Giáo Hội Việt NamTin Giáo Hội

Hội thảo mục vụ gia đình và nhân học xây dựng tình huynh đệ

Hội thảo mục vụ gia đình và nhân học xây dựng tình huynh đệ

 

Sáng 18.4.2023, tại nhà truyền thống Ðại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn đã diễn ra buổi hội thảo liên quan đến lãnh vực nhân học và mục vụ gia đình, do cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền (Trưởng Ban Giáo lý TGP TPHCM) tổ chức. Chương trình thu hút đông đảo tham dự viên là các thành viên Ban Giáo lý TGP, 13 thầy phó tế và nhiều giáo dân đến từ các xứ đạo.

Cha Olivier Bonnewijn, linh mục của Tổng Giáo phận Malines-Bruxelles, là thành viên của Cộng đoàn Emmanuel, đã giúp cho các tham dự viên khám phá nhiều điều thú vị và cái nhìn đa chiều với hai đề tài: Hành trình đi vào trọng tâm của nhân học: mối quan hệ mang lại hiện hữu (Tv 138/9,7); và Trở thành anh chị em: những mối liên hệ phải đón nhận và kiến tạo cách thông minh, “những anh chị em mà tôi tìm kiếm” (St 37,16).

 

Trong đề tài đầu tiên “Hành trình đi vào trọng tâm của nhân học: mối quan hệ mang lại hiện hữu”, cha Olivier Bonnewijn phân tích, bài thánh vịnh Tv 138/9,7 là sự phác họa “lộ trình” của đời sống con người, từ khi được bàn tay quyền năng của Thiên Chúa tạo tác như một kỳ công, thiện hảo và hiện hữu trên thế gian như lời giao ước. Đồng thời, đặt chúng ta trở lại trong mối tương giao với Đấng Tạo dựng, làm cho ta hiểu được tính phức hợp của kiếp người. Có khi, trình diện trước mặt Chúa, chúng ta chạy trốn, sợ hãi, thì bài Thánh vịnh này giúp ta đón nhận điều đó trong bình tâm và sự chữa lành. Cũng vậy, đề tài thứ hai “Trở thành anh chị em: những mối liên hệ phải đón nhận và kiến tạo cách thông minh” được minh họa bằng câu chuyện của gia đình ông Giacop trong Sáng Thế Ký. Sự ganh ghét của các anh khi nghĩ rằng cha thiên vị, yêu thương em út Giuse hơn đã gây ra nhiều xung đột, mâu thuẫn giữa các thành viên. Thậm chí các anh còn bày mưu hãm hại, bán em mình sang Ai Cập. Hai mươi năm sau, nạn đói đưa đẩy anh em họ gặp lại nhau và 37 năm sau đó gia đình mới được đoàn tụ sau nhiều biến cố.

Theo cha Olivier xâu chuỗi, Sáng Thế Ký cho thấy nhiều mối tương quan huynh đệ, giữa Cain và Abel, Isaac và Giacop, cuối cùng là Giuse và các anh của ông, thì càng về cuối là tình huynh đệ ngày càng được xây dựng một cách đẹp đẽ trong việc hòa giải, đoàn tụ.

Vị linh mục là tiến sĩ tại Học viện Gioan Phaolô II về Hôn nhân và Gia đình tại Rome và là tác giả của nhiều tác phẩm về tình yêu con người và gia đình nhận định, tình huynh đệ tương tàn rồi lại được kiến tạo trong câu chuyện của gia đình ông Giacop, cũng có thể xảy ra trong đời sống gia đình, trong xã hội. Riêng trong đời sống Giáo hội, tình huynh đệ tâm linh, thiêng liêng, nhập thể, không phải thứ tình huynh đệ bay bổng, tuyệt vời trên mây gió. Tình huynh đệ ấy được xây dựng cụ thể bởi những con người cụ thể, tuy cũng ẩn chứa đâu đó sự phức hợp, tổn thương. Tuy nhiên, khi cùng nhau xây dựng tình huynh đệ khởi đi từ chính trải nghiệm có thật, khi chấp nhận biến đổi, tôi luyện tình huynh đệ mà Thiên Chúa mời gọi, thì khi đó chúng ta mới trở thành dấu chỉ của Nước Trời.

 

Bích Vân

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!