“Mẹ Giáo hội” và “Giáo hội Mẹ” khác nhau thế nào?
Trong tháng năm này, khi đọc kinh cầu Đức Mẹ, có một tước hiệu dành cho Người là “Mẹ Giáo hội”. Tước hiệu đó có khác gì với từ ngữ “Giáo hội Mẹ” hay không?
Trong tiếng Việt, có nhiều lối nói tắt có thể đưa tới những hiểu lầm tai hại. Khi nói tới “Mẹ Giáo hội”, chúng ta có thể hiểu hai cách: một đàng là “Mẹ của Giáo hội”, đàng khác là “Giáo hội là Mẹ”. Nếu hiểu theo nghĩa “Giáo hội là Mẹ”, thì “Mẹ Giáo hội” hay “Giáo hội Mẹ” coi như đồng nghĩa; còn nếu hiểu theo nghĩa là “Mẹ của Giáo hội”, thì dĩ nhiên là hoàn toàn khác với “Giáo hội mẹ”. Thoạt tiên xem ra đây là một thứ chơi chữ của mấy nhà thần học đặt ra; nhưng sự thực thì tại vì lối nói tắt của tiếng Việt có để tán ra nhiều lối. Chúng ta có thể lấy một thí dụ khá tương tự với trường hợp chúng ta đang xét, đó là tiếng “mẹ quê”. Chúng ta có thể hiểu nó theo hai nghĩa: một đàng, chúng ta ví quê hương của mình như là bà mẹ: “mẹ quê” theo nghĩa là quê hương mẹ, và có thể đọc ngược lại thành “quê mẹ”. Nhưng mà đàng khác chúng ta cũng có thể hiểu “mẹ quê” theo nghĩa là “bà mẹ tôi quê mùa chất phác”, dù vậy tôi sẽ không đánh đổi bà với những bà khác ở tỉnh! Trở lại vấn đề “Mẹ Giáo hội” chúng ta có thể thấy rằng tiếng đó có thể áp dụng cho hai chủ thể: một là cho Đức Maria, được gọi là Mẹ của Giáo hội; hai là áp dụng cho chính Giáo hội, Mẹ của chúng ta.
Nhưng không lẽ chỉ có trong tiếng Việt mới có sự hàm hồ do lối nói tắt; thế còn trong các ngôn ngữ khác thì sao
Trong các ngôn ngữ chính của Âu châu thì có sự phân biệt rõ rệt do giới từ đặt ở giữa. Khi áp dụng cho đức Mẹ thì có giới từ: “Mater Ecclesiae, Mère de l’Eglise, Mother of the Church”. Còn khi áp dụng cho Giáo hội thì không có giới từ và có thể tráo lộn hai danh từ: “Mater Ecclesia – Ecclesia Mater; Eglise mère – Mère église; Church Mother – Mother Church”. Thành thực mà nói, rất nhiều Kitô hữu bên Tây phương cũng ngỡ ngàng khi sử dụng các từ ngữ đó. Họ quen với từ ngữ “Mẹ của Giáo hội” hơn là từ “Giáo hội Mẹ”.
Như vậy là tiếng “Mẹ của Giáo hội” đã có từ lâu lắm rồi, phải không?
Ngược lại. Tiếng “Mẹ Giáo hội” đã có từ lâu đời, nhưng dần dần bị rơi vào quên lãng; còn tiếng “Mẹ của Giáo hội” thì mới trở thành thông dụng từ 30 năm nay, nghĩa là từ công đồng Vaticanô II.
Thế thì tiếng “Mẹ Giáo hội” có ý nghĩa gì? tại sao Giáo hội lại được gọi là mẹ?
Thói tục gọi một cộng đoàn nào là mẹ không có chi là khó hiểu. Trong tiếng Việt, như đã nói trên đây, chúng ta có tiếng “quê mẹ… quê hương mẹ / mẹ quê hương” hay là “Mẹ Việt Nam, bà mẹ Việt Nam”. Qua những từ ngữ đó, chúng ta muốn tìm thấy một mối dây liên lạc giữa những người cùng làng cùng xóm, cùng giòng máu mủi, tựa hồ như thuộc về một gia đình. Nói tới bà Mẹ Việt Nam, chúng ta ra như muốn coi hết tất cả những người Việt như là anh chị em đồng bào, bởi vì cùng bởi một bà mẹ sinh ra. Ở trong Kinh thánh, chúng ta thấy có những đoạn ví thành Sion (hay Giêrusalem, tức là thủ đô của dân Israel) như bà mẹ của toàn dân (thí dụ thánh vịnh 87). Dựa theo hình ảnh đó, các giáo phụ cũng gọi Giáo hội là Mẹ, đặc biệt là trong hai bối cảnh sau đây: 1/ trong bối cảnh truyền giáo, khi một Giáo đoàn “mới” được thành lập, tách ra khỏi Giáo đoàn cũ thì Giáo đoàn cũ được gọi là “Giáo hội mẹ”, bởi vì đã sinh ra một người con mới. Như vậy, “Giáo hội mẹ” đối lại với “Giáo hội con”. Chúng ta có quyền tưởng tượng rằng cứ theo đà sinh sản ấy thì còn có “Giáo hội bà” với “Giáo hội cháu, chắt, chít, chiu”; nhưng trên thực tế, thì chỉ giới hạn vào tương quan mẹ / con mà thôi. 2/ Cái bối cảnh thứ hai thì có tính cách thần học sâu xa hơn: Giáo hội được gọi là mẹ của chúng ta vì đã sinh chúng ta trong ơn thánh, bằng lời giảng và các bí tích. Nếu trong đời sống tự nhiên, bà mẹ sinh hạ và nuôi dưỡng giáo dục con cái như thế nào, thì trong lãnh vực siêu nhiên, Giáo hội cũng đóng một vai trò tương tự như vậy. Chúng ta được sinh làm con Chúa nhờ đức tin và bí tích rửa tội mà Giáo hội trao ban, và Giáo hội tiếp tục nuôi dưỡng giáo dục chúng ta bằng lời giảng, gương lành, lời cầu nguyện, các bí tích. Đó là ý nghĩa mà các giáo phụ thường nêu bật mỗi khi gọi Giáo hội là Mẹ. Tiếc rằng dần dần người ta quên mất chiều kích thần bí của Giáo hội, chỉ còn nhìn Giáo hội như một hệ thống cơ chế, và do đó cũng mất đi hình ảnh của Giáo hội như là mẹ. Sách Giáo Lý Hội thánh công giáo lặp lại tư tưởng Giáo Hội là mẹ ở các số 169; 181; 2030.
Thế còn đức Maria là Mẹ của Giáo hội theo nghĩa nào?
Theo rất nhiều nghĩa. Tuy nhiên nên lưu ý là tước hiệu “Mẹ của Giáo hội” là do Đức Phaolô 6 tuyên bố vào dịp ban hành hiến chế của công đồng Vaticano II bàn về Hội thánh, ngày 21/11/1964. Nhưng mà chính công đồng khi bàn về đức Maria trong chương 8 của hiến chế nói trên, đã không muốn ghi tước hiệu đó vào trong bản văn.
Tại sao vậy?
Tại vì trong các cuộc bàn cãi, một số nghị phụ đã trình bày vài dè dặt chung quanh tước hiệu. Những thứ dè dặt đó có nhiều cấp độ khác nhau. Cấp thấp nhất là sợ rằng sẽ gây ra hỗn loạn về từ ngữ, nghĩa là nhiều giáo dân sẽ lẫn lộn giữa “Mẹ của Giáo hội” và “Giáo hội là Mẹ”. Một thứ dè dặt khác thì e rằng không những là hỗn loạn về từ ngữ mà còn hỗn loạn về tư tưởng nữa. Họ lập luận như thế này: Nếu xưa nay Giáo hội đã được coi là Mẹ của chúng ta rồi, bây giờ gọi Đức Maria là Mẹ của Giáo hội, thì hóa ra Ngài sẽ thành bà ngoại của chúng ta hay sao? Nhưng thiết tưởng, sự dè dặt quan trọng hơn cả có tính cách thần học, đó là: nếu gọi đức Maria là Mẹ của Giáo hội, thì hóa ra Ngài ở ngoài và ở trên Giáo Hội; và như vậy, Ngài không phải là thành phần của Giáo hội nữa!
Có phải tại vì những dè dặt ấy mà công đồng đã không muốn đem tước hiệu ấy vào trong văn kiện hay không? Nói cách khác, công đồng đã nhìn nhận rằng các dè dặt ấy có lý, phải không?
Có lẽ một phần nào các dè dặt ấy có lý, nhất là trong chiều hướng đối thoại đại kết, các anh em cả Tin lành lẫn Chính thống đều coi như là một tước hiệu mới lạ. Dù sao, cũng nên biết rằng tuy công đồng tránh việc dùng tước hiệu “Mẹ của Giáo Hội”, nhưng công đồng đã dùng những từ tương đương thí dụ như số 53 nói rằng đức Maria là “Mẹ của các phần tử của Giáo hội” và “Giáo hội công giáo do Chúa Thánh Thần hướng dẫn, đã tôn kính Người như người mẹ rất đáng mến”. Sang số 54, công đồng lại nói rằng Đức Maria là “mẹ của đức Kitô và mẹ của loài người, cách riêng của các tín hữu”. Như thế chúng ta thấy rằng tuy không gọi đức Maria là mẹ của Giáo hội, nhưng nói rằng Giáo hội tôn kính đức Maria như là mẹ, thì nội dung cũng như nhau.
Thế thì tại sao không nói thẳng ra đi, mà cứ phải tránh né nói quanh như vậy?
Theo tôi nghĩ thì một đàng có lẽ vì tế nhị, công đồng không muốn du nhập một tước hiệu mới có thể gây ngỡ ngàng cho các anh em ngoài công giáo. Đàng khác, có lẽ công đồng cũng ý thức rằng bất cứ tước hiệu nào cũng chỉ diễn tả một khía cạnh của mầu nhiệm, chứ không bộc lộ hết tất cả mầu nhiệm được, và đôi khi có thể đưa tới lạc giáo nữa. Điều này đã xảy ra trong quá khứ. Chẳng hạn khi tuyên dương đức Maria là “Mẹ Thiên Chúa”, thì Giáo hội chỉ muốn nói rằng đức Maria đã sinh ra đức Giêsu và đức Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là người; do đó nếu ai hiểu rằng đức Maria là Mẹ của Ba Ngôi Thiên Chúa thì hoàn toàn lầm lạc! Một cách tương tự như vậy, tước hiệu “Mẹ của Giáo hội” cũng có thể gây hiểu lầm. Đức Maria là Mẹ của Giáo hội theo nghĩa là mẹ của đức Giêsu, đầu của Giáo hội. Hiểu như vậy thì đúng. Nhưng nếu hiểu đức Maria là Mẹ của Giáo hội theo nghĩa là Người ở trên hay ở ngoài Giáo hội thì là sai. Thực vậy, đức Maria là một phần tử của Giáo hội, bởi vì Người là môn đệ của Chúa Giêsu, và vì Người cần được hưởng hồng ân cứu chuộc của Chúa Giêsu; như vậy ta có quyền kêu đức Maria là “chị cả”, bởi vì chúng ta cùng nhau đi học một trường của thầy Kitô.
Nhưng nếu gọi đức Maria là chị, xem ra hỗn quá?
Không hỗn đâu! Chúng ta thấy rằng trong Phúc âm, tuy đức Maria là mẹ của Chúa Giêsu nhưng Người được khen là có phúc vì đã lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa, nghĩa là trở thành học trò của Chúa. Cũng vậy, Chúa Giêsu là Đầu của Hội thánh, nhưng cũng được gọi là “trưởng nam” của nhân loại, nghĩa là anh cả của chúng ta. Và không có gì là hỗn cả. Dù sao, nói thế để cho thấy rằng trong hệ trật của ơn thánh, các lối diễn tả của chúng ta chỉ phản ánh được một khía cạnh, chứ không bộc lộ hết tất cả góc cạnh được.
Sau khi đã giải thích ý nghĩa của hai từ ngữ “Mẹ của Giáo hội” và “Giáo hội là Mẹ”, bây giờ thì xin hỏi: giữa hai tiếng đó có sự liên hệ gì không?
Công đồng Vaticanô II đã nêu ra rất nhiều mối liên hệ. Thí dụ như liên hệ về mẫu gương, theo nghĩa là Giáo hội phải học nơi đức Maria về cách thức làm mẹ, nhiệt thành phục vụ Đức Kitô và các anh em của Chúa qua lời cầu nguyện cũng như qua công cuộc tông đồ, tận tình lo lắng tới phần rỗi của các linh hồn. Giáo hội cũng nhìn lên đức Maria như dấu chỉ hy vọng, khi thấy một phần tử ưu tú của mình đã trung thành với Chúa giữa bao thử thách và nay đang được hưởng vinh quang trên trời, nhờ đó Giáo hội thêm lòng tin tưởng hy vọng trong cuộc lữ hành trần thế. Thêm vào đó, còn có một mối liên hệ chặt chẽ hơn nhiều: Giáo hội tin rằng, dưới chân thập giá, Đức Maria đã được Chúa Kitô đặt làm mẹ của các môn đệ của Chúa; chắc chắn rằng Mẹ sẽ tuân giữ lời hứa đó, và tận tâm lo lắng bằng hết mọi cách, để sao cho hết mọi người được hưởng nhờ ơn cứu rỗi của đức Kitô. Đó chính là ý nghĩa cuối cùng của tước hiệu đức Maria “Mẹ của Giáo hội” mà công đồng Vaticanô II muốn nói tới: Mẹ trong chế độ ơn thánh; Người đã cộng tác vào việc tái sinh chúng ta trong ơn thánh thì thuận nhận là Mẹ của đức Kitô, Đầu của nhiệm thể Giáo hội. Người cũng cộng tác vào việc tái sinh chúng ta trong ơn thánh khi cộng tác với Chúa Kitô trong việc cứu chuộc chúng ta, đặc biệt là qua việc hiến dâng Con trên thập giá. Người cũng là Mẹ của chúng ta khi cầu bầu cho chúng ta được hưởng sự sống siêu nhiên trong tình nghĩa với Chúa, báo trước hạnh phúc bất diệt mai sau.
Giuse Phan Tấn Thành, OP.