Giáo Hội Việt NamTin Giáo Hội

Người “sửa Thánh”

Người “sửa Thánh”

 

Là ông Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Huệ, giáo xứ Năng Gù, giáo phận Long Xuyên, người chuyên phục hồi tượng, ảnh cũ. Trong hành trình lên đường phục vụ, ông vẫn hằng ao ước được trở nên cây cọ nhỏ trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa tình yêu.

 

Bước chân không mỏi

Nguyễn Văn Huệ là tên khai sinh, nhưng nhiều người biết đến ông qua tên Nguyễn Văn Hoàng, là tên gọi được các cha giáo Tiểu Chủng viện Têrêsa Long Xuyên (1964-1974) đặt cho khi ông là cậu bé theo tu học ở đó. Mấy ngày gần đây, ông khăn gói lặn lội đến giáo xứ Hà Tiên xa xôi, thuộc giáo hạt Rạch Giá – Hà Tiên, để phục hồi những bức tượng thánh “nhiều năm tuổi”, gồm tượng Chúa Thương Xót, tượng Đức Mẹ, thánh Giuse, thánh Antôn, thánh Têrêsa,…

Những bức tượng cũ lâu ngày được sơn đi sơn lại nhiều lần theo cảm tính, nay có dịp được làm mới tất thảy. Tượng thạch cao lâu năm, theo ông Hoàng, tùy từng mức độ mà cần giữ hoặc loại bỏ lớp sơn cũ, để tránh tình trạng bị bở ra, “mất thịt”. Do đó, có những tượng chỉ cần lau sạch và phủ lên lớp sơn mới. Riêng với tượng ngoài trời, ông khuyên nên làm tượng một màu, giả đồng hoặc giả đá, vừa đẹp vừa bền màu. Dịp này, nhiều tượng cũ của cộng đoàn nữ tu mục vụ giáo xứ Hà Tiên cũng được làm mới.

Nói về kỹ thuật làm tượng giả đá, người đàn ông 66 tuổi cho chúng tôi xem bức tượng Đức Mẹ “cẩm thạch” đầu tiên được chế tác từ tượng bằng thạch cao ở giáo xứ Bình Tây (giáo hạt Long Xuyên – huyện Phú Tân, tỉnh An Giang). Bằng mắt thường cứ ngỡ đây là tượng cẩm thạch “thứ thiệt”. Với chất liệu sơn dầu, ông Hoàng sử dụng sơn màu trắng chủ đạo, pha với sơn màu xanh lá tạo nên màu xanh ngọc. Những chỗ khuất của bức tượng được ông tô màu đậm, màu nhạt hơn ở bên ngoài và đưa cọ cách khéo léo để tạo những lằn vân đá tự nhiên. Khi hoàn thành, người họa sĩ không quên ghi câu: “Tạ ơn Đức Mẹ đã cộng tác cùng con”. Tương tự, giáo xứ Hiệp Hòa (giáo hạt Tân Hiệp – huyện Tân Hiệp, Kiên Giang) cũng có một bức tượng Đức Mẹ “cẩm thạch” (khoảng 1,7m) “cùng tác giả” nhân dịp mừng Giáng Sinh năm 2022.

Riêng với hình thức tượng giả đồng, dùng sơn phun (không sơn tay), ông Hoàng thường tư vấn áp dụng cho những bức tượng ngoài trời, trong khuôn viên nhà thờ, nơi Đất Thánh, tiểu cảnh. Nhờ biết đến “người tô tượng có tâm”, linh mục Phaolô Nguyễn Đức Thiện, chánh xứ Mong Thọ, giáo hạt Rạch Giá, đã nhờ ông “tân trang” tượng Đức Mẹ Sầu Bi nơi Đất Thánh, từ chất liệu xi măng thành tượng đồng mang nét cổ kính.

Không chỉ phục dựng tượng ảnh cũ ở các giáo xứ, những gia đình giáo dân có nhu cầu cũng được ông trợ giúp kịp thời. Có lần, ông đến “trang điểm” cho tượng Đức Mẹ của một gia đình trong xứ đạo mình, khi gia chủ muốn làm việc này để tạ ơn Đức Mẹ đã chữa lành cho người thân qua cơn thập tử nhất sinh. Không chỉ sơn mới, kể cả những tượng bị khuyết chi, ông cũng có thể khắc phục được. Lẽ thường, tượng bị hư hại đâu ai dám bỏ, mà dùng để thờ phượng thì lại bất kính. Bởi vậy, nhà ai có tượng cần phục chế, họ lại nhờ ông Hoàng giúp đỡ.

Đặc biệt, trong thời gian qua, Tòa Giám mục giáo phận Long Xuyên cũng là một trong những nơi ông dành nhiều thời gian để điểm tô nên những vẻ đẹp mới. Ông “làm đẹp” tượng thánh Giuse trước tiền sảnh Tòa Giám mục và 14 đàng Thánh Giá trong nhà nguyện Tôma.

Đôi tay “hàn gắn”

Mới đây, người nghệ nhân này được mời vẽ lại hình ảnh gian cung thánh của nhà nguyện Tôma ở Tòa Giám mục Long Xuyên. Trong lúc giàn giáo được dựng lên để thực hiện bức vẽ, tượng Đức Mẹ cao lớn bất ngờ bị va chạm, đã ngã đổ, nứt vỡ. Dùng keo 502 để đính từng mảnh vỡ lại với nhau, “người thợ vẽ” đôi lúc phải nín thở để chờ keo dính. Những chỗ khuyết được đắp thêm xi măng trắng và dùng nước xoa cho mịn màng. Chỗ nào sần sùi, giấy nhám được dùng để làm mịn nơi mối nối. Khâu cuối cùng là sơn màu sao cho hài hòa trong tổng thể. Nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi thấy tượng lại “đẹp như lúc ban đầu”.

Sự việc lần này đưa ông Hoàng nhớ lại kỷ niệm 34 năm trước. Vào năm 1989, gia đình ông ở gần nhà thờ họ lẻ. Khi biết tượng Đức Mẹ Fatima rất đẹp bị mấy chú giúp lễ nhỏ đến ngủ coi nhà nguyện, đùa nghịch vừa làm rơi vỡ tan tành, vợ chồng ông liền ngỏ lời xin thầy phó tế đang coi sóc nơi này: “Thầy ơi, cho nhà tôi xin tượng này, chúng tôi cố gắng hàn gắn để thờ phượng vì gia đình chưa có ảnh tượng gì”. Khi được chấp thuận, hai vợ chồng vội lấy bịch ni lông thu gom những mảnh vỡ.

Suốt đêm, họ kiên nhẫn dùng lửa hơ sáp đèn cầy để hàn gắn tất cả những mảnh vỡ, đến lúc bức tượng hoàn thành thì bình minh cũng ló rạng. Theo xe đò vượt 20km đến thành phố Long Xuyên, ông mua sơn, thế là bức tượng “bị thương” bỗng trở nên đẹp đẽ nhờ được phủ lên lớp sơn mới. Đặt tượng Đức Mẹ nơi tươm tất trong ngôi nhà lá đơn sơ, ông nài xin: “Xin Mẹ chịu khó ở đây với chúng con. Xin Mẹ giúp gia đình con có được mái nhà hẳn hoi cho Mẹ ở”. Theo cảm nghiệm của ông Hoàng: “Nhờ ơn Chúa và lời chuyển cầu của Đức Mẹ Maria, sau một thời gian, chúng tôi làm được căn nhà gỗ lợp ngói tươm tất và rước Mẹ lên nơi trang trọng nhất. Bức tượng ấy tính đến nay tròn 34 năm, gia đình tôi vẫn gìn giữ, phụng thờ”.

Nuôi sống gia đình bằng nghề làm đẹp, vợ làm tóc nữ, chồng hớt tóc nam, thỉnh thoảng ông Hoàng vẫn đi sơn sửa tượng thánh thiện nguyện. Khi lâm bệnh cần người chăm sóc, người vợ hiền vẫn động viên chồng đi giúp những nơi cần, vì ở nhà bà đã có thân hữu chăm lo. Thời dịch Covid-19 vào lúc cao điểm, bà được Chúa gọi về, với lời trăng trối mong chồng tiếp tục công việc phục vụ bấy lâu, khi con cái đã yên bề gia thất. Tâm tình đó thúc đẩy ông hăng say lên đường phục vụ. Hầu hết các giáo xứ, giáo hạt trong giáo phận Long Xuyên, đều đã có dấu chân người điểm trang, phục hồi tượng thánh.

Nhận được nhiều lời cảm ơn, khen tặng “là người có bàn tay vàng” từ những người yêu mến mình, ông Hoàng khiêm tốn: “Tôi nào có là gì. Tất cả là nhờ Chúa thương ban, nhờ các cha, các thầy khi xưa đào luyện. Mỗi khi bắt đầu công việc, tôi luôn cầu nguyện xin được trợ sức để hoàn thành cách tốt đẹp như ý nguyện xin”. Nhớ lại những năm tháng tu học trong Tiểu Chủng viện Têrêsa Long Xuyên khi xưa, trong lòng ông là niềm hạnh phúc khi là một trong số những người được Đức cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ chọn theo học môn mỹ thuật trang trí hội họa. Trong tâm khảm, ông vẫn khắc ghi, tri ân những tháng ngày được các cha, các thầy yêu thương, dưỡng dục.

Ở tuổi 66, vẫn hằng nguyện xin Chúa ban cho mình sức khỏe để tiếp tục lên đường, để tiếp tục phục vụ, ông P.X Nguyễn Văn Hoàng tâm tình:“Chúa đã trao cho mình nhiều nén bạc, mình có bổn phận phải làm cho sinh lời thêm”. Những tháng ngày hiện tại, người giáo dân say mê phục vụ vẫn ước ao được trở nên khí cụ của Chúa, tựa như lời thơ đề tặng của một người bạn thân:

“Con muốn làm cây cọ nhỏ xinh,

Tượng ảnh linh thiêng con tô thắm

Để cho người đời mãi cậy tin”

 

Bích Vân

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!