Phụng vụSuy niệm ngày thường

Lắng nghe mục tử

1.5 Thứ Hai trong tuần thứ Tư Mùa Phục Sinh

Cv 11:1-18; Tv 42:2-3; Ga 10:1-10; Ga 10:11-18

Lắng nghe mục tử

Chúa Giêsu tự xưng Ngài là cửa chuồng chiên. Vậy những ai qua cửa ấy mà vào là mục tử đích thực. Người mục tử chăn chiên chỉ vì yêu, anh ta dành trọn tấm lòng cho đoàn chiên và thí mạng sống mình vì đoàn chiên. Người mục tử thì dịu dàng, chân thành, gần gũi và yêu thương. Anh ta hướng dẫn, sửa dạy, bảo vệ và chăm sóc đoàn chiên cách chu đáo và ân cần.

Quả tim của người mục tử tốt là quả tim triển nở trong tình yêu và họa lại trái tim nhân lành của Thiên Chúa. Một người mục tử nhân lành đúng nghĩa phải lấy Chúa Giêsu làm tấm gương mẫu mực của mình, và chỉ khi đi theo tư tưởng, đường hướng của Ngài, khi đó, người mục tử mới trở nên một mục tử đúng nghĩa.

Phần chúng ta, là những Kitô hữu nhờ phép rửa và được bửu huyết Đức Kitô đổ ra trên thập tự giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi,  cho ta trở nên con cái Thiên Chúa. Chúa Giêsu là cửa mà cũng là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống (Ga 14,6). Vì vậy, đã là con cái Chúa, chúng ta phải bước theo Ngài, bước đến cánh cửa mà vào

Đoạn tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho chúng ta biết những đặc tính cần phải có của người mục tử nhân lành:

Dám hy sinh mạng sống mình:Đoàn chiên không phải là của người chăn thuê, nên anh ta không thiết tha gì để bảo vệ đàn chiên. Mục tiêu của người chăn thuê thường là vì lợi ích của bản thân. Vì thế khi có sói dữ tấn công, anh ta sẽ dễ dàng bỏ mặt chiên cho sói dữ ăn thịt, còn anh ta thì sẽ tìm cách thoát thân. Còn mục tử chân chính thì sẵn sàng đứng ra chống lại sói dữ để bảo vệ đàn chiên mình, dù phải đối mặt với hiểm nguy, cho dù phải hy sinh mạng sống.

Biết chiên của mình:Cái biết của người mục tử không chỉ là cái biết chung chung về số lượng, hời hợt về tên gọi. Nhưng mục tử đích thực phải biết chất lượng: tình trạng, nhu cầu, ước muốn sâu xa của chiên mình. Cái biết đến độ đồng thân, đồng phận, đồng cảm và đồng tử với chiên mình.

Quan tâm và đưa những chiên xa lạc về đàn:Vì chiên cần có chủ chiên nên chủ chiên phải quy tụ chiên vào cùng một đàn để chăm sóc, bảo vệ và nuôi dưỡng cho chúng được sống và sống dồi dào. Do đó chủ chiên không chỉ quan tâm đến chiên trong đàn mà còn tìm cách để đem các chiên ngoài đàn về, để chúng được hiệp nhất trong cùng một đàn dưới sự hướng dẫn của cùng một chủ chiên.

Mục tử là khái niệm rất quen thuộc của người Dothái; đàn chiên chính là gia sản của họ, nên ai cũng biết. Mục tử và đàn chiên cả hai đều sống du mục, nay đây mai đó, luôn tìm đến chỗ có đồng cỏ tươi, dòng suối mát để hạ trại.

Hôm nay,  Chúa Giêsu khẳng định Ngài là Mục Tử Nhân Lành, được Chúa Cha ban tặng cho nhân loại. Mục Tử Nhân Lành này sẵn lòng hy sinh tất cả vì đàn chiên. Ngài tự ví mình là “Cửa Chuồng Chiên”, tức là người canh phòng, bảo vệ chiên khỏi sói dữ tấn công. Vì thế, ai qua “Cửa” mà vào thì sẽ được sống.

Người Mục Tử Nhân Lành này sẵn sàng dùng mọi cách để giữ gìn chiên, ngay cả cái chết. Ngài yêu thương chiên bằng tình yêu mục tử, nên Ngài “biết” từng con chiên và từng con chiên “biết” Ngài. Vì thế, sự sống của chiên là của Ngài và sự sống của Ngài luôn dành cho chiên.

Ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta thuộc về Chúa và Chúa thuộc về ta. Chúa “biết” chúng ta và Ngài “biết” cách thấu đáo. Còn chúng ta, chúng ta có “biết” Ngài không, hay có “biết” nhưng “biết” cách vu vơ, lúc biết lúc không?

Hình ảnh người chăn chiên đi trước và đàn chiên theo sau thật đẹp. Điều đó nói lên sự hiệp nhất giữa chủ chăn và đàn chiên, chiên nghe theo chủ chăn và do đó, chỉ có một chủ chiên và một đàn chiên.

Hiệp nhất vốn là dấu chỉ của tình yêu.  Chúa Giêsu mượn hình ảnh người mục tử không ngừng đi tìm kiếm những con chiên lạc, để nói lên mối quan tâm của Ngài đối với Giáo hội. Đó chính là chúc thư Ngài để lại trong những giây phút cuối đời.”Xin cho chúng nên một”, “một đàn chiên và một chủ chiên”: đó là hình ảnh của sự hiệp nhất mà Đức Giêsu luôn quan tâm đến. Hình ảnh người mục tử đi tìm kiếm những con chiên lạc cũng nói lên tất cả mối tương quan của Thiên Chúa đối với con người: không phải con người đi tìm kiếm Thiên Chúa cho bằng chính Thiên Chúa đi tìm kiếm con người. Mọi cố gắng của con người xét cho cùng cũng đều là những lôi kéo của Thiên Chúa.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy nghiêm túc đặt lại câu hỏi ấy cho chính mình, ngõ hầu mỗi người làm mới lại mối tương quan với Thiên Chúa để được đi trong đường lối của Ngài. Đồng thời luôn sẵn sàng làm chứng về những gì mình “biết” về Thiên Chúa cho con người và cuộc sống hôm nay, ngang qua hành vi được biểu lộ nơi lòng mến và niềm tin.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!