Phụng vụSuy niệm Chúa nhật

MÙA CHAY và CÁC BÀI TIN MỪNG CHÚA NHẬT

MÙA CHAY và CÁC BÀI TIN MỪNG CHÚA NHẬT

Bài Tin Mừng của Chúa Nhật I Mùa Chay cho thấy Đức Giêsu đã chiến thắng các cơn cám dỗ bằng chính việc vâng lời Chúa Cha, khi Người trích dẫn lời Thánh Kinh để đối lại những lời phỉnh gạt của Satan. Do đó, trong Chúa Nhật II Mùa Chay, qua Biến Cố Hiển Dung, Chúa Cha muốn chúng ta vâng nghe Con Yêu Dấu của Người. Vào thời kỳ đầu, Hội Thánh đã dùng ba bài Tin Mừng của các Chúa Nhật III, IV, V Mùa Chay năm A để dạy giáo lý khai tâm cho các dự tòng, tập trung vào ba nhân đức đối thần: Tin, Cậy, Mến, liên quan tới ba tài năng của linh hồn: lý trí, ý chí, và tình cảm. Chính vì thế, Hội Thánh đã khuyến khích chúng ta sử dụng ba bài Tin Mừng này cho cả ba năm: A, B, C.

Chúa Nhật III Mùa Chay Năm A, với bài Tin Mừng: Đức Giêsu gặp người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacóp, qua Lời Tổng Nguyện, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa đoái nhìn và trợ giúp, để bằng ý chí, và nỗ lực của mình, chúng ta cố gắng, quyết tâm thi hành ba việc: ăn chay, cầu nguyện và bố thí, để chữa lành vết thương tội lỗi, hầu có thể đạt được ơn cứu độ mà Chúa đã hứa ban, như trong “Kinh Cậy”, mà chúng ta vẫn thường hay đọc: vì công nghiệp Đức Chúa Giêsu, thì Chúa sẽ ban ơn cho con giữ đạo nên ở đời này, cho ngày sau được lên thiên đàng xem thấy mặt Đức Chúa Trời hưởng phúc đời đời, vì Chúa là đấng phép tắc và lòng lành vô cùng đã phán hứa sự ấy chẳng có lẽ nào sai được. Amen. Chúng ta phải dùng tài năng linh hồn mà Chúa ban là ý chí: để tập tành các nhân đức, nhằm, vươn tới Thiên Chúa là Đấng Toàn Thiện, trong khi trông chờ lời hứa cứu độ của Người. Cuộc đời ta cũng lấm lem, sa đi ngã lại trong tội lỗi như người phụ nữ Samaria, nếu ta không gặp được Đức Giêsu, người chồng thứ bảy, cũng là người chồng cuối cùng và duy nhất của ta.

Chúa Nhật IV Mùa Chay Năm A, với bài Tin Mừng: Đức Giêsu chữa người mù từ thuở mới sinh, qua Lời Tổng Nguyện, các nhà phụng vụ cho chúng ta thấy: Chúa đã sai Con Một giáng trần để thực hiện công trình kỳ diệu: là cho loài người được hòa giải với Chúa, và các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin cho mình có được: lòng tin sống động để hăm hở đón mừng Lễ Vượt Qua sắp tới, như trong “Kinh Tin”, mà chúng ta vẫn thường hay đọc: Con lại tin thật Đức Chúa Trời có Ba Ngôi, mà Ngôi Thứ Hai đã xuống thế làm Người, chịu nạn chịu chết mà chuộc tội cho thiên hạ. Bấy nhiêu điều ấy cùng các điều Hội Thánh dạy thì con tin vững vàng, vì Chúa là Đấng thông minh và chân thật vô cùng đã phán truyền cho Hội Thánh. Amen. Chúng ta phải dùng tài năng linh hồn mà Chúa ban là lý trí, cùng với ánh sáng đức tin để hướng lên Thiên Chúa, Đấng Toàn Chân: là chân lý, là sự thật, và thông minh vô cùng.

Chúa Nhật V Mùa Chay Năm A, với bài Tin Mừng: Đức Giêsu hoàn sinh cho Ladarô, qua Lời Tổng Nguyện, các nhà phụng vụ cho chúng ta thấy: vì yêu thương nhân loại, Ðức Giêsu Kitô đã hiến thân chịu khổ hình, và các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin cho mình được: ơn trợ giúp, để biết noi gương Đức Giêsu, mà tận tình yêu thương anh chị em, như trong “Kinh Mến”, chúng ta vẫn thường hay đọc: lạy  Chúa, thì con thương yêu người ta như mình con vậy. Amen. Để có thể yêu mến Chúa và anh chị em mình, chúng ta phải sử dụng tài năng linh hồn mà Chúa ban, đó là tình cảm. Các bài đọc của Chúa Nhật V Mùa Chay Năm A nói về “Thần Khí”, và “Sự Sống”, vậy mà các nhà phụng vụ lại muốn chúng ta xin cho mình biết “yêu thương”. Thông thường, khi nói tới Thánh Thần, tới Thần Khí, chúng ta thường nghĩ ngay tới ơn soi sáng, để: chúng ta biết việc phải làm, cùng những trợ giúp, để: chúng ta hoàn thành các công việc. Tuy nhiên, tác động của Thánh Thần, của Thần Khí trước hết, trên hết và thiết yếu hơn hết, đó chính là tình yêu, lòng mến, bởi vì, căn tính của Thánh Thần, của Thần Khí là tình yêu: Chúa Cha là người yêu, Chúa Con là người được yêu, và Chúa Thánh Thần là tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con. Chúng ta thường thích cậy nhờ Thánh Thần để “biết”, hơn là để “yêu”, bởi vì, “biết” sẽ mang lại cho chúng ta sức mạnh, quyền lực, và ở vị trí của người được phục vụ, còn “yêu” sẽ làm cho chúng ta bị yếu thế, phải nhún nhường, phải đứng vào chỗ rốt hết để phục vụ: như chính Đức Giêsu đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.

Đời sống Kitô hữu là bước theo Đức Kitô (sequela Christi), bắt chước Đức Kitô (imitatio Christi), để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Các bài Tin Mừng của các Chúa Nhật Mùa Chay giúp chúng ta quy hướng về Đức Kitô mẫu gương: hiền lành, khiêm nhường và vâng phục. Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Lễ Lá, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin cho mình ơn: noi gương khiêm nhường của Đức Giêsu trong Cuộc Thương Khó, để được thông phần vinh quang phục sinh với Người. Thay vì trải áo, trải lá, chúng ta hãy trải lòng khiêm nhường, trí khiêm hạ và hoàn toàn khoét rỗng chính mình, để dọn đường: nghênh đón Đức Giêsu đi vào tận sâu thẳm tâm hồn chúng ta. Chúng ta hãy cởi bỏ những chiếc áo, đính đầy những quyến luyến lệch lạc của thú vui trần thế, để mặc lấy Đức Kitô, Đấng đã chấp nhận bị lột trần trụi trên thập giá, để che đậy sự tủi hổ do tội lỗi đã gây ra cho chúng ta.

Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!