Phụng vụTư liệu Phụng vụ

Lịch sử và các truyền thống ngày thứ bảy Tuần Thánh

 D.D. Emmons

Nếu bạn mừng Lễ Vượt Qua tại Giêrusalem vào năm 30 Công nguyên, có thể bạn nghe tin Hội đồng Sanhedrin đã bắt Đức Giêsu Nazarét. Ngài bị buộc tội phạm thượng – một tội chết theo luật lệ Do Thái. Nhưng người Do Thái không có quyền thi hành hình phạt này và đã thuyết phục quân đội Rôma đang chiếm đóng rằng Đức Giêsu cũng phạm tội nổi loạn và xúi giục dân chúng nổi lên chống đối Rôma. Quan Philatô của Rôma không tìm thấy lỗi phạm nghiêm trọng nào của Đức Giêsu nhưng rốt cuộc đã nhượng bộ cho những đòi hỏi của người Do Thái. Đức Giêsu bị đóng đinh và chôn cất trong mộ.
Hôm sau cuộc Đóng Đinh là ngày sabát của người Do Thái, một ngày được dành riêng cho Thiên Chúa, ngày không được làm việc. Đó là ngày thứ Bảy, được biết là ngày Thứ Bảy Tuần Thánh – một phần của Tam Nhật Phục Sinh. Những người đi theo Đức Kitô bị suy sụp vì đau buồn đã phải chỗi dậy vào ngày ấy trong một trạng thái hoang mang, vẫn còn chao đảo vì những biến cố của ngày thứ Sáu. Có thể nào người mà họ gọi là Đấng Cứu Thế đã chết sao? Làm sao điều này xảy ra được? Cũng như ngày nay khi chúng ta kinh nghiệm được sự u ám của ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, chúng ta cũng hoang mang chút ít, dù chúng ta đã biết câu chuyện kết thúc như thế nào. Đó là một ngày u buồn và tăm tối, nhưng chúng ta biết sự u buồn và tăm tối cuối cùng sẽ dẫn tới niềm vui. Chúng ta biết rằng Đấng Cứu Thế của chúng ta đã phục sinh. Ngôi mộ không còn nhốt được Ngài nữa.
Lính canh ở ngôi mộ
Chỉ có Tin Mừng Matthêô là có đề cập đến các biến cố xảy ra ở đấy vào ngày sabát, ngày Thứ Bảy Tuần Thánh. Vào ngày hôm sau cuộc Đóng Đinh, người Do Thái (những người phái Pharisiêu) đi đến quan Philatô và hỏi xin ông đặt lính canh tại ngôi mộ Đức Giêsu (Mt 27,63-65). Họ nói với Philatô rằng: “Thưa ngài, chúng tôi nhớ tên bịp bợm ấy khi còn sống có nói: ‘Sau ba ngày, Ta sẽ trỗi dậy’. Vậy xin quan lớn truyền canh mộ kỹ càng cho đến ngày thứ ba, kẻo môn đệ hắn đến lấy trộm xác rồi phao trong dân là hắn đã từ cõi chết trỗi dậy. Và như thế, chuyện bịp cuối cùng này sẽ còn tệ hại hơn chuyện trước”. Philatô đồng ý, và một toán lính canh hay nhiều toán lính canh đã đứng cang giữ ngôi mộ.
Khá mỉa mai là kẻ thù của Đức Giêsu đã nghĩ rằng Ngài sẽ chỗi dậy từ cõi chết nhưng bạn bè của Ngài dường như kém quả quyết về điều đó. “Sau ngày sabát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Maria Mácđala và một bà khác cũng tên là Maria, đi viếng mộ. Thình lình, đất rung chuyển dữ dội: thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên; diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết. Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy chết ngất đi” (Mt 28,1-4).
Thiên thần nói với các chị rằng “Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói” (Mt 28,6). Lính canh chạy đến các thượng tế, tường thuật lại tình hình và được đút lót để nói rằng “Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác” (Mt 28,13). Làm thế nào mà họ biết được ai đã trộm xác trong khi họ đang ngủ? Điều đó đã chứng minh rằng họ nói láo. Trong khi người Do Thái cử hành ngày sabát và người Rôma ngủ ở ngôi mộ thì Đức Giêsu làm phép lạ.
Xuống ngục tổ tông (âm phủ)
Có một điều khác đang xảy ra vào ngày Thứ Bảy Tuần Thánh – điều mà vài người trong chúng ta bỏ sót hay không hiểu hết – một điều không được đề cập đến trong Kinh Thánh: “Ngài đã xuống ngục tổ tông” (descendit ad inferos). Đây là điều được trích từ Kinh Tin Kính Các Tông Đồ – một tín điều của người Công Giáo. Đức Giêsu đã xuống ngục tổ tông hay âm phủ, nơi mà Ngài mặc dù đang bị đóng đinh, đã chết và đã mai táng, song Ngài đã thực hiện một phép lạ khác là “Tình yêu đã thâm nhập vào âm phủ”.[1] Các Giáo phụ và nhiều người khác đã giải thích rằng “ngục tổ tông” được sử dụng trong Kinh Tin Kính Các Tông Đồ không nói đến một nơi kết án đời đời hay Gehenna. Không, nơi mà Đức Giêsu xuống là “Sheol”, một từ trong tiếng Do Thái để chỉ “âm phủ”. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo nói: “Kinh Thánh gọi nơi trú ngụ của các vong linh là âm phủ (Sheol trong tiếng Do Thái) hoặc âm ty (Hadés trong tiếng Hy Lạp) (x. Pl 2,0; Cv 2,24; Kh 1,18; Ep 4,9). Trước khi Đấng Cứu Chuộc đến, mọi người đã chết, dù lành hay dữ (x. Tv 89,49; Is 28,19; Ed 32,17-32), đều phải vào chốn này. Ở đó, họ không được nhìn thấy Thiên Chúa (x. Tv 6,6; 88, 1-13) và đang chờ đợi Đấng Cứu Chuộc. Số phận của họ không giống hệt nhau, như Đức Giêsu cho thấy qua dụ ngôn Ladarô nghèo khổ được rước vào “lòng Ápraham” (x. Lc 16,22-26). “Khi xuống ngục tổ tông, Đức Giêsu giải thoát chính những tâm hồn lành thánh “trong lòng Ápraham” ấy đang chờ đợi Đấng giải thoát” (x. Giáo lý Rôma 1.6,9). Đức Giêsu xuống ngục tổ tông không phải để giải thoát những kẻ bị án phạt đời đời hoặc để phá hủy địa ngục đọa đày (x. DS 1011; 1077), nhưng để giải thoát những người công chính đã chết trước khi Người đến (x. Công đồng Tôlêđô IV năm 625: DS 485; Mt 27,52-53)” (GLHTCG, Số 633). Đức Giêsu phân biệt Gehenna là nơi “nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt” (Mc 9,48). Như vậy, Đức Giêsu không xuống Gehenna mà xuống Sheol.
Mãi cho đến cuộc Đóng Đinh, “người công chính” thuộc các kỷ nguyên từ lúc bắt đầu thời gian đang chờ đợi trong Sheol (“ngục tổ tông” hay “âm phủ”) để vào nước trời; giờ đây, Đức Giêsu hiến tặng cho họ sự sống đời đời trước mặt Thiên Chúa. “Chúa xuống âm phủ”, bài đọc 2 trích một phần trong bài giảng cổ đọc trong Phụng vụ giờ kinh sách thứ Bảy Tuần Thánh nói rằng: “Ta là Thiên Chúa của ngươi, mà vì ngươi Ta đã thành con của ngươi; giờ đây vì ngươi và vì những kẻ do ngươi sinh ra, Ta phán, và dùng quyền ra lệnh cho những kẻ đang bị xiềng xích: Hãy ra khỏi đây! cho những ai đang ngồi nơi tăm tối: Bừng sáng lên! cho những kẻ đang ngủ mê: Hãy chỗi dậy! Ta đâu dựng nên ngươi để ngươi bị giam cầm trong cõi âm ty! Chỗi dậy đi nào, từ chốn tử vong! Ta là sự sống của những kẻ chết. Chỗi dậy đi, hỡi công trình tay ta nhào nặn ! Chỗi dậy đi, hỡi hình tượng của Ta, đã được dựng nên giống hình ảnh Ta ! Nào chỗi dậy, chúng ta đi khỏi đây”.
Vọng Phục Sinh
Trong lịch sử Giáo Hội, Vọng Phục Sinh không phải luôn bắt đầu vào đêm thứ Bảy Tuần Thánh. Khoảng gần thế kỷ IV, canh thức đêm thứ Bảy gồm Nghi thức thắp nến, phụng vụ Lời Chúa, phụng vụ Phép Rửa và phụng vụ Thánh Thể, kéo dài cho đến nửa đêm, đã được tuân giữ rộng rãi. Bắt đầu vào thế kỷ VIII, canh thức bắt đầu vào chiều thứ Bảy, và vào thế kỷ XII, nó được chuyển sang bắt đầu vào sáng thứ Bảy. Đức Thánh Giáo Hoàng Piô V (1566-1572) đã ban hành một tông sắc vào năm 1566 cấm bất cứ Thánh Lễ nào bắt đầu sau buổi trưa; như vậy, canh thức vào sáng thứ Bảy là bắt buộc. Phần nào đó, lý do cử hành canh thức vào ban ngày là bởi vì thứ Bảy Tuần Thánh là ngày ăn chay nhặt, và người ta buộc phải ăn chay mãi cho đến sau khi rước lễ cho nên canh thức vào thời gian ban đêm thì trễ quá.
Cử hành những nghi thức canh thức vào ban ngày dường như là điều khá lạ lẫm đối với chúng ta ngày nay, nhưng không phải chỉ mình chúng ta mới có ý nghĩ đó. Chẳng hạn, năm 1904, cha Herbert Thurston đã viết trong cuốn sách của mình, cuốn “Lent and Holy Week”,[2] rằng “thật khó cho chúng ta khi tự thuyết phục mình rằng mặt trời đã lặn vào buổi sáng thứ Bảy, đồng hồ đã xoay đi hết vòng, và rằng 24 giờ đã trôi qua từ khi Chúa chúng ta được đặt trong mồ. Tuy nhiên, đó là nỗ lực tưởng tượng mà Giáo Hội đòi hỏi chúng ta”. Giờ giấc kiểu này đã lấy đi tính biểu tượng gắn liền với Nghi thức thắp nến và các biến cố thánh diễn ra trong màn đêm được sử dụng để suy tư về sự phục sinh của Đức Giêsu vào buổi sáng ngày Phục Sinh. Vào thập niên 1950, một ngàn năm sau đó, Giáo Hội đã đưa cử hành canh thức bắt đầu trở lại với màn đêm của tối thứ Bảy Tuần Thánh.
Không có cử hành nào khác
Trong một thông tư vào tháng 2 năm 1988 về “việc chuẩn bị và cử hành lễ phục sinh”, Thánh bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã viết: “Thứ Bảy Tuần Thánh, Giáo hội ở bên cạnh mồ Chúa để suy niệm việc Chúa chịu thương khó, chịu chết và xuống ngục tổ tông; đồng thời ăn chay và cầu nguyện để trông đợi Chúa Phục Sinh. Hôm nay, cố gắng hết sức để có thể cử hành giờ Kinh Sách và Kinh Sáng chung với giáo dân. Ở đâu không cử hành được thì cử hành Phụng vụ Lời Chúa hoặc làm các việc đạo đức khác thích hợp với mầu nhiệm cử hành hôm nay. Nên trưng bày trong nhà thờ hình ảnh Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thánh giá, hoặc táng xác trong mồ, hoặc xuống ngục tổ tông minh họa mầu nhiệm ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, cũng như hình ảnh Đức Mẹ Sầu Bi, để giáo dân suy niệm và cầu nguyện”.
———–
[1] Đức Bênêđictô XVI, Suy niệm Chúa Nhật V Phục Sinh, ngày 2 tháng 5 năm 2010.
[2] Herbert Thurston, Lent and Holy Week: Chapters on Catholic Observance and Ritual, Longmans, Green, 1904, 487 trang.
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!