Phận tuổi già
Mỗi sáng Chúa Nhật hàng tuần, anh em học viên chúng tôi thường đi làm tông đồ xã hội, cụ thể là đi thăm viếng người nghèo. Nhóm chúng tôi gồm bốn anh em, cùng nhau đi đến viện dưỡng lão Hòa Xuân ở gần Gx. Lai Ổn (Đồng Nai), để thăm các cụ già neo đơn sống tại đó. Khu nhà này xây dựng cách đây được vài năm bởi ban Caristas Giáo Phận Xuân Lộc và hiện tại, số lượng các cụ sống tại đó lên đến hơn ba mươi người, được chia làm hai dãy nhà cụ ông và cụ bà.
Bốn anh em chúng tôi bước vào viện dưỡng lão và cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là bầu khí tĩnh mịch, trầm lắng, nhẹ nhàng và an bình. Tiến sâu vào trong các khu nhà ở và nhà bếp, chúng tôi bắt gặp hình ảnh các chị nhân viên đang nấu ăn và lau chùi, vệ sinh nhà cửa, phòng ốc… Gặp chúng tôi, các chị nhân viên vui mừng tiếp đón cùng với nụ cười tươi, những lời hỏi thăm và kể chuyện này nọ… được một lúc, các chị dẫn chúng tôi vào thăm các cụ đang đau bệnh nằm trên giường.
Trước hết, khi vừa bước vào cửa phòng, các cụ bà đã ồ lên và vỗ tay chào chúng tôi. “chào thầy!”, “hoan hô thầy đến thăm chúng tôi!”, “thầy khỏe không thầy ơi!”… vân vân và mây mây với những lời chào hỏi thăm của các cụ. Bầu khí căn phòng đang nhẹ nhàng, trầm lắng, bỗng có bốn ông thầy đến thăm, chợt trở nên rộn ràng, huyên náo và đầy ắp tiếng cười trên khuôn mặt mỗi người. Trong phòng này có đến khoảng mười cụ bà, mỗi cụ một giường và anh em chúng tôi chia nhau ra để mỗi người nói chuyện với một hay hai cụ gì đó…
Tôi nhanh chân bước tới cuối phòng và gặp cụ bà đang lom khom, cúi mình xuống để lấy dép bên cạnh giường. Tôi đến cạnh bên và bắt chuyện với bà. Bà vui vẻ mời tôi ngồi ghế cạnh bên giường và lấy ly nước trà nóng mời tôi uống. Chúng tôi bắt đầu câu chuyện hỏi hỏi thăm xã giao cơ bản, chẳng hạn như tên tuổi, sức khỏe, và việc sinh hoạt hằng ngày… Nói chuyện được một lúc, tôi chợt nhận thấy đôi chân của bà Hoa không còn lành lặn. Bà bị cụt một chân, còn chân kia thì cũng bị dị tật nhẹ. Tôi hỏi: “bà ơi! Chân của bà bị sao vậy ạ? Bà có đau không?”
Uống một ngụm nước trà xanh như để lấy hơi, bà Hoa cười và trả lời tôi rằng: “bà bị lâu rồi thầy ah! Bà sinh ra ở Bắc vào năm 1949, thời đó còn khó khăn do chiến tranh và loạn lạc. Khi là con gái thời thanh xuân, bà đã cùng gia đình phải chạy trốn đó đây vì bom đạn. Nhà bà có bố mẹ và anh trai, vào một ngày kia, bố mẹ và anh trai đang ra ruộng làm lúa thì bị trúng bom và đã qua đời cả 3 người. Lúc đó bà buồn rầu và sầu khổ lắm! Bà mồ côi cha mẹ, mất cả gia đình từ đó và phải sống cùng người dì. Khoảng sau tháng sau, một lần đang đi chơi, bà chợt thấy máy bay ném bom gần đó, nên nhanh chóng tìm một cái hầm cạnh đó để trú núp. Vào tới cửa hầm, bà nhìn thấy có đứa bé nhỏ khoảng 5 tuổi đang chơi ở gốc cây. Chẳng kịp suy nghĩ sâu xa, bà nhanh chân chạy đến và bế đứa bé kia trú vào hầm. Tuy nhiên, khi vừa đưa đứa bé chui vào cửa hang, thì quả bom rớt xuống, và…. Bà bị mất đi một cái chân, lúc đó bà đã xỉu và được một vài người trong hầm cứu chữa. Khi tỉnh giấc, bà đã biết mình chỉ còn lại một cái chân.”
Với ánh mắt trầm ngâm và tâm tư trĩu nặng bởi những hình ảnh đau buồn của chiến tranh gợi lại trong tâm khảm của bà. Tôi xen vào đó và hỏi bà: “vậy, sau đó bà đi vào miền Nam và sống cho đến nay ư?” bà trả lời: “đúng vậy, bà mồ côi cha mẹ, và mấy năm sau người dì của bà cũng qua đời. Bà nuôi dạy đứa bé mà bà đã cứu sống và xem nó như là con của mình cho đến khi bé gái đó được khoảng mười bảy tuổi. Sau đó, nó lập gia đình và bà đi vào miền Nam để sinh sống. Bởi vì hoàn cảnh kinh tế lúc đó khó khăn và bà không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình mới của đưa con nuôi này.” Tôi lại hỏi bà: “vào miền Nam chắc lúc đầu bà cũng vất vả lắm đúng không bà?” Bà trả lời: “đúng rồi! thời gian đầu bà phải đi làm thuê làm mướn, ai thuê gì làm đó… mong sao đủ tiền để có miếng cơm, manh áo sống quá ngày… Cuộc sống vất vả, đến nay cũng gần năm mươi năm rồi. Số bà long đong, lận đận và nghèo khổ lắm con ah. Vì bà bị cụt mất một chân nên ngoài việc đi lại khó khăn, mà mỗi khi trái gió trở trời bà bị đau nhức các khớp xương. Bà phải ở trọ trong một căn phòng nhỏ, tăm tối ở góc đường hẻm, ban ngày bà ra ngoài ngã tư đường để xin ăn, tối về có được chút tiền bà mua ít gạo và nấu ăn qua ngày. Hàng xóm khu đó, thấy bà nghèo nên lâu lâu cho bà ít thịt cá, rau rợ… và bà cũng đủ sống cho đến khi được cha sở gần đó giúp và đưa vào viện dưỡng lão này.”
Nghe bà kể về những nối đau mà bà đã trải qua, trong lòng tôi cảm thấy thổn thức, và trên khóe mi đã rưng rưng giọt lệ. Tôi thấy xót xa về thân phận làm người của bà, cũng sinh ra như mọi người, nhưng bà phải gánh chịu biết bao nỗi đau thương của thời cuộc. Và cũng chỉ vì bà đã giàu tình thương nên đã liều mình cứu đứa bé kia trước bom đạn. Nếu như trước đó, bà chui vào hầm trước, có lẽ bà đã không bị mất đi một chân, nhưng thay vào đó, có thể mạng sống của đứa bé kia sẽ bị tước đoạt. Cũng chỉ vì tình thương yêu con người mà bà dám hy sinh chính bản thân mình. Tôi chợt nhớ đến Lời của Đức Giêsu: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hiến mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 15,13). Tôi cảm nhận thấy bà thật cao cả, khi dám sống điều cao thượng như Đức Giêsu đã dạy.
Khi hỏi thăm bà về đời sống đức tin, bà chia sẻ với tôi như trút bầu tâm sự mà bấy lâu nay bà ấp ủ trong lòng. Bà nói: “nhìn lại cuộc đời gần tám mươi năm qua, bà đã trải qua nhiều khốn khó… nhưng những khó khăn đó có là gì so với những khổ nạn mà Chúa Giêsu đã gánh chịu vì tội nhân loại. Hơn nữa, kể từ khi bà mồ côi cha mẹ, chẳng có ai là người thân, bà đã chỉ biết bám víu, níu chặt vào tà áo Đức Mẹ. Khi núp sau bóng dáng Mẹ, bà cảm thấy niềm an ủi nội tâm, và càng có lòng yêu mến Chúa hơn. Bởi vì bà tin rằng: Chúa sinh mình ra thì Chúa sẽ chăm sóc mình thôi! Chúa luôn muốn điều tốt cho mình mà! Chúa cho bà chịu khổ để thông phần khổ nạn với Chúa đó, để bà được đền tội đó mà… haha.” Nụ cười giòn giã của bà làm tôi cũng vui theo. “Thôi! Tới giờ con phải về rồi! con cảm ơn bà Hoa với những chia sẻ chân thành của bà nhé! Bà giữ sức khỏe và cầu nguyện cùng Chúa cho con nhé! Có dịp con sẽ trở lại thăm bà nè!…”
Tạm biệt bà, tôi ra về mà trong lòng có nhiều tâm trạng vui buồn đan xen lẫn nhau. Tôi buồn vì số phận nghiệt ngã, đau thương của bà, vì cả đời bà chịu nhiều lao lực, nhọc cực, lầm than, gian nan, khốn khó… Nhưng, tôi vui vì nhận ra rằng, dù bà là một bà già nhà quê, ít học nhưng bù lại bà có lòng đạo đức bình dân, bà sống thánh thiện và có thể nói đức tin của bà cũng vững mạnh. Nói chuyện với bà xong, tôi cảm thấy lòng tin và tình yêu mến Đức Mẹ của mình còn non kém. Tôi cứ nghĩ mình mạnh mẽ, chẳng có mấy khổ đau, cực nhọc nên ít khi chạy đến bên Đức Mẹ. Phản tỉnh và xét mình, tôi thầm tạ ơn Chúa, vì qua cuộc thăm viếng người nghèo mà tôi hiểu hơn về phận người và đặc biệt tôi cần học hỏi nơi họ là lòng tin tưởng, cậy trông, phó thác và hy vọng vào Thiên Chúa, và yêu mến Đức Mẹ hơn. Đồng thời, cho dù cho cuộc đời có nhiều đau khổ và lầm than… nhưng có Chúa, có Mẹ đồng hành, chở che thì mình vẫn bình an. Một sự bình an thánh thiện và sâu xa từ Thiên Chúa.
Minh Đức S.J.