Tâm tình độc giả

SỰ NHẪN TÂM.

Chị bạn tôi có cậu con cả đẹp trai, hiền lành, vâng lời cha mẹ. Từ khi sinh ra, thằng bé đã rất kháu khỉnh, lại là đứa cháu đầu lòng của cả họ nên ai cũng quý.
Nghe nói, ông ngoại sau khi ngắm kỹ gương mặt cháu thì thở dài, bà ngoại thấy vậy liền gặng hỏi. Ngần ngừ mãi, ông mới nói: “Trên mặt thằng bé có nét tướng cho thấy nó có thể là người nhẫn tâm.”
Rồi câu chuyện cũng được bà ngoại rỉ tai con gái, nghe xong, người mẹ trong bụng không vui nhưng không nói gì. Chị nghĩ một đứa trẻ khôi ngô, ngoan ngoãn thế này sao lại nhẫn tâm được? Thậm chí chị còn giận bố mình nhiều năm liền, cho rằng ông cổ hủ, mê tín và lẩm cẩm.
Gần 30 năm sau, chị ấy – nay đã lần lượt lên chức mẹ chồng rồi bà nội – bỗng gọi điện cho tôi, nghẹn ngào bảo:
“Cô ơi, ông cụ nhà tôi ngày xưa nói đúng quá!”
Thì ra cậu con trai mà chị luôn tự hào vừa mắng mẹ trước mặt vợ nó, khiến chị không còn đủ uy tín chỉ dạy con dâu nữa. Sau đó, nó theo vợ ra ở riêng. Cô vợ này ngăn cấm ông bà nội gặp cháu, thằng chồng cũng ậm ừ, báo hại mẹ già nhớ cháu đến hao gầy.
Cứ ngỡ nó “đội vợ lên đầu”, ai dè ra riêng thì cô vợ phải gánh việc gia đình đến gãy vai, còn nó đi làm về chỉ biết nằm ườn bấm điện thoại. Hồi độc thân, rõ ràng thằng bé biết làm việc nhà, vậy mà từ ngày lấy vợ cứ ì ra.
Cái tính “ngoan ngoãn” hồi nhỏ của thằng bé đã biến tướng thành sự lười nhác, an phận quá đà khi trưởng thành. Mặc dù có đầy đủ kỹ năng làm việc nhà cơ bản, nó nhất quyết không động tay vào việc gì chừng nào còn có người làm hộ.
Chị bạn tôi kể rằng lúc con trai học mẫu giáo, chị từng dặn:
“Con ngoan, ngồi yên nhé, đừng làm gì cho mẹ rảnh tay dọn dẹp nhà nhé”.
Ngờ đâu lớn lên nó… không làm gì thật! Không làm việc nhà đỡ đần vợ, không chịu khó kiếm tiền lo cho gia đình, càng không chăm con.
Nhớ lại quãng thời gian vợ chồng con trai còn ở chung với mình, chị thấy ông bố trẻ cũng chỉ thích bấm điện thoại, để kệ con nhỏ cho ông bà nội trông, bất chấp ông bà phải nghỉ ngơi ăn uống.
Chị ngộ ra rằng “nhẫn tâm” không chỉ là độc ác, tàn bạo, nó còn là thái độ vô tình, hời hợt, “sống chết mặc bay”. Con trai chị tuy không trở thành kẻ đại ác, bạo hành cha mẹ hoặc đánh đập vợ con, nhưng chính sự thờ ơ đã đủ nhẫn tâm rồi.
Quả thật mỗi khi nhắc đến từ “nhẫn tâm”, người ta thường liên tưởng đến những hành vi dã man, vô nhân tính như sát nhân, bạo hành, tra tấn,… Tuy nhiên, theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngoài các hành động xâm hại thể chất, tinh thần và bạo lực tình dục, thì sự bỏ bê cũng là một hình thức bạo hành.
Với con trẻ, hình thức bạo hành bỏ bê có thể là không được cho ăn uống thường xuyên, không được đi học, không được dạy dỗ yêu thương, có bệnh không được chữa trị, hoặc bị mặc kệ cho “muốn làm gì thì làm”.
Với người lớn, sự bỏ bê thể hiện ở chuyện con cái mặc kệ cha mẹ già sống cô đơn, vợ chồng vô tâm với bạn đời mà chỉ lo cho lợi ích bản thân. Một người có thể không đánh đập, chửi mắng cha mẹ/ vợ chồng/ con cái mình, nhưng nếu người đó bơ đi, mặc kệ người thân “tự sinh tự diệt”, không quan tâm giúp đỡ thì kẻ đó đang “bạo hành” và đối xử nhẫn tâm với gia đình mình.
Một số người vợ vớ phải ông chồng vô tâm, dẫu chán chường vẫn tự an ủi: “Thôi thì ổng cũng không rượu chè, gái gú hay vũ phu”. Họ cứ vuốt ve nỗi đau của mình như thế mãi mà chẳng hay biết sự vô tâm đã là một hình thức bạo hành.
Lang thang trên mạng, tôi đọc được câu:
“Cái lạnh nhất không phải là cơn gió khi trời sang đông, mà là sự vô tâm của một người mà bạn xem như tất cả.”
Vô tâm và nhẫn tâm chỉ cách nhau một sợi chỉ mỏng. Nếu chửi rủa, đánh đập mang đến nỗi đau bỏng rát như lửa thì sự vô tâm, bỏ bê lại làm người ta thấy lạnh như băng. Cái lạnh ấy dập tắt dần hạnh phúc trong tình yêu, hôn nhân và khiến người bị bỏ rơi ngày càng héo mòn, mệt mỏi.
Vì vậy, đừng bao giờ coi nhẹ sự vô tâm trong tình cảm, đặc biệt là tình yêu đôi lứa và tình gia đình.
“Yêu” không chỉ là danh từ mà còn là động từ. Nếu yêu nhưng không chịu bày tỏ bằng hành động, đó không phải tình yêu chân thật.
LH

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!