Tâm tình độc giả

 Lòng bừng cháy

  

51sijwg22il acCộc cộc cộc. Cộc cộc cộc…
Tiếng gõ cửa dồn dập.
Đang nửa đêm nửa hôm, ai gõ cửa mà nhiều vậy không biết. Clê-ô-pát lẩm bẩm trong bụng, rồi mở chăn ra và lồm cồm ngồi dậy. Một tay dụi mắt, một tay cua cua đầu giường để lấy cái khăn trùm đầu. Anh bước ra gần cửa và hỏi với cái giọng còn ngái ngủ:
– ‘Ai gõ cửa lúc nửa đêm nửa hôm thế này?’
Tiếng trả lời khe khẽ có vẻ rất lo sợ:
– ‘Em Đê-ô đây! Anh mở cửa cho em mau lên nào!’
Vội vàng nhấc cái then chốt cửa. Cánh cửa mở ra. Khí lạnh đêm khuya thốc vào mặt khiến Clê-ô-pát lạnh nổi da gà và tỉnh ngủ hẳn. Đê-ô vội vã bước vào rồi lấy tay chốt lại cửa ngay.
Clê-ô-pát hỏi:
– ‘Có chuyện gì mà chú sợ vậy?’
Đê-ô vừa thở dốc vừa nói:
– ‘Có, có biến rồi anh ạ. Em vừa nhận được tin Thầy đã bị bắt rồi.’
Clê-ô-pát hỏi dồn dập:
– ‘Hả? Thầy bị bắt á? Ai dám bắt Thầy vậy?’
Đê-ô trả lời:
– ‘Mấy người của đền thờ Do Thái dẫn theo một toán binh lính đã bắt Thầy lúc Thầy đang ở vườn Cây Dầu.’
Clê-ô-pát tiếp tục hỏi:
– ‘Thế các anh em đi cùng Thầy đâu? Không ai bảo vệ được Thầy à?’
Đê-ô trả lời trong thất vọng:
– ‘Em nghe nói là chạy trốn hết rồi. Nên em cũng vội vã chạy sang anh đấy.’
Căn phòng trọ nhỏ bé của Clê-ô-pát trở nên im lìm. Ngoài trời khuya gió lạnh cứ rít lên từng cơn. Hai người ngồi thẫn thờ trong bóng tối. Chẳng ai nói với ai.
Đê-ô ngồi bó gối co ro trên cái phản kê làm giường của Clê-ô-pát. Còn Clê-ô-pát ngồi tựa lưng vào vách nhà và mặt ngửa nhìn lên trần nhà. Không biết họ bắt và đưa Thầy đi đâu? Đêm khuya lạnh lẽo thế này, không biết họ xử với Thầy như thế nào? Họ vốn đã ganh ghét với Thầy như vậy, chắc họ sẽ nhân cơ hội mà đánh đập Thầy nhiều lắm đây… Lòng họ đầy lo lắng và sợ hãi. Hai anh em mong cho trời mau sáng để còn ra ngoài nghe ngóng tin tức của Thầy mình.
Trời vừa tờ mờ sáng, hai anh em cuốn khăn chùm đầu và che mặt rồi vội vàng xuống phố nghe ngóng tin tức về Thầy. Họ đang giam Thầy ở dinh Tổng trấn Phi-la-tô. Sáng nay là quan tổng trấn sẽ mở tòa xét xử Thầy. Bây giờ làm sao mà vào được dinh đây. Thôi hai anh em đành phải lảng vảng ở mấy con ngõ phố xung quanh để chờ đợi đến giờ xử án.
Sáng nay, con phố trước dinh tổng trấn trở nên đông người khác thường. Thấy có cả các thượng tế đền thờ, các thầy thông luật và lãnh đạo người Do Thái. Khá đông người thuộc nhóm Biệt Phái và cả nhóm Xa Đốc nữa. Lác đác cũng nhìn thấy những khuôn mặt quen quen của mấy người vẫn đi theo nghe Thầy giảng dạy hàng ngày.
Giờ xử án đã đến.Rất đông dân chúng trong thành cũng kéo đến xem xét xử vụ án. Hai anh em trà trộn trong đám đông hỗn độn này. Chẳng thể đến gần được Thầy. Nhưng từ xa, họ cũng nhận thấy rõ khuôn mặt và thân mình đầy máu me của Thầy. Chắc chắn cả đêm qua chúng đã đánh đập Thầy dã man cho thỏa nỗi căm ghét của chúng. Trên đầu Thầy họ còn cho đội một cái vòng cây gai nữa, những cái gai sắc nhọn gim vào da đầu Thầy khiến máu chảy xuống cả trán và mặt của Thầy. Thương Thầy mà chẳng thể làm gì được.
Chẳng biết ở bên trong quan tổng trấn xét xử như thế nào mà thấy mấy tên lính dẫn Thầy ra trước tiền sảnh dinh tổng trấn. Sau đó ông quan đã lớn tiếng hỏi đám đông dân chúng hiện diện:
– ‘Tha Ba-na-ba hay là Giê-su?’
Ba-na-ba là một tên cướp đã bị kết án tử từ mấy hôm trước. Mà sao nay lại đưa ra để cho dân chúng chọn lựa tha một trong hai người nhỉ? Thật không hiểu ẩn khúc gì nữa.
Dưới sự sách động của nhóm người lãnh đạo Đền Thờ, đám đông hôm nay trở mặt. Mới những ngày trước thì tung hô khen ngợi Thầy, đi theo nghe Thầy giảng dạy và chữa lành, được Thầy cho ăn bánh no nê… Nay họ lại hô hét kết án Thầy:
– ‘Tha Ba-na-ba, giết Giê-su.’
– ‘Đóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá.’
Tiếng gào thét phản đối của hai anh em cùng với mấy người yêu mến Thầy đang hiện diện ở đó cũng chẳng thể nào thắng được tiếng của đám đông dân chúng. Họ đành bất lực và đau đớn nhìn Thầy bị kết án vác thập giá… Không những thế, đám đông còn quăng những cái nhìn xăm xét như muốn ăn sống nuốt tươi hai anh em. Hai anh em khiếp sợ vội vàng lui khỏi đám đông và bỏ chạy…
Mặt trời đã tắt. Màn đêm đang buông phủ dày đặc hơn. Nỗi sợ hãi lại càng tăng. Hai anh em đã trốn yên trong căn phòng nhỏ bé ấy cả ngày rồi. Họ không dám hé cửa chứ nói gì đến bước chân ra ngoài phố. Họ sợ người Do Thái nhận ra họ thuộc nhóm ông Giê-su đã bị tử hình hôm nay. Người Do Thái vốn đã căm ghét và luôn tìm mọi cách giết Thầy Giê-su. Giờ đây chắc chắn họ cũng chẳng để yên cho những người thân cận, người môn đệ của Thầy Giê-su đâu.
Đêm khuya im lìm đáng sợ. Chả ai nói với ai. Chỉ nghe tiếng dế kêu hòa với tiếng thở hồi hộp sợ hãi.
Thầy đã chết. Giờ này không biết xác Thầy thế nào? Không biết có ai xin hạ xác Thầy xuống và đem đi chôn cất nữa không? Mà tối nay đã sang ngày Sa-bát rồi, sẽ không làm được gì nữa. Xác Thầy mà còn để treo trên thập giá thì ngày mai chắc chắn sẽ làm mồi cho diều hâu mất thôi. Khổ thật. Giờ đây chẳng biết phải làm sao. Lòng họ như lửa thiêu đốt. Hết đứng lại ngồi. Đi đi lại lại quanh quẩn trong căn phòng trọ hơn chục mét vuông mong cho thời gian ngày Sa-bát trôi mau. Lại một đêm nữa không thể ngủ được. Thương Thầy lắm nhưng không thắng được nỗi sợ hãi. Clê-ô-pát thở dài:
– ‘Haizz… Nghĩ mà nó chán!’
Đê-ô cùng tâm trạng:
– ‘Nhớ lại buổi sáng nay, sợ thật đấy! Giờ em vẫn còn run này. Thương Thầy thật đấy nhưng mà em cũng sợ người của Đền Thờ lắm. Chắc họ đang lùng bắt chúng ta đấy anh nhỉ?’
Clê-ô-pát nói trong sự buồn chán và thất vọng:
– ‘Chả lẽ cuộc đời chúng ta phải chui lủi như này ư? Mộng ước tan vỡ hết rồi. Bây giờ đi đâu về đâu?’
Thầy Giê-su, người là Đấng Mesia, vậy mà nay đã bị kết án đóng đinh thập giá nhục nhã. Mình đã quyết định bỏ gia đình quê hương xứ sở để đi theo làm môn đệ Thầy, giờ đây còn mặt mũi nào mà nhìn mọi người.
– – –
Clê-ô-pát và Đê-ô là anh em họ với nhau. Cả hai cùng là người làng Em-mau, cách thành Giê-ru-sa-lem khoảng hơn chục cây số. Clê-ô-pát lớn hơn Đê-ô vài tuổi. Cả hai đều làm nghề chăn cừu chăn dê thuê, chẳng được học hành văn hóa lớp nào. Họ đã chơi thân với nhau từ thời trẻ trâu. Họ đã cùng nhau lớn lên giữa những thảo nguyên đầy nắng và gió.
Một ngày, hai thanh niên rủ nhau đi lên thành phố một chuyến, vừa để cho biết đó biết đây, vừa xem kiếm việc làm trên đó. Vì cả hai cũng tuổi trưởng thành rồi, chả lẽ cứ theo mãi cái nghề chăn thuê nghèo khổ đó. Họ cũng phải ra đời làm ăn để kiếm chút vốn liếng, ít năm nữa còn cưới vợ lập gia đình chứ. Họ mong muốn đổi đời.
Thành phố họ tới là thành Giê-ru-sa-lem tráng lệ, cách làng của họ khoảng hơn chục cây số đường bộ về hướng đông.
Vài ngày trôi qua rồi mà hai anh em vẫn chưa tìm được việc làm. Họ chán nản không biết tính sao nữa. Người thì dáng nhà quê một cục, lại không được học hành gì, nên chẳng ai muốn thuê hai anh em cả.
Sáng sớm hôm ấy, hai anh em ra đứng ở cổng thành phía bắc, gọi là cửa Cá, chỗ mà những người thất nghiệp hay đứng, để xem có được ai thuê đi làm vườn nho hay bất cứ việc gì cũng được. Có nhiều người chủ đến, nhìn hai anh em một lượt từ trên xuống dưới, rồi lướt qua và chọn thuê người khác. Mãi đến gần trưa mà chẳng có ai thuê hai anh em. Clê-ô-pát thấy một nhóm gần chục người đàn ông chạc tuổi từ hai mươi đến bốn mươi đang tiến lại cổng thành. Người nào người ấy cũng đeo trên vai một cái túi hành trang. Anh liền hỏi:
– ‘Các anh đi đâu mà hành lí hành trang thế này?’
Cả nhóm đứng lại, tiện thể dừng nghỉ ngơi chút xíu giữa cái nắng nóng buổi trưa. Một người trong họ trả lời:
– ‘Chúng tôi đang đi lên miền Ga-li-lê đây.’
Đê-ô nhanh nhảu hỏi liền:
– ‘Các anh đi làm ở trên đó à? Ở đó kiếm việc có dễ không các anh?’
Vẫn người đó cười và trả lời:
– ‘Không. Chúng tôi không đi kiếm việc làm, mà chúng tôi nghe người ta đồn là có ông Giê-su nào đó, đang rất nổi ở miền Ga-li-lê, ông ấy giảng dạy rất có uy quyền, ông ấy cứu chữa rất nhiều người bệnh hoạn tật nguyền. Người ta còn đồn ông ấy chính là Đấng Mê-si-a đến để cứu dân tộc Ít-ra-en nữa đấy.’
Giê-su, nghe cái danh này quen quen. À, đúng rồi, trong mấy ngày nay hai anh em đã được nghe loáng thoáng người ta bàn tán ở góc phố này góc phố kia trong thành Giê-ru-sa-lem. Hay mình cũng đi lên đó xem thế nào? Nếu ông Giê-su ấy đúng là Đấng Mê-si-a thì có phải là cơ hội đổi đời đến với mình không. Không suy tính nhiều nữa, Clê-ô-pát liền lên tiếng:
– ‘Ôi, vậy thì hay quá! Các anh cho anh em chúng tôi đi theo với nhé!’
Thế là hai anh em nhập nhóm người đó đi lên miền Ga-li-lê.
Quả đúng như vậy, càng gần tới miền đó, họ càng thấy dân chúng tấp lập kéo nhau đến với ông Giê-su. Người thì muốn được nghe những lời giảng dạy của ngài, kẻ thì mong được chữa lành bệnh hoạn tật nguyền. Hai anh em cũng nhập vào đoàn lũ đông đảo dân chúng này để đến nơi ông Giê-su đang giảng dạy. Hôm đó đúng là ngày Sa-bát của người Do Thái, nên ông Giê-su đang giảng ở trong hội đường. Hội đường chật kín người. Hai anh em cố gắng chen vào bên trong hội đường để được nhìn tận mắt ông Giê-su ấy.
Bầu khí của hội đường im lặng. Mọi người ai nấy chăm chú lắng nghe lời giảng dạy của ông ấy. Clê-ô-pát quan sát thấy có vài ba người thi thoảng lại chụm đầu vào nhau sầm sì điều gì đó. Nhất là khi ông Giê-su gọi một người bị khô bại cánh tay phải đứng lên, thì nhóm mấy người đó càng tỏ ra bất bình và sầm sì rõ tiếng hơn. Ông Giê-su quay sang nhóm người đó và nói:
– ‘Tôi xin hỏi các ông: ngày Sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt?’
Cả hội đường im phăng phắc. Một câu hỏi rất chi là hay. Nó hàm chứa một giáo lý đầy tình thương. Hai anh em nhìn nhau gật gù và bắt đầu có cảm tình với ông Giê-su này. Hai anh em lại chăm chú dán mắt vào từng hành động của ông Giê-su. Họ cũng thấy ông Giê-su rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người khô bại tay:
– ‘Anh hãy giơ tay ra.’
Anh ta làm như vậy và tay anh ấy liền trở lại bình thường, không còn khô bại nữa.
Hai anh em há hốc mồm nhìn nhau đến kinh ngạc. Lúc này thì hai anh em đã hoàn toàn bị Đức Giê-su thu hút và chinh phục. Từ ngày đó, hai anh em luôn có mặt trong đám đông đi theo Đức Giê-su ở mọi nơi mọi lúc.
Đoàn lũ dân chúng kéo đến mỗi ngày một đông hơn. Họ từ khắp miền Ga-li-lê, Giu-đê, Giê-ru-sa-lem, và cả miền duyên hải xa xôi Tia và Xi-đôn nữa. Thậm chí có người tàn tật bại liệt không đi được, phải nhờ mấy người cáng và khiêng đi. Tất cả đến chỉ mong muốn được nghe Đức Giê-su giảng và để được chữa lành bệnh tật, kể cả bị thần ô uế ám. Dân chúng còn đặt những người bệnh hoạn tật nguyền ra hai bên ven đường để mong muốn được dù chỉ là sờ vào vạt áo choàng của Đức Giê-su thôi, hay ít ra là được cái bóng của Ngài phủ qua thôi, là cũng được chữa lành.
Những tháng năm đi theo Thầy Giê-su, hai anh em lãnh hội được rất nhiều giáo huấn của Ngài. Từ bài giảng các mối phúc thật mà họ dường như đã thuộc nằm lòng:
“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.
Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.
Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.”
Cho đến giới luật yêu thương, yêu cả kẻ thù mà họ chưa bao giờ thấy:
“Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại. Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa ? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.”
“Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.”
Và cho đến những lời mời gọi từ bỏ, nếu muốn đi theo làm môn đệ Ngài:
“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.”
“Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.”
“Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa.”
“Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.”
Hai anh em còn được chứng kiến bao nhiêu phép lạ Thầy Giê-su đã làm: người phong hủi được sạch, người què đi được, người mù nhìn thấy, người điếc nghe được, người câm nói được… và kinh ngạc hơn cả là Đức Giê-su làm cho người đã chết được sống lại.
Nói đến người chết được sống lại, Clê-ô-pát nhớ ngay đến cái lần xảy ra ở thành Na-in. Ôi, thật là xúc động. Chính Thầy cũng đã nhỏ lệ trước hoàn cảnh rất tang thương này.
Hôm đó, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người. Khi đến gần cửa thành thì gặp đám đưa tang. Người chết lại là con trai duy nhất của một bà mẹ goá. Với hoàn cảnh tang thương một mẹ một con như vậy, nên rất đông bà con lối xóm cùng đi đưa tiễn con bà góa đến nơi an nghỉ cuối cùng. Trông thấy bà, Thầy đã chạnh lòng thương rồi đến gần bên an ủi bà: ‘Bà đừng khóc nữa!’ Rồi Thầy lại gần và sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Tất cả im lặng như dành cho Thầy và mọi người theo Thầy ít phút mặc niệm trước quan tài. Đang trong những phút tĩnh lặng ấy, bỗng Thầy cất tiếng nói như mệnh lệnh: ‘Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!’ Người chết ở trong quan tài liền ngồi lên và bắt đầu nói. Sau đó Thầy cầm tay anh ta và dẫn tới trao cho bà mẹ. Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: ‘Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người.’ Còn bà mẹ góa thì vui mừng khôn xiết tả. Giọt nước mắt buồn sầu tuyệt vọng giờ thành giọt nước mắt của hạnh phúc vỡ òa.
– – –
Đã sắp qua ngày Sa-bát rồi. Hai anh em đã trốn yên trong căn phòng đóng kín cửa ấy suốt từ sáng ngày thứ Sáu cho đến giờ. Chỉ còn đêm nay nữa thôi. Lúc này sao mà thấy thời gian càng trôi chậm quá sức vậy. Ruột gan sốt cả lên. Mắt họ cứ trong trong nhìn lên trần nhà. Mong cho trời mau sáng.
– ‘Anh này, trời đã sáng rồi, em ra ngoài xem tình hình thế nào nhé! Sốt ruột quá rồi.’
Đê-ô nói xong vội vàng cuốn khăn chùm kín đầu và khe khẽ mở cửa rón rén ra đi.
Clê-ô-pát, tâm thần phờ phạc chẳng còn sức sống, đi ra chốt cửa cẩn thận lại, rồi trở vào ngồi bệt xuống đất, dựa lưng vào vách nhà, hai tay thả thõng xuống bên hông, còn hai chân duỗi thẳng trên mặt đất. Suốt hai đêm không sao ngủ được. Trong đầu chỉ nghĩ về Thầy. Rồi bao nhiêu kỉ niệm trong suốt thời gian theo Thầy cứ lần lượt hiện lên.
Một trong những kỉ niệm hạnh phúc và sung sướng nhất, không thể quên trong cuộc đời, đó là ngày hai anh em được Thầy Giê-su chính thức chọn vào trong nhóm Bảy Mươi Hai môn đệ và được sai cứ từng hai người một, đi trước dọn đường cho Thầy, cùng với những lời tâm huyết tràn đầy thao thức truyền giáo của Thầy, cũng như những chỉ dẫn dành cho những người được sai đi – các nhà truyền giáo:
“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”
“Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép… Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: ‘Bình an cho nhà này!’… Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: ‘Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.’ …”
Cộc cộc cộc… cộc cộc cộc…
Đang miên man trong dòng kỉ niệm đẹp, thì lại tiếng gõ cửa. Tiếng gõ cửa có vẻ rất cấp báo, nhưng lần này Clê-ô-pát biết là ai gõ cửa rồi. Anh khẩn trương đứng dậy và đi ra mở cửa cho Đê-ô vào. Đê-ô nói với giọng thở hổn hển:
– ‘Anh ơi, có chuyện lạ lắm!’
Clê-ô-pát sốt ruột dục:
– ‘Là chuyện gì vậy, nói mau đi.’
Đê-ô đứng hít thở thêm vài nhịp nữa rồi mới kể:
– ‘Chuyện là thế này. Chiều thứ Sáu, xác của Thầy đã được mấy người, trong đó có mẹ Ma-ri-a và anh Gio-an, xin quan cho hạ xuống khỏi thập giá và vội vàng đưa chôn trong cái mộ ở khu vườn gần đó. Xong rồi tờ mờ sáng  nay, chị Mác-đa-la và mấy chị nữa đi ra mộ Thầy thì thấy tảng đá lấp cửa mộ đã bị hất tung, cửa mồ mở toang và xác Thầy không thấy đâu nữa. Các chị vội vã chạy về la toáng lên cho các anh Phê-rô, Gio-an và mấy người nữa biết tin. Rồi các chị còn khẳng định Thầy đã sống lại vì các chị gặp thiên thần hiện ra ở đó bảo như vậy. Bây giờ mọi người đang rất hoang mang. Cả thành xôn xao kìa.’
Clê-ô-pát cũng tỏ ra hoang mang và thắc mắc:
– ‘Xác Thầy không còn á? Chả có lẽ có kẻ nào đã ăn trộm? Nhưng mà chị Mác-đa-la lại nói là Thầy đã sống lại, chị đã gặp Thầy nữa. Haizzz… nghe chuyện nó cứ hoang đường kiểu gì ấy!’
Đê-ô tiếp thêm:
– ‘Em còn nghe mấy người của Đền Thờ nói là chính môn đệ ông Giê-su đang đêm đã đến ăn trộm xác ông ấy và mang đi.’
Clê-ô-pát thốt lên:
– ‘Trời đất! Lại còn vậy nữa á? Chả biết thực hư như nào nữa…’
Hai anh em im lặng. Căn phòng tĩnh mịch như không có người vậy. Nhưng trong tâm trí cõi lòng của hai anh em thì chẳng yên tĩnh tí nào. Ngổn ngang, xáo trộn. Chẳng biết thực hư thế nào. Bây giờ không biết đi đâu về đâu. Thầy đã chết. Mộng ước đã tan. Ở lại thành Giê-ru-sa-lem này liệu có yên ổn không? Hai anh em đã mang trên mình danh nghĩa môn đệ của Đức Giê-su rồi. Các môn đệ Đức Giê-su chắc chắn sẽ bị truy lùng và bắt bớ, vì mấy người lãnh đạo Do Thái luôn muốn tiêu diệt Đức Giê-su và nhóm phái của Ngài. Buồn chán. Tuyệt vọng…
Mặt trời đã lên cao quá đầu người. Giờ trưa đã đến. Không thể cứ ngồi chán chường mãi nữa, Clê-ô-pát đứng dậy và nói với Đê-ô:
– ‘Thôi, anh em mình chuẩn bị thu dọn hành lí đi, đầu giờ chiều chúng ta sẽ về quê thôi. Chứ ở đây thấy nguy hiểm tính mạng lắm.’
Đê-ô thở dài não lòng và thưa một tiếng ‘vâng’ kéo dài.
Khăn gói quả mướp chẳng có gì ngoài vài bộ quần áo, hai anh em bắt đầu hành trình về quê. Thôi thì sẽ mất mặt với mọi người thân thuộc cũng như bà con lối xóm đấy. Mang tiếng đi lên thành phố làm ăn, giờ trở về tay không. Nhưng bây giờ còn biết đi đâu nữa. Họ chỉ còn nhà là nơi để về ẩn náu, nương tựa mà thôi. Mộng ước đổi đời đã tan vỡ.
Bước chân hai người đàn ông thất thểu như đi vào vô định. Tâm trạng buồn chán thất vọng bao trùm. Mệt mỏi bước đi đấy, nhưng họ vẫn không thể ngưng bàn tán và thắc mắc về tất cả những sự việc mới xảy ra. Bỗng họ phát hiện có một người đàn ông lạ mặt đi đàng sau họ, cách khoảng mươi bước chân mà thôi.
Hai anh em ngoái đầu lại nhìn, thì người lạ mặt lên tiếng:
‘Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?’
Vẻ mặt buồn rầu, Clê-ô-pát trả lời:
– ‘Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.’
Người lạ mặt liền hỏi:
– ‘Chuyện gì vậy?’
Dù chả muốn nhắc lại nữa, nhưng cũng lại muốn dãi bày nỗi lòng mình, Clê-ô-pát vừa bước chậm rãi vừa trả lời:
‘Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của Đền Thờ đã bắt và nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy.’
Nghe xong câu chuyện, người lạ mặt nói với hai anh em:
– ‘Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?’
Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, người lạ mặt giải thích cho hai anh em những gì liên quan đến Đức Giê-su trong tất cả Sách Thánh.
Vậy là dọc suốt hành trình, người lạ mặt lại trở thành nhân vật chính, còn hai anh em trở thành khán giả. Khi gần về tới làng của hai anh em, người lạ mặt làm như còn phải đi xa hơn nữa, nhưng hai anh em tha thiết mời:
– ‘Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn rồi.’
Trước sự nài ép của hai anh em, người lạ mặt đã đồng ý vào nhà và ở lại với họ. Mọi người trong gia đình họ vui mừng đón hai anh em lâu ngày trở về, lại còn đưa thêm bạn về nữa. Họ làm cơm thiết đãi khách.
Khi đồng bàn với họ, người lạ mặt cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ.
Hai anh em giật mình, quay nhìn nhau trong sửng sốt. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người Lạ Mặt chính là Thầy Giê-su của họ. Nhưng ngay lúc đó, Đức Giê-su liền biến mất. Clê-ô-pát nói với Đê-ô:
– ‘Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?’
Sững sờ và ngạc nhiên, Đê-ô đáp:
– ‘Vâng, em cũng thấy lòng mình bừng cháy từ lúc đó, nhưng không thể tưởng tượng đó lại là Thầy.’
Ngay lúc ấy, rất đỗi vui mừng và sung sướng, hai anh em liền đứng dậy và tức tốc ra đi. Họ quay trở lại Giê-ru-sa-lem để báo tin mừng cho Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Với lòng bừng bừng cháy, hai anh em hăng hái tiến bước về phía trước. Đêm tối hay hiểm nguy cũng không thể cản bước họ lên đường.

 Jos. Ra Đi

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!