Góc tư vấn

Một thoáng về luân lý Kitô giáo

MỘT THOÁNG VỀ LUÂN LÝ KITÔ GIÁO

Có người nói rằng cầu nguyện cho gia đình này gia đình kia khi họ vào tù vì họ là ân nhân này ân nhân nọ và họ dâng cúng tiền cho các đấng. Dĩ nhiên việc dâng cúng là tốt nhưng ta nên dừng lại để tìm hiểu một chút về luân lý Kitô giáo về lương tâm và luân lý. Nếu không nắm được nguyên lý cơ bản ta dễ áp dụng sai trong cuộc sống.

Khi con người sống quần cư với xã hội thì sẽ có những định lệ ràng buộc giữa con người và con người với nhau, nhắm tới một cuộc sống chung tốt đẹp. Nói khác hơn, yêu cầu của cuộc sống xã hội đòi buộc con người sống theo một nền nếp đạo lý nào đó (luân thường đạo lý = luân lý) và gọi đó là lương tâm luân lý.(vd : nam thì giữ “tam cương ngũ thường”, nữ thì theo “tam tòng tứ đức”, chẳng hạn). Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo (số 372) viết : “Hiện diện trong sâu thẳm lòng người, lương tâm luân lý là một phán đoán của lý trí, vào lúc cần thiết, thúc đẩy con người làm lành lánh dữ. Nhờ lương tâm luân lý, con người nhận thức được phẩm chất luân lý của một hành vi sẽ làm hay đã làm, và đảm nhận trách nhiệm về hành vi đó. Khi lắng nghe tiếng nói của lương tâm luân lý, con người khôn ngoan có thể nghe được tiếng Thiên Chúa nói  với mình”.

Chính vì thế, khi nghe tiếng lương tâm, con người có thể cảm nhận được Thiên Chúa đang nói với mình, và nhờ phán quyết của lương tâm, con người ý thức được những quy luật của Thiên Chúa.

Lương tâm bao gồm 3 yếu tố :
– Nhận biết các nguyên tắc luân lý.
– Ứng dụng những nguyên tắc ấy vào những hoàn cảnh cụ thể
– Phán quyết về các hành vi cụ thể đã làm hay sắp làm.

Qua 3 yếu tố trên, có thể thấy rõ lương tâm có thể có những phán đoán đúng hoặc phán đoán sai là tùy theo sự nhận biết những giá trị của luân lý, từ đó đưa đến việc ứng dụng vào những hoàn cảnh cụ thể cũng có thể hoặc đúng hoặc sai, và cuối cùng phán quyết sẽ tuỳ thuộc vào sự nhận thức, khả năng hiểu biết của con người. Kinh nghiệm cho thấy khi đứng trước một chọn lựa giữa những điều mà mình chưa từng biết tới (giữa điều thiện và điều ác, chẳng hạn),  lương tâm có thể đưa ra những phán đoán đúng, nhưng cũng có thể phán đoán sai. Phán đoán sai do thiếu hiểu biết, do sư lôi cuốn hấp dẫn từ các đam mê, dục vọng lệch lạc, và cũng có thể do tập quán lâu đời khi chưa có ánh sáng chân lý soi rọi (vd : tục lệ cổ xưa bên Trung Quốc đem trói chặt những thiếu nữ còn đồng trinh, cột đá nặng rồi ném xuống sông để “cưới vợ cho Hà bá” !). Nên chi, lương tâm cần phải được huấn luyện, rèn giũa ngay từ thủa ấu thơ (“dạy con từ thủa còn thơ”), vì đây là giai đoạn quan trọng nhất trong việc hình thành nhân cách con người.

Vì thế, vấn đề giáo dục, rèn luyện lương tâm là điều phải được đặt ra và quyết tâm thực hiện. Được huấn luyện tốt, lương tâm sẽ là tấm bảng chỉ đường dẫn con người đến tự do đích thực.

Vừa qua, một người cho rằng gia đình nào đó dâng cúng Nhà Thờ, ân nhân cho chỗ này chỗ kia và cho rằng đó là việc tốt. Chuyện dâng cúng không ai dám phủ nhận là xấu. Thế nhưng nguồn tiền dâng cúng đó xuất phát từ đâu ? Có phải là từ nguồn tiền công chính hay là bất chính.

Có một lần, người kia muốn giúp tôi để lo cho các em khuyết tật. Người đó nói là số tiền này từ nhóm buôn mai thúy. Tôi từ chối ngay vì luân lý không cho phép dùng phương tiện xấu để đạt mục đích tốt.

Vừa qua, một người thân trong gia đình hỏi tôi câu hỏi xem chừng là khó. Nếu người ta vào xưng tội người ta nói là lấy tiền của bất chính dâng cho các đấng các bậc thì khi đó giải tội như thế nào ? Quả thật một câu hỏi hiện sinh và rất khó. Dĩ nhiên rằng việc đền tội đưa ra vẫn theo luật công bằng đó là lấy của ai cái gì bất chính (trộm cắp, tham ô, lừa đảo …) thì buộc lòng phải trả lại heo luật công bằng.

Nếu không dựa theo luật công bằng cũng như không được dùng tiền của bất chính để dâng cúng thì chắc có lẽ nhiều người sẽ áp dụng. Nguyên tắc luân lý Kitô giáo dạy rất rõ ràng và mọi Kitô hữu phải cần biết, cần nhớ và cần sống đó là không được dùng phương tiện xấu để đạt mục đích tốt.

Lương tâm luân lý tự bản chất là ngay thẳng và chân thật. Tuy nhiên, do còn ấu trĩ trong kiến thức xã hội và Giáo hội, khiến lương tâm có thể có những phán đoán lệch lạc, sai lầm. Vì thế, lương tâm cần được đào tạo qua giáo dục, qua việc thấm nhuần Lời Chúa và các giáo huấn của Hội Thánh. Lương tâm luân lý được các hồng ân Chúa Thánh Thần nâng đỡ và được các lời khuyên bảo của những người khôn ngoan trợ giúp, sẽ ngày một trưởng thành và hoàn thiện. Ngoài ra, cầu nguyện (“hướng tâm hồn và trí khôn lên với Thiên Chúa” – GL/HTCG) và xét mình (Thánh Inhaxiô : “xét mình là lột trần con người của mình ra với Thiên Chúa” – “Những bài linh thao”) cũng đóng góp rất nhiều vào việc rèn luyện lương tâm luân lý.

Bản chất của lương tâm là ngay lành, trong sạch (lương : tốt lành, thiện hảo), nên không có việc lương tâm xấu, lương tâm đen tối, lương tâm sai lạc. Tuy nhiên, có nhiều lúc những dục vọng thấp hèn, xấu xa che mờ, lấn át, hoặc những hào nhoáng của danh vọng, quyền lực, tiền tài, hoặc vì những tập tục lạc hậu … tạo những áp lực đè nén lương tâm ; đó là lúc con người trở nên đê tiện, nô lệ cho tội lỗi.

Chúng ta đã chẳng thường nói “tiền bạc che mờ lý trí, danh vọng đánh mất lương tâm” đó sao ? Vậy thì vấn đề gìn giữ bản chất của lương tâm (kể cả việc trau giồi, giáo dục lương tâm cho ngày một tốt đẹp hơn), ngoài việc phải vận dụng hết khả năng của con người, tại sao lại không biết cậy nhờ vào Thần Khí Chúa – Đấng Bảo Trợ quyền lực tuyệt đối – hằng gìn giữ, soi sáng, hướng dẫn đến nơi đến chốn ?

Lm. Anmai, CSsR

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!