Đánh dấu kỷ niệm 60 năm Thông điệp ‘Pacem in Terris’ của Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII, Đức Hồng Y Michael Czerny, đã phát biểu tại sự kiện “Lời tiên tri và nghệ thuật hòa bình” (“Prophecy and craftsmanship of peace”), được thúc đẩy bởi Quỹ Khoa học Tôn giáo, Khoa Thần học của Emilia Romagna và Unesco.
Đức Hồng Y Czerny, Tổng Trưởng Thánh Bộ Cổ võ Sự Phát triển Con người Toàn diện, đã nhấn mạnh ba lĩnh vực chính, và bắt đầu bằng việc lưu ý rằng Thông điệp ‘Pacem in Terris’ (11 tháng 4 năm 1963) là một phần của một loạt dài các tài liệu huấn quyền mà các vị Giáo hoàng của thế kỷ 20 đã hướng sự chú ý của họ đến chủ đề hòa bình. Điểm đầu tiên mà Đức Hồng Y Czerny chọn tập trung vào là “Pacem in Terris: Từ trái tim con người, đến việc tái xem xét xã hội”.
Một dấu chỉ của thời đại
Đức Hồng Y Czerny lưu ý rằng thông điệp này dường như muốn ghi nhận những thay đổi đã xảy ra trong bối cảnh địa chính trị của thế giới, do việc dựng lên Bức tường Berlin (năm 1961) và Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba (năm 1962), vốn đã “biểu trưng mạnh mẽ cho dư luận”.
Khát vọng hòa bình luôn trỗi dậy trong nhân loại, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII viết, nhưng trong một thời đại lịch sử mà dân chúng, vốn đã bị các cuộc chiến tranh thế giới thử thách nặng nề, lại phải gánh thêm gánh nặng bởi sự đối lập của hai khối lớn, của các hệ tư tưởng toàn trị với những hậu quả thảm khốc đối với quyền của các cá nhân và các dân tộc, khát vọng hòa bình cấu thành một dấu chỉ của thời đại.
Đức Hồng Y Czerny tiếp tục cho biết rằng Đức Gioan XXIII đã chọn khởi đầu Thông điệp bằng cách lưu ý rằng hòa bình là điều điều cần thiết để nhân loại phát triển và thịnh vượng trong sự viên mãn của cuộc sống.
“Hòa bình không phải là không có chiến tranh”, Đức Hồng Y Czerny giải thích, “mà là kết quả của việc củng cố các mối quan hệ và tương quan giữa con người với nhau, giữa các cá nhân và các cộng đồng, giữa các cộng đồng và các quốc gia, giữa các quốc gia và các lục địa”.
Hòa bình liên quan đến chất lượng của cuộc sống xã hội, Đức Hồng Y Czerny cho biết thêm, “với khả năng sống tốt cụ thể, bởi vì đó là một trong những điều kiện không thể thiếu để cuộc sống của mỗi người có thể được thực hiện đầy đủ trong sự tôn trọng phẩm giá nền tảng của họ”.
Giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô
Điểm thứ hai của Đức Hồng Y Czerny nhấn mạnh những Giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô bắt nguồn từ Thông điệp và đặc biệt là cách những Giáo huấn đó đã “vạch ra bối cảnh lịch sử và một số khía cạnh thiết yếu của Pacem in Terris”.
Đức Hồng Y Czerny lưu ý rằng một trong những khía cạnh nổi bật nhất của việc Đức Thánh Cha Phanxicô đọc Thông điệp của Đức Gioan XXIII là “bài học ngài rút ra từ đó liên quan đến chính chức năng của Học thuyết Xã hội của Giáo hội”.
“Từ Pacem in Terris, Đức Thánh Cha Phanxicô lập luận, chúng ta phải học đảm đương tư thế nào với tư cách là Giáo hội trước những thách đố mới của thời đại ngày nay. Các vấn đề như tình trạng khẩn cấp về giáo dục, ảnh hưởng của truyền thông đối với lương tâm, việc tiếp cận các nguồn tài nguyên của trái đất, việc sử dụng hữu hiệu hay sai trái kết quả nghiên cứu sinh học, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới”, Đức Hồng Y Czerny lưu ý.
Vấn đề di cư
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình khi giải quyết vấn đề di cư. Đức Hồng Y Czery giải thích rằng Đức Thánh Cha kêu gọi chúng ta “giải quyết sự phức tạp của nó từ quan điểm hòa bình” vì “việc quản lý tình trạng khẩn cấp là chưa đủ, để đảm bảo sự tiếp đón phù hợp với phẩm giá đối với những người di cư và những người tị nạn, nhưng để giải quyết vấn đề di cư một cách thỏa đáng, cần phải xây dựng một thế giới trong đó có hòa bình cho tất cả mọi người”.
Cuối cùng, Đức Hồng Y Czerny tiếp tục, một Giáo huấn quan trọng khác liên quan đến Thông điệp của Đức Gioan XXIII là lời kêu gọi giải trừ quân bị nhiều lần của Đức Thánh Cha Phanxicô. “Do đó, đề xuất hợp thời và táo bạo mà Đức Thánh Cha Phanxicô gửi đến tất cả các quốc gia: từ bỏ vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt”, Đức Hồng Y Czerny nói.
Sự liên quan của Thông điệp ‘Fratelli Tutti’
Điểm thứ ba và cũng là điểm cuối cùng mà Đức Hồng Y Czerny đưa ra, đó là tầm quan trọng của Thông điệp ‘Fratelli Tutti’ của Đức Thánh Cha Phanxicô, sau “Pacem in Terris”.
Trên thực tế, Đức Hồng Y Czerny tiếp tục, Thông điệp này “dường như vang vọng và làm sống lại niềm khao khát đã được Đức Gioan XXIII bày tỏ trong Pacem in Terris về hòa bình và tình huynh đệ.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ ra hai cấp độ khác nhau để thực hiện cam kết đối với hòa bình: “cấp độ ‘chính trị’, vốn là đặc quyền của các thể chế và công việc của họ bao gồm nghệ thuật đàm phán; và cấp độ ‘cá nhân’, liên quan đến sự đóng góp được cống hiến bởi mỗi người có tinh thần thiện chí trong việc tăng cường văn hóa chung sống hòa bình trong xã hội”.
“Hòa bình”, Đức Hồng Y Czerny kết luận, “là điều cao đẹp vì nó chống lại sự xấu xa của tính ích kỷ và chủ nghĩa cá nhân và là kết quả của một thực hành đòi hỏi nỗ lực và sự dấn thân”. Cuối cùng, Đức Hồng Y Czerny nói, từ quan điểm của đức tin Kitô giáo, hòa bình “xuất hiện không phải là sản phẩm của một nỗ lực anh dũng của cá nhân mà là một sự kiện của sự hiệp thông”.
Minh Tuệ (theo Vatican News)