Thư việnTruyền thông

Đạo đức truyền thông

Đạo đức nghề nghiệp đã bắt đầu trở thành đề tài được bàn đến nhiều trong xã hội Việt Nam hiện nay, tuy nhiên, có vẻ đề tài dễ dàng bị khép lại khi những mệnh đề “Làm sao cũng phải đủ sống” hay “Không thế sao sống được” …! Điều này làm cho việc chúng ta cùng nhau nghiên cứu đề tài của tuần thứ bảy này “tế nhị” hơn. Nhưng chắc chắn không thể không bàn được. Đề tài này, VRMI xin gởi đến các tham dự viên nội dung chính (đã tóm tắt) của văn kiện Đạo đức trong truyền thông, do Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông xã hội ban hành tại thành Vatican, ngày 04 tháng 06 năm 2000.

 

Lưu ý, các số đặt trong ngoặc đơn (…) là số chính thức của văn kiện này. Các tham dự viên có thể đọc toàn văn của văn kiện này tại trang của UBTT trực thuộc Hội đồng giám mục Việt Nam, được biết Ủy ban này trước đây do Đức cha Phêrô, giám mục Thái Bình phụ trách, nay do đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, giám mục phụ tá Sài Gòn phụ trách.

 

1.      TTXH:  phục vụ con người

 

Kinh tế

TTXH hỗ trợ việc kinh doanh và thương mại, giúp đẩy mạnh sự tăng trưởng kinh tế, công ăn việc làm và sự thịnh vượng;

 

TTXH khuyến khích cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ đang có, phát triển những sản phẩm và dịch vụ mới,

 

TTXH hỗ trợ việc cạnh tranh có trách nhiệm vì công ích, giúp đỡ con người làm lựa chọn bằng cách cho con người biết những đặc điểm của các sản phẩm. (07)

 

 

Chính trị

TTXH cung cấp thông tin về các vấn đề, sự kiện, về những người đương chức và những ứng viên tương lai.

 

TTXH giúp các nhà lãnh đạo liên lạc nhanh và trực tiếp với quần chúng khi có vấn đề khẩn cấp.

 

TTXH là những phương tiện quan trọng để báo cáo trách nhiệm, làm sáng tỏ tình trạng thiếu năng lực, tham nhũng và lạm dụng lòng tin, đồng thời kéo mọi người chú ý tới những con người, tổ chức có năng lực, có tinh thần chung và tận tuỵ với bổn phận. (08)

 

 

Văn hóa

TTXH giúp các tập thể thiểu số biết quý trọng và giữ gìn các truyền thống văn hoá của mình, chia sẻ chúng cho người khác và truyền chúng lại cho các thế hệ mai sau.

 

TTXH giúp cho trẻ em và giới trẻ biết về di sản văn hoá của dân tộc mình. Các nhà truyền thông giống như các nghệ sĩ, phục vụ công ích bằng việc giữ gìn, làm giàu kho tàng văn hoá các dân tộc ở các quốc gia (x. Đức Gioan Phaolô II, Thư gửi các nghệ sĩ, số 4). (09)

 

 

Giáo dục

 

TTXH là những công cụ giảng dạy trong học đường. Và bên ngoài nhà trường,

 

TTXH bao gồm cả hệ thống Internet, đang vượt qua mọi rào ngăn cách và cô lập để đem các cơ hội học hành đến cho các dân làng vùng sâu vùng xa, cho các tu sĩ sống đời ẩn dật, cho những người không thể rời khỏi nhà, cho các tù nhân và nhiều người khác nữa. (10)

 

 

Tôn giáo

TTXH làm đời sống tôn giáo của nhiều người được phong phú lên rất nhiều.

 

TTXH đem đến cho các tín đồ các tin tức và thông tin về các sự kiện tôn giáo, các ý tưởng và nhân vật tôn giáo;

 

TTXH đem lại hứng khởi, khích lệ và vận hội để làm việc thờ phượng cho những ai bị trói buộc vào nơi ở hay trong các cơ quan. (11)

 

 

Cuộc sống

“Để trở thành anh chị em của nhau, cần phải hiểu biết nhau. Muốn hiểu biết nhau, cần phải truyền thông cho nhau một cách rộng rãi hơn và sâu xa hơn” (Thánh Bộ Đời tu, Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, số 29).

 

Việc truyền thông thật sự phục vụ cộng đồng “không phải chỉ là trình bày tư tưởng và bày tỏ tình cảm. Mà ở cấp độ sâu xa nhất, đó chính là trao ban bản thân mình trong tình yêu” (Hiệp hong và Tiến bộ, số 11). (12)

 

 

2.      TTXH:  xâm phạm con người

 

Kinh tế

Đôi khi TTXH có vì xây dựng và duy trì các hệ thống kinh tế, nhằm phục vụ cho sự chiếm hữu và tham lam… TTXH chỉ được khai thác cho một thiểu số có lợi.

 

Một số trường hợp đau khổ của con người bị phớt lờ bởi TTXH, còn các trường hợp khác lại được tường trình hẳn hoi. Nếu đây là quyết định của các nhà truyền thông thì điều đó chứng tỏ đã có sự phân biệt đối xử…

 

Khi TTXH góp phần tạo ra những bất công và mất cân đối, thì đó là những nguyên nhân gây nên đau khổ  (14)

 

 

Chính trị

 

Các nhà chính trị thiếu lương thiện thường dùng TTXH để mị dân, lừa dối hầu ủng hộ những chính sách bất công và chế độ áp bức. Họ trình bày sai lệch đối phương, cũng như vặn vẹo một cách hệ thống, bóp méo, che đậy sự thật bằng tuyên truyền “thêu dệt”. Thay vì tập hợp quần chúng, TTXH lại tìm cách ngăn cách họ với nhau, gây căng thẳng và nghi ngờ, dọn đường cho xung đột. (15)

 

 

Văn hóa

 

Nhân danh giao lưu văn hóa, TTXH gây hại cho văn hóa các nước yếu thế hơn…

 

TTXH thường thúc đẩy văn hóa đi từ các quốc gia đã phát triển tới những quốc gia đang phát triển và nghèo nàn – và đã đặt ra nhiều vấn đề đạo đức nghiêm trọng.

 

Chẳng lẽ người giàu không học được gì nơi người nghèo? Người quyền thế không nghe thấy tiếng nói của người yếu? (16)

 

 

Giáo dục

 

Thay vì đẩy mạnh việc học, TTXH có thể làm con người mất tập trung và lãng phí thời gian. Trẻ em và người trẻ đặc biệt bị thiệt hại theo cách này, nhưng cả người lớn cũng phải xem những màn trình diễn hết sức tầm thường, vô giá trị.

 

 

Tôn giáo

 

TTXH thường bỏ qua những tư tưởng và kinh nghiệm tôn giáo;

 

TTXH thiếu thông cảm với tôn giáo, khinh miệt, chỉ xem là chuyện hiếu kỳ, không quan tâm cách nghiêm túc;

 

TTXH quảng bá các hiện tượng tôn giáo nhất thời tới mức hy sinh đức tin truyền thống; nhìn các tôn giáo truyền thống cách ác cảm; đánh giá tôn giáo và kinh nghiệm nghiệm tôn giáo theo thế tục tuỳ tiện, thiên vị với tôn giáo phù hợp thị hiếu thế tục; giam hãm sự siêu việt trong vòng kềm toả của chủ nghĩa duy lý và hoài nghi. (Đức tin và Lý trí, số 81). (18)

 

 

Tóm lại

TTXH tốt hay xấu – là lựa chọn của người sử dụng. “Không bao giờ được quên rằng TTXH không phải là việc cầu lợi chỉ nhằm khơi gợi, thuyết phục và mua bán.

 

TTXH không là công cụ tuyên truyền cho ý thức hệ.

 

TTXH không được coi khách hàng của mình là những con người vô tích sự để bòn rút, dụ dỗ hay đầu độc

 

TTXH phải đưa con người lại với nhau và làm cho cuộc sống của họ hon phong phú, chứ không phải cô lập và khai thác con người. (Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp nhân Ngày Quốc tế truyền hong lần thứ 32, năm 1998). (19)

 

 

3.      Một số nguyên tắc đạo đức

 

Chuẩn mực chung

 

Các nguyên tắc đạo đức xã hội

 

liên đới,

 

bổ trợ,

 

công bằng

 

công lý,

 

Truyền thông phải luôn luôn trung thực, vì sự thật là điều căn bản để có sự tự do cá nhân và để xây dựng cộng đồng chân chính giữa con người với nhau (20).

 

Mỗi người đều được hưởng cơ hội phát triển và lớn lên về đủ mọi mặt thể lý, trí tuệ, tình cảm, luân lý và tâm linh. Mỗi cá nhân đều có phẩm giá và tầm quan trọng không thể bị bớt xén, và không bao giờ có thể bị hy sinh cho những lợi ích tập thể (21).

 

 

Cân bằng lợi ích

 

TTXH quan tâm tới những nhu cầu và lợi ích của các nhóm cụ thể, nên TTXH không được làm cho nhóm này quay ra chống đối nhóm kia – chẳng hạn như nhân danh sự đấu tranh giai cấp, chủ nghĩa quốc gia quá khích, thế thượng phong của một chủng tộc, việc thanh trừng sắc tộc và những việc làm tương tự.

 

TTXH lấy tình liên đới, tức là “xây dựng ích chung” (Quan tâm tới xã hội, số 38), hướng dẫn mọi lĩnh vực của đời sống xã hội – từ kinh tế, chính trị, văn hoá đến tôn giáo (22).

 

 

Tự do ngôn luận

 

Quyền tự do ngôn luận là quan trọng, vì “khi con người theo khuynh hướng tự nhiên muốn trao đổi ý kiến và bày tỏ lập trường của mình, không phải người ta đang sử dụng một quyền hạn, mà người ta đang thi hành một nghĩa vụ xã hội” (Hiệp hong và Tiến bộ, số 45).

 

Tuy nhiên, điều giả định này không là tuyệt đối, không thể thay đổi. Có trường hợp, không thể cho tự do phát biểu, khi người ta lạm dụng để bị phỉ bang và vu khống; cổ vũ cho hận thù và tranh chấp giữa các cá nhân hay giữa các tập thể, cổ vũ cho những hình ảnh đồi truỵ và khiêu dâm, những sự mô tả bạo lực một cách bệnh hoạn.

 

Quyền tự do ngôn luận phải tuân thủ những nguyên tắc như trung thực, công bằng và tôn trọng sự riêng tư (23).

 

 

Bảo vệ lợi ích người được thông tin

 

TTXH “phải giao tiếp với dân chúng, chứ không chỉ nói với họ. TTXH phải biết các nhu cầu của dân chúng, ý thức được những cuộc đấu tranh của họ và thể hiện bằng mọi hình thức truyền thông với sự tinh tế, xứng với phẩm giá con người” (Đức Gioan Phaolô II, Diễn văn với các chuyên gia truyền thông, tại Los Angeles, ngày 15-9-1987) (24).

 

Người thụ hưởng: phải biết phân định và lựa chọn. Họ cần hiểu biết về TTXH – từ cơ chế, cách vận hành cho tới nội dung – để chọn lựa có trách nhiệm, theo đúng các tiêu chuẩn lành mạnh.

 

Mọi người cần được giáo dục về TTXH, bằng cách tự học hay tham gia một một khóa học. Giáo dục về TTXH còn giúp mọi người hình thành được những mẫu mực về thị hiếu tốt và phán đoán luân lý trung thực như một hình thức đào tạo lương tâm (25).

 

 

Phát ngôn nhân giáo hội

 

Những vị đại diện Giáo Hội phải trung thực và thẳng thắn trong mối quan hệ với các ký giả. Ngay cả khi những câu họ hỏi “gây lúng túng và phật ý, nhất là khi chúng không phù hợp chút nào với thông điệp mà mình trình bày”, “đó chính là những vấn đề khó chịu mà hầu hết những người đồng thời với chúng ta đều đặt ra” (Đi tìm một cách tiếp cận văn hoá mang tính mục vụ, số 34).

 

Để Giáo Hội đáng tin, những người nói thay Giáo Hội phải đưa ra những câu trả lời đáng tin, trung thực cho những vấn nạn xem ra có vẻ kỳ quặc ấy (26).

 

Đức Kitô đã mạc khải mình là nhà truyền thông hoàn hảo. Ngài đã đồng hoá mình với những ai muốn tiếp nhận sự truyền thông của Ngài, và Ngài đã gửi thông điệp của mình không chỉ qua lời nói mà còn qua toàn bộ cách sống của mình. Ngài rao giảng thông điệp thần linh mà không sợ sệt hay thoả hiệp. Ngài thích nghi với cách nói năng và kiểu suy nghĩ của dân tộc Ngài. Và Ngài đã lên tiếng về tình trạng bất ổn về thời đại họ sống” (Hiệp hong và Tiến bộ, số 11). (32)

 

 

Chịu trách nhiệm về phát ngôn của mình

 

Đức Giêsu dạy: “Lòng có đầy, miệng mới nói ra. Người tốt thì rút cái tốt từ kho tàng tốt của mình; kẻ xấu thì rút cái xấu từ kho tàng xấu của mình. Tôi nói cho các người hay: đến Ngày phán xét, người ta sẽ phải trả lời về mọi điều vô ích mình đã nói. Vì nhờ lời nói của anh mà anh sẽ được trắng án; và cũng tại lời nói của anh mà anh sẽ bị kết án.” (Mt 12,34-37).

 

Ngài thẳng thắn cảnh giác việc làm gương xấu cho “những người bé mọn” và cảnh cáo những ai làm việc ấy thì “thà cột đá vào cổ rồi ném xuống biển còn tốt hơn” (Mc 9,42; x. Mt 18,6; Lc 17,2).

 

 

Không gian dối

 

Ngài là người ngay thằng, một người mà người ta có thể nói “không thấy một lời gian dối nào trên miệng” và “bị nguyền rủa, Ngài không nguyền rủa lại; bị đau khổ, Ngài không đe doạ; nhưng Ngài phó thác cho Đấng sẽ xét xử công bằng” (1 Pr 2,22-23). Ngài đòi buộc phải ngay thằng và trung thực, đồng thời lên án thói đạo đức giả, dối trá – hay bất cứ truyền thông nào bị bóp méo hay lệch lạc: “Có thì nói có, không thì nói không; mọi sự thêm thắt đều là do ma quỷ” (Mt 5,37). (32)

“Hãy dẹp bỏ sự gian dối, mỗi người trong anh em hãy nói sự thật với người thân cận, vì chúng ta là phần thân thể của nhau. Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người” (Ep 4,25.29).

 

Phục vụ con người, xây dựng cộng đồng nhân loại trong liên đới, công bằng và bác ái, nói ra sự thật về đời sống con người và sự hoàn thành chung đời sống trong Chúa, đó mãi mãi là nội dung đạo đức học trong lĩnh vực truyền thông xã hội. (33).

 

An Thanh, CSsR

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!