Giáo Hội Hoàn VũTin Giáo Hội

Đồng tính & Hôn nhân đồng tính: Quan điểm của Giáo hội Công giáo

Đồng tính & Hôn nhân đồng tính: Quan điểm của Giáo hội Công giáo

 

“Một trăm năm trước đây, tất cả mọi người đều nghĩ rằng thật là nực cười khi nói về hôn nhân đồng tính.
Ngày nay, bất cứ ai phản đối nó đều bị xã hội loại trừ”.
Đức Bênêđictô XVI. (PAPST BENEDIKT XVI  Ein Leben. 2020).

Mục lục

I. ĐỒNG TÍNH

  1.      Những thuật ngữ liên can
  2.      Những vấn đề liên hệ

II. HÔN NHÂN ĐỒNG TÍNH

  1.      Định nghĩa Hôn nhân, Gia đình
  2.      Vấn đề ĐT, HNĐT tại Việt Nam

III. QUAN ĐIỂM CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

  1.      Những tôn giáo “chị em”, “hàng xóm”
  2.      Quan điểm của Giáo hội Công giáo
  3.           Nền tảng Thánh Kinh
  4.           Hướng dẫn Mục vụ

IV. LỜI CUỐI

***

I. ĐỒNG TÍNH[1]

A. Những thuật ngữ liên can

“Đồng tính” là gì?

“Đồng tính” hay “đồng giới”, “đồng giới tính”, “đồng phái’ có nghĩa là cùng một giới tính. “Đồng tính” (ĐT) là nói gọn của cụm từ “đồng tính luyến ái” hay là “đồng giới tính luyến ái”.

Người ĐT, Homoxexual, bao gồm cả nữ, cả nam, là người có sự hấp dẫn tình cảm, tình yêu và tình dục với người cùng giới tính với mình một cách lâu dài và cố định,đồng thời giảm đi sự thích thú tình dục đối với những người khác phái.

“Song tính luyến ái” là gì?

Song tính luyến ái (ST), Bisexsual: Chỉ những người có sự hấp dẫn tình cảm, tình yêu, tình dục với cả người cùng giới và khác giới tính một cách lâu dài.

“Dị tính luyến ái” là gì?

Dị tính luyến ái (DT), Straight: chỉ những người có sự hấp dẫn tình cảm, tình yêu và tình dục với người không cùng giới tính.

“Chuyển giới” là gì?

Người Chuyển giới còn gọi là Hoán tính, Transgender: chỉ những người được sinh ra với một giới tính sinh học bình thường, hoàn chỉnh (phân biệt rõ là nam hay nữ) nhưng lại có cảm nhận và mong muốn giới tính ngược lại.

Một điều rất quan trọng là không nhất thiết phải trải qua phẫu thuật chuyển giới thì mới được xem là người Chuyển giới. Chỉ cần một người mong muốn, ý thức mình phải mang giới tính ngược lại so với giới tính sinh học của mình thì đã được xem là người Chuyển giới.

“LGBT” những mẫu tự này có ý nghĩa gì?

LGBT là 4 mẫu tự đầu của 4 từ trong tiếng Anh để chỉ Cộng đồng những người ĐT. ĐT Nữ Lesbian (viết tắt là Les), ĐT Nam Gay, Song tính Bisexsual và Transgender Chuyển giới.

Nên biết thiên hướng tình dục của con người được chia thành 3 loại chính yếu: ĐT, DT và ST, còn theo bản dạng giới (gender identity) thì phân thành 2: người chuyển giới và người không chuyển giới. Trong đó, LGBT là cộng đồng những người thuộc các thiên hướng tình dục và bản dạng giới thiểu số trong xã hội.

Cờ lục sắc biểu tượng cho ai?

Lá cờ lục sắc, biểu tượng nổi tiếng nhất trên thế giới cho cộng đồng LGBT ra đời cách đây 37 năm và được thiết kế bởi nghệ nhân người Mỹ Gilbert Baker.

Ý nghĩa 6 màu trên lá cờ lục sắc LGBT. Hồng, Sexuality, tượng trưng của Tình dục; Đỏ, Life, Sự sống; Vàng, Sunlight, hình ảnh Mặt Trời; Xanh, Nature, Thiên nhiên; Chàm, Serenity, Harmony, Hòa hợp; Tím, Spirit, Nghị lực sống.

“Pê đê” là gì?

Người pê đê là người có cách ăn mặc, biểu hiện (giọng nói, hành động, cử chỉ…) bên ngoài không giống với giới tính của mình, như pê đê nam thì thích ăn mặc và thể hiện mình là nữ và ngược lại, pê đê nữ lại muốn thể hiện mình là nam.

Thuật ngữ pê đê được xác định dựa trên tiêu chí hình thức bên ngoài, chứ không hề liên quan đến xu hướng tình dục bên trong (ham muốn làm “chuyện ấy”) như người ĐT (gay, les). Đây là điểm khác biệt của hai thuật ngữ ĐT và pê đê.

Từ pê đê có gốc từ tiếng Pháp, Pédérastre, nhưng ý nghĩa hiện nay lại không giống như nguyên ngữ. Các Tự Điển Đào Duy Anh, Thanh Nghị … đều định nghĩa “Pédérastre là người kê gian. Kê là gà; gian là gian dâm. Gian dâm nhau ở hậu môn như gà”, ĐDA chua tiếng Pháp là Sodomie.

Ấu dâm là gì?

Ấu dâm hay Ái nhi (Child Abuse, pedophilia) là bản năng ham muốn tình dục lâu dài và liên tục với trẻ em chưa đến tuổi thành niên, thông thường ở dưới tuổi 12. Một người được cấu thành tội ấu dâm phải lớn hơn đối tượng bị hại ít nhất 5 tuổi thì mới bị coi là ấu dâm.

Hành vi ấu dâm có thể là vuốt ve, ôm ẵm, sờ mó, hôn hít.. .(hoặc bắt các trẻ làm những hành vi ấy cho mình) mà cũng có thể đi đến hành vi giao hợp với trẻ em, trẻ gái hoặc trẻ trai. Có khi giao hợp với các cơ quan bộ phận khác không phải là cơ quan sinh dục.

Ấu dâm gây hậu quả rất nặng nề dai dẳng trong suốt quãng đời còn lại của các đối tượng trẻ em bị xâm hại.

B. Những vấn đề liên hệ

ĐT là bệnh, là rối loạn tâm lý hay là vấn đề về cảm xúc?

Các nhà tâm thần học, tâm lý học và chuyên gia sức khỏe tâm thần đã đồng ý với nhau rằng ĐT không phải là bệnh, không phải là rối loạn tâm lý, cũng không phải là vấn đề cảm xúc.

Hành vi ĐT hay DT đều là những khía cạnh bình thường của tính dục con người.

Làm sao để biết mình ĐT hay ST?

Về cơ bản, người ta có thể không quan hệ tình dục mà vẫn biết xu hướng tính dục của mình – thích người cùng giới, khác giới hay cả hai.

Mỗi người ĐT và ST cũng có trải nghiệm rất khác nhau. Có người biết mình là ĐT hoặc ST từ lâu, sau đó mới có quan hệ yêu đương, tình dụcCó người lại có quan hệ tình dục trước (với những người cùng giới hay khác giới) rồi mới tự xác định xu hướng tính dục của mình.

Định kiến và phân biệt đối xử của xã hội khiến nhiều người chối bỏ xu hướng tính dục của mình, vì thế việc nhận ra bản thân là ĐT hay ST có thể là một quá trình diễn ra một cách tiệm tiến, từ từ.

Có khả năng nào tôi là người ĐT?

Một nguồn tin tung ra rằng 10% là người ĐT. Câu nói ấy không đúng sự thực và không có cơ sở. Con số 10% lừa dối kia là một phần của chiến dịch cổ vũ để mọi người chấp nhận tình trạng ĐT. Nó miêu tả ĐT như chuyện phổ biến lắm rồi, hơn cả sự thật. Vì thế đừng để điều này làm ta sợ hãi về chính mình. Tỉ lệ ĐT là rất nhỏ.

Nghiên cứu gần đây chấp nhận một tỉ lệ là 1,5% phụ nữ và 3% nam giới là người ĐT. Tỉ lệ trung bình, được gọi là “an toàn”, mà nhiều nhà khoa học thừa nhận thì chỉ có 3% dân số trên thế giới là người ĐT và ST.

Có cách nào để người ĐT trở thành DT?

Tất cả tổ chức lớn về sức khỏe tâm thần đều đã cảnh báo chính thức về những cái gọi là “liệu pháp thay đổi xu hướng tính dục”. Không có một liệu pháp nào chứng minh những biện pháp này là an toàn và hiệu quả. Các lời khuyên thường nghe như người ĐT nam, tập chơi các môn thể thao với ĐT nữ, hay cố gắng không tiếp xúc với người cùng giới, đều là những lời khuyên không dựa trên cơ sở khoa học. Phải nghĩ khuynh hướng đó là bẩm sinh, tồn tại lâu dài.

Người ĐT, ST có thể là những ông bố, bà mẹ tốt không?

Hoàn toàn có thể. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng không có sự khác biệt nào trong quá trình phát triển của nhóm trẻ em do các phụ huynh là người ĐT nuôi dạy với nhóm trẻ em có phụ huynh là người DT. Một điều quan trọng cần biết nữa là xu hướng tính dục của người bố hay người mẹ không quyết định được xu hướng tính dục của đứa con nuôi. Cha mẹ ĐT không có nghĩa là con nuôi cũng sẽ ĐT, bởi vì cũng giống như cha mẹ DT không có nghĩa con cái họ cũng luôn là DT.

II. HÔN NHÂN ĐỒNG TÍNH

A. Định nghĩa Hôn nhân, Gia đình

Hôn Nhân Truyền Thống là thế nào?

Tự điển Larousse định nghĩa “Hôn nhân là sự kết hợp theo pháp luật của một người nam và một người nữ”. Định nghĩa của Larousse xem ra quá đơn giản.

Theo Viện Từ Điển Học và Bách Khoa Thư VN, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN: “Hôn nhân là sự kết hợp giữa hai cá nhân thuộc hai giới tính khác nhau thông qua các bước với những nghi thức nhất định để thành lập gia đình, thực hiện các chức năng chủ yếu là tái sản xuất nòi giống, giáo dục con cái và sản xuất kinh tế.”

Luật hôn nhân và gia đình (1986) và Luật dân sự (1995) của Việt Nam có quy định chặt chẽ chế độ hôn nhân một vợ một chồng.

Gia Đình Truyền Thống là thế nào?

Gia đình là thiết chế xã hội dựa trên cơ sở kết hợp những thành viên khác giới, thông qua hôn nhân, để thực hiện các chức năng sinh học, kinh tế, văn hóa, xã hội, tín ngưỡng. Khi gia đình đã có con cái, thì các thành viên trong gia đình được liên kết với nhau vừa bằng quan hệ hôn nhân (không cùng huyết thống) vừa bằng quan hệ huyết thống (theo dòng mẹ hoặc dòng bố)” (ibid).

Hôn Nhân ĐT được định nghĩa ra sao?

“HNĐT” hay “hôn nhân đồng giới” là hôn nhân giữa hai người có cùng giới tính sinh học ”. HNĐT, Same-Sex Marriage, còn được gọi là “hôn nhân bình đẳng”, thuật ngữ này được sử dụng phổ biến nhất từ những người ủng hộ.

Có bao nhiêu quốc gia đã công nhận HNĐT?

Sau đây là số các quốc gia đã công nhận HNĐT, xếp theo thứ tự năm công nhận: Hà Lan – 2001; Bỉ – 2003; Canada – 2005; Tây Ban Nha – 2005; Nam Phi – 200; Na Uy – 2009; Thụy Điển – 2009; Bồ Đào Nha – 2010; Iceland – 2010; Argentina – 2010; Đan Mạch – 2012; New Zealand – 2013; Uruguay – 2013; Brazil – 2013; Anh – 2013; Pháp – 2013; Scotland – 2014; Luxembourg – 2014; Slovenia – 2015; Phần Lan – 2015; Hoa Kỳ – 26/6/2015; Ý – 26/02/2016; Colombia – 26/04/2016; Đức – 30/6/2017. Malta – 12/7/2017.

Như thế tính đến 12/7/2017, chính thức đã có 25 quốc gia công nhận HNĐT, Hà Lan là nước đầu tiên (2001) và Malta là nước mới nhất (12/7/2017).

Theo Wikipedia, năm 2019, trong số 220 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đã có 28 quốc gia/vùng lãnh thổ chính thức công nhận HNĐT.

B. Vấn đề ĐT, HNĐT tại Việt Nam

Thái độ của Nhà Nước Việt Nam thế nào?

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 cấm HNĐT, Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi năm 2014, bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính” từ ngày 1 tháng 1 năm 2015. Tuy nhiên, Luật 2014 vẫn quy định “không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính” (khoản 2 Điều 8).

Uỷ Ban Nhân Dân TP Hà Nội cho rằng thực tế hiện nay hiểu biết của xã hội Việt Nam về ĐT còn rất hạn chế. Đa số đang ít nhiều hiểu sai về người ĐT. Theo đó, UBND TP Hà Nội đề xuất luật nên quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính là phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống của người Việt Nam cũng như mục đích của việc kết hôn.

Sở Tư pháp Thanh Hóa cũng cho rằng việc kết hôn giữa những người đồng giới là trái với quy luật phát triển bền vững của xã hội do không đảm bảo được chức năng của gia đình là duy trì nòi giống.

Ý kiến của người dân ra sao?

Theo kết quả điều tra quốc gia về “Quan điểm xã hội với hôn nhân cùng giới” được Viện Xã hội học (Viện Hàn lâm Khoa học – Xã hội Việt Nam) và Viện Nghiên cứu xã hội, Kinh tế và Môi trường công bố ngày 26/3/2014: Việt Nam đang có khoảng 1,6 triệu người ĐTST và Chuyển giới, ở độ tuổi 15-59, chiếm khoảng 3 – 5 % dân số.

Việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới 33,7% ủng hộ, 66% phản đối. Việc công nhận quyền sống chung như vợ chồng giữa những người cùng giới tính, số người ủng hộ là 41,2%. Hình thức sống chung cùng giới nên được hợp pháp hóa theo dạng “kết hợp dân sự” hoặc “đăng ký sống chung như vợ chồng”.Những năm trước đây, tại Hà Nội cũng đã thấy lẻ tẻ xuất hiện một vài nhóm nhỏ ủng hộ ĐT và HNĐT, tổ chức các đám cưới HNĐT (giả).

III. QUAN ĐIỂM CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

Trước khi nêu lên quan điểm chính thức của Giáo hội công giáo về ĐT, tưởng cũng nên nhìn qua quan điểm của một số “Giáo hội chị em”, “Giáo hội hàng xóm”.

A. Những tôn giáo “chị em”, “hàng xóm”

Do Thái giáo quan niệm thế nào?

Chắc chắn một điều, Do thái giáo dựa vào Cựu Ước không chấp nhận HNĐT. Tuy nhiên một nhánh lớn nhất của đạo Do Thái ngoài Israel tại Mỹ, cấp tiến, đã tạo điều kiện cho các đám cưới đồng giới trong giáo đường.

Hồi giáo quan niệm thế nào?

Luật Sharia hà khắc của Hồi giáo coi ĐT là tội đáng bị trừng phạt. Không có hình phạt cụ thể nào được ghi trong luật này, nhưng một số cặp đôi ĐT đã bị tử hình. Tại Malaysia – quốc gia gồm phần đông tín đồ Hồi giáo, Quan hệ tình dục ĐT là trái luật.

Anh giáo quan niệm thế nào?

Có hai khuynh hướng:

– Anh giáo tại châu Phi (trừ vùng Nam Phi) và tại châu Á thì kịch liệt chống đối ĐT và HNĐT.

– Anh giáo tại Bắc Mỹ và Canada thì chấp nhận ĐT và HNĐT ủng hộ kết hợp dân sự ĐT. Nhóm này chấp nhận cho cả các giáo sĩ ĐT.

Chính thống giáo quan niệm thế nào?

Giáo hội Chính thống giáo Nga vẫn giữ một lập trường rất nhặt, không chấp nhận hay thỏa hiệp về vấn đề ĐT và HNĐT.

Mới đây, Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Kirill của Tòa Thượng Phụ Matxcova đã “lên án việc Mỹ cho phép HNĐT, coi nó ngang bằng với hôn nhân tự nhiên mà Chúa đã ban cho chúng ta trong các điều răn”.

Phật giáo quan niệm thế nào?

Với Phật Giáo nói chung, “Thông qua những lời giảng dạy của Đức Phật, chúng ta không thấy Ngài phê phán những người ĐT về phương diện đạo đức”. (x. “HNĐT và quan điểm của Phật giáo” Tâm Diệu biên soạn 30/6/2015).

Với hàng Phật tử tại gia, Đức Phật không có điều luật hay lời khuyên nhủ nào về vấn đề kết hôn giữa những người cùng giới tính.

Với hàng Phật tử xuất gia, Đức Phật không cho phép những người ĐT được thọ giới Tỳ kheo, trong đó bao gồm cả người ái nam ái nữ.

Ý kiến của Đức Đạt Lai Lạt Ma, Khôi nguyên giải Nobel Hòa Bình: Khi đề cập đến vấn đề ĐT vào ngày 11 tháng 6 năm 1997 tại San Francisco, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã “xác nhận nhân phẩm và quyền của những người ĐT, nhưng ngài cũng cho rằng, sự thủ dâm hay giao hợp đường miệng, hậu môn là không thích hợp và người con Phật cần phải tránh.

Vị Phật tử nổi tiếng vào bậc nhất thế giới và có thế giá bậc nhất trong các người con Phật, công nhận Đức Phật không nói gì về vấn đề ĐT, nhưng Đức Đạt Lai Lạt Ma gọi ĐT là tà hạnh”.

B. Quan điểm của Giáo hội Công giáo[2]

Để nắm vững Quan điểm, Lập trường, hay Giáo lý của Giáo hội Công giáo, chúng ta cần dựa vào những văn kiện chính thức của Giáo hội, trường hợp chúng ta đang tìm hiểu, vấn đề ĐT, là “Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo” (Sách GLHTCG) được Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II ban hành ngày 11 tháng 10 năm 1992 và Thư của Bộ Giáo Lý Đức Tin gửi cho các Giám mục Công giáo về việc chăm lo mục vụ cho những người ĐT” (Thư BGLĐT) được Đức Hồng y Bộ trưởng Joseph Ratzinger ký ngày 01/10/1986. Sách GLHTCG và Thư BGLĐT của Tòa Thánh vừa nêu là hai văn kiện chính thức, có thẩm quyền tuyệt đối, tối cao của Giáo hội công giáo về vấn đề chúng ta đang đề cập hôm nay, vấn đề ĐT.

Vậy, 1- Giáo lý Công giáo nói gì về ĐT? 2- Dựa trên Cơ sở nào để đem ra giáo lý ấy? và 3- Giáo hội có những Hướng dẫn nào dành cho những anh chị em có khuynh hướng ĐT?

Giáo lý của Giáo hội Công giáo

– ĐT, “thác loạn từ bản chất, không thể chấp nhận”

Sách GLHTCG số 2357. ĐT là những liên hệ giữa những người nam hay những người nữ, cảm thấy sự hấp dẫn tính dục một cách mạnh hơn hẳn, hoặc một cách độc chiếm, đối với những người cùng giới tính. Nó đã mặc lấy những hình thức rất khác nhau qua các thế kỷ và nơi những văn hóa khác nhau. Sự phát sinh về tâm thần của nó vẫn còn nhiều điểm chưa lý giải được.

Dựa trên Thánh Kinh vẫn lên án chúng là những hành vi suy đồi nghiêm trọng. Truyền thống luôn luôn tuyên bố “những hành vi ĐT là thác loạn từ bản chất của chúng”. Những hành vi này nghịch với luật tự nhiên. Chúng đóng cửa không cho hành vi tính dục ban tặng sự sống. Chúng không xuất phát từ một sự bổ khuyết cho sinh hoạt tình cảm và tính dục thật sự. Chúng không thể được chấp nhận trong bất cứ trường hợp nào.”

– Khuynh hướng ĐT là rối loạn khách quan

Thư BGLĐT số 3: “Mặc dù xu hướng đặc biệt này của người ĐT không phải là một tội, hầu như là một khuynh hướng mạnh mẽ, hướng tới một điều sai trái về bản chất; và do vậy bản thân khuynh hướng này phải được xem như một rối loạn khách quan.”

– ĐT không phải là một thiết lập mang tính bổ sung.

Thư BGLĐT, số 7: “Chọn một người cùng giới để phục vụ cho hoạt động tình dục của mình chính là phá hủy biểu tượng và ý nghĩa đẹp đẽ mà Đấng Tạo Hóa đã thiết lập về tính dụcnếu không nói đến mục tiêu của hành vi tính dục. Hoạt động tình dục đồng giới không phải là sự kết hợp bổ sung cho nhau để thông truyền sự sống.”

– Kết hợp yêu thương và hiến dâng đời sống

Thư BGLĐT số 7: “Giáo Hội … tôn vinh ý định thiêng liêng của việc kết hợp yêu thương và hiến dâng cuộc sống cho nhau giữa người nam và người nữ trong bí tích hôn nhân.”

– Áp lực cho Giáo Hội

Thư BGLĐT số 8: “Ngày nay với việc gia tăng số người ĐT, ngay cả trong Giáo Hội, đã gây ra một áp lực to lớn, đòi hỏi Giáo hội phải chấp nhận tình trạng ĐT như thể nó không có gì là rối loạn và phải bỏ qua hành vi này.”

1. Nền tảng Thánh Kinh

– Hòa hợp giữa Thánh Kinh, Thánh Truyền và Huấn quyền

Thư BGLĐT, số 5. “Giáo thuyết của Giáo Hội về vấn đề này vì vậy không phải dựa trên vài câu rời rạc dùng cho sự lý luận thần học dễ dàng, nhưng trên nền tảng vững chắc của một bằng chứng Kinh Thánh hằng định. Một cách chính yếu, cần nhìn nhận rằng Kinh Thánh không được hiểu một cách chính xác khi chúng được giải thích theo một cách thức đối nghịch với Truyền Thống sống động của Giáo Hội. Một cách đúng đắn, việc giải thích Kinh Thánh phải hòa hợp một cách căn bản với Truyền Thống đó.

Công Đồng Vatican II trong Dei Verbum số 10 nói đến điều trên như sau: “Vì vậy, rõ ràng rằng trong sự sắp xếp khôn ngoan tuyệt đỉnh của Thiên Chúa, Truyền Thống thánh thiêng, Kinh Thánh, và Huấn Quyền của Giáo Hội đã nối kết và liên hệ chặt chẽ với nhau đến mức mỗi lãnh vực không thể đứng vững nếu không có hai lãnh vực kia”.

Sau đây chúng tôi xin ghi lại ngắn gọn những trích đoạn Thánh Kinh[3] phải được xem như là cơ sở có thẩm quyền tuyệt đối, tối cao đối với vấn đề ĐT. Kèm theo là những nhận định từng phần của Bộ GLĐT. (x. Thư BGLĐT ngày 1/10/1986).

CỰU ƯỚC

Sáng Thế 19, 1-11, 15, 23.“ Hai sứ thần đến thành Xơ- đôm vào buổi chiều… Vừa thấy các ngài, ông Lót đứng lên ra đón các ngài và nói: “Thưa các ngài, kính xin các ngài ghé lại nhà tôi tớ các ngài đây để nghỉ đêm và rửa chân, rồi sớm mai các ngài tiếp tục đi đường”. Họ đáp: “Không! Chúng tôi sẽ nghỉ đêm ngoài đường phố”. Nhưng ông nài nỉ các ngài mãi nên các ngài ghé lại và vào nhà ông. Ông làm tiệc đãi các ngài, nướng bánh không men, và các ngài đã dùng bữa. Các ngài chưa đi nằm thì dân trong thành, tức là người Xơ-đôm, bao vây nhà, từ trẻ đến già, toàn dân không trừ ai. Chúng gọi ông và bảo: “Những người vào nhà ông đêm nay đâu rồi? Hãy đem họ ra cho chúng tôi chơi [4]”.

“Ông Lót ra trước cửa gặp chúng, đóng cửa lại sau lưng, rồi nói: “Thưa anh em, tôi van anh em đừng làm bậy. Đây tôi có hai đứa con gái chưa ăn ở với đàn ông, tôi sẽ đưa chúng ra cho anh em; anh em muốn làm gì chúng thì làm, nhưng còn hai người này, xin anh em đừng làm gì họ, vì họ đã vào trọ dưới mái nhà tôi.”

Chúng đáp: “Xê ra! Tên này là một ngoại kiều đến đây trú ngụ mà lại đòi xét xử à! Chúng tao sẽ làm dữ với mày hơn là với những tên kia!” Họ xô mạnh ông Lót và xông vào để phá cửa. Nhưng hai người khách đưa tay kéo ông Lót vào nhà với mình, rồi đóng cửa lại.

Còn những người đứng ngoài cửa, thì các ngài làm cho chúng ra mù, từ người nhỏ nhất đến người lớn nhất, khiến chúng không sao tìm ra cửa…”

“Khi hừng đông ló rạng, các sứ thần giục ông Lót rằng: “Đứng lên! Đưa vợ và hai con gái ông đang ở đây đi đi, kẻo ông phải chết lây khi thành bị phạt”..

“Khi mặt trời mọc lên trên mặt đất thì ông Lót vào Xô-a. Đức Chúa làm mưa diêm sinh và lửa từ Đức Chúa, từ trời, xuống Xơ-đôm và Gô-mô-ra. Người phá đổ các thành ấy và cả vùng, cùng với toàn thể dân cư các thành ấy và cây cối trên đất.”

Trong đoạn văn trên, sự phê phán luân lý chống lại các quan hệ ĐT là không thể nghi ngờ.

Lêvi 18, 22.“Lời của Đức Chúa: “Ngươi không được nằm với đàn ông như nằm với đàn bà: đó là điều ghê tởm”.

Lêvi 20,13. Mô tả các điều kiện cần thiết để thuộc về Dân Được Tuyển Chọn, tác giả loại trừ khỏi Dân của Thiên Chúa những ai hành xử theo ĐT. Đức Chúa phán với ông Môsê rằng… “Khi người đàn ông nào nằm với một người đàn ông như nằm với đàn bà, thì cả hai đã làm điều ghê tởm; chúng phải bị xử tử, máu chúng đổ xuống đầu chúng”.

TÂN ƯỚC

Matthêu 19,3-6. “Những người Pharisêu đến gần Đức Giêsu để thử Người. Họ nói: “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?” Người đáp: “Các ông không đọc thấy điều này sao: “Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ, và Người đã phán: “Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ trở thành một xương một thịt”.

Đó là định nghĩa hôn nhân một nam một nữ, chứ không phải là ĐT như ngày nay người ta muốn định nghĩa: “Hôn nhân là sự kết hợp giữa hai người”.

1 Côrintô 6, 9-10. “Nào anh em chẳng biết rằng những kẻ bất chính sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp sao? Anh em đừng lầm lẫn. Những kẻ dâm đãng, thờ ngẫu tượng, ngoại tình, trụy lạc, kê gian, (c.10), những kẻ trộm cướp, tham lam, say sưa rượu chè, quen chửi bới, sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp”.

Rõ ràng thánh Phaolô liệt kê những ai hành xử theo ĐT vào số các người “sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp”.

Rôma 1, 23. 26.“Thay vì Thiên Chúa vinh quang bất tử, họ đã thờ hình tượng người phàm là loài phải chết, hay hình tượng các loài chim chóc, thú vật, rắn rết…”.“Bở thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục tình đồi bại. Đàn bà không quan hệ theo lẽ tự nhiên, mà lại làm điều trái tự nhiên. Đàn ông cũng vậy, không quan hệ với đàn bà theo lẽ tự nhiên, mà lại đem lòng thèm muốn lẫn nhau: đàn ông bậy bạ với đàn ông. Như vậy là chuốc vào thân hình phạt xứng với sự lầm lạc của mình”.

Thánh Phaolô sử dụng hành vi ĐT như một thí dụ của sự mù quáng đã chinh phục con người. Thay vì sự hòa hợp nguyên thủy giữa Đấng Tạo Hóa và thụ tạo, sự méo mó gay gắt của thờ ngẫu tượng đã dẫn đến mọi loại quá trớn luân lý. Thánh Phaolô không tìm thấy một thí dụ nào rõ ràng hơn về sự bất hòa hợp này là các quan hệ ĐT.

1 Timôthê 1, 9-10.“Lề Luật có đó, không phải cho người công chính, mà là cho hạng người sống ngoài lề luật và bất phục tùng, vô luân và tội lỗi, phạm thánh, phạm thượng, giết cha giết mẹ sát nhân, (9), dâm dật, kê gian, buôn người, nói dối, bội thề và những kẻ sống ngược với giáo lý lành mạnh” (10). (“Kê gian, một lối thỏa mãn nhục dục kỳ quái” cước chú của CGKPV)

Rõ ràng trong câu 10, minh nhiên gọi những ai làm hành vi kê gian, ĐT, là kẻ tội lỗi.

2. Hướng dẫn Mục vụ

– Người ĐT phải được đón nhận với sự tôn trọng

Sách GLHTCG số 2358: “Một số không nhỏ những người nam và người nữ có khuynh hướng ĐT thâm căn. Đối với đa số những người này, sự nghiêng chiều vô trật tự một cách khách quan đó, là một thử thách. Họ phải được đón nhận với sự tôn trọng, thông cảm và tế nhị. Phải tránh bất cứ dấu hiệu phân biệt đối xử bất công nào đối với họ. Những người này được kêu gọi thực hiện ý Thiên Chúa trong cuộc sống của mình, và, nếu là Kitô hữu, họ được kêu gọi kết hợp các khó khăn họ có thể gặp phải do hoàn cảnh của mình, với hy lễ thập giá của Chúa”.

Thư BGLĐT, số 9, 10: “Giáo Hội không bao giờ nhẫn tâm”. “Phẩm giá nội tại của mỗi con người phải luôn luôn được tôn trọng trong lời nói, hành động hay trong luật

– Lên án ác tâm bạo lực với người ĐT

Thư BGLĐT, số 10 “Thật đáng lên án khi những người ĐT trở thành mục tiêu của ác tâm bạo lực trong lời nói cũng như hành động. Những cách đối xử như vậy thật đáng để các chủ chăn của Giáo hội lên án dù ở bất cứ nơi đâu.”

– Không thể chấp nhận ĐT về mặt luân lý

Thư BGLĐT, các số 3, 7: “…Thế nên sự quan tâm đặc biệt và chăm sóc mục vụ phải nhắm đến những người đang trong tình trạng này, sợ rằng nếu để họ tin sống và hành động theo khuynh hướng ĐT là một lựa chọn có thể chấp nhận về mặt luân lý. Chỉ trong mối quan hệ vợ chồng thì việc sử dụng khả năng của giới tính mới hợp luân lý.”

– Nói “không thể cưỡng lại được” chỉ là giả định không cơ sở

Thư BGLĐT số 11. “Bằng mọi giá, điều cần tránh là những giả định không có cơ sở và hạ thấp phẩm giá con người. Giả định này cho rằng hành vi tính dục của những người ĐT hoàn toàn không thể cưỡng lại và vì thế hành vi ấy vô tội.”

– Kêu gọi người ĐT giữ sự khiết tịnh

Sách GLHTCG số 2359: “Những người ĐT được kêu gọi giữ sự khiết tịnh. Nhờ các nhân đức giúp tự chủ dạy cho biết tự do nội tâm và có khi nhờ sự nâng đỡ của tình bằng hữu vô vị lợi, nhờ việc cầu nguyện và ân sủng bí tích, chính họ có thể và phải dần dần và cương quyết tiến đến sự trọn hảo Kitô giáo”.

– Kết hợp với thập giá Chúa để từ bỏ ĐT

Thư BGLĐT, số 11 “Việc từ bỏ hoạt động ĐT đòi hỏi cá nhân ấy phải cộng tác mật thiết với Chúa để được ơn ban tự do”.

Thư BGLĐT, số 12“Các người ĐT phải làm gì để theo chân Thiên Chúa? Một cách nền tảng, họ được mời gọi để thực hiện ý Thiên Chúa trong đời sống của họ bằng cách nối kết bất cứ đau khổ và khó khăn, mà họ gặp phải do bởi tình trạng của họ, với hy sinh thập giá của Chúa. Thập giá đó, đối với người tín hữu, là hy sinh mang lại hoa trái vì từ sự chết đó, đem lại sự sống và sự cứu rỗi”.

IV. LỜI CUỐI

ĐT và HNĐT là những vấn đề xã hội, đã và đang kéo dài từ nhiều thập niên này, đã phát sinh và nhanh chóng lan rộng tại các nước bên Âu, Mỹ, Úc, những môi trường mà quan niệm về đạo đức được xem là cởi mở thông thoáng hơn nhiều so với các quốc gia châu Á, trong đó có VN. Tại các quốc gia đó đã xuất hiện nhiều nhóm, nhiều phong trào, nhiều tổ chức cổ vũ, ủng hộ ĐT, HNĐT. Họ diễu hành, biểu tình – người diễu hành, biểu tình không chỉ là những người ĐT mà nhiều người không phải là ĐT cũng tham gia cổ vũ – gây áp lực lên các chính phủ, lên Giáo hội đòi công nhận quyền công dân của người ĐT, đòi hợp pháp hóa HNĐT.

Và cụ thể, thực tế họ đã phần nào thành công: một số quốc gia đã lần lượt theo nhau hợp thức hóa, công nhận HNĐT, công nhận quyền chuyển giới, quyền nhận con nuôi của những cặp ĐT.

Đây là vấn đề gây nhức nhối cho các giới chức trong Giáo hội – Giáo hội trung ương cũng như Giáo hội địa phương – bởi những gì những người biểu tình, những người ĐT đòi hỏi đều đi ngược hẳn với quan điểm, giáo lý của Giáo hội công giáo, ngược hẳn với Thánh Kinh.

Lo âu trước sự bành trướng của các phong trào ủng hộ, công nhận vấn đề ĐT và HNĐT ngày một gia tăng, hơn 20 năm trước đây, ngày 01/10/1986, Bộ Giáo lý Đức tin đã gửi cho các Giám mục Công giáo trên thế giới một lá thư nêu lên quan điểm chính thức của Giáo hội và kêu gọi các Giám mục quan tâm chăm lo mục vụ cho những người ĐT, như chúng tôi đã trích dẫn khá nhiều ở phần trên.

Lá thư của Bộ Giáo lý Đức tin không chỉ hữu ích cho anh chị em ĐT mà cho tất cả mọi tín hữu, đặc biệt cần thiết, hữu ích cho hàng giáo sĩ, tu sĩ. Bởi giám mục, linh mục, tu sĩ là những người phải nắm vững quan điểm, giáo lý của Giáo hội để hướng dẫn, chăm sóc cho anh chị em ĐT đã đành mà còn phải biết rõ để hướng dẫn người tín hữu đứng vững, không vật vờ trước những làn gió độc, những giải thích sai trái không phù hợp với Thánh Kinh, Thánh Truyền và Huấn Quyền của Giáo hội.

Phải khẳng định và xác tín rằng: Giáo hội là “Hiền mẫu và Tôn sư, Mater et Magistra” (Lời thánh Giáo hoàng Gioan XXIII). Không người Thầy chân chính nào dạy cho học trò những điều mình biết là sai trái. Không người Mẹ hiền nào không lo những gì tốt nhất cho con cái mình. Giáo hội luôn dạy và làm những gì đúng và tốt nhất cho con cái để được ơn cứu độ.

Trong Giáo hội, anh chị em ĐT là thiểu số, là những người con có khuynh hướng tính dục khác với đa số, vẫn được Giáo hội đặc biệt quan tâm, chỉ ra những hướng dẫn cụ thể để họ thực thi mà hưởng ơn cứu độ. Cầu mong anh chị em ĐT sẵn lòng nỗ lực thực thi những gì Mẹ và Thầy Giáo hội chỉ bảo để có thể chiếm hữu được Nước Trời là nơi không còn bị dằn vặt bởi Đồng Tính, Dị Tính, Song Tính hay Hoán Tính nữa mà sẽ sống… “như các thiên thần, sicut angeli”. (Mt 22, 30).

 


[1] Những gì viết ra sau đây đều đã được “sàng lọc” từ nhiều nguồn đạo, đời khác nhau, viết theo mô thức compendium, toát yếu, hỏi thưa, ngắn gọn, chỉ ghi những ý tưởng chính yếu, căn bản. Những mục nào cần “nói có sách mách có chứng” thi sẽ được trưng dẫn nguyên văn, xuất xứ, đầy đủ.

[2] Trong Mục III. B. đặc biệt quan trọng này các văn kiện chính thức của Giáo hội cũng như các bản văn Thánh Kinh sẽ được trích dẫn đầy đủ, nguyên văn.

[3] Những trích dẫn Thánh Kinh chúng tôi theo bản dịch của Nhóm CGKPV

[4] “ut cognoscamus”, Nhóm CGKPV dịch là “cho chúng tôi chơi”, Nhóm Tâm Linh dịch là “cho chúng tôi hưởng lạc”, cha Nguyễn Thế Thuấn dịch là “cho chúng tôi biết”. Lm. Aug. Hoàng Đức Toàn

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!