Góc tư vấn

Tại sao nói: Con người là một hữu thể xã hội

Tại sao nói: Con người là một hữu thể xã hội

 

“Tận sâu thẳm trong bản chất của mình, con người là một hữu thể xã hội.” – Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Vui mừng và Hy Vọng số 12. Vậy con người là một hữu thể xã hội có nghĩa là gì?

Cover_Con người là hữu thể xã hội_phailamgi.jpg

Trước tiên, cần phải hiểu định nghĩa về một “xã hội”. Theo Giáo lý của Hội thánh Công Giáo số 1880, xã hội là một tập thể gồm những người được liên kết với nhau một cách hữu cơ theo một nguyên lý hợp nhất nào đó, vượt quá mỗi cá nhân. Với tư cách là một cộng đồng vừa hữu hình, vừa tinh thần, một xã hội tồn tại trong thời gian: nó tiếp nhận quá khứ và chuẩn bị tương lai.

Nói một cách đơn giản hơn, xã hội là một nhóm được kết hợp bởi công ích. Mà công ích là toàn bộ những điều kiện để con người có thể đạt tới sự phát triển của mình một cách tròn đầy và dễ dàng nhất.

Xã hội được hình thành bởi mối dây liên kết mọi người lại với nhau, cùng hướng đến các tiện ích chung và tình huynh đệ. Giáo huấn Xã hội của Giáo hội Công giáo cũng bổ sung thêm: “Chính vì yêu quý điều có ích cho mình và cho người khác mà người ta quy tụ thành những tập thể bền vững nhằm mục đích đạt đến công ích” (TLHT 150).

Và xã hội là “cần thiết cho con người” (GLHTCG 1882)

Khi nói, con người là một hữu thể xã hội, điều đó có nghĩa là một người chỉ có thể sống sót và phát triển nhờ vào sự giúp đỡ của người khác (Docat 48). Như câu nói của nhà Tu đức người Mỹ Thomas Merton: “Không ai là một hòn đảo”. Con người luôn phải sống trong mối tương quan với người khác, đồng thời cũng nói lên tính liên đới trách nhiệm với nhau. Mỗi người không những chỉ cần chu toàn bổn phận trong mối tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa, mà còn phải cố gắng cẩn trọng giữ mối giao hảo với người khác nữa.

Chiều kích xã hội của con người được thể hiện ngay ở việc con người được tạo dựng có nam và có nữ. Ngay từ những ngày đầu tiên, người nam và người nữ được trao cho cùng một phẩm giá, và giữa nam và nữ lại có những cái gì đó đặc biệt và độc đáo riêng biệt, để họ giúp đỡ lẫn nhau, bổ túc lẫn nhau, và cùng đương đầu với cuộc sống.

Để rồi khi kết hợp với nhau trên nền tảng tình yêu, họ trở thành một gia đình, và gia đình trở thành tế bào nguyên thủy của mọi xã hội. Và cũng khởi đi từ gia đình, con người sống trong mối tương quan tốt đẹp với nhau, rồi dần thể hiện ở nơi nhóm bạn bè, và cuối cùng mở ra toàn xã hội.

Hiến chế Vui mừng và Hy vọng của Công đồng Vaticanô II cũng một lần nữa khẳng định: “Thiên Chúa đã không dựng nên con người cô độc: bởi vì từ khởi thủy “Ngài đã tạo dựng có nam và có nữ” (ST 1, 2-7). Sự liên kết giữa họ đã tạo nên một thứ cộng đoàn đầu tiên giữa người với người. Thực vậy, tự bản tính thâm sâu của mình, con người là một hữu thể có xã hội tính và nếu không liên lạc với những người khác con người sẽ không sống và phát triển tài năng mình.​ st

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!