Góc tư vấn

Chúa nhạy cảm với trái tim, chứ không với lý trí

Portrait d'un homme contrarié : épisode 1/4 du podcast Blaise Pascal, vers  l'infini et au-delà

Sinh ra cách đây 400 năm, nhà triết học và toán học Blaise Pascal vẫn còn nhiều điều để nói với chúng ta, kể cả về đức tin. Chúng ta lắng nghe tác giả Jean de Saint-Cheron nói về triết gia Pascal, ông đã viết một quyển sách bình luận về thiên tài kitô giáo này.

 

 

Theo Pascal, khi “trái tim cảm nhận Chúa” thì nó sẽ như thế nào?

Jean de Saint-Cheron: Đó là cách kiến thức có thể gần với trực giác. Trái tim? Đó là cơ quan, cũng là nơi của ý chí, nhờ đó chúng ta biết, không cần bằng chứng khoa học, nhưng chắc chắn một số nguyên tắc đầu tiên, chẳng hạn như thực tế là có không gian, thời gian hoặc có chuyển động. Nhờ ân sủng của ngài, Thiên Chúa có thể chạm đến trái tim này, ban cho ai muốn tin vào Người xác tín của đức tin và hạnh phúc. “Đó chính là đức tin. Chúa nhạy cảm với trái tim, chứ không với lý trí,” ông viết trong quyển sách Tư tưởng của ông. Và mầu nhiệm của ân sủng là Thiên Chúa ban cho ai Ngài muốn.

Con người có thể tự dàn xếp không?

Tin thì vô cùng vượt quá những gì chúng ta có thể làm được bằng sức riêng của mình: đó là siêu nhiên. Đức tin là ơn nhưng không của Chúa. Nhưng con người có thể đặt lý trí và trái tim của mình vào những khuynh hướng đúng đắn để đón nhận một cách tự do đức tin mà chỉ Thiên Chúa mới có thể ban: Thiên Chúa ẩn mình “sẽ chỉ được nhìn thấy cho những ai hết lòng tìm kiếm Ngài”, triết gia Pascal lưu ý.

Hơn nữa, sự trở lại của ông ở vào thời điểm mà ông muốn trở lại, có nghĩa là khi kỷ cương của ông thích ứng với Phúc âm. Sự trở lại của ông là kết quả của một cuộc tìm kiếm nội tâm sâu đậm và quyết định thay đổi cuộc đời mình dưới ảnh hưởng đặc biệt của người chị là nữ tu Jacqueline ở Port-Royal-des-Champs. Được khơi ngộ từ “đêm lửa”, ông muốn đánh động trái tim những người theo chủ nghĩa tự do ở thế kỷ 17, họ từ chối tin vào Chúa, họ đặt “tự do” cá nhân của mình trên tất cả.

Ông làm như thế nào?

Ông nói với người theo chủ nghĩa tự do, bạn có thể tin vào Chúa nếu bạn loại ra khỏi trái tim những gì ngăn chận bạn nhận ân sủng của Chúa. Và những trở ngại đầu tiên cần loại bỏ là gì, là những đam mê ích kỷ. Bằng cách nào, bằng cách thuần hóa chúng, bằng cách cự lại chúng. Nhưng một số trái tim quá chai cứng để lắng nghe bất cứ điều gì của Mạc khải hoặc một khoa nhân loại học cao cả cho thấy.

Để lay chuyển những người theo chủ nghĩa tự do, những người kiên định với quan điểm cứng nhắc như đinh đóng cột, “hai với hai là bốn” của họ, nhưng thực sự họ lại đánh mất chính họ trong hưởng thụ và giải trí, Pascal đưa ra lập luận “đặt cược”. Bạn chỉ tin vào những con số? Đừng lo, tôi sẽ chứng minh. Một cách nào đó, ông đặt mình ở ngang tầm mức của người đối thoại. Và ông, người sáng lập lý thuyết xác suất trong toán học cho thấy việc đứng về phía vĩnh cửu sẽ hợp lý và sáng suốt hơn nhiều. 

Nhưng một lập luận toán học như vậy chưa bao giờ làm ai trở lại!

Đúng vậy, và Pascal biết rõ điều này! Ông biết đức tin không phải là một tính toán vị lợi, mà đức tin cho thấy tình yêu – đó là tương quan của một tình yêu tự nguyện giữa Thiên Chúa và con người. Bằng cách tưởng tượng ra một lập luận về vụ đặt cược này, ông chỉ có ý định thu hút sự chú ý của người chưa tin, khêu gợi sự tò mò của họ và làm cho họ đi ra khỏi trạng thái thờ ơ. Nhưng đó là phần thứ hai của đoạn “không có gì vô tận” mà đặt cược này đưa ra, đó là phần quan trọng nhất trong thực tế. Nó tương ứng với diễn từ của “máy”.

Máy là tập hợp các thói quen và bản năng làm chúng ta đôi khi hành động mà không suy nghĩ, giống như một cỗ máy tự động có khả năng tự vận động. Và cơ thể đóng vai trò cơ bản ở đây. Các chuyển động của cơ thể có thể làm tâm trí chúng ta chuyển động. Vì thế Pascal mời những người theo chủ nghĩa tự do làm những hành vi của người thành tín: quỳ gối, như thế sẽ làm cho họ khiêm tốn tin. Chính Pascal đã có hành động khiêm tốn này trước “Đêm lửa”.

Điều gì đã xảy ra trong đêm nổi tiếng này?

Chính xác chỉ khi nào lên thiên đàng chúng ta mới biết. Nhưng có một điều chắc chắn: chúng ta sẽ hiểu lầm Pascal, một trong những bộ óc duy lý lỗi lạc nhất lịch sử, nếu nghi ngờ ông theo chủ nghĩa duy thần, mê tín dị đoan hay chủ nghĩa duy cảm. “Cảm giác” làm cho ông khóc vì sung sướng vào buổi tối 23 tháng 11 năm 1654 không phải do một sức thổi thần bí lớn.

Đó không phải là một cái gì chớp nhoáng, nhưng là xác tín nội tâm, đó là gặp được “một Thiên Chúa duy nhất có thật”, Thiên Chúa của Israel, Chúa Giêsu Kitô, không phải là Chúa của “các triết gia và các nhà thông thái”, nghĩa là những người kiêu ngạo hoặc những người theo thuyết hữu thần. Ông ghi lại trên một tờ giấy ký ức về đêm này, ông giữ cho đến khi qua đời trong lớp lót chiếc áo trong (bài Ký ức, Mémorial nổi tiếng), Pascal ghi nhận một khám phá không chỉ liên quan đến “thứ trật của tri thức”, nghĩa là chỉ có lý trí (không giúp để nhận biết Chúa thực sự, vì quá rộng lớn và quá ẩn giấu với lý trí), nhưng theo “thứ trật của trái tim”.

Sự hiểu biết về “một Chúa duy nhất có thật” đồng nghĩa với “sự sống đời đời” (theo lời của Chúa Giêsu mà Pascal ghi trong Ký ức của ông) có được nhờ ân sủng. Trí tuệ ngộ ra của Đêm lửa là lý trí khiêm tốn nhận ra có một thứ trật tri thức siêu việt và soi sáng mà không mâu thuẫn với nó.

Vì thế đây có phải là một trải nghiệm trí tuệ hơn là trải nghiệm tâm linh không?

Nhưng cũng không nên phủ nhận Ký ức mang một tầm thiêng liêng sâu đậm. Phần lớn nó bao gồm các câu trích dẫn trong Kinh thánh và liên quan đến lời cầu nguyện: “Chúa Giêsu Kitô… xin cho con đừng bao giờ xa cách Ngài.” Pascal chỉ sợ một điều: bị xa Chúa, Đấng yêu thương ông và cứu ông. Nhưng nếu ông xúc động đến phát khóc vì sung sướng, thì vì đêm hôm đó là đỉnh cao của hành trình phiêu lưu trí tuệ của ông.

Thị kiến thần nghiệm đã biến đổi Blaise Pascal

Đêm hôm đó, trí thông minh của ông thấy mọi thứ rõ ràng và nhất quán, từ nỗi thống khổ của con người tội lỗi với những mâu thuẫn của nó, đến sự cao cả của linh hồn, khả năng của Thiên Chúa. Vì thế ông hiểu khát vọng của con người về chân lý và hạnh phúc không phải là hão, như thế không thể có được nhờ sức riêng của mình.

Marta An Nguyễn dịch

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!