Phụng vụTư liệu Phụng vụ

Thân Mình Đức Kitô

Ánh Sáng Đẹp Tươi: Nhiệm Huấn Vượt Qua,

Bài VI – Thân Mình Đức Kitô

Tác giả: Linh Mục Justin Kizewski – Được đăng trong Eucharistic Revival Blog Ngày 17 tháng 5 năm 2023. Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam.

 

Chào mừng bạn đến với Ánh Sáng Đẹp Tươi, những bài giáo lý phụng vụ bắt nguồn từ truyền thống nhiệm huấn của Hội Thánh. Nhiệm huấn là một hình thức giáo lý cổ xưa giúp chúng ta đi sâu hơn vào các mầu nhiệm chúng ta cử hành trong các Bí tích. Mỗi tuần, một chủ đề mới sẽ giúp bạn tập trung vào những ân sủng có sẵn cho bạn qua Thánh Lễ khi bạn trong cầu nguyện suy niệm về nội dung của chủ đề.

Hãy Tưởng Tượng Nghi Thức

Lời nói không thể diễn tả được cảm nghiệm sâu xa về tâm linh của bạn khi bạn tham gia vào Hy Tế của Đức Kitô. Bạn ý thức được sự tham gia của mình, trong thời gian, vào việc tôn thờ vĩnh cửu. Bạn nhìn thấy Linh mục, bạn nhận biết được cộng đoàn đang tụ họp, cùng các Thiên thần và các Thánh. Tuy nhiên, ngay cả điều này vẫn chưa đủ. Giờ đây, bạn tha thiết tham dự vào việc chuyển cầu – cho Đức Thánh Cha, cho Đức Giám mục của bạn, cho hàng giáo sĩ và cho toàn thể Hội Thánh trên khắp thế giới. Ngài cầu nguyện cho sự quy tụ của tất cả con cái tản mác của Chúa Cha và những người đã qua đời. Trong Thánh Lễ này, tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu được biểu lộ cách trọn vẹn – Hy Tế của Người chỉ một lần và mãi mãi. Bạn cảm nhận được trái tim mình đang bị thu hút bởi cùng một ước ao của Chúa Giêsu và nhận ra rằng bạn cũng khao khát sự hiệp thông trọn vẹn và hoàn toàn mà Chúa Giêsu đã hứa, “rằng khi Ta được treo lên khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi sự lên cùng Ta” (Ga 12:32).

Câu hỏi để Suy niệm

Khi bạn dâng chính mình kết hợp với Hy Lễ Chúa Giêsu mà thực hiện, bạn dâng nó cho ai? Cho những người thân yêu, cho thế giới, cho Cha Trên Trời của chúng ta? Lần tới khi tham dự Thánh Lễ, khi bạn vào nhà thờ và có lẽ quỳ gối cầu nguyện, hãy tự hỏi bạn muốn dâng lời cầu nguyện, những hy sinh, lễ vật của mình cho ai. Hãy nghĩ về một cái gì đó hoặc một ai đó cụ thể. Hãy cầu nguyện: “Lạy Cha Hằng Hữu, con xin dâng lên Cha Mình, Máu, Linh Hồn và Thiên Tính của Con yêu dấu Cha vì ý chỉ này.” Bạn sẽ tham gia sâu xa hơn vào Thánh Lễ.

Trích dẫn các Giáo Phụ

Không thể phân biệt được các Kitô hữu với những người khácdù theo quốc tịch, ngôn ngữ hoặc phong tục. Họ không sống ở các thành phố riêng biệt, không nói một giọng nói xa lạ, hoặc có lối sống kỳ dị… Về trang phục, thức ăn và lối sống nói chung, họ tuân theo phong tục của bất kỳ thành phố nào họ đang sống, cho dù đó là tiếng Hy Lạp hay tiếng nước ngoài.

Tuy nhiên, có điều gì đó phi thường về cuộc sống của họ. Họ sống trên đất nước của họ như thể họ chỉ là khách qua đường. Họ đóng trọn vẹn vai trò của họ như những công dân, nhưng phải lao động dưới mọi thiếu thốn của người ngoại kiều. Đất nước nào cũng có thể là quê hương của họ, nhưng đối với họ quê hương dù ở đâu cũng là một nước xa lạ. Giống như những người khác, họ kết hôn và sinh con nhưng họ không lộ ra. Họ chia sẻ bữa ăn của mình, nhưng không chia sẻ vợ của họ. Họ sống trong thân xác nhưng không bị những ham muốn của xác thịt cai trị. Họ trải qua những ngày ở trần gian, nhưng họ là công dân Nước Trời. Tuân theo pháp luật, nhưng họ vẫn sống ở một mức độ siêu vượt pháp luật.

Các Kitô hữu yêu thương mọi người nhưng người ta lại bắt bớ họ. Bị kết án vì không được hiểu, họ bị xử tử nhưng sống lại. Họ sống trong cảnh nghèo khó nhưng lại làm giàu cho nhiều người; họ hoàn toàn cơ cực, nhưng lại có đủ mọi thứ… Chúc lành là cách họ đáp trả lại sự lạm dụng, tôn trọng là cách họ đáp trả lại những xúc phạm. Vì điều tốt họ làm nên họ phải chịu sự trừng phạt của kẻ gian ác, nhưng ngay cả khi đó họ vẫn vui mừng như thể nhận được món quà sự sống…

Một Suy Tư Giáo Lý về Nghi Thức

Thánh Lễ là kinh nguyện cao nhất. Đó là sự tham gia vào cuộc trò chuyện giữa Chúa Con và Chúa Cha. Hy Lễ xảy ra trong Thánh Lễ thể hiện mối quan hệ sâu đậm hơn giữa Đấng, hiệp nhất trong Chúa Thánh Thần. Lời cầu nguyện của Đức Kitô là “Này Con đây, Con đến để làm theo ý Cha” (x. Dt 10:6) dâng lên Chúa Cha. Người dâng trái tim, ý chí của Người cho Chúa Cha. Người gọi việc làm theo ý Cha là của ăn (Ga 4:34) và chén của Người (Mt 26:39). “TNầy Con đây” của Chúa Giêsu là điều mà bạn và tôi phải sống, trong sự hiệp thông liên tục với Thiên Chúa và với nhau, như một sự nếm trước thiên đàng. Trong những lời chuyển cầu trong Kinh nguyện Thánh Thể, chúng ta cầu nguyện, xin “làm cho chúng con trở nên của lễ muôn đời dâng tiến Chúa”.

Lời cầu xin hoặc chuyển cầu theo sau dâng Của Lễ. Một khi chúng ta dâng Của Lễ, một khi chúng ta đã dâng lên Chúa Cha mọi sự, chúng ta xin Ngài ban lại các điều chúng ta xin. Ai được nhớ đến trong kinh nguyện trong mỗi Thánh Lễ? Trả lời: Mọi người. Các Thánh được nhắc đến đầu tiên: Đức Maria, và bây giờ là Thánh Giuse, được nhắc đến trong mỗi Kinh Nguyện Thánh Thể, và trong Kinh Nguyện Thánh Thể I, nhiều vị thánh hơn được nhắc đến, cụ thể là những vị thuộc những thế kỷ đầu đã được phong thánh vào thời điểm lời cầu nguyện được kết tinh. Chúng ta cầu nguyện cho Đức Thánh Cha và các Giám mục của chúng ta, những người mà chúng ta cũng có liên hệ. Chúng ta cầu nguyện để “Của Lễ hoà giải này đem lại bình an và ơn cứu độ cho tất cả thế giới”. Chúng ta thậm chí còn cầu nguyện cho người chết. Bao gồm các Thánh và các tội nhân, người sống và kẻ chết, Giáo hoàng và giáo dân, đàn ông và phụ nữ, trẻ nhỏ và thực sự là cả thế giới. Chúng ta thực sự đang ở trong “sự hiệp thông của các thánh” – hiệp thông với những người thánh thiện và những vật thánh trong Thánh Lễ. Chúng ta đang đứng giữa sự hiệp thông của thiên đàng trong khi cầu nguyện dưới đất.

Chúng ta cầu nguyện nhờ lời chuyển cầu của các Thánh, nhưng chúng ta cầu nguyện điều gì? Chúng ta cầu nguyện rằng Thiên Chúa Cha sẽ nhìn đến, chấp nhận, chúc lành và biến những lễ vật của chúng ta và chúng ta thành một của lễ. Chúng ta cầu nguyện cho sự thăng tiến hòa bình, cho việc củng cố trong đức tin và đức ái, cho lòng thương xót, tình bằng hữu và sự tha thứ. Chúng ta cầu nguyện rằng Thiên Chúa sẽ lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta, tụ họp chúng ta lại với Ngài và nhân từ tiếp nhận chúng ta vào Nước Thiên đàng của Ngài. Chúng ta cầu xin những điều này cho chính chúng ta và cho những người thân yêu của chúng ta. Chúng ta cầu xin những điều này cho toàn thế giới.

Vì mối quan hệ đã thiết lập nên Chúa Giêsu gọi chúng ta là bằng hữu. Người làm điều tốt cho những người chúng ta cầu nguyện vì mối quan hệ giữa chúng ta và Người. Một số điều Thiên Chúa muốn chỉ xảy ra khi chúng ta cầu xin. Bằng cách này, Người kết hợp chúng ta (theo nghĩa đen, như được thu hút vào Thân Thể của Người) làm những người cộng tác trong công cuộc cứu rỗi của Người. Người kể đến chúng tôi. Chúa Giêsu hoạt động qua chúng ta trên thế giới và nơi những người chúng ta cầu nguyện. Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Amen, amen, Thầy bảo thật anh em, bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin Chúa Cha, Ngài sẽ ban cho anh em” (Ga 16:23). Người đã nói rằng nếu chúng ta yêu mến Người, chúng tôi sẽ tuân giữ các điều răn của Người, và Người gọi chúng tôi là bạn hữu. Làm theo ý Người là biểu hiện tình bạn giữa chúng ta. Tình bạn đó còn được thể hiện qua việc chúng ta nhờ Người mà cầu xin Cha Người. Và biết bao điều tốt đẹp đã được thực hiện trên thế giới bởi tất cả các Thánh Lễ được cử hành trên khắp thế giới… từ bình minh cho đếnhoàng hôn!

Những lời chuyển cầu này hướng tới sự hiệp thông sâu xa giữa các chi thể khác nhau của Nhiệm Thể. Chúng ta cầu xin rằng điều đã xảy ra với các lễ vật bánh và rượu đã được biến đổi thành Mình Thánh Đức Kitô, cũng sẽ xảy ra với chúng ta. Chúng ta muốn trở thành Thân Mình này, hiệp nhất trong sự hiệp thông với Đức Kitô, Mẹ Người, Thánh Giuse, các Thánh thuộc mọi tầng lớp xã hội, các Giáo hoàng và Giám mục, mọi người hiện diện và vắng mặt, các thánh nhân và các tội nhân, sống và chết. Bí tích Thánh Thể được trao phó cho Hội Thánh; Thánh Thể làm nên Hội Thánh (Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo 1396).

Sống như Đức Kitô hôm nay

Nếu chúng ta tìm thấy vẻ đẹp của việc tham dự Thánh Lễ hàng tuần trong cuộc sống của mình, thì một câu hỏi rất tự nhiên sẽ nảy sinh về những người thân yêu của chúng ta không đến tham dự Thánh Lễ thường xuyên. Thần học về Thánh Lễ ở trên cho chúng ta cơ hội để nói về cách chúng ta mang họ theo mình mỗi khi đến tham dự Thánh Lễ. Vì vai trò độc nhất của chúng ta là Thân Mình Đức Kitô trong thế giới, nên chúng ta có vai trò tư tế. Chúng ta dâng Hy Lễ thay mặt thế giới. Chúng ta làm trung gian giữa Thiên Chúa và thế giới. Chúng ta chuyển cầu cho những người mà chúng ta đại diện trong Thánh Lễ. Sự thật này có nghĩa là trong khi chúng ta luôn có thể mời và đề nghị Thánh Lễ cho người khác và làm chứng cho những gì Thánh Lễ đã làm cho chúng ta, chúng ta cũng có thể dựa vào sự thật là khi chúng ta tham dự Thánh Lễ, chúng ta đem theo những người chúng tôi nghĩ đến với chúng ta. Chúng ta có thể cầu thay cho họ.

Với tư cách là các tư tế của vương quốc, chúng ta có một vai trò. Chúng ta chuyyển cầu cho thế giới và cho những người thân yêu của chúng ta. Chúng ta bao gồm họ vào của lễ dâng lên Chúa Cha để tôn vinh Người. Hoa quả của Thánh Lễ là sự hiệp thông với Thiên Chúa, sự đón nhận từ Chúa Cha, các phép lành, trật tự đúng đắn của vũ trụ và hòa bình. Chúng ta cầu xin những điều này như Thân Mình Đức Kitô được dâng lên Chúa Cha và nhân danh Chúa Giêsu, và do đó, Chúa Cha chấp nhận và đáp lời.

Tại sao các Kitô hữu là một phúc lành cho thế gian? Bởi vì chúng ta chuyển cầu cho thế gian giữa thế gian và Thiên Chúa Toàn năng. Đây là lời cầu nguyện trong Thánh Lễ. Những lời chuyển cầu và những người bao quanh trọng tâm của Thánh Lễ thu hút sự chú ý của chúng ta đến điều này.

Khi bạn trải qua một ngày, hãy cố gắng tập họp tất cả những người bạn gặp để có thể mang họ theo bạn (ít nhất là về mặt tinh thần) đến Thánh Lễ. Khi bạn xem tin tức và tìm thấy đủ mọi thứ để cầu nguyện cho, hãy cầu nguyện một clời cầu nguyện nhanh lúc đó, nhưng cũng hãy thêm chúng vào danh sách hàng tuần về những điều bạn sẽ mang theo khi tham dự Thánh Lễ. Bạn không cần phải viết một danh sách theo nghĩa đen, nhưng hãy thêm chúng vào lễ vật của bạn một cách thiêng liêng—ngay cả khi bạn không nhớ tên từng người và ý chỉ cầu nguyện, bạn đang mang tất cả bên mình!

Trong Thánh Lễ, hãy mang theo mọi sự của bạn: nỗi buồn, niềm vui, thất bại và thành công. Hãy mang theo con cái, cha mẹ, người sống và người chết của bạn, và hãy biết rằng khi bạn tham dự Thánh Lễ, qua vai trò tư tế mà bạn thay mặt họ, Thiên Chúa sẽ chúc lành cho họ. Hầu hết mọi người sẽ không bao giờ biết trong cuộc sống này những điều tốt đẹp mà lời cầu bầu của bạn sẽ mang lại cho họ từ Chúa, nhưng ở đời sau, nếu Chúa muốn, họ sẽ biết!

Qua chuỗi Ánh Sáng Đẹp Tươi, mỗi tuần từ ngày 13 tháng 4 đến ngày 25 tháng 5 năm 2023, bạn sẽ được mời đi sâu hơn vào các mầu nhiệm của Thánh Lễ qua bốn bước:

  1. Suy niệm một nghi thức (hoặc một phần) của Thánh Lễ;
  2. Đọc đoạn trích của một trong các Giáo phụ liên quan đến nghi thức;
  3. Tham gia suy tư giáo lý về nghi thức Thánh Lễ;
  4. Hãy xem xét hãy kêu gọi làm thế nào bạn có thể “Sống Đức Kitô Hôm Nay”, bắc cầu giữa trải nghiệm đức tin của bạn với đời sống môn đệ hàng ngày của bạn.

Chúng tôi cũng mời bạn đi sâu hơn nữa bằng cách cầu nguyện với Tài liệu Đồng hành Kinh Nguyện Thánh Thể trong Mùa Phục Sinh [Tiếng Anh | Tiếng Tây Ban Nha | Tiếng Việt Nam] là những bài liên quan với loạt bài Nhiệm Huấn hàng tuần của chúng tôi.

 

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!