Giáo Hội Hoàn VũTin Giáo Hội

Lời Chúa là nền tảng và linh hồn của việc dạy giáo lý

 

LỜI MỞ

Trong suốt hai mươi thế kỷ qua, Giáo hội không ngừng thay đổi cách thức dạy giáo lý để đáp ứng nhu cầu khao khát và tìm kiếm Thiên Chúa của con người trong từng thời đại. Qua đó, Giáo hội ngày càng thấy rõ hơn căn tính của việc dạy giáo lý không đơn thuần là trình bày một giáo thuyết, nhưng là thông truyền Mạc Khải của Thiên Chúa trong Đức Kitô và nâng đỡ sự đáp trả đức tin của con người.

Trong hành trình này, Công đồng Vatican II – với Hiến chế Dei Verbum – đã thực hiện một bước ngoặt quyết định trong truyền thống dạy giáo lý của Giáo hội, khi “coi Thánh Kinh cùng với Thánh Truyền như là quy luật tối thượng của đức tin” (21). Vì thế, “lối vào Thánh Kinh cần phải được mở rộng cho các tín hữu” (22) và những người phục vụ Lời Chúa như giáo lý viên phải gắn bó với Thánh Kinh, nhờ chuyên cần đọc Sách Thánh và học hỏi kỹ càng để không “hời hợt rao giảng Lời Chúa ngoài miệng bởi đã không lắng nghe

Lời đó trong lòng” (25). Công đồng còn chỉ thị cho các giám mục “soạn một bản Hướng Dẫn về việc dạy giáo lý cho dân Kitô giáo, trong đó đề cập tới các nguyên tắc căn bản của việc dạy giáo lý, cách điều hành và việc biên soạn các sách liên hệ”[1].

Để thực hiện các chỉ dẫn của Công đồng và đương đầu với những thách đố mới đặt ra cho các Kitô hữu trong thời đại hiện nay, các Tông huấn liên quan đến Lời Chúa và việc dạy giáo lý đã được ban hành như Tông huấn Evangelii Nuntiandi (1975) của ĐGH Phaolô VI, Catechesi Tradendae (1979) của ĐGH Gioan Phaolô II, Verbum Domini (2010) của ĐGH Bênêđictô XVI, và Evangelii Gaudium (2013) của ĐGH Phanxicô. Song hành và xen kẽ với các Tông huấn, còn có các bản Hướng dẫn về việc dạy giáo lý như các bản Hướng dẫn chung về dạy Giáo lý – Directoire Catéchétique Général (1971) và Hướng dẫn Tổng quát việc dạy Giáo lý – Directoire Général pour La Catéchèse (1997) của Bộ Giáo sĩ, và bản Hướng dẫn dành cho việc dạy Giáo lý – Directoire pour la Catéchèse (2020) của Hội đồng Tòa thánh Cổ võ Tân Phúc Âm hóa.

Qua những tài liệu trên, chúng ta thấy được nỗ lực của Giáo hội đặt Lời Chúa làm “tâm điểm của mọi hoạt động trong Giáo hội” (VD 1) và là nguồn mạch của công cuộc Phúc Âm hóa. Là một trong các hoạt động của Giáo hội và là giai đoạn chính yếu trong tiến trình Phúc Âm hóa, Lời Chúa phải là nền tảng và linh hồn của việc dạy giáo lý. Với nhan đề này, người viết chủ yếu dựa vào Tông huấn Verbum Domini (2010) của ĐGH Bênêđictô XVI và bản Hướng dẫn dành cho việc Dạy giáo lý (2020) của Hội đồng Tòa thánh Cổ võ Tân Phúc Âm hóa để tìm hiểu ý nghĩa cốt yếu của Lời Chúa, tầm quan trọng của Lời Chúa trong việc dạy giáo lý và cách thức làm cho Lời Chúa thực sự là trọng tâm của việc dạy giáo lý.

I. LỜI CHÚA CHÍNH LÀ ĐỨC KITÔ

Trước khi đi vào nội dung chính, thiết tưởng chúng ta cần xác định ý nghĩa cốt yếu của Lời Chúa. Trong Tông huấn Verbum Domini (2010), ĐGH Bênêđictô XVI, cùng với các nghị phụ Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XII (2008), “muốn nói với tất cả các tín hữu bằng chính những lời của Thánh Gioan trong Thư thứ nhất của ngài: ‘Chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời, là sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi – chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người’ (1Ga 1,2-3). Thánh Tông đồ dùng các động từ nghe, thấy, đụng chạm và chiêm ngưỡng (x. 1Ga 1,1) Lời Sự Sống, vì chính Sự Sống được tỏ bày trong Đức Kitô’’ (VD 2). ĐGH Bênêđictô đã dành chương thứ nhất trong toàn bộ ba chương của Tông huấn để nói về Lời Chúa, trước khi nói đến Lời Chúa trong Giáo hội và Lời Chúa cho thế giới. Trong phần này, Lời Chúa được trình bày như trung gian của cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người: Thiên Chúa lên tiếng và con người đáp lại với tất cả tự do, để Ngài có thể đưa họ vào trong Giao ước mà do lòng nhân hậu đã thương ban cho họ. Cách thức Tông huấn trình bày về Lời Chúa giúp chúng ta không những hiểu ý nghĩa căn bản của Lời Chúa, mà còn giúp chúng ta định hướng cho việc dạy giáo lý, cả trên bình diện nội dung cũng như hình thức trình bày.

1. Thiên Chúa lên tiếng nói

Thiên Chúa tỏ mình ra cho chúng ta như một Mầu nhiệm tình yêu vô tận, trong đó Chúa Cha từ thuở đời đời diễn đạt Lời của Ngài trong Chúa Thánh Thần. Bởi thế, Ngôi Lời, Đấng từ lúc khởi đầu vẫn hướng về Thiên Chúa và là Thiên Chúa, đã mạc khải chính Thiên Chúa cho chúng ta trong tương quan trao đổi tình yêu giữa các Ngôi Vị Thiên Chúa, và mời gọi chúng ta dự phần vào tương quan tình yêu đó. Phần chúng ta, một khi được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, chúng ta chỉ có thể hiểu được chính mình khi biết đón nhận Ngôi Lời và tác động của Chúa Thánh Thần, vì nhờ ánh sáng của Mạc Khải do Ngôi Lời Thiên Chúa thực hiện mà bí ẩn trong thân phận con người được sáng tỏ trọn vẹn (x. VD 6).

Thiên Chúa tỏ mình ra bằng nhiều cách thức khác nhau. Trước hết, Ngài tỏ mình bằng cách lên tiếng để sáng tạo: “Ngài đã nói và mọi sự liền có, Ngài truyền và mọi sự hiện hữu” (Tv 33,6.9) và để cứu độ: “Ta đã thấy, Ta đã thấy lầm than của dân Ta ở Ai Cập. Ta đã nghe tiếng kêu của họ … Phải, ta biết những lo âu của họ. Ta xuống để giải thoát họ khỏi tay người Ai Cập và đưa họ từ miền đất này tiến về một miền đất xanh tươi và rộng lớn” (Xh 3,7-8), rồi tiếng của Lời sáng tạo và cứu độ được ghi lại trong Kinh Thánh như một chứng từ: “Ông Môsê từ núi Sinai trở xuống, tay cầm hai bia đá ghi chứng từ, những tấm bia được viết hai mặt. Những tấm bia đó là công trình của Thiên Chúa, chữ viết là bút tích của Thiên Chúa” (Xh 32, 15-16). Kế đến, Ngài tỏ mình qua các trung gian: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ” (Dt 1,1). Cuối cùng, Ngài tỏ hiện qua chính Con Một là Đức Giêsu Kitô: “Vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,2). Như thế, “Lời không chỉ nghe được, không chỉ có một tiếng nói, nhưng giờ đây, Lời có một diện mạo, để nhờ đó mà chúng ta có thể nhìn thấy” (VD 12).

Theo các nghị phụ của Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XII (2008), “Đức Giêsu Kitô là dấu ấn ‘Alpha và Omera’ (Kh 1,8) của cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và mọi loài thụ tạo, được kéo dài trong thời gian và được chứng thực trong Kinh Thánh. Chính dưới ánh sáng của dấu ấn cuối cùng ấy mà những lời của Môsê và các Ngôn Sứ đạt được “ý nghĩa trọn vẹn”, như chính Chúa Kitô đã nói, trong một buổi chiều mùa xuân, khi Người đi từ Giêrusalem đến làng Emmaus, đối thoại với Cléophas và bạn ông, và Người giải thích cho họ “những gì nói về Người trong toàn thể Kinh Thánh” (Lc 24,27)[2].

Được Chúa tuyển chọn để tiếp nối sứ vụ của Người, các Tông đồ đã truyền lại cho chúng ta chân lý cứu độ mà các ngài nhận lãnh từ miệng, khi chung sống với Người và thấy Người hành động, hoặc qua lời giảng dạy, gương lành và các định chế hoặc qua các bản văn được các ngài và những người phụ tá viết lại dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Truyền thống bắt nguồn từ các Tông đồ là một thực tại năng động và phức tạp, nhờ đó Giáo hội dưới sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, hiểu Lời Chúa thấu đáo hơn và truyền đạt lại cho mọi thế hệ tất cả những gì đã được mạc khải trong Chúa Kitô (x. VD 17). Giáo hội xác tín rằng Thiên Chúa, Đấng đã nói trong quá khứ, hôm nay vẫn tiếp tục truyền thông Lời của Người trong Truyền Thống sống động của Giáo hội và trong Kinh Thánh. Quả thế, Lời Chúa ban cho ta trong Kinh Thánh như lời chứng được Thiên Chúa soi sáng nhằm mạc khải, cùng với Truyền Thống sống động của Giáo hội, làm nên quy luật tối cao của đức tin (x. VD 18).

2. Con người đáp lời Thiên Chúa đang lên tiếng

 Thiên Chúa lên tiếng đồng thời ban cho con người khả năng lắng nghe và đáp lại lời Ngài nói, để đi vào cuộc đối thoại tình yêu với Ngài. Chỉ khi mở ra cho cuộc đối thoại này, con người – vốn được tạo thành và sống bởi Lời – mới có thể hiểu chính mình và tìm được câu trả lời cho những vấn nạn sâu xa trong tâm hồn (VD 22). Lời Chúa không đối nghịch cũng không bóp nghẹt những khát vọng chân chính của chúng ta, trái lại, soi sáng, thanh tẩy và đưa các khát vọng đó đến chỗ hoàn tất (VD 23).

Lời Chúa không chỉ đưa chúng ta vào một cuộc đối thoại với Thiên Chúa, mà còn dạy chúng ta biết cách thưa chuyện với Ngài. Thật vậy, chúng ta có thể dùng chính các bản văn của Sách Thánh, đặc biệt là các Thánh vịnh, mà thưa chuyện với Thiên Chúa, vì các bản văn này diễn tả cách thức con người có thể theo mà ngỏ lời với Thiên Chúa dưới dạng một lời chuyển cầu (x. Xh 33,12-16), một bài ca diễn tả niềm vui chiến thắng (x. Xh 15) hay một lời than vãn về sứ mạng phải chu toàn (x. Gr 20,7-18). Theo cách đó, lời con người thưa với Thiên Chúa lại trở thành chính Lời Thiên Chúa, và như thế củng cố đặc tính đối thoại của toàn thể Mạc Khải Kitô giáo. Nhìn trong viễn tượng này, toàn thể cuộc sống con người trở thành một cuộc đối thoại với Thiên Chúa, Đấng đang nói và đang nghe, đang mời gọi và hướng dẫn đời ta (x. VD 24).

Cách đáp trả của riêng con người với vị Thiên Chúa đang lên tiếng là đức tin. Tin ở đây được hiểu là mở rộng lòng đón nhận hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng giúp họ hiểu Lời Chúa trong Sách Thánh, nhờ đó họ gặp gỡ Chúa Kitô và ký thác trọn đời cho Người (x. VD 25). Tội lỗi, trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, được diễn tả như là sự từ khước nghe Lời, là bẻ gẫy Giao ước và do đó là đóng cửa với Thiên Chúa, Đấng vẫn mời gọi ta hiệp thông với Ngài. Vì thế, điều quan trọng là các tín hữu phải được dạy cho biết cội rễ của tội chính là từ khước nghe Lời Chúa, là chối bỏ nơi Chúa Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, ơn tha thứ mang lại ơn cứu độ (x. VD 26).

Tông huấn mời gọi chúng ta nhìn lên Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã xin vâng đối với Lời Giao ước, lắng nghe Lời Chúa trong đức tin và sống hòa hợp với ý muốn Thiên Chúa (x. VD 27). Trong Kinh Magnificat, Đức Maria ngợi khen Thiên Chúa bằng chính lời của Ngài. Vì thế, chúng ta thấy ở trong Lời Chúa, Đức Maria tỏ ra thật sự ở trong nhà ngài, ngài thoải mái đi ra đi vào. Ngài nói năng và suy nghĩ nhờ Lời Chúa; Lời Chúa trở thành lời của ngài và lời của ngài phát sinh từ Lời Chúa. Hơn nữa, chúng ta thấy tư tưởng của ngài hoà điệu với tư tưởng của Thiên Chúa, ý muốn của ngài hệ tại điều Thiên Chúa muốn. Vì được Lời Thiên Chúa thấm nhuần sâu xa, ngài có thể trở thành Mẹ của Lời Nhập Thể. Khi chiêm ngưỡng nơi Đức Maria một cuộc sống hoàn toàn được uốn nắn bởi Lời, chúng ta khám phá ra rằng mình cũng được mời gọi bước vào Mầu nhiệm đức tin, nhờ đó Chúa Kitô đến cư ngụ trong đời sống chúng ta. Theo một nghĩa nào đó, chúng ta đang cưu mang và sinh hạ Lời Chúa (x. VD 28).

3. Đức Giêsu Kitô, đỉnh cao cuộc đối thoại cứu độ giữa Thiên Chúa và con người

Từ cách thức Tông huấn trình bày về Lời Chúa, chúng ta có thể ghi nhận vài đặc điểm để định hướng cho việc dạy giáo lý:

a/ Lời Chúa được trình bày ngay trong phần đầu của Tông huấn, trước phần nói về Lời Chúa trong Giáo hội và Lời Chúa cho thế giới. Điều này cho thấy Lời Chúa gắn liền với bản tính, ơn gọi và sứ vụ của Giáo hội. Trên bình diện mầu nhiệm, Giáo hội liên kết mật thiết với Đức Kitô, ví như thân thể với đầu, cành nho với thân nho. Vì thế, Giáo hội phải luôn tìm kiếm và thực thi ý muốn của Đức Kitô được bảo tồn trong Thánh Kinh và Thánh Truyền, để múc lấy từ đó ánh sáng và sức mạnh cho sứ mạng loan báo Tin Mừng của mình. Chính Đức Kitô đang sống trong Giáo hội và nhờ Giáo hội mà dạy dỗ, thánh hóa và cai quản. Bởi thế, Giáo hội không được chạy theo cách suy nghĩ và hành động kiểu thế gian, nhưng học với Đức Maria để biết lắng nghe Lời Chúa trong sự vâng phục đức tin và sống hòa hợp với ý muốn của Thiên Chúa.

b/ Lời Chúa được diễn tả bằng nhiều cách thức (lời Hằng Sống, lời Sáng Tạo, lời Cứu Độ, lời Nhập Thể) và nhiều hình thức khác nhau (được nói lên, được viết ra hay tỏ hiện). Điều này cho thấy loan báo Lời Chúa không đơn thuần là phổ biến Kinh Thánh, mà là công bố những điều kỳ diệu Thiên Chúa đã làm trong lịch sử cứu độ, đặc biệt là biến cố Ngài đã thương ban Con Một của Ngài cho chúng ta và bằng lòng để cho Người chịu chết vì phần rỗi của chúng ta. Trong Sứ điệp Thượng Hội đồng Giám mục gửi Dân Chúa năm 2008, các nghị phụ viết: “Kinh Thánh là ‘chứng từ’ của Lời Chúa dưới hình thức chữ viết, là văn kiện tưởng niệm theo quy luật, lịch sử và văn chương, làm chứng biến cố mạc khải sáng tạo và cứu độ. Vì thế, Lời Chúa đi trước và đi xa hơn Kinh Thánh, Kinh Thánh cũng được Thiên Chúa linh hứng và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính (x. 2Tm 3,16). Chính vì thế, đức tin của chúng ta không chỉ có trọng tâm là cuốn Kinh Thánh mà thôi, nhưng là lịch sử cứu độ và một nhân vật là Chúa Giêsu Kitô, Lời Thiên Chúa nhập thể làm người và là lịch sử. Vì thế, người đọc Kinh Thánh luôn luôn cần có sự hiện diện của Chúa Thánh Linh, Đấng dẫn đến chân lý toàn vẹn (Ga 16,13). Đây chính là đại Truyền thống, là sự hiện diện hữu hiệu của Thánh Thần chân lý trong Giáo hội, là người giữ gìn Kinh Thánh, được Huấn quyền Giáo hội giải thích. Với Truyền thống, ta đi đến sự hiểu biết, giải thích, thông truyền và làm chứng về Lời Chúa. Chính Thánh Phaolô, khi công bố kinh Tin Kính đầu tiên của Kitô giáo, đã xác nhận mình ‘truyền lại’ điều đã nhận được từ Truyền thống (1Cr 15,3-5)”[3].

c/ Lời Chúa được trình bày trong khung cảnh của cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, cuộc đối thoại bắt nguồn từ ý định cứu độ của Ngài. Trong cuộc đối thoại này, Thiên Chúa tỏ cho con người biết Ngài là tình yêu và tình yêu ấy được biểu lộ viên mãn nơi Đức Giêsu Kitô. Tình yêu này bao hàm sự giải thoát con người khỏi sự dữ, tội lỗi và cái chết, đồng thời cho họ được thông phần vào sự sống của Thiên Chúa nhờ cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu Kitô. Như thế, loan báo Lời Chúa là rao giảng và làm chứng về Đức Giêsu Kitô như lời chứng của Thánh Gioan trong Thư thứ nhất của ngài: “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người” (1Ga 1,1-3).

Trong cuộc đối thoại cứu độ (colloquium salutis), chúng ta thấy Thiên Chúa là người khởi xướng và bước đến gần con người để lắng nghe, ngỏ lời và mời gọi mọi người thông phần vào sự sống của Ngài. Thiên Chúa không phán từ trên cao hay từ xa, cũng không tìm cách thuyết phục hay áp đặt, nhưng nói với con người trong những hoàn cảnh cụ thể của họ, bằng tiếng nói của trái tim và bằng thứ ngôn ngữ của họ. Ngài không chỉ lên tiếng mà còn tỏ hiện trong Đức Giêsu Kitô, để con người có thể gặp gỡ và đi vào sự hiệp thông với Ngài. Thiên Chúa không chỉ nói bằng lời mà bằng cả việc làm, bằng cuộc sống và cả cái chết của mình. Ngài chỉ muốn điều tốt cho người nghe, chứ không mong điều gì ích lợi cho mình.

Để loan báo Tin Mừng, Giáo hội không có một con đường nào khác, ngoài đi lại con đường đối thoại của Thiên Chúa đồng thời đối thoại với tâm tình, thái độ và cách thức của Ngài. Hiến chế Gaudium et Spes khẳng định: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (số 1). Muốn thế, trước hết Giáo hội phải bước đến và lắng nghe tâm tư cũng như khát vọng của con người, để thấu hiểu những vấn nạn họ gặp phải trong cuộc sống, từ đó mới trình bày Lời Chúa và phải “trình bày cho thấy Lời Chúa có khả năng đáp lại những vấn đề mà con người phải đương đầu trong cuộc sống hằng ngày, và cố gắng hết sức để Lời Chúa xuất hiện như một sự nới rộng các giá trị và thỏa mãn các khát vọng của con người” (VD 23). Trong Tông huấn Evangelii Gaudium, ĐGH Phanxicô nhắn nhủ người rao giảng Tin Mừng phải trình bày tình yêu cứu độ của Thiên Chúa trước các bổn phận luân lý và tôn giáo, phải thu hút sự tự do chứ không áp đặt chân lý, và phải rao giảng với niềm vui, sự khích lệ, sức sống, và sự quân bình để không giản lược việc loan báo vào một ít giáo thuyết đôi khi mang tính triết học hơn là tính phúc âm. Điều này đòi hỏi người rao giảng Tin Mừng một vài thái độ để làm cho việc đón nhận lời loan báo được dễ dàng hơn: gần gũi, cởi mở để đối thoại, kiên nhẫn, chào đón thân mật mà không lên án (x. EG 165).

II.  LỜI CHÚA LÀ NỀN TẢNG VÀ LINH HỒN CỦA VIỆC DẠY GIÁO LÝ

Dựa vào Tông huấn Verbum Domini, chúng ta đã hiểu ý nghĩa căn bản của Lời Chúa cũng như vị trí trung tâm của Lời Chúa trong việc rao giảng Tin Mừng. Là một giai đoạn được coi là ưu tuyển trong tiến trình rao giảng Tin Mừng (x. DpC 56), việc dạy giáo lý tất nhiên phải dựa trên nền tảng của Lời Chúa và được gợi hứng từ Lời Chúa. Nói cách khác, Lời Chúa không những là tâm điểm mà còn là nền tảng và linh hồn của việc dạy giáo lý nữa. Thật vậy, Lời Chúa phải là nguồn mạch và nội dung chính, là nền móng vững chắc để xây dựng và phát triển việc giáo dục đức tin. Hơn nữa, Lời Chúa còn gợi hứng và làm cho việc dạy giáo lý trở nên sống động. Nhìn lại lịch sử của việc dạy giáo lý, chúng ta có thể thấy trong suốt mười lăm thế kỷ đầu, Lời Chúa thực sự là nền tảng và linh hồn của việc dạy giáo lý, nhưng từ thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XX, vai trò của Lời Chúa như bị lu mờ đi trước giáo thuyết, và Lời Chúa chỉ lấy lại được vị trí trung tâm của việc dạy giáo lý nhờ cuộc canh tân của Công đồng Vatican II (1962-1965).

1. Từ thời các Tông đồ đến hết thời Trung Cổ (TK. I-XV), Lời Chúa là tâm điểm của việc dạy giáo lý

Trong những thế kỷ đầu cũng như trong suốt thời Trung Cổ, lời rao giảng Tin Mừng đầu tiên là trung tâm của việc dạy giáo lý và dưới ánh sáng của lời rao giảng này, giảng viên đào sâu mầu nhiệm Chúa Kitô để giúp người thụ giáo gặp gỡ và hiệp thông với Người. Quả thế, sau khi nhận được lệnh truyền giáo và được tràn đầy Thánh Thần, các Tông đồ bắt đầu đi rao giảng khắp nơi bằng cách kể lại cho mọi người các lời Chúa nói và những việc Chúa làm, cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô, để mời gọi người ta tin tưởng vào Người và đón nhận phép rửa nhân danh Người. Để lãnh nhận phép Rửa, ứng viên phải học cho biết các mầu nhiệm trong đạo, có đời sống đạo hạnh và được coi là xứng đáng gia nhập cộng đoàn. Chính trong cộng đoàn, họ lắng nghe các Tông đồ rao giảng Lời Chúa, và dưới ánh sáng của Lời Chúa, đào sâu mầu nhiệm Chúa Kitô để được gặp gỡ Ngài cách trọn vẹn trong phụng vụ và cầu nguyện, đồng thời gặp gỡ và phục vụ anh chị em (x. Cv 2,42); kết cục cuộc sống tốt lành của họ trở thành bài học sống động về Lời Chúa, thành sách Tin Mừng sống động[4].

Khởi đầu, cộng đoàn các tín hữu chỉ phát triển trong phạm vi Do Thái giáo với trung tâm là Đền thờ Giêrusalem. Sau đó, cộng đoàn tách khỏi Do Thái giáo và Tin Mừng được rao giảng khắp nơi, vươn đến tận Hy Lạp, nơi đã có truyền thống triết học lâu đời. Trong bối cảnh này, nhiều điểm giáo lý cần được làm sáng tỏ, nhiều chân lý mạc khải bị lạc giáo chối từ cần được xác định lại bằng phán quyết của các Công đồng. Nhờ bảy Công đồng đầu tiên, giáo lý căn bản của đức tin về mầu nhiệm Ba Ngôi và về Đức Kitô được xác định trong 12 tín điều chứa đựng trong 2 tín biểu quen gọi là “Kinh Tin Kính Các Tông Đồ” và “Kinh Tin Kính Nicea-Constantinopoli”. Từ bấy giờ, cộng đoàn có thêm cơ sở để quy chiếu khi rao giảng Tin Mừng hay dạy giáo lý.

Thời kỳ này còn nổi bật với việc dạy giáo lý khai tâm, một chương trình huấn luyện dự tòng theo bốn giai đoạn: thời tiền dự tòng, thời dự tòng, thời thanh luyện và soi sáng, và thời nhiệm huấn, phối hợp với ba cử hành: tiếp nhận, tuyển chọn, các bí tích khai tâm. Chương trình này làm nổi bật lên tính chất tiệm tiến và toàn diện của lộ trình huấn luyện dự tòng: tiệm tiến vì là một tiến trình với các giai đoạn rõ ràng xuất phát từ Lời rao giảng Tin Mừng đầu tiên (kerygma), được đào sâu bởi việc dạy giáo lý, được thực hiện bởi nhiệm huấn (mystagogue) và dẫn tới truyền giáo; toàn diện bởi liên hệ đến các nghi thức, những biểu tượng và những dấu chỉ, đặc biệt về Thánh Kinh và Phụng vụ, quy chiếu thường xuyên vào cộng đoàn Kitô hữu (x. DGC 88-91).

2. Từ thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XX, Lời Chúa như lu mờ đi trước giáo thuyết

Do cuộc ly khai của anh em Tin Lành (1520) và sự ra đời của các sách giáo lý Tin Lành cũng như Công Giáo, chẳng hạn sách giáo lý nhỏ cho tín hữu và sách giáo lý lớn cho các mục sư do Luther soạn (1525-1529), sách giáo lý của Thánh Phêrô Canisiô (1521-97), của Thánh Bellarminô (1542-1621), của ĐGH Piô V (1566-72), của Thánh Carôlô Bôrrômêô (1538-84) v.v…, việc dạy “giáo lý” (catéchèse) bị giản lược vào việc dạy “thủ bản giáo lý” (catéchisme) chủ yếu nhằm cung cấp kiến thức đức tin để người Kitô hữu có thể giữ vững đức tin và bảo vệ đức tin Công giáo.

Trong Tự sắc chấp thuận và công bố bản “Toát yếu Giáo lý của Hội thánh Công giáo” ban hành ngày 28/6/2005, ĐGH Bênêđictô XVI thừa nhận sự cần thiết và lợi ích của các sách giáo lý, đặc biệt các sách giáo lý được viết dưới hình thức Hỏi-Thưa: “Sách Giáo lý ấy [GLHTCG 1992] nhắm trao vào tay các vị Giám mục như bản quy chiếu chắc chắn và đích thực để giảng dạy giáo lý Công giáo và đặc biệt để soạn thảo các sách giáo lý địa phương… Bản Toát yếu chứa đựng cách ngắn gọn mọi yếu tố căn bản và nền tảng của đức tin Hội thánh, tạo thành một thứ thủ bản “cầm tay – Vademecum”… cho phép mọi người, dù tin hay không, có thể có được một cái nhìn toàn diện về đức tin Công giáo… Nhờ tính chất ngắn gọn, trong sáng và đầy đủ, bản Toát yếu cũng nhắm đến mọi người, đang sống trong một thế giới phân tán và có quá nhiều sứ điệp, khao khát biết được con Đường Sự sống, Chân lý, đã được Thiên Chúa trao phó cho Hội thánh của Con mình… Khi đọc bản Toát yếu có thẩm quyền này… mỗi người có thể nhận ra và đón nhận ngày một hơn vẻ đẹp, sự thống nhất và tính hiện thực bất tận của món quà vô giá mà Thiên Chúa đã ban tặng cho nhân loại: đó là Con Duy Nhất của Ngài, Đức Giêsu Kitô, Đấng là “Đường, là Sự thật và là Sự sống” (Ga 14,6).

Như thế, Sách giáo lý được soạn thảo nhằm trao vào tay các mục tử cũng như các tín hữu như một bản quy chiếu để dạy giáo lý hay soạn thảo các sách giáo lý địa phương. Thế nhưng, trong thực tế, nó đã được dùng như một giáo trình để dạy giáo lý; hệ quả là “đức tin Kitô giáo vốn xuất phát từ những gì chúng ta nghe (Rm 17) và những gì chúng ta nghe – trước hết và trên hết – là câu chuyện liên quan đến Đức Giêsu Kitô, Đấng đã từng sống trong lịch sử và được kể lại như một Tin Mừng cho mọi người mọi thời”[5], trở thành những khái niệm trừu tượng được diễn dịch và cô đọng trong những công thức khô khan, chủ yếu nhằm phục vụ cho việc huấn luyện kiến thức đức tin. Phải chăng vì muốn bảo vệ đức tin cho các tín hữu mà việc dạy giáo lý tập chú vào việc phục vụ cho giáo thuyết thay vì phục vụ cho Lời Chúa?

3. Từ Công đồng Vatican II (1962-1965), Lời Chúa lấy lại được vai trò ưu tuyển của nó trong việc dạy giáo lý

Từ triều đại Giáo hoàng Lêô XIII (1878-1903), Giáo hội ngày càng ý thức mạnh mẽ hơn về tầm quan trọng của Lời Chúa và việc nghiên cứu Kinh Thánh trong đời sống của Giáo hội, mà cao điểm là Công đồng Vatican II, đặc biệt là việc ban hành Hiến chế Dei Verbum về Mạc Khải của Thiên Chúa (x. VD 3). Có thể nói Công đồng đã khép lại “thời dạy thủ bản giáo lý” và mở ra “thời dạy giáo lý” đúng nghĩa, trong đó dạy giáo lý thiết yếu là một trong các hoạt động của Giáo hội nhằm phục vụ Lời Chúa và giáo dục đức tin cho mọi người, và Lời Chúa thực sự là nền tảng và linh hồn của việc dạy giáo lý.

Đối với ĐGH Gioan Phaolô II, dạy giáo lý là công bố và giải thích cho người ta những gì các Tông đồ đã nghe, đã thấy tận mắt, điều các ông đã chiêm ngưỡng và đụng chạm đến bằng tay, về Lời Hằng Sống, để họ được sống nhờ Danh Người (x. CT 1). Chính ĐGH Bênêđictô XVI, trong Tông huấn Verbum Domini số 74, đã viết như sau: “Cuộc gặp gỡ của các môn đệ với Đức Giêsu trên đường Emmaus được tác giả Tin Mừng Luca mô tả (x. Lc 24, 13-35), theo một nghĩa nào đó, biểu thị khuôn mẫu của việc dạy giáo lý tập trung vào việc ‘giải thích Kinh Thánh’ mà chỉ duy Chúa Kitô mới có thể ban cho (x. Lc 24, 27-28), khi chỉ cho thấy Kinh Thánh được hoàn tất nơi bản thân Người… Trong quyển “Hướng dẫn Tổng quát về việc Dạy Giáo Lý” [của Bộ Giáo Sĩ, ban hành năm 1997], chúng ta gặp được những hướng dẫn quý báu để Kinh Thánh là linh hồn của việc giảng dạy giáo lý, nên tôi sẵn lòng khuyến khích tham khảo bản văn này. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đặc biệt rằng khoa giáo lý ‘phải thấm nhuần và nắm vững tư tưởng, tinh thần và các thái độ Kinh Thánh và Tin Mừng nhờ việc chuyên cần tiếp xúc với chính các bản văn; điều này cũng muốn nhắc nhớ rằng khoa giáo lý sẽ càng phong phú và hiệu quả hơn, nếu như đọc các bản văn với khối óc và con tim của Giáo hội’ và được gợi hứng từ suy tư và đời sống suốt hai ngàn năm qua của Giáo hội. Như vậy, chúng ta phải khuyến khích một sự hiểu biết về các nhân vật Kinh Thánh, những biến cố và những diễn ngữ căn bản của bản văn thánh; muốn như vậy, cũng có thể là bổ ích nếu hiểu biết và học thuộc lòng một vài đoạn Kinh Thánh – đặc biệt những đoạn nói về các mầu nhiệm Kitô giáo.”

Đối với ĐGH Phanxicô, dạy giáo lý cốt để phục vụ cho sự tăng trưởng trong đức tin hay lớn lên trong Đức Kitô. Việc này không đơn thuần là việc huấn luyện về tín lý, nhưng là giúp người ta đáp lại ơn gọi làm con bằng cách lớn lên trong tình yêu nhờ thường xuyên làm điều vui lòng Thiên Chúa và làm cho Ngài được vinh danh (x. EG 160-62). Trong việc dạy giáo lý, cần lưu ý đến: a/ vai trò căn bản của lời loan báo Tin Mừng đầu tiên (kerygma). Lời này phải được lặp đi lặp dưới những dạng thức khác nhau trong suốt tiến trình dạy giáo lý, ở mọi cấp độ và thời điểm, vì không có gì chắc chắn hơn, sâu sắc hơn, an toàn hơn, thực chất hơn và đầy khôn ngoan hơn lời loan báo cơ bản này (163-165); b/ đặc tính khai tâm nhiệm hiệp (l’initiation mystagogique) của việc dạy giáo lý, chủ yếu giúp người học hòa nhập vào đời sống cộng đoàn (166); c/ “con đường thẩm mỹ” (via pulchritudinis) nhằm khôi phục lại lòng ngưỡng mộ vẻ đẹp để có thể chạm đến quả tim con người và để sáng tỏa trong ấy chân lý và sự tốt lành của Đấng Phục Sinh (167); d/ về luân lý, mời gọi người học lớn lên trong sự trung thành với việc sống theo Tin Mừng, luôn nhắc đến những điều tốt lành và dưới ánh sáng của những điều tốt lành giúp người ta hiểu tại sao chúng ta tố cáo những điều xấu, trở thành sứ giả hân hoan của những đề nghị từ trên cao hay người canh giữ sự tốt lành thay vì trở thành những chuyên viên báo họa (168); e/ đồng hành với người học bằng sự hiện diện gần gũi nhờ biết lắng nghe để có được những cử chỉ và lời nói có khả năng khơi dậy ước muốn đáp lại trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa, cũng như cái nhìn tôn trọng và đầy trắc ẩn có khả năng đánh thức nơi họ sự tin tưởng, mở lòng ra, sẵn sàng để lớn lên và ra đi rao giảng Tin Mừng (169-173).

Qua những chỉ dẫn trên, các vị Giáo hoàng một lần nữa xác định lại tầm quan trọng hàng đầu và vị trí trung tâm của Lời Chúa trong việc dạy giáo lý. Theo đó, Lời Chúa phải là nền tảng và linh hồn của việc dạy giáo lý. Thật vậy, việc dạy giáo lý được gợi hứng bởi truyền thống huấn luyện dự tòng của Giáo hội hiện nay không đơn thuần là việc dạy giáo thuyết, nhưng là “một hành trình sư phạm được thực hiện ngay trong cộng đoàn, nhằm dẫn người tín hữu đến gặp gỡ Đức Chúa Giêsu Kitô nhờ Lời Chúa, hoạt động phụng vụ và bác ái, gặp gỡ với mọi chiều kích của con người để có thể lớn lên trong tinh thần đức tin và trở thành chứng nhân của sự sống mới trong thế gian”[6].

Ngoài chỉ dẫn của các vị Giáo hoàng, chúng ta còn có một số văn kiện của Huấn quyền phát hành bởi Tòa Thánh hay chỉ thị của các Hội đồng Giám mục, chẳng hạn bản Directoire pour la Catéchèse 2020 của Hội đồng Tòa thánh Cổ võ Tân Phúc Âm hóa hay bản Hướng dẫn Tổng quát việc Dạy giáo lý 2017 của Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Theo Hội đồng Tòa thánh Cổ võ Tân Phúc Âm hóa, dạy giáo lý là hoạt động của Giáo hội phát sinh từ mệnh lệnh truyền giáo của Đức Giêsu Kitô, nhằm làm cho lời rao giảng Tin Mừng đầu tiên vang vọng trong tâm hồn con người, nhờ đó cuộc sống của họ được biến đổi. Việc dạy giáo lý, xét như một thực tại năng động và phức tạp nhằm phục vụ Lời Chúa, bao gồm một chuỗi công việc như đồng hành, giáo dục và huấn luyện trong đức tin và cho đức tin, dẫn vào việc cử hành mầu nhiệm, soi sáng và giải thích cuộc đời con người và lịch sử (x. DpC 55-56).

Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong Hướng dẫn Tổng quát việc Dạy giáo lý 2017, khẳng định: “việc dạy giáo lý – xét như là công cuộc giáo dục đức tin – phải góp phần vào việc đào tạo những Kitô hữu sống trọn vẹn mầu nhiệm hiệp thông với ba chiều kích: với Thiên Chúa, với Giáo hội và với mọi người (46) … Muốn thế, việc dạy giáo lý phải đặt trên nền tảng Lời Chúa và Lời Chúa phải là linh hồn của việc dạy giáo lý. Việc dạy giáo lý phải giúp cho học viên tiếp cận với bản văn Kinh Thánh, hiểu và đón nhận sứ điệp Lời Chúa, biết diễn tả niềm xác tín của mình và dấn thân thực hiện theo Lời Chúa. [Giáo lý viên còn phải] hướng dẫn họ cầu nguyện bằng cách thưa chuyện với Chúa nhờ lắng nghe và đón nhận Lời Chúa” (54). Trước đó, trong Đại hội Giáo lý Toàn quốc lần thứ IV tại Tổng Giáo phận Huế, từ ngày 18-21/8/2014, 237 tham dự viên gồm 118 linh mục, 45 tu sĩ, 8 chủng sinh và 64 giáo dân thuộc 26 giáo phận, với sự hiện diện và đồng hành của 3 vị giám mục, sau khi cầu nguyện, lắng nghe, suy nghĩ và trao đổi, cũng đã nhất trí như vậy, thậm chí còn nhất trí “đưa việc dạy giáo lý thoát khỏi khuôn khổ của một ‘lớp’ học” (x. Bản Ghi Nhớ, 2 và 4).

III.  LÀM THẾ NÀO ĐỂ LỜI CHÚA THỰC SỰ LÀ NỀN TẢNG VÀ LINH HỒN CỦA VIỆC DẠY GIÁO LÝ?

Vấn đề còn lại của chúng ta là: Làm thế nào để Lời Chúa thực sự là nền tảng và linh hồn của việc dạy giáo lý? Trong khuôn khổ giới hạn của bài viết này, tôi không thể trình bày cụ thể phải tiếp cận và trình bày Lời Chúa như thế nào, để người học có thể nghe và đáp lại lời Chúa, nhờ đó, gặp gỡ và kết hợp mật thiết với Người theo mục đích tối hậu của việc dạy giáo lý. Vì thế, tôi tập trung vào một việc thiết yếu cần phải làm để những chỉ dẫn của Công đồng và của các vị lãnh đạo trong Giáo hội liên quan đến việc dạy giáo lý trở nên khả thi; đó là phúc âm hóa việc dạy giáo lý. Việc này đòi hỏi: trước hết, đổi mới lòng nhiệt thành của giáo lý viên, bao gồm cả giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân, đối với Lời Chúa và việc phục vụ Lời Chúa; kế đến, đổi mới phương pháp dạy giáo lý; cuối cùng, đổi mới ngôn ngữ được dùng để dạy giáo lý.

1. Đổi mới lòng nhiệt thành của giáo lý viên đối Lời Chúa và việc phục vụ Lời Chúa

Ngoài ơn gọi “nên thánh giữa đời” và sứ vụ “kiện toàn trật tự trần thế theo tinh thần Tin Mừng” của một giáo dân, giáo lý viên còn có một linh đạo riêng phát xuất từ ơn gọi và sứ vụ tông đồ là “thông truyền Lời Chúa”. Linh đạo này được biểu hiện trước hết qua thái độ yêu mến và đón nhận Lời Chúa được chứa đựng trong Thánh Kinh và Thánh Truyền[7]. Thế nhưng, giáo lý viên phải làm gì và làm thế nào để có được lòng yêu mến Lời Chúa và say mê phục vụ Lời Chúa?
Dựa vào kinh nghiệm của các Tông đồ, đặc biệt là của Thánh Phêrô, chúng ta có thể nói giáo lý viên cần có kinh nghiệm về quyền năng và sự linh nghiệm của Lời, mà xưa kia các ngài đã có như khi thấy “gió tắt và biển lặng như tờ” sau lời Chúa Giêsu truyền “Hãy êm đi, lặng đi!” (Mc 4,39) hoặc như Thánh Phêrô trước “mẻ cá lạ” sau khi vâng lời Chúa Giêsu “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” (Lc 5,4); hay khi bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Chúa sau lời Người bảo: “Cứ đến!” (Mt 14,29); hay khi nghe tiếng gà gáy sau lần chối thứ ba như Thầy đã báo trước (Ga 18,28), để rồi thâm tín hơn lời đã một lần tuyên xưng: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68).

Để có được kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Giêsu và biến đổi nhờ lời của Người, giáo lý viên phải mở ra cho Lời Chúa qua việc siêng năng đọc và cầu nguyện với Lời Chúa (lectio divina). “Phương pháp này bắt đầu bằng việc đọc (lectio) đoạn Kinh Thánh, gợi lên một câu hỏi về việc hiểu biết chính xác nội dung đích thực của văn bản: đoạn Kinh Thánh này tự nó nói lên điều gì thế? Tiếp đến là suy niệm (meditatio), trong đó câu hỏi là: đoạn Kinh Thánh này nói gì với chúng ta? Và sau đó là cầu nguyện (oratio), việc làm này giả thiết một câu hỏi khác: chúng ta nói gì với Chúa để đáp lại Lời Ngài? Và cuối cùng là chiêm niệm (contemplatio), trong đó chúng ta đón nhận như hồng ân của Chúa chính cái nhìn của Ngài khi nhận xét về thực tại và chúng ta tự hỏi: Chúa đang yêu cầu chúng ta phải hoán cải tâm trí và cuộc sống như thế nào?”[8]

Khi mở ra cho Lời Chúa, giáo lý viên cũng mở ra cho Thiên Chúa. Họ “để cho mình được lôi cuốn vào phạm vi hoạt động của Chúa Cha, Đấng ngỏ lời; của Đức Kitô, Ngôi Lời nhập thể, Đấng chỉ loan báo mọi lời đã nghe được từ Chúa Cha (Ga 8,26; 12,49); của Chúa Thánh Thần, Đấng soi sáng tâm trí và sưởi ấm con tim để giúp hiểu Lời Chúa, yêu mến Lời Chúa và trung thành thực thi Lời Chúa (Ga 16,12-14) … [và sẵn sàng] tham dự vào tình yêu của Chúa Cha, Đấng muốn mọi người nhận biết chân lý và được cứu rỗi (1Tm 2,4); hiệp thông với Đức Kitô, bằng cách chia sẻ các tâm tình của Ngài (Pl 2,5) và như thánh Phaolô, sống kinh nghiệm về sự hiện diện thường xuyên và khích lệ của Đức Kitô: “Đừng sợ… vì Ta ở cùng con” (Cv 18,9-10), bằng cách để Chúa Thánh Thần hướng dẫn và biến đổi thành chứng nhân can đảm của Đức Kitô và thành người loan báo Lời Chúa được soi sáng”[9].

2. Đổi mới phương pháp dạy giáo lý

Theo Hội đồng Tòa thánh Cổ võ Tân Phúc Âm hóa, việc dạy giáo lý vừa phải chú trọng đến sứ điệp của Lời Chúa, vừa phải chú trọng đến những nhu cầu đích thực của kinh nghiệm con người, nghĩa là vừa phải trung thành với Thiên Chúa, vừa phải trung thành với con người, nhờ đó, tránh được sự tương phản giữa nội dung và phương pháp. Phương pháp sử dụng phải phản ánh bản chất của sứ điệp Tin Mừng với những nguồn mạch của nó, đồng thời chú ý đến những hoàn cảnh cụ thể của con người. Vì tuổi tác và sự phát triển về tri thức, mức độ trưởng thành về tâm linh và giáo hội cùng nhiều hoàn cảnh của các Kitô hữu khác nhau, giáo lý viên cần sử dụng nhiều phương pháp dạy giáo lý khác nhau”[10]. Giáo lý viên cần phân định xem phương pháp nào có khả năng tập chú vào và kết nối tốt hơn cả thực tại của cuộc sống lẫn sứ điệp của đức tin (x. DpC 194-196).

So với phương pháp giáo khoa (didactique) tập chú vào việc truyền đạt kiến thức đức tin, các tín điều, các nghi lễ và luân lý, phương pháp kể chuyện (narratif) có khả năng đáp ứng tốt hơn yêu cầu trên, vì nó tập chú vào tương giao, vào việc gặp gỡ Đức Giêsu Kitô là mục đích tối hậu của việc dạy giáo lý. Hơn nữa, đức tin Kitô giáo xuất phát từ những gì chúng ta nghe (Rm 17) mà những gì chúng ta nghe, trước hết và trên hết, là một câu chuyện liên quan đến Đức Giêsu Kitô, Đấng đã sống trong lịch sử và được kể lại như một Tin Mừng cho mọi người, mọi thời. Thật vậy, chân lý Kitô giáo không nằm trong “khái niệm” hay trong một tập hợp các ý tưởng rõ ràng và chính xác, tách khỏi cuộc sống thường ngày, nhưng nằm trong các biến cố và đến với chúng ta qua những biến cố trong lịch sử. Chính vì tính chất lịch sử và tương giao của đức tin Kitô giáo mà bản văn kể lại những câu chuyện về Thiên Chúa và với Thiên Chúa tiêu biểu cho việc tiếp cận chân lý bằng phương thức kể chuyện.

Phương thức kể chuyện ở đây không đơn thuần là sử dụng ngôn ngữ kể chuyện, mà còn là một hoạt động sư phạm (pédagogie narrative) giúp người học tiếp cận với Lời Chúa trong Kinh Thánh để bước vào cuộc đối thoại với Chúa, qua việc nghe Chúa nói nhờ tiếp nhận được sứ điệp của Lời Chúa chứa đựng trong bản văn Kinh Thánh và nói cho Chúa nghe về chính cuộc sống của mình với cả “vui mừng và hy vọng” lẫn “ưu sầu và lo lắng”. Nhờ cuộc đối thoại này, người học sẽ tìm được câu trả lời cho những vấn nạn trong cuộc đời của mình, vì Lời Chúa có khả năng lấp đầy những khát vọng sâu xa trong lòng họ, nếu như họ dám chết đi như hạt lúa để sinh nhiều bông hạt. Trong tiến trình này, có sự giao thoa giữa câu chuyện của Chúa với câu chuyện của chứng nhân tức người kể và câu chuyện của người nghe. Nếu như người nghe bước vào câu chuyện của Đức Giêsu và tiếp nhận nó như câu chuyện cứu độ cho mình, thì họ sẽ làm cho cuộc đời của mình trở thành trang sách mới của Tin Mừng, “tin mừng thứ năm”. Thiếu phần kể lại câu chuyện của Chúa Giêsu để khơi nguồn, việc dạy giáo lý truyền thống dựa trên bốn trục: kinh Tin Kính, các bí tích, các điều răn và Kinh Lạy Cha, mất đi ý nghĩa và sức sống của nó, tựa như nguồn suối bị bế tắc khiến dòng sông mau cạn khô vậy. Như thế, chiều kích tường thuật không phải là một yếu tố giữa những yếu tố khác của việc dạy giáo lý, nhưng tạo nên nguồn mạch, nền tảng và nơi phát sinh của nó[11].

3. Đổi mới ngôn ngữ được dùng để dạy giáo lý

Vẫn theo Hội đồng Tòa thánh Cổ võ Tân Phúc Âm hóa, việc dạy giáo lý là một hoạt động sư phạm được diễn đạt theo những ngôn ngữ khác nhau của những người tham dự, và đồng thời có một ngôn ngữ riêng: ngôn ngữ của đức tin. Trong lịch sử, Giáo hội truyền đạt đức tin của mình qua Sách Thánh (ngôn ngữ thánh kinh), qua các biểu tượng và các nghi lễ phụng vụ (ngôn ngữ phụng vụ-biểu tượng), qua tác phẩm của các giáo phụ, các Tín biểu, những công thức của Huấn quyền (ngôn ngữ giáo thuyết), và qua chứng từ của các thánh và các vị tử đạo (ngôn ngữ huấn luyện). Việc dạy giáo lý thích nghi cách sáng tạo những ngôn ngữ văn hóa của các dân tộc, nhờ đó, đức tin được diễn tả cách đặc thù (x. DpC 204-206).

Việc dạy giáo lý quan tâm trước hết đến ngôn ngữ kể chuyện và tự thuật. Kể chuyện không chỉ như một công cụ ngữ học, nhưng trên hết như một phương tiện qua đó người ta hiểu mình và thực tại xung quanh, và cho kinh nghiệm của mình một ý nghĩa. Trong nhiều thế kỷ, Hội Thánh tiếp tục kể lại câu chuyện cứu độ mà trọng tâm của nó là mầu nhiệm Phục sinh. Câu chuyện ấy cuốn hút mọi chiều kích của con người: tình cảm, nhận thức, ý chí, đồng thời làm nổi bật lên chiều kích lịch sử và ý nghĩa hiện sinh của đức tin khi đan xen một cách phong phú câu chuyện về Đức Giêsu với đức tin của Giáo hội và đời sống của những người kể cũng những người nghe (207-08).
Kế đến, là ngôn ngữ nghệ thuật và mỹ thuật. Những hình ảnh nghệ thuật Kitô giáo, khi xác thực, giúp cảm nhận Thiên Chúa đang sống, hiện diện và hoạt động trong Giáo hội và lịch sử[12]. Các hình ảnh có thể giúp mọi người có được kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa nhờ chiêm ngắm cái đẹp. Thực vậy, những hình ảnh này làm cho người chiêm ngắm chúng nhìn chằm chằm vào một Ai đó vô hình, khi mở lối cho họ bước vào thực tại của thế giới thiêng liêng và cánh chung. Việc sử dụng hình ảnh trong việc dạy giáo lý giúp lĩnh hội sự hiểu biết xa xưa của Giáo hội. Nó giúp tín hữu biết và nhớ lại những biến cố của lịch sử cứu độ cách nhanh lẹ hơn. Âm nhạc làm cho tinh thần con người thấm nhuần khát vọng đối với cái vô hạn. Các bài hát phụng vụ cũng có được sự phong phú về đạo lý được truyền đạt bằng âm nhạc, nên dễ đi vào tâm trí hơn và để lại trong tâm hồn mọi người một dấu ấn sâu đậm. Những hình thức trình bày nghệ thuật khác nhau như văn chương, kịch nghệ, phim ảnh, v.v…, làm cho con người mở ra với ngôn ngữ của cảm xúc, khi giúp họ không chỉ là khán giả của hoạt động nghệ thuật, nhưng còn tham gia vào việc trình diễn (x. DpC 209-212).

Cuối cùng là ngôn ngữ kỹ thuật số. Ngôn ngữ của việc dạy giáo lý tất yếu giao thoa với mọi chiều kích của truyền thông và những công cụ của nó. Những kỹ thuật mới tạo ra cơ sở hạ tầng văn hóa mới ảnh hưởng trên truyền thông và đời sống của con người. Trong không gian ảo mà nhiều người nghĩ không kém quan trọng hơn thế giới thật, con người tiếp nhận tin tức và thông tin, khai triển và trình bày ý kiến, dấn thân vào tranh luận, đối thoại và tìm kiếm câu trả lời cho những vấn nạn của họ. Trong Giáo hội, thường có thói quen truyền thông một chiều bằng chữ viết, do đó, phải phấn đấu để truyền đạt cho người trẻ là những người quen thuộc với ngôn ngữ được tạo ra bởi sự tổng hợp của chữ viết, âm thanh và hình ảnh. Những dạng thức kỹ thuật số của truyền thông cung cấp nhiều khả năng lớn hơn để thay thế, trong đó chúng mở ra cho sự tương tác. Những kỹ thuật thông tin và truyền thông, truyền thông xã hội và các thiết bị kỹ thuật số, tạo điều kiện thuận lợi cho nỗ lực cộng tác, chia sẻ công việc, trao đổi kinh nghiệm và kiến thức. “Các mạng xã hội, ngoài việc là phương tiện loan báo Tin Mừng, còn có thể là yếu tố phát triển con người. Chẳng hạn, trong một số bối cảnh địa lý và văn hóa mà các Kitô hữu cảm thấy bị cô lập, các mạng xã hội có thể củng cố tinh thần hiệp nhất của họ với cộng đoàn tín hữu khắp thế giới”[13]. Giáo lý viên ngày nay phải biết mức độ mà thế giới ảo có thể để lại những dấu ấn sâu xa, cách riêng nơi những người trẻ hay cho những kẻ yếu hơn, và có thể ảnh hưởng ra sao trong việc quản lý cảm xúc hay tiến trình xây dựng căn tính của một người. Thực tại ảo không thể thay thế cho thực tại thiêng liêng, bí tích và giáo hội, vốn được kinh nghiệm bằng sự gặp gỡ trực tiếp giữa những con người. Điều cần thiết để làm chứng cho Tin Mừng là dạng thức đích thực của truyền thông, thành quả của sự tương tác thật giữa những con người (x. DpC 213-217).

LỜI KẾT

“Lời Chúa là nền tảng và linh hồn của việc dạy giáo lý”. Điều này chẳng có gì mới mẻ, bởi đã được trực tiếp hoặc gián tiếp đề cập đến trong những văn kiện cũng như trong các hội nghị liên quan đến huấn giáo. Trong Thư mục vụ năm 2005 của HĐGM Việt Nam, với chủ đề “Sống Lời Chúa”, Giáo hội đã có những quyết tâm như sau : mở rộng lối vào Thánh Kinh cho các Kitô hữu bằng việc phổ biến Sách Thánh; thúc đẩy họ siêng năng đọc Lời Chúa trong đời sống và cho đời sống cụ thể của mình, bởi Kitô hữu Việt Nam rất siêng năng đọc kinh, nhưng chưa chú trọng đến việc đọc và suy niệm Lời Chúa; và để Lời Chúa canh tân đời sống của mình, thì giáo dân – cách riêng các bạn trẻ – được mời gọi: a/ ý thức mỗi Kitô hữu vừa là người gieo giống, vừa là thửa đất để đón nhận Lời Chúa (x. Lc 8,5-15). Đối với Lời Chúa, hãy sửa soạn tâm hồn để trở thành mảnh đất màu mỡ. Đối với tha nhân, hãy trở nên người gieo giống cần cù, kiên nhẫn tin tưởng không quản ngại chông gai sỏi đá, b/ yêu mến Lời Chúa và biểu lộ lòng yêu mến ấy bằng hành động như Chúa đã dạy, theo gương Đức Maria. Những quyết tâm này được khẳng định lại trong Đại hội Dân Chúa Việt Nam năm 2010 với ước mong: “Trong những năm sắp tới, Hội Thánh tại Việt Nam sẽ đẩy mạnh việc phổ biến và học hỏi Lời Chúa bằng những phương thế khác nhau, để Lời Chúa thực sự trở thành của ăn nuôi dưỡng tâm hồn, kim chỉ nam và ánh sáng soi dẫn mọi quyết định và chọn lựa của các tín hữu”[14].

Thiết nghĩ, những quyết tâm và mong đợi này sẽ mãi mãi là những quyết tâm và mong đợi trên giấy rồi lui dần vào quá khứ, nếu như việc đọc và suy niệm Kinh Thánh không trở thành thói quen mà người Kitô hữu Việt Nam gặt hái được từ công cuộc giáo dục đức tin, cách riêng trong việc dạy giáo lý lấy Lời Chúa làm trung tâm. Thế mới hay, “Lời Chúa là nền tảng và linh hồn của việc dạy giáo lý” vốn là chuyện chẳng có gì mới mẻ, lại là chuyện mới toanh, chuyện của hôm nay như thể chưa bao giờ được kể vậy!

Trích Bản tin HiệpThông / HĐGMVN, Số 134 (Tháng 3 & 4 năm 2023)
Nguồn; 
https://www.hdgmvietnam.com/

 

Ký hiệu viết tắt của các Văn kiện Giáo hoàng và Tòa thánh trong bài:

CT: Tông huấn Catechesi Tradendae (ĐGH Gioan Phaolô II, 1979)
DGCDirectoire Général pour La Catéchèse – Hướng dẫn Tổng quát việc dạy Giáo lý (Bộ Giáo sĩ, 1997)
VD: Tông huấn Verbum Domini (ĐGH Bênêđictô XVI, 2010)
EG: Tông huấn Evangelii Gaudium (ĐGH Phanxicô, 2013)
DpCDirectoire pour la Catéchèse – Hướng dẫn dành cho việc dạy Giáo lý (Hội đồng Tòa thánh Cổ võ Phúc Âm hóa, 2020)
 

 

[1] CĐ Vatican II, Sắc lệnh về Nhiệm vụ mục tử của các giám mục trong Giáo hội, 44.

[2] Sứ điệp Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XII gửi Cộng đoàn Dân Chúa, 24/10/2008, 6.

[3] Sứ điệp Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XII gửi Cộng đoàn Dân Chúa, 24/10/2008, 3.

[4] x. Sứ điệp Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XII gửi Cộng đoàn Dân Chúa, 24/10/2008, 6.

[5] André Frosson, Le récit en Catéchèse. Catéchèse comme récit. Le récit de la Catéchèse, trong “La Catéchèse narrative”, Bruxelles, Lumen Vitae, 2011, trang 98.

[6] Hội đồng Tòa thánh Cổ võ Phúc Âm hóa, Hướng dẫn dành cho việc Dạy giáo lý, (23/3/2020), 65.

[7] x. Bộ Rao giảng Phúc Âm cho các Dân tộc, Chỉ dẫn dành cho Giáo lý viên,16/6/1992, 7.

[8] Sứ điệp Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XII gửi Cộng đoàn Dân Chúa, 24/10/2008, 9.

[9] Bộ Rao giảng Phúc âm cho các dân tộc, Chỉ dẫn dành cho giáo lý viên, 16/6/1992, 7.

[10] Tông huấn Dạy Giáo Lý của ĐGH Gioan Phaolô II (16/10/1970), 51.

[11] x. Enzo Biemmi, Invitation à la catéchèse narrative, trong Enzo Biemmi và André Frosson, “La Catéchèse narrative”, Bruxelles, Lumen Vitae, 2011, trang 10-11.

[12] x. Gioan Phaolô II, Tông thư Tiến đến Thiên niên kỷ thứ 3 (4/12/1987), 11.

[13] Bênêđictô XVI, Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 47 (24/1/2013).

[14] Sứ điệp của Đại hội Dân Chúa Việt Nam 2010.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!