Góc tư vấn

Vị linh mục tiên phong quan sát hiện tượng sao Thủy đi qua Mặt trời

Vị linh mục tiên phong quan sát hiện tượng sao Thủy đi qua Mặt trời

 

Linh mục người Pháp Pierre Gassendi (1592-1655) là nhà thiên văn học đầu tiên quan sát hiện tượng sao Kim đi qua Mặt trời, và ngài cũng thực hiện những ghi chép thiên văn học quan trọng khác.

 

Thần đồng xuất thân từ làng quê

Xuất thân từ gia đình nông dân, cha Pierre Gassendi (Gassend) là con trai của bà Françoise Fabry và ông Antoine Gassend. Ngài trải qua thời thơ ấu ở làng Champtercier, đông nam Pháp. Khi còn nhỏ, cậu bé Gassendi có vóc dáng gầy gò, yếu ớt nhưng vô cùng thích sách vở. Chú của cậu tên Thomas Fabry là cha sở của giáo xứ quê nhà, ngài dành nhiều thời gian dạy vỡ lòng cho cháu trai.

Thời điểm lên 7 tuổi, cậu bé Gassendi được xem là thần đồng và gia đình đã gửi con trai đến trường ở Digne, một thị trấn lớn hơn cách Champtercier khoảng 10 cây số. Tại đây, cậu bé được học tiếng Latinh và môn số học. Khi Gassendi mới 11 tuổi, Đức Giám mục của Digne vô cùng ấn tượng trước bài diễn thuyết bằng tiếng Latinh của cậu tại nhà thờ Champtercier và nói rằng “một ngày nào đó đứa trẻ này sẽ trở thành viên ngọc quý của thế kỷ”.

Năm 1607, cậu thiếu niên Gassendi rời trường trung học ở Digne và quay lại làng Champtercier trong 2 năm kế tiếp. Đến mùa thu năm 1609, chàng trai trẻ theo học ngành triết với người thầy là linh mục Philibert Fezaye ở Đại học Aix-en-Provence thuộc Provence của Pháp. Cậu sinh viên học xuất sắc đến mức cha Fesaye sẵn sàng đề nghị cậu đứng lớp khi mình đi vắng. Bốn năm sau,  thầy Gassendi học về thần học và học thêm tiếng Hy Lạp, Do Thái.

Thầy Gassendi là hiệu trưởng của trường Digne từ tháng 4.1612 đến năm 1614. Ngài nhận bằng tiến sĩ thần học của Đại học Avignon vào năm 1614 và được truyền chức linh mục vào năm sau. Đến tháng 4.1615, cha Gassendi rời Provence đến Paris và ở đây đến tháng 11. Kế đến, ngài quay về Đại học Aix-en-Provence và dâng thánh lễ đầu tiên ở nhà thờ Digne vào năm 1616.

Năm 1617, cả hai vị trí trưởng khoa triết và khoa thần học của Đại học Aix-en-Provence đều trống chỗ. Cha Gassendi nhận được lời mời của cả hai khoa. Ngài tiếp nhận vai trò ở khoa triết trong khi nhường lại ghế trưởng khoa thần học cho người thầy cũ là cha Fesaye. Trong 6 năm làm việc ở Đại học Aix-en-Provence, cha gặp nhà thiên văn học Nicolas-Claude Fabri de Peiresc (1580-1637), người trở thành nhà bảo trợ tài chính cho vị linh mục suốt nhiều năm sau đó.

Đường đến với thiên văn học

Năm 1610, ông Peiresc đã thành lập một đài thiên văn sau khi tham gia những buổi diễn thuyết của nhà thiên văn học nổi tiếng mọi thời đại Galileo Galilei. Cùng với nhân viên tên Joseph Gaultier, ông Peiresc đã trở thành hai người đầu tiên quan sát được tinh vân Orion vào năm 1610. Cha Gassendi nhanh chóng nắm bắt môn thiên văn học nhờ vào sự chỉ dẫn của ông Gaultier. Vì thế, ông Peiresc cũng tuyển mộ linh mục Gassendi tham gia dự án tính toán thời gian của 4 Mặt trăng xung quanh sao Mộc. Dựa trên ghi chép, bộ đôi Gassendi và Gaultier đã quan sát một sao chổi vào năm 1618, một hiện tượng nguyệt thực vào năm 1620, và nhật thực năm 1621.

Năm 1623, khi dòng Tên tiếp quản Đại học Aix-en-Provence, cha Gassendi rời trường. Sau khi từ Paris quay về Provence, vị linh mục viết thư cho Galileo để bày tỏ sự ủng hộ đối với quan điểm Trái đất xoay xung quanh Mặt trời. Đến năm 1631, cha Gassendi trở thành người đầu tiên quan sát một hành tinh đi qua Mặt trời, đó là sao Thủy. Tháng 12 cùng năm, cha quan sát hiện tượng sao Thủy đi qua Mặt trời. Ngài đã sử dụng kính viễn vọng nhằm chiếu Mặt trời lên giấy để có thể quan sát được hiện tượng này. Vị linh mục còn đo được đường kính Mặt trăng, thực hiện kết quả thí nghiệm ghi nhận sự tồn tại có thể của chân không.

 

Đến năm 1645, cha trở thành trưởng khoa toán Trường Hoàng Gia ở Paris nhờ vào sự giới thiệu của Đức Hồng y Armand Jean du Plessis de Richelieu – chính trị gia lỗi lạc của Pháp. Bên cạnh việc giảng dạy, vị linh mục tiếp tục thực hiện nhiều quan sát thiên văn, như nhật thực ngày 21.8.1645, hai đợt nguyệt thực lần lượt năm 1646 và 1647. Kết quả của những cuộc quan sát và những bài giảng của ngài được ghi chép và công bố trên chuyên san Institutio astronomica juxta hypotheseis tam veterum, quam Copernici et Tychonis (tạm dịch: Thiên văn học theo các giả thuyết của thế hệ trước và của Copernic và Tycho) vào năm 1647.

Sự đóng góp vĩ đại nhất của cha Gassendi ngoài lĩnh vực thiên văn chính là một lần nữa khơi dậy giải thuyết về nguyên tử. Theo đó, ngài cho rằng toàn bộ hiện tượng vật chất đều bắt nguồn từ chuyển động không thể phá hủy của các nguyên tử, và vị linh mục cũng giải thích được sự tồn tại của áp suất không khí.

Năm 1648, cha Gassendi từ chức ở Trường Hoàng Gia vì tình trạng sức khỏe kém. Sau gần 5 năm ở Provence, ngài quay về Paris năm 1653. Hai năm sau, cha được Chúa gọi về.

 

HỒNG HOANG

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!