MẤY SUY NGHĨ VỀ TU HỌC NHÂN MÙA VU LAN
Mùa Vu Lan, mùa chay, mùa báo hiếu, mùa xá tội vong nhân. Trong Phật giáo nguyên thuỷ không có lễ này. Vu Lan là sản phẩm của Phật giáo Trung Hoa, là phái Bắc tông (Đại Thừa). Suy cho cùng về mặt nguồn gốc thì xuất xứ của Lễ Vu Lan gần với đạo Lão hơn là Đạo Phật.
Và trong tháng bảy này, các đạo hữu, tín đồ Phật giáo siêng năng đi chùa, tụng kinh, niệm Phật. Và trong làn sóng người đông đảo đó, tui bắt gặp rất nhiều người rất cung kính, rất siêng tụng niệm, lúc nào cũng nhắc nhở người khác giữ đạo hạnh, dạy dỗ đạo đức mà thật ra chẳng hiểu gì về tôn giáo mình đang theo, chẳng biết gì về Đức Phật, cũng chẳng ý thức gì về những hành động mình làm ở trong các buổi lễ cũng như ở khuôn viên chùa. Họ như những con vẹt, như máy hát bấm nút là tụng, có lệnh thì quỳ, có chuông thì lạy. Tuy thế họ rất cuồng tín và cực đoan. Họ hay mua chim về phóng sinh, mua cá về thả và cho đó là đang làm việc Đạo. Họ quỳ lạy, họ xá nhau, họ tụng niệm, họ làm từ thiện… Họ A Di Đà Phật như máy. Nhưng họ chẳng hiểu gì những hành động họ đang làm, những gì họ đang tụng.
Trong Đạo Phật, khi ta cúi Lạy, nghiêng mình xuống là ta đang buông bỏ cái ngã của mình, buông bỏ cái tôi ngạo mạn để ta nhẫn nhịn, để ta tập buông xả. Do đó, khi cúi Lạy, ta không chỉ cúi lạy Đức Phật trên kia mà ta còn cúi Lạy chính ta để rèn chữ nhẫn, để tự sám hối những lỗi lầm.
Khi ta Niệm, ta có thể lần tràng hạt, ta có thể đếm số lần niệm để khỏi lầm lẫn. Nhưng thực chất là để tập thân tâm thanh tịnh, trí tuệ tập trung, không bị chi phối những tà niệm. Do vậy, khi Niệm không nên liếc ngang liếc dọc, không có cử chỉ chi khác ngoài việc tập trung cao độ.
Khi ta chắp tay Xá, cái Xá ấy không chỉ là để chào hỏi nhau mà còn là để thể hiện thái độ trân trọng, cung kính người đang đối diện với ta. Xá là một thái độ văn hoá, mà ở đây là văn hoá của người tu học, cho nên trong cái Xá phải chứa đựng sự thành tâm đầy tôn kính.
Người tu học cũng như người theo Đạo, phải luôn hoan hỷ. Hỷ ở đây là khuôn mặt phải tươi vui, khoan hoà. Không chỉ là sự vui tươi ở khuôn mặt mà còn là sự thanh thản, thư thái của tâm hồn. Chính sự hoan hỷ đó truyền cho mọi người sự lạc quan, an nhiên và an lạc. Thế là không những Hỷ cho chính ta niềm vui mà còn truyền niềm vui cho tha nhân.
Tu trong Đạo Phật không chỉ là để giác ngộ, không phải chỉ để bỏ tham ái, để lánh xa được tham, sân, si mà còn là để cho con người không còn ích kỷ, biết quan tâm đến người khác, biết xem mọi người cũng như bản thân mình. Tu không phải để cho riêng mình mà còn dẫn đường cho nhiều người khác. Tu đề sống nhân ái hơn, khoan hoà hơn. Là mở lòng ra để không còn vô cảm trước con người và cuộc sống.
Đạo Phật còn có chữ Thí. Thí không phải là bố thí mà là sự sẻ chia. Thí cũng không phải là từ bỏ tất cả mà còn là giữ lại để chia sớt, để từ bi với chúng sanh. Có người cứ làm từ thiện với thái độ của người dư giả, giàu có bố thí cho người nghèo, hoạn nạn. Nghĩ chữ Thí như thế là sai. Làm từ thiện chỉ là sự chia sẻ, không mưu cầu ghi ơn, báo đáp. Chẳng cần phải lưu danh, ca ngợi. Đó mới đúng nghĩa của chữ Thí của Phật giáo.
Học Phật là tìm con đường để giác ngộ, tích luỹ tri thức, hiểu được Phật pháp. Con đường đó phải do chính mình tìm thấy. Phật dạy : “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Học Phật còn là để thực hành cái vô ngã. Tu Phật, học Phật mà còn mang trong mình cái bản ngã quá lớn, không quên được cái tôi thì chỉ là một lối giả tu, một kẻ tu giả. Loại này bây giờ đầy dẫy trong các chùa.