Vụ cái cây và những bình luận xung quanh nó để lại trong tôi nhiều suy nghĩ. Trong đó có bài viết của cha Đông ở Tây Nguyên. Qua bài viết đơn sơ và tình cảm đó, tôi thấy quý mến và kính trọng sự đơn sơ và hy sinh của các cha cho vùng đất của anh em người sắc tộc.
Nhưng những suy nghĩ về giáo lý vẫn còn đó. Tin những hình dạng có nguồn gốc không rõ ràng trên cái cây là Chúa, cầu nguyện với lòng tin hình dạng trên cái cây đó sẽ ban phước lành, thì có đúng không?
Chợt nhớ về 3 nguyên tắc suy xét mà trước đây tôi từng được học:
– Suy xét duy tình
– Suy xét duy lý
– Suy xét vị lợi
Con người luôn dễ dàng đứng trên lập trường suy xét này để phê phán lập trường suy xét khác.
Trong vụ việc cái cây này, tôi có lập trường duy lý. Giáo lý Công giáo vô cùng rõ ràng và thận trọng trong việc công nhận một điều gì là siêu nhiên. Và chỉ có Đức Thánh Cha – người đứng đầu giáo hội Công giáo hoàn vũ mới đủ thẩm quyền tuyên bố một tín điều mới cho tín hữu. Không có vị linh mục hay vị giám mục Công giáo nào trên thế giới được phép tuyên bố tín điều mới cho tín hữu ngoài ngài. (Điều này gần như là điểm khác biệt cốt yếu giữa Công giáo với nhiều hệ phái Tin Lành – khi các mục sư có thể tự ý tuyên bố mình nhận được một mạc khải mới trực tiếp từ Chúa và đem ra giảng dạy.)
Như vụ cái cây, tất cả tín hữu Công giáo không có nhiệm vụ phải tin. Đây thuần tuý là một lựa chọn cá nhân, trước khi có một sắc chỉ từ Toà Thánh hay Đức Thánh Cha tuyên bố công nhận, mà chắc chắn là chuyện này sẽ chẳng bao giờ xảy ra, vì hiện tượng thiên nhiên cây cối có chỗ giống hình người xảy ra khá nhiều trên khắp trái đất này.
Tôi lựa chọn duy lý, không tin, coi đây là một hiện tượng thiên nhiên bình thường. Tôi nhìn thấy những người tìm ơn phước nơi gốc cây đó hoàn toàn giống những người đi tới cầu phúc với cái gò mối hay cục đá – vốn xảy ra rất nhiều trong những năm qua. Tôi thấy buồn vì người ta bơ vơ trong đời sống tin thần và ngả lòng theo những hiện tượng tự nhiên, vốn nay vầy mai khác, bất định và dễ thao túng bởi con người. Tôi nhận thấy việc này sẽ làm cho con người ta càng ngày càng bơ vơ và phụ thuộc vào những hiện tượng thiên nhiên nhiều hơn. Cái cây này nếu ít hôm nắng mưa làm nó bạc màu hay biến đổi, chỗ mà từng là “gương mặt Chúa” đó thay đổi có nanh có sừng, nhìn thấy khủng khiếp ghê sợ, thì ăn làm sao nói làm sao? Cưa bỏ hay là biện hộ lẽ gì khác?
Tôi tôn trọng lập trường của những người duy tình khi họ nhìn thấy những con người đau khổ và không nỡ tạt gáo nước lạnh vào nỗi cậy trông nhỏ bé nơi cái gốc cây, nỗ lực liên kết và diễn giải sự kiện theo hướng hoà hoãn. Rồi mai đây chỗ bụi tre gốc chuối gò mối mô đất nào hiện ra hình người này nọ, không lẽ cũng “tôn kính” mấy thứ đó, đâu là điểm dừng?
Tôi phản đối lập trường của người suy xét vị lợi (dù là lợi ích cộng đồng), ví dụ: “không cần biết đúng hay sai, miễn người ta vì thế mà tới đông, giúp giáo xứ phát triển…”. Việc này cũng chẳng khác chi mấy ông sơn đông mãi võ!
Tất nhiên đây chỉ là suy nghĩ cá nhân và lập trường cá nhân của tôi. Mỗi người sẽ có một cách tiếp cận vấn đề riêng. Trước việc này, anh em thấy duy lý, duy tình hay vị lợi thì đúng đây?
Hải Lê