitô đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục, và Người đã trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người. Khi còn sống kiếp phàm nhân, Người đã lớn tiếng dâng lời nguyện xin và đã được nhậm lời, vì Người đã tôn kính Thiên Chúa.
Bằng chứng tình thương mà Đức Giêsu đã để lại cho chúng ta là hình ảnh Con Chiên chịu sát tế để cứu chúng ta khỏi chết và đưa chúng ta đến sự sống đời đời. Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, Đức Cha Mêliton đã nói: Chính Người là con chiên không kêu một tiếng, là con chiên bị giết, sinh ra từ chiên mẹ xinh đẹp là Đức Maria. Người là con chiên được lấy ra trong bầy để mang đi giết, bị sát tế vào buổi chiều, rồi ban đêm được mai táng. Trên thập giá, Người không bị đánh giập ống chân; dưới lòng đất, Người không bị tiêu tan. Người đã trỗi dậy từ trong kẻ chết và làm cho con người trong mồ sâu sống lại.
Bằng chứng tình thương mà Đức Giêsu đã để lại cho chúng ta là Tiệc Vượt Qua. Trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Xuất Hành đã ghi nhận lại những chỉ thị về Bữa Ăn Vượt Qua với lệnh truyền: Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng Đức Chúa. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này: đó là luật quy định cho đến muôn đời. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô cũng nhắc nhở: Mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 115, vịnh gia đã cho thấy: Khi nâng chén chúc tụng, ta được dự phần vào Máu Đức Kitô. Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ, vì mọi ơn lành Người đã ban cho? Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ, và kêu cầu thánh danh Đức Chúa.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em. Trong bài Tin Mừng, thánh Gioan đã cho thấy: Bài học yêu thương và phục vụ mà Đức Giêsu để lại cho các môn đệ của mình, qua trình thuật Rửa Chân. Thánh Gioan cố tình dùng chỉ 6 động từ (con số 6 là con số chưa trọn vẹn), để nhắc nhớ rằng: Thầy là Thầy, là Chúa, mà Thầy còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau, phải yêu thương phục vụ lẫn nhau, như Thầy đã nêu gương cho anh em, nhưng, gương yêu thương của Thầy chỉ được hoàn tất vào cuối bữa ăn này, với hành động thứ 7: là trao hiến chính Thịt Thầy, Máu Thầy cho anh em, và anh em phải làm việc này mà nhớ đến Thầy. Nhớ đến Thầy không phải là gợi nhớ về một nhân vật lịch sử, nhưng, chính là hiện thân hóa, để trở nên giống như Thầy: đổ máu mình ra để yêu thương và phục vụ. Ước gì khi chiêm ngắm biến cố Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ, chúng ta hãy để cho mình thật lắng đọng, chìm vào trong từng cử chỉ yêu thương của Chúa, và nhất là, với quyết tâm thực hành cho bằng được hành động cuối cùng của Chúa, là dám đổ máu mình ra để yêu thương và phục vụ như Chúa, hầu ơn cứu độ của Chúa được tỏa lan đến khắp mọi người và khắp mọi nơi. Ước gì được như thế! Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB