TÔN THỜ THÁNH THỂ
Lời Phi Lộ – Tài liệu Mầu Nhiệm Thánh Thể trong đời sống Hội Thánh của các Giám mục Hoa Kỳ về Bí tích Thánh Thể là tài liệu nền tảng cho kế hoạch Phục hưng Thánh Thể của các ngài. Tiếc rằng rất ít người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ biết đến tài liệu này. Trong loạt bài này chúng tôi cố gắng tóm lược các bài học rút ra từ tài liệu và từ các lớp online do Đức Cha Cozzens hướng dẫn để giúp độc giả hiểu sâu xa hơn về Bí tích Thánh Thể và sống Mầu Nhiệm Cao Quý này. Dươi đây là Bài Thứ Tám. Trong bài này Đức Cha Cozzens tiếp tục giải thích cách đáp lại Hồng Ân Thánh Thể trong Phụng Vụ.
Phaolô Phạm Xuân Khôi
Lần trước chúng ta đã học cách hồng ân Thánh Thể đem lại ơn cứu độ cho chúng ta thế nào qua việc giúp chúng ta từ bỏ tội lỗi và biến cuộc đời mình thành của lễ sống động đẹp lòng Thiên Chúa.
Trong sự thể hiện lòng biết ơn và sự tôn thờ đối với Thiên Chúa, việc tham dự Thánh Lễ và Chầu Thánh Thể ngoài Thánh Lễ đều đóng vai trò quan trọng. Hai việc này không những chỉ là cơ hội để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn và tôn kính, mà còn là cơ hội để chúng ta trở nên một với Thiên Chúa và cộng đồng tín hữu. Để giúp chúng ta đạt được hiệu quả ấy, Hội Thánh đã quy định những nguyên tắc và kinh nguyện mà tất cả chúng ta đều phải tuân theo trong phụng vụ.
Bầu Khí Thánh Thiêng của Phụng vụ:
Đức Thánh Cha Phanxicô gần đây đã gửi Tông Thư Desiderio Desideravi cho các Giám mục trên thế giới, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc cử hành Thánh Lễ một cách trang trọng và trung thành với các sách phụng vụ được ban hành sau Công đồng Vaticanô II. Việc này không chỉ để đảm bảo tính trang nghiêm của nghi thức mà còn tạo điều kiện cho mọi tín hữu có thể cảm nhận được sự Hiện Diện Thật của Chúa trong Bí tích Thánh Thể.
Phụng vụ phản ảnh những thực tại sâu xa mà chúng ta tin về Bí tích Thánh Thể. Điều này đòi hỏi phải tạo ra một không gian thánh trong nhà thờ để tỏ bày bản chất của điều đang được cử hành. Bàn thờ, là không gian thánh thiêng nhất của hy lễ của Đức Kitô, phải chiếm vị trí trung tâm. Nó không bao giờ được coi như một chiếc bàn bình thường mà là nơi thánh để tái trình bày Hy Lễ duy nhất của Đức Kitô. Sự hiện diện của một Tượng Chịu Nạn gần Bàn thờ tạo điều kiện giúp chúng ta liên kết với Hy Tế Thánh Lễ xảy ra trên Bàn thờ. Ngoài ra, những mô tả truyền thống về các Thiên thần, các Thánh và các mầu nhiệm cuộc đời của Đức Kitô qua các nghệ thuật thánh trong nhà thờ củng cố thêm thực tại siêu việt của việc cử hành Thánh Thể. Tất cả những điều này giúp chúng ta nhớ rằng khi tham dự Thánh Lễ, chúng ta bước vào thực tại siêu việt ấy.
Phụng vụ của Hội Thánh:
Việc nhiều người phản ứng tiêu cực với một số linh mục Việt Nam mặc áo dài khăn đống để cử hành Thánh Lễ trong dịp tết vừa qua là điều rất chính đáng. Phụng vụ không phải là sản phẩm của óc sáng tạo cá nhân mà là cách diễn tả chung kinh nguyện của Đức Kitô qua Hội Thánh. Vì vậy, việc tuân thủ luật chữ đỏ, các kinh nguyện và bài đọc đã được quy định trong Sách Lễ là điều tối quan trọng, vì chúng là kinh nguyện của toàn thể Hội Thánh. Trong khi những kinh nguyện này có thể được cá nhân hoá khi các cá nhân tham dự, nhưng nguồn gốc của chúng nằm ở việc thờ phượng chung của Hội Thánh. Vì vậy, bất kể ngôn ngữ hay bối cảnh văn hóa trong đó phụng vụ được cử hành, phụng vụ vẫn luôn là kinh nguyện của Đức Kitô trong Hội Thánh, một yếu tố hiệp nhất cho người Công giáo trên toàn thế giới. Chính vì thế mà không ai có quyền tự ý thay đổi bất cứ điều gì, kể cả Linh mục, trừ khi có phép của Hội Thánh. Ngay cả các bài hát liên quan đến các kinh nguyện cũng không được đổi lời khi phổ nhạc.
Duy trì sự tôn kính trong Thánh Lễ là điều cần thiết để truyền đạt tính thánh thiêng của Thánh Lễ một cách hiệu quả. Việc tùy tiện trong các tư thế, âm nhạc hoặc bầu không khí có thể làm giảm đi ý nghĩa của cuộc gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống trong Thánh Lễ, mà qua đó sự sống của Thiên Chúa được tuôn đổ cho chúng ta.
Lối vào phụng vụ một cách nào đó phải đưa chúng ta ra khỏi cuộc sống bình thường. Như ba Tông Đồ lên núi với Chúa trong cuộc Biến Hình thế nào, thì chúng ta cũng phải được bước vào lãnh vực thánh qua âm nhạc, không gian và thẩm mỹ như thế khi dự Thánh Lễ, và sau đó được biến đổi khi trở lại cuộc sống trần thế. Thánh Lễ là một cuộc Biến Hình với Chúa của mỗi người chúng ta.
Việc Chầu Thánh Thể
Lòng biết ơn của chúng ta cũng được thể hiện qua việc chầu Mình Thánh Chúa ngoài Thánh Lễ, những hình thức thờ phượng này đều liên quan đến bản chất của việc cử hành Thánh Lễ.
Trong Bí tích Thánh Thể, Con Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta và mong muốn được nên một với chúng ta; Việc chầu Thánh Thể chỉ đơn thuần là hệ quả tự nhiên của việc cử hành Thánh Lễ. Rước nhận Thánh Thể nghĩa là tôn thờ Người, Đấng mà chúng ta lãnh nhận. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới trở nên một với Người, và được nếm trước vẻ đẹp của phụng vụ trên trời.
Ngoài Thánh Lễ, thời gian dành riêng cho việc chầu Thánh Thể tạo cơ hội đi sâu hơn vào mầu nhiệm Thánh Thể. Trong khung cảnh thiêng liêng này, các cá nhân có thể trải nghiệm cuộc gặp gỡ sâu xa với Đức Kitô, để cho sự hiện diện của Người biến đổi con tim và tâm trí họ. Những khoảnh khắc tôn thờ như vậy mang lại một không gian độc đáo để suy tư, cầu nguyện và hiệp thông với Thiên Chúa, làm phong phú thêm sự hiểu biết của con người về mầu nhiệm Thánh Thể.
Kết Luận
Ân sủng của Bí tích Thánh Thể đòi hỏi một đáp ứng nhiều mặt, bao gồm sự tôn kính, tham dự tích cực và biến đổi con người. Bằng cách đón nhận sự thánh thiêng của phụng vụ, tuân thủ các quy luật phụng vụ của Hội Thánh và tham dự vào việc Chầu Thánh Thể, chúng ta có thể đào sâu sự hiểu biết của mình về mầu nhiệm Thánh Thể và để cho nó thấm vào mọi khía cạnh của cuộc sống mình. Qua những đáp trả như thế, quyền năng biến đổi của Bí tích Thánh Thể có thể được thể hiện một cách trọn vẹn, dẫn đến sự hiệp thông sâu xa với Đức Kitô và Hội Thánh Người.
Câu hỏi để Suy Nghĩ
- Tại sao người Công giáo khi dự Thánh Lễ, dù bằng một ngôn ngữ họ không hiểu gì cả, vẫn cảm thấy quen thuộc và gần gũi Chúa?
- Có khi nào bạn cảm nhận được tình yêu của Chúa khi bạn Chầu Thánh Thể chưa? Nếu có thì việc cảm nhận đó như thế nào? Và nó biến đổi bạn ra sao? Nếu chưa thì bạn phải làm gi?