ĂN CHÁO ĐÁ BÁT
Con người chính là sinh vật khó hiểu nhất thế gian. Họ được ăn học đầy đủ, được chỉ dạy tận tình nhưng lại làm ra nhiều chuyện không phù hợp với đạo lý. Người tốt thì không nói chứ kẻ xấu có mặt ở khắp mọi nơi. Thể loại “vong ân bội nghĩa”, “lừa thầy phản bạn” hay “ăn cháo đá bát” là những người vô cùng đáng sợ mà chúng ta tốt nhất hãy tránh xa.
Ăn cháo đá bát có nghĩa là gì?
Một câu thành ngữ ngắn gọn nhưng cũng không kém phần hàm súc. Ăn cháo xong rồi lại sẵn sàng đá cái bát đi. Giống như con người, nhận được sự giúp đỡ và đáp trả bằng lòng phản bội. Tại sao lại là cháo? Tại sao người xưa lại mượn hình ảnh một bát cháo để so sánh với việc phản trắc của người đời?
Chúng ta biết rằng, cháo là lương thực rất dễ nuốt và ít tốn gạo nhất nên thường được dùng để chăm sóc người bệnh hay giúp đỡ người nghèo qua cơn đói. Thấy lỏng lẻo là vậy nhưng đối với người đang cần thì cũng xem là đáng quý rồi. Ông bà ta dạy “Một miếng khi đói bằng một gói khi no mà”
Vậy mới thấy, một bát cháo cho đi không chỉ đơn thuần là một bát cháo bình thường. Nó còn chứa đựng tấm lòng và tình cảm của người cho gửi vào trong đó với sự nâng niu và che chở. Thế nhưng, kẻ nhận lấy ân tình kia sau khi no nê và đạt được mục đích đã đan tâm đá văng chiếc bát. Thế thì còn lại gì để nói nữa, lòng dạ con người chỉ có đến mức đó thôi sao.
Ăn cháo đá bát có nghĩa là gì? Nó là câu thành ngữ phê phán những kẻ vong ơn bạc nghĩa với những người đã từng giúp mình vượt qua khó khăn hoạn nạn. Nhưng khi người giúp mình gặp khó khăn những kẻ đó lại ngoảnh mặt đi, thậm chí còn hãm hại ân nhân của mình. Những kẻ đó đã phản với lời dăn dạy uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây.
Những kẻ “Ăn cháo đá bát” mãi mãi cũng không hiểu được giá trị của lòng biết ơn. Có lẽ, họ chỉ biết ngồi đó nhận lấy ân huệ và ích kỷ giành mọi lợi ích cho bản thân mình. Bởi mới nói, giúp đỡ người khác là tốt nhưng nếu lỡ giúp nhầm người thì cũng thật là khổ.
Ăn cháo đá bát trái với nguyên tắc làm người, trái với đạo lý truyền thống của dân tộc ta.