1 Chuyện của cụ Phan Bội Châu
Trong hồi kí ‘Tự Phán’ cụ Phan Bội Châu kể một câu chuyện mà tôi tóm tắt như sau: Chuyện kể rằng vào năm 1905 (hơn 1 thế kỉ trước) cụ Phan Bội Châu và Tăng Bạt Hổ đi xe lửa từ Kobe đến Tokyo để thăm một người bạn tên là Ân Thừa Hiến (người Hoa, được Lương Khải Siêu giới thiệu). Khi ra khỏi ga Tokyo, cụ Phan Bội Châu đưa địa chỉ cho một người phu xe, nhưng người này không biết chữ Hán nên anh ta tìm một người phu xe khác biết chữ Hán giúp đỡ.
Người phu xe biết chữ Hán xuất hiện và chở hai ông khách họ Phan và Tăng đến địa chỉ, nhưng đến nơi thì mới biết ông Ân Thừa Hiến đã dọn đi nơi khác. Người phu xe bảo hai ông khách hãy chờ đó, anh ta sẽ tìm địa chỉ mới. Sau 3 giờ tìm kiếm (mà cụ Phan nghĩ là ‘chắc tiêu rồi’), anh phu xe quay lại và cho biết đã tìm ra địa chỉ mới. Phải mất 1 tiếng đồng hồ nữa thì người phu xe mới đưa hai ông khách đến địa chỉ mới.
Nhưng điều làm cụ Phan giật mình là anh phu xe chỉ lấy “2 hào 5 xu”. Cụ Phan viết: “Bấy giờ hỏi giá xe nó chỉ đòi năm hào hai xu. Chúng tôi lấy làm lạ lắm, rút một đồng bạc trong túi ra trao cho nó và tỏ tấm lòng cảm ơn (…) nhưng nó không chịu lấy, rút vở nhỏ trong túi ra viết chữ nói với chúng tôi rằng: ‘Theo quy luật Nội vụ sảnh đã định thì từ ga Ðông Kinh đến nhà này, giá xe chỉ có ngần ấy, vả lại các người là người ngoại quốc, yêu mến văn minh nước Nhật Bản mà đến, vậy nên ta hoan nghênh các người, chứ không phải hoan nghênh tiền đâu. Bây giờ các người cho tôi tiền xe quá lệ, thế là khinh bạc người Nhật Bản đó’.”
2 Chuyện của tôi
Đọc câu chuyện cụ Phan làm tôi liên tưởng đến chuyện của mình. Năm đó (chắc cũng cả 20 năm), tôi sang Osaka (Nhật) dự hội nghị loãng xương vì có lời mời nói một bài về di truyền loãng xương. Đó là lần đầu tiên tôi đến Nhật nên trong bụng hào hứng lắm. Tôi tới Osaka lúc gần 12 giờ đêm. Thấy vài anh tài xế taxi đứng mà tôi đoán là đang chờ khách, tôi đến một anh và đưa ra địa chỉ khách sạn.
Anh tài xế nói tiếng Nhật xí xô xí xào một chút, rồi trả cái tờ giấy địa chỉ cho tôi. Anh ta không mở cửa xe. Tôi lại nói bằng tiếng Anh là tôi muốn đi tới khách sạn Nikko đó. Anh ta lại nói xí xô xí xào nữa, nhưng vẫn không chịu mở cửa xe! Nhìn mặt mũi anh ta thì rất thân thiện, chứ không có gì là ‘unfriendly’. Tôi lại nói nữa, và lần này thì anh ta chịu mở cửa xe và giúp tôi đem cái vali vào xe. Anh ta nói gì đó, rồi lái một cái vèo (không đầy 2 phút) là tới nơi.
Xuống xe, tôi lấy bóp ra trả tiền, nhưng anh ta xua tay và nói xí xô xí xào, rồi lái xe đi. Trời ơi! Anh ta không lấy tiền! Bây giờ tôi mới hiểu là chắc hồi nãy anh ta nói rằng cái khách sạn Nikko nó rất gần đây và tôi nên đi bộ, thay vì phải đi taxi. Nhưng hành động của anh làm tôi quá cảm phục người Nhật.
Trong thời gian ở đó, tôi hay đi đây đó và … lạc đường. Mỗi lần lạc đường là mỗi trải nghiệm về tinh thần giúp đỡ tha nhân của người Nhật. Có một lần tôi hỏi anh chàng đi đường, anh ta dừng lại và ân cần chỉ hướng đi. Điều làm tôi cảm động là tôi đi đến ngã tư, mà anh ta vẫn đứng nhìn tôi để chắc ăn là tôi không lạc đường. Xin nhắc lại là lần nào tôi cũng được ân cần giúp đỡ như vậy, chứ không phải chỉ 1 lần.
3 Chuyện người khách Nhật ở TPHCM
Chuyện này thì báo đã viết, nhưng tôi tóm tắt như sau: ông Oki trong lúc đi dạo phố ở Quận 1 thì một người đạp xích lô đến mời chào, tình huống rất phổ biến ở Việt Nam. Khi đến gần chợ Bến Thành, ông Oki đồng ý cho người phu xích lô chở ông về khách sạn Liberty ở bến Bạch Đằng.
Đoạn đường chỉ có 1500 mét, mà ông Oki hào hiệp trả 500,000 đồng (khoảng 23 USD). Nhưng chưa kịp trả thì người phu xe đã thọc tay vào bóp của ông Oki và lấy 2,900,000 đồng (tức 132 USD)! Vậy mà ông Oki vẫn nhận lỗi về mình vì ông nói trước khi lên xe ông không hỏi giá.
Nếu tôi là ông Oki, xác suất mà tôi quay lại Việt Nam chắc rất thấp. Thật vậy, đa số du khách đến Việt Nam đều là ‘một đi không trở lại’. Tình trạng này, tôi nghĩ, không phải chỉ do dịch vụ du lịch (mà tôi không ngày nay không tệ), mà có thể còn do tánh cách của một số người Việt xấu xí.
Dù không muốn so sánh với ai, nhưng phải thừa nhận một điều là là chúng ta còn thua và thấp hơn người Nhật cả thế kỉ.
Trong câu chuyện về người phu xe Nhật, cụ Phan so sánh và tự nhủ “Than ôi ! Trí thức trình độ dân nước ta xem với tên phu xe Nhật bản,chẳng dám chết thẹn lắm hay sao !”