Giáo Hội Hoàn VũTin Giáo Hội

Tu viện từng bảo quản ngọn giáo đâm cạnh sườn Chúa Giêsu

Tu viện từng bảo quản ngọn giáo đâm cạnh sườn Chúa Giêsu

Theo truyền thuyết, thánh tông đồ Giuđa Tađêô đã mang mũi giáo từng cắm vào cạnh sườn Chúa Giêsu đến Armenia và bảo quản tại một tu viện nằm ở miền Trung nước này.

 

Phúc Âm theo thánh Gioan thuật lại: “Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người, tức thì máu cùng nước chảy ra” (Ga 19:34). Cũng vì vậy mà thanh vũ khí này trở thành thánh tích quan trọng và được truy tìm nhiều nhất từ trước đến nay. Qua nhiều thế kỷ, không ít nơi từng tuyên bố sở hữu ngọn giáo cổ. Một trong số này là tu viện Geghard, gọi tắt của Geghardavank (có nghĩa là “tu viện của Ngọn giáo”).

Quá trình sáng lập

Tu viện Geghard tọa lạc tại tỉnh Kotayk, miền trung của Armenia. Nằm trên phần đầu của thung lũng Azat, tu viện cổ kính và tuyệt đẹp được bao quanh bởi những vách đá cheo leo. Trên thực tế, một phần của tu viện được tạc từ ngọn núi sát bên. Theo truyền thuyết, Geghard được xây dựng vào thế kỷ thứ 4 do công của thánh Gregory Người Khai Sáng, vị lãnh đạo đầu tiên của Giáo hội Tông truyền Armenia. Vị trí được chọn để đặt tu viện là dòng suối trồi lên từ một cái hang vốn được xem là địa điểm vô cùng linh thiêng trước khi Armenia chuyển từ ngoại giáo sang Kitô giáo vào năm 301. Vì thế, vào thời xưa, tu viện Geghard được gọi là Ayvirank (tức “tu viện của Hang động”).

Mũi giáo tương truyền từng cắm vào cạnh sườn Chúa Giêsu

Đến nay, không còn lại bất kỳ dấu tích gì của tu viện đầu tiên vì đã bị người Ả Rập phá hủy toàn bộ vào thế kỷ thứ 9. Tuy nhiên, đến cuối giai đoạn Hồi giáo thống trị Armenia, nơi này đã được xây dựng lại. Phần cổ nhất trong tổ hợp tu viện hiện tại là nhà nguyện Thánh Gregory Người Khai Sáng, nằm ở phía đông. Những đường nét hoa văn trên bức tường bên ngoài nhà nguyện có niên đại vào năm 1177. Được đào trực tiếp vào sườn núi, dự án này bị bỏ ngang trước khi kịp hoàn thành. Đến nửa đầu thế kỷ thứ 13, một dự án khác được tiến hành, nhờ vào sự bảo trợ của anh em Zakare và Ivane, lúc đó là các vị tướng dưới thời Nữ hoàng Tamar xứ Georgia. Công trình Kathoghikè (nhà thờ chính) diễn ra xuôi chèo mát mái, và theo những chữ khắc để lại thì được xây vào năm 1215. Trước năm 1250, nhà thờ hang động đầu tiên cũng hoàn tất.

Tranh của họa sĩ Fra Angelico tại tu viện Dominic ở San Marco – Florence

Không lâu sau đó, các hoàng tử của triều đại Proshyan mua lại tổ hợp tu viện trên. Dưới sự bảo trợ của hoàng tộc Armenia, Geghard tiếp tục được xây cất. Trong một thời gian ngắn, nhà thờ hang động thứ hai xuất hiện, kế đến là sảnh lớn dành cho kinh nguyện và nghiên cứu, cũng như vô số nhà nguyện nhỏ liên tiếp mọc lên. Đây là lý do từng có lúc công trình này có tên là “tu viện của bảy nhà thờ” và “tu viện 40 bàn thờ”. Hầm mộ dành cho các thành viên hoàng tộc Proshyan cũng được tìm thấy bên trong. Điều này thể hiện rõ qua phù hiệu của hoàng gia được chạm khắc vào đá. Cũng trong thế kỷ 13, tu viện được đặt cái tên được giữ đến ngày nay để chỉ rõ đây là nơi từng bảo quản ngọn giáo nhiều khả năng là vũ khí đã đâm vào cạnh sườn của Chúa Giêsu.

Những thánh tích khác

Bên cạnh ngọn giáo, Geghard còn nổi tiếng vì lưu giữ một số vật thiêng liêng khác, bao gồm thánh tích của các thánh tông đồ Anđrê và Gioan. Nhờ những thánh tích này, rất đông khách hành hương tìm đến Geghard. Tuy nhiên đến nay, ngọn giáo nổi tiếng đã không còn ở  đây, mà được chuyển về viện bảo tàng của tu viện Echmiadzin ở thành phố Vagharshapat, được xem là thủ đô tinh thần của Amernia. Thánh tích được bảo quản bên trong một hộp bạc được chế tác vào năm 1687. Nhờ ngọn giáo được gìn giữ rất tốt trong suốt hai ngàn năm qua nên vẫn nhìn rõ các họa tiết trên phần mũi.

Hang động nổi tiếng bên trong tu viện Geghard

Hiện nay, Geghard vẫn là địa điểm thu hút đông đảo du khách trong nước lẫn người nước ngoài. Năm 2000, công trình cổ này được tổ chức UNESCO xếp vào hàng Di sản Thế giới. Kể từ năm 2017, tu viện đã có thể được thưởng lãm từ mọi nơi trên thế giới thông qua ứng dụng “in the 360GreatArmenia VR”. Đây là dự án mang đến những chuyến “hành hương ảo” cho bất kỳ người nào quan tâm, theo tạp chí Smithsonian.com.

LING LANG

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!