Các xứ đạo miền quê trước cơn sốt “xuất khẩu lao động”!
Những năm gần đây, một trong những vấn nạn nhức nhối, xảy ra cách đặc biệt tại các xứ đạo quê miền Trung và miền Bắc, là hiện tượng những người trẻ, đã lập gia đình hoặc chưa, bỏ một số tiền không nhỏ, để được đi xuất khẩu lao động tại các thị trường lao động quen thuộc như Đài Loan, Nhật, Hàn, Úc, Canada…
Ngoài những lợi ích về kinh tế như tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình… hiện tượng xuất khẩu lao động cách ồ ạt tại các vùng quê Công giáo đã làm biến dạng không chỉ đời sống hôn nhân gia đình mà còn đe dọa tương lai của những đứa trẻ.
Tôi đã bặt tin chồng…
“Khoảng một năm nay tôi đã bặt tin chồng?” Đó là tâm sự của một giáo dân có chồng đi xuất khẩu lao động. Chị cho biết, sau khoảng hai năm đầu, ngày nào chồng cũng liên lạc về. Sau đó, các cuộc điện thoại thưa dần và gần một năm nay thì ngưng hản, để lại cho chị một gánh nợ nần và đàn con nheo nhóc.
Con không còn đến lớp…
Tại quê nhà, không kể các gia đình cả vợ lẫn chồng đi xuất khẩu lao động để lại những đứa trẻ cho ông bà nuôi, do tuổi già không thể giám sát được việc học giáo lý, học văn hóa của các cháu, nhiều thanh thiếu niên tại các xứ đạo coi việc đi xuất khẩu lao động là lý tưởng và là con đường tất yếu, nên cũng chểnh mảng việc học hành.
Trong thực tế, chứng kiến những ngôi nhà to lớn, bề thế được gia đình xây lên từ tiền do các đàn anh, đàn chị đi xuất khẩu gửi về, là cơn cám dỗ không gì cưỡng được đối với những bạn trẻ nông thôn tại các xóm đạo.
Ngoài ra, tình trạng thất nghiệp sau khi học đại học, nhiều người tốt nghiệp đại học nhưng phải làm việc trái nghề, làm cho các em thất vọng và coi xuất khẩu lao động là lý tưởng. Điều đáng nói, tại nhiều xứ đạo ở miền Trung, các em và cả các gia đình đều quan niệm, chỉ những người giỏi giang, sau này đi tu mới học lên đại học. Vì thế, nhiều em bỏ học sớm hoặc học cho xong Phổ thông Trung học để đủ tuổi được đi xuất khẩu lao động. Do không có động lực học hành, các em thường lêu lổng, tụ tập chơi bời, phát sinh nhiều tệ nạn tiêu cực ảnh hưởng tới bầu khí sống đạo.
Còn đó những nỗi lo
Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khủng hoảng, nghề nông không thể bảo đảm cuộc sống gia đình, nạn thất nghiệp ngày càng gia tăng như hiện nay, thì “xuất khẩu lao động” vẫn là giải pháp tốt nhất đối với một đại bộ phận dân chúng tại các vùng nông thôn, cách riêng tại các xứ đạo Công giáo.
Vấn đề là, đứng trước tình trạng “xuất khẩu lao động” chưa từng giảm và sẽ còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, các gia đình và giáo xứ phải làm gì, để “cơn sốt xuất khẩu” không ảnh hưởng tới đời sống hôn nhân gia đình, không gây xáo trộn tâm lý của những đứa trẻ, cũng như những sinh hoạt của giáo xứ?
Các gia đình và xứ đạo phải chuẩn bị gì để giúp những anh chị em giáo dân sắp lên đường có đầy đủ hành trang trước khi họ lên đường “bán sức lao động” nơi xứ người?
Những câu hỏi thật không dễ trả lời!
lạng trên mụm