Giáo Hội Hoàn VũTin Giáo Hội

Ðức Thánh cha chủ sự Nghi thức Tưởng niệm Cuộc Thương khó của Chúa

 Lúc 5 giờ chiều, Thứ Sáu Tuần thánh, ngày 07 tháng Tư năm 2023, Ðức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự Nghi thức trọng thể tại Ðền thờ thánh Phêrô để tưởng niệm Cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, trước sự hiện diện của hàng ngàn tín hữu, đông đảo các hồng y, giám mục, và hàng trăm chức sắc khác.

Sau bài Thương khó, Ðức Hồng y Raniero Cantalamessa, 89 tuổi, Dòng Capuchino, Giảng thuyết viên tại Phủ Giáo hoàng, từ 43 năm nay (1980), đã diễn giải về đề tài: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết”.

Ðức Hồng y nói: “Từ hai ngàn năm nay, trong ngày Thứ Sáu Tuần thánh, Giáo hội công bố và cử hành cái chết của Con Thiên Chúa trên thập giá. Và trong mỗi thánh lễ, sau khi truyền phép, Giáo hội tuyên xưng: “Chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến!”

“Nhưng có một cái chết khác của Thiên Chúa được người ta loan truyền từ một thế kỷ rưỡi đến nay, trong thế giới Tây phương bị tục hóa. Trong bối cảnh văn hóa, người ta nói về “cái chết khác của Thiên Chúa, cái chết ý thức hệ chứ không phải cái chết lịch sử. Một vài nhà thần học, để khỏi bị thụt lùi so với thời đại, đã vội vã kiến tạo trên đó một nền thần học: “Thần học về cái chết của Thiên Chúa”.

Và Ðức Hồng y Cantalamessa kể lại: một hôm triết gia Nietzsche, người Ðức, hổn hển chạy ra quảng trường thành phố và hô lên: Thiên Chúa đi đâu rồi? Tôi nói với quý vị! Chính chúng ta đã giết Chúa: quý vị và tôi! Chưa bao giờ có một hành động nào lớn hơn. Tất cả những người sẽ đến sau chúng ta, do hoạt động này, sẽ thuộc về một lịch sử cao hơn tất cả lịch sử cho đến ngày nay” (Friedrich Nietzsche, La gaia scienza, 1882, n. 125).

Từ những điều trên đây, Ðức Hồng y giảng thuyết viên đã nói về các khía cạnh của trào lưu vô thần, một thứ thời trang nơi giới trí thức Tây phương “hậu hiện đại”, với nhiều sắc thái khác nhau, nhưng chúng đều có chung một trào lưu duy tương đối hoàn toàn trong mọi lãnh vực: luân lý đạo đức, ngôn ngữ, triết học, nghệ thuật, và dĩ nhiên là cả tôn giáo. Không còn gì là chắc chắn nữa; tất cả đều lỏng, và thậm chí chỉ là hơi”.

Ðức Hồng y Cantalamessa nhận xét rằng: “Người điên ấy kêu lên: “Thiên Chúa hả? Chính chúng ta đã giết ông ấy: quý vị và tôi!” Trong thực tế, điều kinh khủng này chỉ xảy ra một lần trong lịch sử con người, nhưng theo một nghĩa rất khác với nghĩa mà ông hiểu. Vì, thưa anh em, đúng là chúng ta đã giết Chúa, anh chị em và tôi, chúng ta đã giết Chúa Giêsu thành Nazareth! Chúa đã chết vì tội lỗi của chúng ta và toàn thế giới (1 Ga 2,2). Nhưng sự sống lại của Chúa trấn an chúng ta rằng con đường này không dẫn tới sự thất bại, nhưng qua sự thống hối của chúng ta, nó dẫn đến vinh quang sự sống, điều không thể tìm được ở nơi khác”.

Ðức Hồng y cho biết ngài nói những điều này “trong ngày Thứ Sáu Tuần thánh, không phải để thuyết phục những người vô thần rằng Thiên Chúa không chết! Những người vô thần nổi danh nhất đã tự khám phá thấy điều đó, trong lúc họ nhắm mắt lìa trần. Còn những người đang sống, để thuyết phục họ, cần những phương thế khác, hơn là những lời nói của một người giảng thuyết. Những phương thế mà Chúa sẽ không để cho những người mà Chúa đã mở tâm hồn họ đối với sự thật, phải thiếu thốn, như chúng ta sắp cầu nguyện trong kinh nguyện phổ quát sau đây”.

“Mục đích của bài giảng này là để các tín hữu, có thể là vài sinh viên đại học, khỏi bị thu thút vì cơn lốc của chủ thuyết hư vô thực sự là “một hố đen” trong vũ trụ tinh thần…”

Lễ nghi Tưởng niệm cuộc Thương khó của Chúa được tiếp nối với 10 lời nguyện cho các nhu cầu của Công giáo và mọi thành phần trong nhân loại. Kế đến là nghi thức tôn thờ Thánh giá và phần Hiệp lễ. Sau cùng, hàng chục linh mục đã trao Mình Thánh Chúa cho các tín hữu.

(Rei 7-4-2023)

  1. Trần Ðức Anh, O.P.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!