Thẩm quyền lên tiếng cho người yếu thế của Giáo hội Công giáo
Giáo hội là tập hợp một hoặc nhiều cộng đồng người có cùng niềm tin tôn giáo căn bản giống nhau. Giáo hội Công giáo, hay cộng đoàn Ki-tô hữu là cộng đoàn dân Chúa được sai đi tiếp bước sứ mạng của Chúa Giê-su, giao giảng Tin mừng cứu độ tới hết mọi người trên thế giới.
Nhóm thành phần yếu thế trong xã hội là nhóm người thiệt thòi, bất bình đẳng, bị kỳ thị, bỏ rơi hoặc bị xâm phạm nhân phẩm, quyền và lợi ích chính đáng. Họ thường xuyên phải chịu nhiều rủi ro, cũng như gặp không ít khó khăn khi tham gia vào đời sống xã hội. Ngoài ra, họ cũng thường xuyên bị coi thường, đối xử bất công do hoàn cảnh, xuất thân của mình. Một vài đối tượng thuộc nhóm người yếu thế có thể kể đến như người già, phụ nữ, người nghèo, trẻ em, người khuyết tật v.v.
Đứng trước những bất công mà nhóm người yếu thế luôn phải hứng chịu, Giáo hội đã nhiều lần lên tiếng, chống lại hành vi áp bức đó thông qua các văn kiện chính thức.
Trong thông điệp Rerum Novarum (Tân Sự) vào năm 1891 do Đức giáo hoàng Lêô XIII ban bố, đã phê phán những bất công và khủng hoảng trong xã hội công nghiệp, đặc biệt là sự áp bức của giới người giàu lên nhóm người vô sản. Đồng thời, đề nghị các biện pháp để cải thiện tình trạng lao động, đảm bảo lương thực và hợp tác giai cấp.
Đến năm 1963, trong bối cảnh sự sống con người bị đe dọa bởi vũ khí hạt nhân và chiến tranh lạnh, Giáo hoàng Gioan XXIII đã ban bố Thông điệp Pacem in Terris (Hòa bình dưới thế), nhằm chỉ ra những nguyên tắc cơ bản để xây dựng hòa bình, bằng cách tôn trọng phẩm giá và quyền lợi của con người, đồng thời thúc đẩy việc thực thi công lý và tình liên đới giữa các quốc gia.
Đối với Giáo hội Công giáo Việt Nam sau năm 1975, Đức Giáo hoàng Gioan Phao-lô II luôn quan tâm và động viên Giáo hội Việt Nam trong hoàn cảnh khó khăn, đồng thời nhiều lần kêu gọi chính phủ Việt Nam tôn trọng tự do tôn giáo và công bằng xã hội cho người dân Việt Nam.
Tuy nhiên, khi thấy Giáo hội Công giáo lên tiếng cho những bất công đó, nhiều người cho rằng đó là việc của nhà nước, còn việc của Giáo hội là lo việc đọc kinh, lễ lạy thời phượng Chúa cho phải đạo mà thôi. Đây là một nhận định hoàn toàn sai lầm, Giáo hội Công giáo hoàn toàn có đủ thẩm quyền để lên tiếng cho những bất công xã hội, đặc biệt là với nhóm người yếu thế, vì họ là nhóm người dễ bị tổn thương, thường hay phải gánh chịu những bất công. Điều này xuất phát từ nhiệm vụ mục vụ của Giáo hội liên quan tới phẩm giá con người.
Nhiệm vụ đầu tiên là công bố nền tảng Ki-tô giáo về phẩm giá con người. Dựa trên các giá trị cốt lõi của Tin mừng, Giáo hội truyền bá và áp dụng các giá trị luân lý vào các vấn đề xã hội hiện nay, như lòng bác ái, công bình, tôn trọng phẩm giá con người, tôn trọng sự sống,…nhằm xây dựng một nên văn minh yêu thương, một xã hội an toàn và hòa bình. Các giá trị này ngày càng được chấp nhận rộng rãi trong nhiều hiến pháp và hiệp định quốc tế về phẩm giá con người vì tính hợp lý và lợi ích mà những giá trị này đem lại.
Bên cạnh đó, nhiệm vụ thứ 2, Giáo hội tố cáo, lên án những vi phạm đối với phẩm giá con người. Giáo hội đóng vai trò “trạng sư” lên tiếng và bảo vệ cho những người không có tiếng nói, những người đang bị đối xử bất công, như những người thuộc nhóm yếu thế. Đồng thời, Giáo hội không ngừng phê phán những tệ nạn xã hội đang xúc phạm nặng nề phẩm giá con người, như bạo lực, nạn buôn người, nạn kỳ thị,…
Giáo hội cũng liên tục khẳng định phẩm giá của những người yếu thế, không có sự khác biệt về phẩm giá của họ với những người khác. Việc lên tiếng cho những sự bất công là hành động chính đáng để tạo nên một xã hội công bình, bình đẳng, tôn trọng phẩm giá con người. Chính vì thế, Giáo hội có đầy đủ thẩm quyền để lên tiếng cho những vấn đề xã hội, đặc biệt là sự bất công đối với nhóm người yếu thế.
Không chỉ Giáo hội, mỗi người cũng cần ý thức trách nhiệm của bản thân khi tham gia vào cộng đồng xã hội. Không được im lặng trước những bất công hoặc chỉ đòi hỏi khi quyền lợi của bản thân bị đụng chạm, mà cần lên tiếng trước những bất công đang ngày đêm xảy ra trong xã hội, đặc biệt là những vấn đề xâm phạm tới phẩm giá con người.