Làm sao để cư xử đúng mực khi gặp người hành khất
Một độc giả đặt câu hỏi: Với tư cách là kitô hữu, làm sao để cư xử đúng mực khi gặp người hành khất? Dưới đây là câu trả lời của nhà thần học.
Linh mục Leonardo Salutati, giáo sư thần học luân lý trả lời:
Để hiểu được lối sống của người tín hữu trong mối tương quan với người khác, đặc biệt liên quan đến chủ đề bác ái, một số chỉ dẫn trong Thánh Kinh sẽ giúp ích cho chúng ta. Được lồng vào trong bài giảng về các mối phúc trong trình thuật của thánh sử Luca (Lc 6, 20…), chúng ta thấy Chúa Giêsu khẳng định rằng: “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ.[…] Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác”(Lc 6,31-32; 35).
Trong thư thứ nhất của mình, Thánh Gioan nhắc lại : “Ai nói rằng mình ở lại trong Người, thì phải cư xử như Đức Giêsu đã cư xử” (1Ga 2,6).
Sách Tông đồ Công vụ cho chúng ta biết rằng: “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu” (Cv 2,44-45).
Đó là những lời cần được suy gẫm để biến chúng thành những tình cảm thương xót của Chúa Giêsu, Đấng đã dạy các môn đệ của mình biết phân phát những gì họ nhận được, như tặng phẩm, từ những người đã phục vụ họ bằng tài sản của mình cho nhu cầu của các tông đồ (Lc 8,3). Một hành vi phải được củng cố trong nhóm 12 và điều đó khiến Giuđa phải thốt lên trong sự kiện xức dầu ở Bêtania: “”Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?” (Ga 12,5).
Công đồng Vatican II cung cấp cho chúng ta một tổng hợp tuyệt vời khi nhắc nhở chúng ta rằng “con người chỉ có thể gặp lại chính bản thân mình nhờ thành thực hiến thân” (Gaudium et spes n.24).
Nếu chúng ta bước vào nhận thức này, là nhận thức về Nước Thiên Chúa, thì mọi nghiêng chiều về ích kỷ và khép kín sẽ được khắc phục bởi ước muốn làm chứng cho đức ái của Chúa Giêsu, vốn đã thấm nhập vào tâm hồn của một số người nam, nữ, thanh thiếu niên, ở mọi lứa tuổi và mọi hoàn cảnh, đã khơi dậy trong Giáo hội và xã hội qua nhiều thế kỷ và vẫn còn cho đến ngày nay, một số sáng kiến để hỗ trợ những người túng thiếu mọi kiểu, vật chất lẫn tinh thần.
Nhờ những sáng kiến này, đã được thể chế hóa trong nhiều lĩnh vực, trong việc chăm sóc sức khỏe, trường học, hỗ trợ xã hội, chúng ta có thể nói rằng trong thành phố của chúng ta hôm nay không ai có nguy cơ phải chết đói. Vì vậy, khi gặp những người hành khất, chúng ta cần phải phân biệt giữa những người nghèo và các dạng khất thực khác nhau, vốn không đem lại sự phục vụ tốt cho những người nghèo và túng thiếu khác, thì hãy dành chút thời gian của mình để dừng lại, quan sát gương mặt người đó và cố gắng tìm hiểu xem những gì họ cần thực sự và nếu được thì hãy làm điều gì đó cho họ. (xem ĐTC Phanxicô, 2016).
Tuy nhiên, hãy lưu tâm đến điều được ghi trong sách Tôbia: “Con hãy dùng của cải bố thí cho tất cả những ai thực thi công chính, và khi bố thí, mắt con đừng có so đo. Đối với ai nghèo khổ, con đừng ngoảnh mặt làm ngơ, để rồi đối với con, Thiên Chúa cũng sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ. Tuỳ con có bao nhiêu, hãy cho bấy nhiêu; có nhiều thì cho nhiều, có ít thì đừng ngại cho ít” (Tb 4,7-8). Ngay cả khi gặp một người ăn xin chuyên nghiệp tôi nghĩ rằng bố thí một ly càphê cho mọi người đâu phải là điều không thể.
Come comportarsi da cristiani di fronte a chi chiede l’elemosina
Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng