Tâm tình độc giả

Một Thân Mình Trong Đức Kitô

Một Thân Mình Trong Đức Kitô

Người môn đệ Đức Kitô cảm nhận “chúng ta là Một Thân Mình” khi yêu thương và giúp đỡ những người nghèo, chính là thể hiện sự yêu mến và phụng sự Đức Kitô

Trong tin mừng thứ tư, tác giả Gioan đã diễn tả sự khăng khít hữu cơ giữa Đức Giêsu và các môn đệ như cây nho với những nhành nho (x.Ga 15, 1-8). Thánh Phaolô trong các lá thư của Người lại thích nói về mối tương quan ấy như một thực thể liên kết sống động: Đầu với thân mình (x.Rm 12,5/ 1Cr 12, 12-28/ Cl 1, 24).

Giáo Hội là Thân Mình Đức Kitô bao gồm những kẻ tin– tức là những ai theo Người làm môn đệ, để một khi nhận được những ân huệ trong kho tàng phong phú của Thánh Thần, họ sẽ sử dụng những ân huệ ấy vào ích chung (x.Ep 4, 11-13).

Sống tinh thần Đức Giêsu, Đấng đã hòa mình và liên đới với hết mọi người, được công nhận là “một người trong chúng ta” đã xóa bỏ mọi nghi kỵ, rào cản về luật lệ, quy định, tôn giáo hoặc bè phái, để vừa đem ân sủng và bình an của Chúa đến cho mọi người, vừa có được niềm vui và hân hoan của người “được chào đón, được kể vào số, được thuộc về” (x.Ga 4, 42)

Người môn đệ Đức Kitô phải là người “cho người khác”, luôn có những đáp ứng cho mọi nhu cầu của con người trong bất cứ hoàn cảnh mình gặp phải, khi ấy họ mới khám phá căn tính đích thật của mình nơi Đức Kitô, Đấng là Con Người – mãi mãi là “một người trong chúng ta.”

Sống gần gũi với người nghèo, người môn đệ Đức Kitô hiểu ra cách thức rao giảng Lời Chúa hữu hiệu nhất, tiên vàn là sự nhạy cảm với hoàn cảnh và những nhu cầu của họ, biết lắng nghe những ưu tư, thổn thức về tình trạng của họ, chia sẻ cuộc sống khó khăn cũng như những hy vọng và niềm vui của họ.

Thật vậy, làm sao người môn đệ Đức Giêsu có thể chia sẻ sứ điệp tin mừng với những người cùng khổ, nếu không sẵn sàng đảm nhận thân phận nghèo của họ ? Biết cái nghèo và sống cái nghèo là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Nếu không muốn “trở nên một trong số những người nghèo” và được những người nghèo chấp nhận là “một người trong chúng ta”, thì đừng nói là anh đã dấn thân “trở nên nghèo” cho người nghèo; đừng bảo là anh “biết Đức Kitô” nếu anh không có đồng cảm, đồng cảnh với những người nghèo cùng khổ nhất, với những người không có tiếng nói – như thể là một “đám đông vô hình, vô danh” bị gạt ra bên lề xã hội và cả Giáo Hội nữa, vì anh đã không dấn thân cách quảng đại với tất cả khả năng để trợ giúp họ.

Vì Đức Kitô “vốn giầu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên  giàu có” (x.2 Cr 8,9). Đức Kitô, Con Thiên Chúa không tỏ mình bằng những phương thế quyền lực và giàu sang theo kiểu thế gian, nhưng đã trút bỏ mọi vinh quang xứng với địa vị của Người; đã hủy mình ra không để trở nên giống chúng ta hoàn toàn (x.Pl 2,7/ Dt 4,15), để thành “một người trong chúng ta.”

Đó là mầu nhiệm tình yêu hạ cố, là ân sủng và sự dịu dàng, là tình bác ái quảng đại muốn chia sẻ mọi sự với người mình yêu. Tình yêu kiến tạo sự bình đẳng, phá đổ các bức tường ngăn cách, triệt hạ thói kiêu căng, kẻ cả. Sự giàu sang phú quý mà Đức Kitô ban cho không qua sự giàu sang của chúng ta, nhưng luôn và chỉ qua cái nghèo, bắt đầu từ trong tinh thần (x.Mt 5, 3)

Những ai được tình yêu Đức Kitô chạm đến sẽ được biến đổi để trở nên một thụ tạo mới theo hình ảnh Thiên Chúa để sống công chính và thánh thiện (x.Ep 4,22-24). Đó là người có tấm lòng chạnh thương khi nhìn đến tình cảnh lầm than của anh chị em mình, khi chạm đến và can đảm gánh lấy những vất vả về vật chất, tinh thần hoặc luân lý, đồng thời chữa lành những tổn thương ấy trong mức độ có thể.

Chia sẻ sự nghèo khổ vốn đè nặng trên những người sống trong hoàn cảnh bất xứng với phẩm giá con người: những người bị tước đoạt các quyền cơ bản, bị kỳ thị và lạm dụng, bị thao túng về những điều thiết yếu cho cuộc sống, việc làm và khả năng phát triển, người môn đệ Đức Kitô cảm nhận “chúng ta là Một Thân Mình” khi yêu thương và giúp đỡ những người nghèo, chính là thể hiện sự yêu mến và phụng sự Đức Kitô. Việc noi gương Người, loan báo sứ điệp an ủi những con tim tan vỡ, mang lại hy vọng cho những người còn đang bị bóng đêm bao phủ chính làkhát khao được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, Đấng vốn giầu sang phú quý, nhưng đã trở nên nghèo và làm cho chúng ta được giàu sang bằng cái nghèo của Người.

Lm. Giuse Ngô Văn Kha, CSsR

 

 

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!