Kiên nhẫn sẽ mang mọi thứ đến cho bạn
(Trích) Tôi cũng đã được nghe một số người nói về sự kiên nhẫn của mình. Và tôi cũng không nghi ngờ gì về tính kiên nhẫn của mình.
• • •
Tôi đã kiên nhẫn như thế nào?
Ngày xưa khi tôi còn học cấp 1, gia đình tôi sống ở quận 5 Sài Gòn, trên một con đường mang tên Trần Phú. Trên con đường này có rất nhiều nhà kinh doanh bán tranh ảnh treo tường, dán tường, hiện giờ vẫn còn. Gia đình tôi cũng có vài năm làm nghề này. Bố tôi ngày ngày cưa cưa đóng đóng mấy tấm ván, mấy cái khung, dán mấy bức tranh, thỉnh thoảng lại có người thuê đi dán những bức tranh to lên tường (gồm nhiều miếng ghép lại).
Thỉnh thoảng cũng có những người họ mua các hộp tranh ghép vài từ trăm mảnh tới vài nghìn mảnh, họ không có thời gian xếp nên họ nhờ chúng tôi xếp hộ rồi đóng khung giùm luôn. Đó là ký ức sớm nhất tôi có được về khả năng kiên nhẫn của mình. Có vẻ như trong nhà tôi 5 người—tôi có một chị và một em trai hơn kém nhau khoảng hai ba tuổi—thì chỉ có tôi là thích thú và có đủ kiên nhẫn với trò chơi xếp hình này nhất. Giờ nếu hỏi mẹ tôi thì chắc bà vẫn còn nhớ. Tôi thường là người cuối cùng ở lại với nó và hoàn tất nó. Có lẽ bẩm sinh ra tôi đã có được tính kiên nhẫn. Không biết kiếp trước tôi có tu tập gì không để có được tính kiên nhẫn đó. Maybe.
Tôi tạo ra page Triết Học Đường Phố (1.0) vào ngày 1/1/2011, duy trì nó cho tới khoảng hè 2016, hiện đã có được hơn 170K Page Likes, vì nhiều lý do nên tôi quyết định đóng Page, ngừng hoạt động. Thỉnh thoảng cũng có người hỏi mua page đó, nhưng tôi không muốn bán nên hét giá thật cao. Tôi thích để đó làm di sản chơi thôi. 10 củ 20 củ tiêu xài một vài tháng cũng hết. Tôi chưa cần tiền tới mức phải bán page như vậy.
Tháng 4 năm 2018 định mệnh đưa đẩy, tôi quyết định xây dựng lại THĐP, chuyển sang page mới Triết Học Đường Phố 2.0. Từ đó đến nay (tháng 4, 2021) mỗi ngày tôi vẫn tạo ra nội dung mới để chia sẻ với cộng đồng. Có giai đoạn khoảng 18 tháng tôi và các cộng tác viên của THĐP đã cùng nhau xuất bản được 27 volumes tạp chí Aloha. Mặc dù trong khoảng thời gian đó doanh thu có được từ nó không được như mong muốn, nhưng tôi vẫn kiên nhẫn duy trì nó không bỏ ngang. Liệu trong tương lai tôi sẽ có tiếp tục bộ tạp chí này nữa không? Vạn sự tùy duyên.
Khoảng tháng 3 năm 2017, tôi quyết định nghỉ công việc hiện tại lúc đó (kiểu như thủ kho) ở một công ty sản xuất bo mạch điện tử mà tôi được ông chú ruột giới thiệu vào, vì tôi thấy công việc này ở đây không có tương lai, sau khoảng 3 năm làm việc ở đó.
Trước đó tôi cũng đã từng làm một nhân viên nhà hàng trong khoảng 5 năm, làm đủ thứ: rửa chén, quét nhà, lau nhà, lau kiếng, lau chùi toilet, đổ rác, chạy bàn, làm nước, tiếp khách, bưng phở, phụ bếp…
Mục tiêu của tôi sau khi nghỉ công việc thủ kho là muốn làm nghề lập trình viên. Ở thời điểm đó tôi thấy trên Udacity có chương trình Nanodegree Full Stack Web Developer, hiện tại vẫn có, nhưng giá đã đắt hơn hồi đó. Tôi đăng ký và đóng tiền học, và đã hoàn tất chương trình và được cấp bằng “Nanodegree” trong khoảng 5 tháng, sớm hơn thời hạn (12 tháng), nên đã được hoàn lại 50% học phí, giờ thì hình như không còn ưu đãi này nữa rồi. Thời điểm này là thời điểm khi THĐP 1.0 đã đóng cửa còn THĐP 2.0 thì chưa hoạt động. Lúc đó tôi cũng chưa hề có ý định gì về mở lại THĐP 2.0. Khi THĐP 2.0 hoạt động trở lại thì tấm bằng Nanodegree kia giờ tôi cũng chẳng cần dùng tới nữa. Mặc dù tri thức nền tảng về lập trình và IT tôi học được từ chương trình đó cũng hỗ trợ ít nhiều cho tôi sau này.
Quay trở lại hiện tại, giờ tôi đang sống ở một nơi mình từng mơ ước, làm những gì mình thích làm, tự do thời gian, độc lập tài chính, không còn phải lo lắng xem tháng này mình thu nhập được bao nhiêu, hay tuần này mình ăn ngoài quán mấy lần rồi, hay có thể vào những quán ăn mà trước giờ không dám vào… Cuộc sống của tôi bây giờ ở VN còn thoải mái và vui vẻ hơn nhiều so với những lúc kiếm được nhiều tiền nhất khi còn sống ở US. Nói như vậy không có nghĩa là tôi bắt đầu tiêu xài hoang phí. Tiết kiệm là một đức tính tốt. Sáng tôi với bạn tôi có thể đạp xe một vòng hồ Xuân Hương, hay ra sân bóng mới làm gần nhà đá vài cú, hay đi bộ một vòng trong khu, trưa thì viết bài hay dịch bài gì đó, tối rảnh rỗi có thể xem một bộ phim hoặc chơi game, chơi cờ vua…
Bạn tôi chơi cờ khá giỏi. Lớp 7 bản đã từng đoạt giải nhì cấp tỉnh. Vì tôi không muốn lúc nào chơi với bản cũng thua, nên tôi phải có động lực để học chơi cờ cho giỏi hơn. Cờ vua là một bộ môn rèn luyện tính kiên nhẫn tuyệt vời. Học chơi cờ—hay cũng như học bất kỳ kỹ năng nào khác: lập trình, viết lách, ngôn ngữ, dịch thuật, võ thuật, âm nhạc, vẽ, thể thao, nghề nghiệp, v.v—được tính bằng nhiều THÁNG NĂM, chứ không phải chỉ “ba bảy 21 ngày”, không phải chỉ mì ăn liền như xu thế thời đại, nơi người ta không còn có thể giữ tập trung quá vài phút.
Nếu tôi đã không có đủ kiên nhẫn thì chắc chắn tôi đã không được như bây giờ. Tôi cũng đã được nghe một số người nói về sự kiên nhẫn của mình. Và tôi cũng không nghi ngờ gì về tính kiên nhẫn của mình.
Tôi kể những chuyện này ra không phải để khoe. Vì mẹ tôi hay nói, “nhìn lên mình không bằng ai; nhìn xuống không ai bằng mình.” Chỉ đơn giản là để cho bạn biết được một người kiên nhẫn có thể trông như thế nào. Trong những bài viết trước của tôi, ít khi nào tôi kể gì về chuyện cá nhân của mình. Kiên nhẫn có điểm dừng không? Không. Một người luôn luôn có thể học cách kiên nhẫn hơn nữa. Ai là người kiên nhẫn nhất vũ trụ? God.
Bạn không phải chỉ cần kiên nhẫn với mọi thứ bạn làm. Bạn còn phải kiên nhẫn với những người xung quanh, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… Nhiều khi bạn còn phải kiên nhẫn với cả cuộc đời. Tâm thức bạn ra sao, thực tại phản ánh lại như vậy. Khi bạn kiên nhẫn với cuộc đời, thì nó cũng kiên nhẫn lại với bạn, và ngược lại.
Kiên nhẫn còn là một thử thách. Đã là thử thách thì sẽ có phần thưởng cho những ai vượt qua được nó. Có một thí nghiệm rất đáng được nhiều người chia sẻ, gọi là thí nghiệm Marshmallow. Vào cuối những năm 1960, các nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford đã có một cuộc thí nghiệm với trẻ em xem chúng sẽ đối phó thế nào khi sự thỏa mãn bị trì hoãn. Nói cách khác, là khi bạn quyết định từ bỏ sự thỏa mãn tức thì để đạt được một lợi ích lớn hơn trong tương lai. Ví dụ: Không ăn nhiều bánh ngọt để có thể mặc được bộ bikini trong kì nghỉ biển sắp tới. Không chơi game để học bài cho kiểm tra ngày mai. Không lướt FB để hoàn thành kịp deadline…
Trong cuộc thí nghiệm, các em bé bằng tuổi nhau được để một mình trong phòng, với một viên marshmallow (kẹo xốp dẻo mềm màu trắng), và được bảo rằng họ sẽ quay lại trong 5 phút sau, nếu viên marshmallow vẫn còn nguyên đó, các em sẽ được tặng thêm một viên nữa. Quan trọng là có kiên nhẫn chờ đợi được hay không? 5 phút sau các nhà nghiên cứu quay lại, tất nhiên là có một số em chờ đợi được, một số thì không. Cuộc thí nghiệm chưa kết thúc ở đây. Nhiều năm sau khi nó kết thúc, họ tìm đến những em đã tham gia cuộc thí nghiệm, giờ đã ở độ tuổi thanh niên. Và các nhà nghiên cứu đã thấy rằng những em đã từng thể hiện tính kiên nhẫn bộc lộ những phẩm chất sau, tất cả đều là những phẩm chất của những người thành công:
a. Học giỏi hơn
b. Chịu được áp lực tốt hơn
c. Có khả năng lên kế hoạch và có lý trí
d. Có khả năng tự chủ
Chưa hết, vài chục năm sau, khi các em giờ đã 40 tuổi, họ lại tìm đến để quan sát. Họ nhận thấy rằng sau nhiều thập kỷ, những em kiên nhẫn vẫn tiếp tục có ý chí nhiều hơn những em thiếu kiên nhẫn.
Ngày xưa tôi từng đã có một thời gian tập Pháp Luân Công khoảng vài tháng. Có lần đang đi dọc bãi biển Nha Trang, tôi được một hội viên của PLC phát cho một tờ rơi liên quan tới pháp môn, ở thời điểm đó tôi đã không còn tập môn này từ lâu rồi. Tôi cầm tờ rơi, cười cười rồi đi. Slogan của Pháp Luân Công là “Chân – Thiện – Nhẫn”, khác với slogan của Plato một chút là “Chân – Thiện – Mỹ”. Đối với họ kiên nhẫn còn quan trọng hơn cái đẹp. Bản thân sự kiên nhẫn cũng đã có riêng cái đẹp của chính nó.
Chúng ta có thể rèn luyện tính kiên nhẫn được không? Được.
Bằng cách nào? Thiền định, đọc sách, tạo các thói quen mới như tập thể dục, đi bộ, chạy bộ, học chơi cờ, chơi đàn, trồng cây, kỷ luật, tu tập…
Thiền định không những có thể là một công cụ rèn luyện kiên nhẫn, nó còn có thể giúp bạn: tập làm chủ tâm trí, rèn luyện ý chí, nghị lực, định lực, sự tập trung, thư giãn, có thêm động lực, tỉnh táo… Thiền giống như một chìa khóa vạn năng.
Tôi có tìm và dịch được một vài câu trích dẫn hay về kiên nhẫn. Thử nghe xem những người anh minh họ nói gì về kiên nhẫn, và chúng ta có thể tiếp thu được không.
“Không phải tôi quá thông minh, mà chỉ là tôi ở với những vấn đề lâu hơn.” — Albert Einstein
“Mọi thứ sẽ đến với người biết chờ đợi.” — Violet Fane
“Xin chúng ta đừng nản lòng khi làm việc lành, vì đến đúng kỳ chúng ta sẽ gặt nếu chúng ta không bỏ cuộc.” — Galatians 6:9
“[h]oa trái của Thần Khí (Spirit) là yêu thương, vui mừng, bình an, kiên nhẫn, ôn hòa, đức độ, trung tín, khiêm nhường, tiết độ. Không có luật nào cấm đoán những điều ấy.” — Galatians 5:22-23
“Tình yêu thì nhẫn nại và nhân từ; tình yêu không ganh tị, không khoe khoang, không tự cao.” — 1 Corinthians 13:4
“Người chậm giận có nhiều trí tuệ; người hay nóng tính bày tỏ sự điên rồ.” — Proverbs 14:29
“[n]ếu chúng ta trông mong điều mình chưa nhận được thì chúng ta kiên nhẫn chờ đợi điều ấy.” — Romans 8:25
“Bạn có vẻ như muốn có trí tuệ ngay lập tức, quên rằng ngay lập tức thì luôn đến sau những chuẩn bị lâu dài. Quả trên cây rớt xuống bất thình lình, nhưng nó chín được là cần thời gian.” — Nisargadatta Maharaj
Bạn có được mọi thứ khi bạn biết mình là mọi thứ. Hẹn gặp lại bạn một ngày không xa với một chủ đề khác. Mọi người hãy kiên nhẫn với tôi nhé. Cảm ơn bạn đã có đủ kiên nhẫn đọc đến đây. Hy vọng bạn đã hấp thụ được nhiều giá trị hữu ích và có thể truyền cảm hứng cho bạn.