Sự khác biệt giữa giáo hội chính thống giáo và giáo hội công giáo la mã
Hỏi: Nhân chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI vừa qua tại Thỗ Nhĩ Kỳ, xin Cha giải thích sự khác biệt giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chính Thống.
Trả lời: Giáo Hội của Chúa Kitô thiết lập trên nền tảng các Tông Đồ đã trải qua một cơn khủng khoảng đi đến rạn nứt (schism) thành hai nhánh lớn là Công Giáo La Mã (The Roman Catholic Church) và Giáo Hội Chính Thống Đông Phương nói chung (The Orthodox Eastern Churches) cách nay gần 10 thế kỷ.
Nguyên nhân đưa đến rạn nứt này thì có nhiều và phúc tạp nhưng không thể nói hết được trong khuôn khổ của bài trả lời này được. Tuy nhiên, có thể tóm tắt những điểm chính yếu như sau:
Trong mấy thế kỷ đầu, Giáo Hội vẫn hiệp nhất trong cùng một đức tin, một phép rửa , một Kinh Thánh và Truyền Thống. Dần dà về sau, những mầm mống chia rẽ bắt đầu xuất hiện và lan rộng. Những cuộc tranh luận về thần học, tín lý, phụng vụ và nhất là về quyền bính đã nỗ ra giữa những nhà lãnh đạo Kitô Giáo ở Roma và Constantinople, đưa đến hâu quả chia rẽ trầm trọng là sự rạn nứt Đông –Tây ( East-West Schism) xẩy ra vào năm 1054 giữa Thượng phụ Giáo chủ Michael Cerularius của Constantinople (Thổ Nhĩ Kỳ) và Đức Giáo Hoàng Lêô IX của Roma. Hai bên đã ra vạ tuyệt thông (excommunication ) cho nhau vì những bất đồng vô phương hàn gắn khi đó. Sự rạn nứt này đã khiến Giáo Hội Chính Thống Đông Phương tách khỏi Giáo Hội Công Giáo La mã từ đó.Theo lịch sử truyền giáo, thì Thánh Phêrô đã rao giảng và chịu tử đạo tại Rome, trong khi Thánh Anrê (Andrew) em của ngài đã sang truyền giáo bên miền đất gọi là Êphêsô cùng với Thánh Phaolô. Phần đất này nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey), nơi có Toà Thượng Phu (Patriarchate) Constantinople. Theo truyền thuyết thì Thánh Anrê đã đưa Đức Mẹ sang sống ở đây với các Tông Đồ trong một thời gian. Nay ở đây còn căn nhà mà người ta cho là nơi Đức mẹ đã ở. Về nguồn gốc lịch sử, thì danh xưng “Chính Thống” (Orthodox) thoạt đầu được dùng để chỉ các Giáo Hội đã chấp nhận những giáo huấn của Công Đồng Chalcedon (451) đối nghịch với các nhóm lạc giáo (heretics) chống lại Công Đồng này. Nhưng từ năm 1054 , thì từ ngữ này được dùng để chỉ các Giáo Hội Kitô giáo Đông Phương (Orthodox Eastern Churches), đứng đầu là Constantinople, tách khỏi Giáo Hội Công Giáo Lamã.
Những khác biệt đưa đến rạn nứt và khó hoà giải được giữa hai Giáo Hội là :
1- Giáo Hội Chính Thống không đồng ý với Giáo Hội La Mã về từ ngữ Latinh “Filioque” tuyên xưng Chúa Thánh Thần bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra, như đọc trong Kinh Tin Kinh Nicene.
2- Giáo Hội Chính Thống không công nhận quyền và vai trò lãnh đạo Giáo Hội của Đức Giáo Hoàng.
3- Giáo Hội Chính thống dùng bánh có men (leavened bread) trong phụng vụ trong khi Giáo Hội Công Giáo dùng bánh không men (unleavened bread) trong Thánh Lễ.
4- Giáo Hội Chính Thống không buộc các linh mục giữ luật độc thân trong khi Giáo Hội Công Giáo buộc luật này cho hàng giáo sĩ (linh mục, giám mục, Giáo Hoàng)
5- Ngôn ngữ trong phụng vụ của Giáo Hội Chính Thống là tiếng Hy lạp, trong khi Giáo Hội La Mã dùng tiếng La tinh trước kia và nay là mọi ngôn ngữ thế giới.
Ngoài những điểm dị biệt trên đây, Giáo Hội Chính Thống và Công Giáo đều có chung 7 bí tích và tuyên xưng một đức tin, chung một Kinh Thánh, trong khi các giáo phái Tin lành chỉ có một phép rửa và khác biệt với cả hai Giáo hội Công Giáo và Chính Thống về nhiều điểm quan trọng liên quan đến tín lý, phụng vụ, kinh thánh , thần học và quyền bính.
Vì thế, giáo dân Công giáo chỉ được phép tham dự nghi lễ và lãnh bí tích trong một nhà thờ thuộc Giáo Hội Chính Thống, nếu không có nhà thờ Công Giáo nào trong vùng cư ngụ, nhưng không được phép tham dự bất cứ nghi thức nào của các giáo phái Tin lành. Tuy nhiên Giáo Hội Công Giáo công nhận phép rửa của đa số giáo phái Tin lành, nếu được làm với công thức Chúa Ba Ngôi và dùng nước để rửa tội.
Từ bao thế kỷ nay, nhiều cố gắng đã được thực hiện để mong hiệp nhất hai Giáo Hội . Kết quả tốt đẹp đầu tiên đã đạt được là năm 1964 hai Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống đã tha vạ tuyệt thông cho nhau do nỗ lực đại kết của Đức Thánh Cha Phaolô VI. Ngài đã sang gặp Thương Phụ Giáo Chủ Constantinople và hai vị đã trao đổi cái hôn bình an, chấm dứt tình trạng thù nghịch giữa hai Giáo Hội anh em từ năm 1054. Tuy nhiên, con đường đi đến hiệp thông hoàn toàn (full communion) còn xa vì Giáo Hội Chính Thống vẫn không công nhận Đức Giáo Hoàng là người kế vị Thánh Phêrô trong vai trò và trách nhiệm lãnh đạo toàn Giáo Hội của Chúa Kitô trên trần thế. Thượng Phụ Giáo Hội Chính Thống được coi là “Giáo Hoàng” của Giáo Hội này. Toà Thượng Phụ Constantinople được coi là Toà Thánh La Mã mới (The New Rome See) của Giáo Hội Chính Thống. Ngoài Constantinople, Giáo Hội Chính Thống Đông Phương còn có mặt ở Hy Lạp , Nga, Roumania, Tiệp Khắc, BaLan, Latvia, Finland và Lithuania. Nhưng các Giáo Hội này đều tự trị mặc dù Toà Thượng Phụ Constantinople bên Thổ Nhĩ Kỳ được coi là thủ lãnh của các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương chưa hiệp thông với Toà Thánh La Mã. Tổng số giáo dân chính thống có vào khoảng 300 triệu người. Từ năm 1964 đến này, bang giao giữa Toà Thánh và Giáo Hội Chính Thống Đông Phương đã có nhiều cải thiện. Khi Đức cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II qua đời, Đức Thượng phụ Bathôlômêô I của Constantinople đã sang dự tang lễ (trừ Thượng Phụ Chính Thống Nga) và lần này, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đến thăm Đức Thượng Phụ nhân cuộc viếng thăm của ngài ở Thổ Nhĩ Kỳ