Mục vụ gia đình

Giáo hội Công giáo có “lạc hậu” khi không cho phép ly hôn?

Giáo hội Công giáo có “lạc hậu” khi không cho phép ly hôn?

 

 

Một đạo diễn nổi tiếng ở Việt Nam từng phát ngôn trên truyền hình về vấn đề hôn nhân, ông cho rằng, ly hôn là biểu hiện của sự tiến bộ và sự phát triển cao của xã hội, người ta càng ly hôn nhiều, càng cho thấy xã hội đó càng văn minh. (Ý kiến của bạn xin gửi đến  [email protected] nhé)

Tuy nhiên, đối với Giáo hội Công giáo, các cặp vợ chồng TUYỆT ĐỐI không được phép ly hôn. Liệu Giáo hội có đang “lạc hậu” không?

Cover_Giaohoicamlyhon_phailamgi.jpg

Theo Giáo luật của Giáo hội Công giáo, Bí tích hôn phối thành sự khi là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ, đã rửa tội, hoặc đã xin tháo ngăn trở, có ý chí tự do, không bị ép buộc hay ngăn chở, bày tỏ sự ưng thuận và được cử hành theo thể thức của Hội thánh. Lúc này, cả hai đã trở thành một gia đình trước mặt Chúa, và khi bí tích đã thành sự, vợ chồng không được phép ly hôn, trừ khi một trong 2 người qua đời, người còn lại mới được phép tái hôn.

Tại sao Giáo hội không cho phép ly hôn?

Theo Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo, định chế hôn nhân đã được Chúa Giê-su nâng lên hàng bí tích. Thiên Chúa thiết lập định chế này với tư cách là tác giả của hôn nhân. Đây là một giao ước không thể bị hủy bỏ, như một món quà giữa chồng và vợ trao chính bản thân mình cho nhau, hình thành nên mối hiệp thông sự sống và tình yêu, gọi là gia đình. (TLHT 212, 215)

Giáo hội Công giáo lại đặc biệt quan tâm tới vấn đề gia đình, vì đây là nơi con người học cách sống yêu thương, và cũng là hình thức hiệp thông đầu tiên giữa người với người. Từ sự hiệp thông này, những đứa trẻ được sinh ra. Đồng thời, được học hỏi trong khung cảnh gia đình và thông qua các tương tác gia đình, chúng hiểu thế nào là làm người và cách sống các nhân đức. (TLHT 209-211). Theo nghĩa này, gia đình là nơi đầu tiên để một đứa trẻ phát triển nhân cách, nếu không có sẽ khó có thể đạt tới sự phát triển đủ đầy.

Chính vì thế, trải nghiệm gia đình là vô cùng quan trọng đối với mỗi cá nhân. Trong một môi trường tích cực, mỗi thành viên trong gia đình có thể phát huy các năng lực, đủ sức để đương đầu với khó khăn mà cuộc sống đem lại.

Riêng đối với trẻ em, chúng được quyền lớn lên trong một gia đình có đủ cả cha lẫn mẹ, đây là một quyền cơ bản được khắc ghi vào bản tính con người. Khi sống với gia đình, chúng được trải nghiệm tình hiệp thông với người khác, được thương yêu, được tôn trọng và luôn được dành cho những điều tốt đẹp nhất. Những đứa trẻ được yêu thương, sẽ trở nên những đứa trẻ biết yêu thương, là tiền đề cho một xã hội phát triển, công bằng, văn minh.

Với những người đã ly dị

Đối với những người đã ly dị trên phương diện pháp luật, Giáo hội vẫn công nhận họ đang trong rằng buộc với Bí tích hôn nhân và luôn bận tâm với những người trong trường hợp này. Theo đó, Giáo hội khuyến khích họ tiếp tục giữ vững và phát triển Đức tin của mình, liên tục cầu nguyện, nuôi dạy con cái trong Đức tin và tìm kiếm Ân sủng của Thiên Chúa. Bên cạnh đó, Bí tích Thánh thể và Bí tích Hòa giải vẫn mở ra cho những ai sẵn lòng sống một đời sống kiên định với sự bất khả phân ly của hôn nhân.

Tóm lại

Hôn nhân Công Giáo không chỉ là một liên kết tình yêu giữa người nam và người nữ, mà đó là một ước muốn và lời hứa trước mặt Thiên Chúa, vì thế không thể bị phá bỏ. Bên cạnh đó, Giáo hội đòi hỏi việc sống xứng đáng với phẩm giá con người của từng thành viên trong gia đình, để họ có thể đạt tới sự phát triển của mình một cách dễ dàng và tròn đầy nhất. Vì thế, Giáo hội đang thực hiện sứ mạng đồng hành với con người của mình, không thể nói là “lạc hậu” được. st

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!