Góc tư vấn

CHUYỆN CỦA NHỮNG “TẬT XẤU” MÀ TA BIẾT RÕ LÀ KHÔNG TỐT, NHƯNG BỎ MÃI KHÔNG ĐƯỢC

CHUYỆN CỦA NHỮNG “TẬT XẤU” MÀ TA BIẾT RÕ LÀ KHÔNG TỐT, NHƯNG BỎ MÃI KHÔNG ĐƯỢC

Có khi nào các bạn tự hỏi: Có những thói quen, những cái tật mà ta biết rõ là không tốt, biết là sai, nhưng bỏ hoài không được không? Chắc hẳn không ít người trong chúng ta đã từng trải qua cảm giác này, đúng không ạ?

Có những thắc mắc : “Em đã thực hiện thử thách Dopamine Detox rất nhiều lần nhưng vẫn thất bại. Sau đó, em có chia nhỏ ra để thực hiện trong vòng 14 ngày nhưng vẫn không thành công. Em vẫn bị cuốn vào lối sống cũ. Em bỏ Facebook được một tuần, rồi tới lúc cho phép mình sử dụng lại thì em vẫn không kiểm soát được mà chơi quá đà. Đến bây giờ thì em vẫn chưa thay đổi được gì rõ ràng trong cuộc sống. Hiện tại, em là sinh viên năm ba ngành Quản trị kinh doanh. Em không thể cân bằng được việc học và việc đi làm thêm. Em cũng mông lung với con đường mình chọn, không có định hướng gì khi ra trường. Làm sao để biết mình thật sự muốn gì và đam mê gì? Đây là những vấn đề em đang gặp phải trong giai đoạn này. Rất mong được anh Trí gỡ rối!”.

Thật sự không phải chỉ một mình bạn ấy bị. Ai trong chúng ta cũng đều từng luẩn quẩn và loay hoay với những vấn đề kiểu này. Tuổi nào cũng có những vấn đề và những “cái tật” riêng của họ. Ngay cả bản thân tôi ngày hôm nay cũng bị cái kiểu là biết xấu, biết sai đấy mà bỏ hoài không được.

Bởi vì một sự thật mà Victor Frankl, một nhà tâm lý học lỗi lạc, đã từng nói: “Khi con người không tìm thấy ý nghĩa sâu sắc trong cuộc sống, họ sẽ tự tìm cách đánh lạc hướng mình bằng những khoái lạc.”

Tôi nghĩ đây là một quan sát vô cùng sâu sắc mà ông ta đã ngộ ra được trong những năm tháng sống trong trại tập trung của Đức Quốc Xã. Thật sự là vậy! Hơn 20 năm làm việc, hướng dẫn và tư vấn cho hàng trăm ngàn học viên và khách hàng của mình, tôi càng ngày càng ý thức rõ nét về bản chất đặc biệt này của con người. Sự khác biệt lớn nhất trong quá trình tiến hóa đã tạo ra một đặc điểm rất riêng biệt của Homo Sapiens (loài người) so với hầu hết tất cả những loài sinh vật khác.

Đó là, bên cạnh hai nhu cầu rất bản năng của sinh vật là nhu cầu sinh tồnduy trì nòi giống, thì sâu thẳm bên trong con người chúng ta còn có một nhu cầu rất mãnh liệt, đó là nhu cầu được sống một đời sống có ý nghĩa, được theo đuổi và đấu tranh cho một điều gì đó rất đẹp đẽ và rất quan trọng với riêng bản thân mình. Và khi cái nhu cầu thứ ba đó không được đáp ứng, rơi vào sự thất vọng và trống rỗng, loài người sẽ thả trôi mình vào những vòng xoáy của những khoái lạc ngắn ngủi và tức thời.

Tôi không biết là có ai trong các bạn đã từng trải qua cảm giác giống vậy chưa? Mấy cái tật đơn giản thường ngày như là lướt TikTok, thức khuya, hút thuốc, uống rượu, chơi game, kiểu mình biết xấu, mình biết là nó có hại cho sức khỏe đấy, nhưng mình bỏ hoài không được. Hoặc là mình cũng bỏ được đấy chứ, nhưng được một lúc thôi xong rồi sau đó lại “bốc lên” lại đúng không? Và nếu có, thì cái tật xấu mà các bạn rất muốn bỏ mà bỏ không đặng đó là cái gì?

Tôi chẳng biết là ngày hôm nay có gỡ rối được triệt để hơn cho các bạn hay là cho bạn học viên này hay không. Nhưng trước mắt, tôi xin được phân tích sâu hơn để chúng ta cùng nhau hiểu được bản chất của hành vi loay hoay và bế tắc này. Và từ đó, có khi chúng ta sẽ nhìn ra một cách tiếp cận mới mẻ, toàn diện và hiệu quả hơn để chuyển hóa được những thói quen và hành vi trong cuộc sống của mình. Mọi người đã sẵn sàng chưa? Let’s go!

PHÂN TÍCH HÀNH VI “LOAY HOAY VÀ BẾ TẮC”

Đầu tiên, nếu mọi người không ngại, các bạn có thể chia sẻ trong phần bình luận ở bên dưới đó là những cái tật xấu của các bạn mà chưa bỏ được là cái gì. Bởi vì, nói thật, từ nhỏ đến lớn, những cái tật xấu đã từng gây cho tôi rất nhiều phiền toái bao gồm: mê chơi điện tử, mê chơi game trên máy tính (PC), rồi game online, rồi cày phim, coi phim không lành mạnh. Sau này thì có một giai đoạn là mê nhậu, mê quần áo, cà vạt, rồi mê dây nịt. Gần đây, tôi cũng bị mê lướt mấy cái video ngắn trên mạng xã hội. Có hôm bận việc muốn “lòi con mắt ra” luôn đấy, mà mình vẫn ngồi đó mình lướt mấy cái video cả tiếng đồng hồ luôn!

Đấy, bản thân tôi cũng có sự yếu đuối, cũng có những sự vô minh của mình. Cũng có những lầm lỗi đấy thôi. Còn các bạn thì sao? Đề nghị thành thật “khai báo với chính quyền địa phương” nhé! Để chúng ta nhận diện và tìm cách điều chỉnh. Ok.

Vâng. Ngày trước, tôi cũng đã tìm hiểu và thực hành rất nhiều những phương pháp khác nhau để “thủ tiêu” những thói hư tật xấu ấy. Lúc đầu là những phương pháp dựa trên kỹ thuật và ý chí, tương tự như những gì tôi có chia sẻ trong video clip “Dopamine Detox”. Rồi về sau này, khi tôi ý thức được là không chỉ “cắt cỏ trên mặt” mà có khi chúng ta còn phải “nhổ cỏ tận gốc”, chúng ta thấu hiểu được cái tâm lý nằm sâu trong gốc rễ hành vi đấy thì khi đó mình có thể “gõ từ gốc mà gỡ ra”. Cách tiếp cận này tôi cũng có chia sẻ trong một bài giảng sau này, đó là “Muốn thay đổi bản thân mà không bỏ giữa chừng phải bắt đầu từ đâu?”. Thì tới lúc này là chúng ta đã tác động rất sâu rồi. Chúng ta đi từ bên trong cái tâm lý mà ra.

Nếu các bạn có được sự hỗ trợ của những chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm thì việc nhổ được tận gốc một hành vi và thói quen xấu là điều khả thi. Và hiệu quả của việc “nhổ cỏ tận gốc” này thường kéo dài rất lâu. Trong hàng chục năm tư vấn và đồng hành rèn luyện với các học viên của mình, tôi nhận ra là khi đi sâu vào trong gốc rễ tâm lý hành vi thì chúng ta nhận ra là những thói quen xấu và nó gây ra tổn hại cho bản thân mình về lâu dài, thì trong sâu thẳm chúng đều xuất phát từ cái tâm lý sợ hãi, bất an hay là sự cô đơn tích tụ, thì sau một hồi nó mới chuyển hóa thành sự giận dữ, rồi nó kích hoạt lên sự tham lam, nóng nảy hoặc là cái cảm giác bất cần.

Ví dụ cụ thể: Các bạn sẽ nhận ra là hành vi nghiện mua sắm quần áo hiệu, thật ra nó xuất phát từ tâm lý mặc cảm, tự ti, rồi nó chuyển hóa thành mong muốn chứng tỏ, thể hiện. Hoặc là nó xuất phát từ sự cô đơn, cảm giác thèm khát được kết nối, được đón nhận. Khi chúng ta có phương pháp để nhận diện và chuyển hóa được cái tâm lý ở bên trong thì hành vi mua sắm không kiểm soát được ở bên ngoài này tự khắc sẽ suy giảm và biến mất.

Hoặc là một ví dụ nữa như là hành vi mê game, mê phim hoặc là mê nhậu nhẹt, mê drama, mê thần tượng (idol) thì cơ bản nó là một hành vi chạy trốn thực tại. Nó xuất phát từ cái tâm lý xung đột với đời sống thực tại của cá nhân đó. Ví dụ: Như là cảm giác chán ghét việc học hay là ức chế xung đột với cấp trên, với đồng nghiệp, thất vọng về kết quả, về điều kiện sống hiện tại của mình. Thì khi đó, người ta tìm cách để người ta trốn chạy thực tại. Và chỉ khi nào chúng ta đối diện và tháo gỡ được cái tâm lý xung đột từ bên trong đó thì hành vi chạy trốn thực tại này nó sẽ tự nhiên suy giảm và rồi sau đó chấm dứt.

Dĩ nhiên, quá trình đối diện và chuyển hóa tâm lý này nó không dễ dàng. Mọi người có khi sẽ cần sự hướng dẫn, tư vấn và thậm chí là những buổi hỗ trợ trực tiếp từ những người có phương pháp và có kinh nghiệm. Bởi vậy nó mới gọi là “nhổ cỏ tận gốc”, và “nhổ xong là xong là sạch”. Kết quả của quá trình đó, các bạn sẽ thật sự nhìn thấy một con người mới từ trong ra ngoài, từ suy nghĩ, tâm lý cho đến hành vi, thói quen và kết quả. It’s beautiful!

TRỒNG “CÂY CÓ Ý NGHĨA” ĐỂ NGĂN CHẶN “CỎ DẠI”

Tuy nhiên, điều mà ngày đó tôi đã không ngờ tới đó chính là sức sống mãnh liệt của cỏ dại. Có thể là những nỗ lực, thành quả và sự thay đổi ấn tượng của học viên khiến cho chúng tôi bước đầu choáng ngợp và rồi đâm ra chủ quan để không nhận ra được sự ranh mãnh và tinh quái của những cọng cỏ dại bé nhỏ và tưởng chừng như vô hại đó.

Nếu bất cứ ai đã từng làm vườn hoặc trồng trọt, các bạn sẽ biết về sức sống mãnh liệt của cỏ dại. Cỏ dại không cần được gieo hạt, không cần được chăm bón, tỉa tót. Cỏ dại có thể tự mọc được. Một mảnh đất sau khi được cày xới kỹ càng, nhổ cỏ tận gốc, nếu để không thì chỉ cần sau một cơn mưa thôi, cỏ sẽ lại tự mọc lên xanh tốt.

Tương tự như vậy, cái mà tôi đã không nhận ra trong những ngày đầu đó là, bên cạnh cái tâm lý tổn thương, sợ hãi, ức chế sẽ kích hoạt lên hành vi nghiện ngập, thì còn một loại tâm lý rất nhẹ nhàng và vi tế nữa, nó cũng sẽ kích hoạt hành vi tìm kiếm khoái lạc. Đó chính là cảm giác buồn chán, tẻ nhạt, đơn điệu theo kiểu mà ông bà mình gọi là “nhàn cư vi bất thiện” (ở không mình đi kiếm chuyện). Vậy đó, các bạn!

Cho nên, khi rơi vào trạng thái buồn chán, trống rỗng thì chúng ta rất dễ bị cuốn vào những thói hư tật xấu cũ và cỏ dại lại mọc lên đầy khu vườn của mình. Đấy là chưa kể ngày hôm nay, có thể các bạn không hề có ý định và nhu cầu gieo trồng cỏ dại trên mảnh vườn của mình, nhưng có những siêu công ty và tập đoàn tự nguyện đi phát tán cỏ dại cho cả nhân loại luôn. Vì thẳng thắn đi: có thể việc nuôi trồng cỏ dại trong khu vườn của mình nó không mang lại lợi lộc hoặc thu hoạch gì có giá trị cho các bạn hết. Thậm chí nó để lại những tổn hại và làm héo mòn những cây ăn quả quan trọng trong khu vườn. Nhưng ngược lại, nó mang lại lợi nhuận béo bở và khổng lồ cho hàng ngàn những công ty sản xuất bia rượu, thuốc lá, trò chơi điện tử, hàng hóa, quần áo, thực phẩm chế biến và gần đây nhất là những nền tảng mạng xã hội cung cấp nội dung giải trí.

Cho nên đừng ngạc nhiên là sau khi các bạn nhổ sạch tận gốc cỏ dại trong khu vườn đời sống của mình, ngoảnh đi ngoảnh lại một lúc thôi thì phút mốt nó lại xanh tươi và rậm rạp trở lại. Các bạn lại bị cuốn vào những hành vi tiêu thụ cũ hoặc một hành vi khoái lạc mới mà thôi. Có đúng không?

Ví dụ từ bản thân tôi: Tôi còn nhớ là ngày tôi học lớp 7, tôi bị nghiện chơi game mà cụ thể là game Mortal Kombat. Không biết có bạn nào biết trò đó không? Get over here! Ngày nào tôi cũng “lên lết” cả buổi ở ngoài tiệm điện tử để chơi. Rồi lúc mình chơi hết tiền rồi thì mình đứng mình coi người ta chơi mê mẩn luôn. Để rồi khi việc học hành của tôi bê bết thì ba tôi đập cho tôi một trận “lên bờ xuống ruộng” luôn. Xong rồi mẹ tôi bắt đầu ngồi nói chuyện, giảng giải, phân tích và thế là tôi dẹp hoàn toàn trò Mortal Kombat. Nhưng chỉ 3 tháng sau, bạn tôi rủ tôi đi đánh Samurai. “Trời ơi, đã lắm các bạn ơi! Con Yuzu, hiệp sĩ mù đó, quăng trái táo lên chém phê lắm!”. Thế là lại dính rồi! Cứ mỗi lần bị dính vô, “lậm” vô một cái là tôi bị chửi, bị mắng, xong rồi tôi dứt game cũ để rồi tìm thấy game mới. Tôi phá đảo Samurai xong là tôi bắt đầu chơi qua tới Trận chiến Robot, rồi dính vô Mộc Đế không thấy đường về luôn. Và mãi sau này, cái cơ duyên giúp tôi chấm dứt hoàn toàn game điện tử cũng đến. Đó là lúc mẹ tôi mua máy vi tính. Tôi cắt đứt hoàn toàn việc ra hàng điện tử. Tôi chuyên tâm ở nhà để cày game máy tính. Trời ơi quý vị ơi, tôi chuyển qua chơi Warcraft, sau này có Starcraft, rồi chơi Age of Empires! Cứ phá đảo game này là bạn mình lại “cử” cho mình game mới. Và cứ thế là tôi “túc tắc” chơi game đến tận cuối năm nhất đại học.

Cho nên, lời giải nằm ở đâu hả quý vị? Đúng rồi, nó nằm ở chỗ là chúng ta không được chủ quan và vội ăn mừng ngay khi chúng ta nhổ cỏ xong. Bởi vì ngay tức thì sau khi nhổ cỏ, chúng ta thực ra phải bắt tay vào gieo trồng mùa vụ mới, bắt tay vào gieo những hạt táo, hạt bưởi, hạt cam và tiếp tục nỗ lực chăm bón, tiếp tục nhổ cỏ trong quá trình dài sau đó. Để rồi sau một thời gian, khi cây táo nở hoa, khi cây bưởi, cây cam nó cao lớn và vươn những tán lá sum suê phủ bóng mát khắp khu vườn thì khi đó cỏ dại bên dưới sẽ không còn nhận được ánh nắng mặt trời. Chúng tự nhiên sẽ không thể sinh sôi và nảy nở tràn lan được nữa. Thì đó mới là cách bền vững để ngăn chặn cỏ dại.

Vậy hạt táo, hạt bưởi, hạt cam nó là cái gì?

Nó là những ý tưởng quan trọng và ý nghĩa đối với các bạn. Ban đầu, nó có thể chỉ là một sự tò mò, một hứng thú cá nhân nào đó của các bạn. Không nhất thiết phải là một niềm đam mê hay một lý tưởng sống cao đẹp. Nhưng khi chúng ta nghiêm túc nuôi dưỡng những sự tò mò, những hứng thú, những sự say mê đó thì về lâu dài chúng sẽ dần cao lớn, dần trở nên ý nghĩa và quan trọng hơn với đời sống của các bạn. Và sẽ sớm tới lúc các bạn không còn muốn phung phí thời gian, sức lực, tiền bạc cho những khoản tiêu khiển và khoái lạc vụn vặt, rẻ tiền nữa.

Nói đơn giản là khi các bạn tìm thấy một cái “big yes” cho cuộc đời của mình thì sẽ rất dễ để nói “rất nhiều những cái small no”.

SỨC MẠNH CỘNG ĐỒNG: YẾU TỐ QUAN TRỌNG ĐỂ VƯỢT QUA KHÓ KHĂN

Việc này dẫn chúng ta đến sự hỗ trợ quan trọng tiếp theo đó là sức mạnh nâng đỡ của cộng đồng. Đây là yếu tố cuối cùng mà tôi muốn đề cập đến trong video clip ngày hôm nay. Đó là sau vụ thất tình đầu năm nhất đại học thì như các bạn biết đấy, tôi lún sâu vào game. Tôi lún sâu vào sự chạy trốn khỏi sự bế tắc, sự chán nản, sự thất vọng, sự tự ti và sợ hãi trong thời đại học của mình. Mãi đến cuối năm nhất đại học, sau một khoảng thời gian quá sức là tâm tối và bế tắc, thì tôi mới lê lết đi tìm câu trả lời cho tuổi trẻ của mình.

Jim Rohn (Dream Ron), ông là một trong những người thầy đầu tiên dạy về cuộc sống. Thầy là người có sự ảnh hưởng cực kỳ to lớn đến tuổi trẻ của tôi. Ông đã định hình thái độ và nguyên tắc sống trong suốt hai thập kỷ tiếp theo trong cuộc đời. Và đặc biệt là trong rất nhiều những bài giảng của thầy, Jim Rohn có dạy cho tôi một điều rất quý giá:

Thầy nói: “You are the average of your five closest friends. Nurture your inner circle and they will nurture you.” (Bạn là trung bình của năm người bạn thân nhất của mình. Nuôi dưỡng vòng tròn bạn thân đó, họ sẽ nuôi dưỡng ngược lại các bạn.)

Cho nên, cạnh việc tháo gỡ những tổn thương, những hành vi tai hại, trau dồi và nuôi dưỡng cái “big yes” của riêng mình thì chúng ta cũng nên chú trọng thêm việc kết nối với những người bạn có cùng tần số, cùng chí hướng và tinh thần. Đây là khái niệm mastermind group (nhóm cố vấn) có được đề cập đến trong cuốn sách rất nổi tiếng là Think and Grow Rich của Napoleon Hill. Việc xây dựng và nuôi dưỡng sự kết nối sâu sắc với một nhóm bạn khoảng từ 5 đến 7 người có năng lượng tương đồng với các bạn thì nhóm này sẽ nâng đỡ mỗi thành viên trong nhóm khi họ trải qua những biến cố cực đoan. Và sự tương trợ đó sẽ giúp các bạn đứng dậy nhanh hơn sau một cú ngã đau, vực lại tinh thần để xây dựng lại khu vườn của mình sau một cơn bão lớn.

Nhóm bạn mastermind đầu tiên của tôi thời đại học thì lúc đó có tôi, có hai người bạn người Singapore, hai người bạn người Malaysia và một người Hồng Kông. Và chúng tôi đồng hành và tương trợ với nhau trong suốt 10 năm sau đó trong cuộc sống. It’s beautiful! Nhờ vậy mà sau này tôi cũng có trải qua thêm những biến cố lớn trong cuộc đời. Nhưng mà tôi có thể nhanh chóng gượng dậy được và vượt qua rất ổn, không bị lún và bị trượt dài như cái ngày còn trẻ tuổi. Về sau này, bài học đó cũng biến thành sự khác biệt rất lớn mà tôi đưa vào học viện của mình. Đặc biệt là trong khóa học AYP do tôi giảng dạy thì học viên mặc dù là rèn luyện độc lập và thực hành những dự án riêng nhưng họ được kết nối trong những nhóm nhỏ và được khuyến khích chia sẻ, trao đổi, tương trợ lẫn nhau trong quá trình rèn luyện. Nhờ vậy mà có không ít những nhóm mastermind khác tương tự đã ra đời. Và rồi những bạn trẻ đó họ gắn bó và đồng hành với nhau có khi suốt 10-12 năm sau đó. Beautiful!

KẾT LUẬN: BỐN YẾU TỐ ĐỂ THAY ĐỔI BỀN VỮNG

Cho nên, để tóm lại câu trả lời thì các bạn thấy đó, sẽ là rất ngây ngô khi ngày hôm nay chúng ta tin rằng cuộc đời, lối sống và hành vi của mình có thể thay đổi hoàn toàn một cách đơn giản thông qua một cuốn sách hay là một video clip truyền động lực hay thậm chí là một khóa học. Cần có ít nhất bốn yếu tố:

  1. Sự thấu hiểu sâu sắc: Để tháo gỡ từ nhận thức và tâm lý đã kích hoạt thói quen có hại.
  2. Phương pháp hiệu quả: Để gián đoạn và tháo gỡ tận gốc những thói quen xấu.
  3. Nỗ lực kiên trì: Để theo đuổi những mục tiêu, ý nghĩa và những hành vi, lối sống tích cực cho mỗi cá nhân.
  4. Duy trì kết nối sâu sắc: Với một cộng đồng hay một đội nhóm có cùng tần số và năng lượng tương đồng để cộng hưởng và nâng đỡ nhau.

Nhận thức, nỗ lực, ý nghĩa và cộng đồng. Phối hợp đồng thời cả bốn yếu tố này, các bạn sẽ tạo ra được sự thay đổi sâu sắc và bền vững hơn rất nhiều. Ok.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!