Thánh Giá – niềm tự hào của tôi
Quý ông bà và anh chị em thân mến,
Có một truyền thuyết kể lại rằng: Sau khi xác của ba người bị treo trên ba cây thập giá ở đồi Golgotha được tháo xuống, cây thập giá ở giữa được xác định là nơi đã mang lấy thân xác của Đấng Cứu Thế. Cho nên, rất nhiều người đã đổ xô đến chiêm ngưỡng, thờ lạy và cầu nguyện trước cây thập giá ở giữa. Còn hai cây thập giá ở hai bên, được cho là của hai tên trộm thì chẳng ai thèm ghé chân đến, thậm chí là người ta còn ném cho chúng những cái nhìn khinh bỉ. Cây thập giá ở giữa đã cảm thấy rất tự hào và hãnh diện. Nó nói với hai cây thập giá kia rằng: – Các anh thấy không? Người người nô nức đến cúi đầu trước tôi. Họ yêu mến và tôn sùng tôi biết bao.
Thế rồi một ngày kia, người ta hạ ba cây thập giá đó xuống ném vào chung với những cây gỗ khác ở bên đường. Từ lúc đó, cây thập giá đã treo Chúa Giêsu cũng chịu chung số phận với những cây gỗ khác. Nó cũng bị những người đi đường chà đạp, chịu nắng chịu mưa và cũng chẳng còn ai tìm đến cúi đầu và tôn sùng nó nữa. Nó cất lên những lời kêu than:
– Lạ nhỉ? Tại sao trước đây, người ta đến cung kính trước mặt tôi mà bây giờ người ta lại chẳng coi tôi ra gì và còn chà đạp tôi đến thế này nữa? Hai cây thập giá và những cây gỗ khác mới lao xao giải thích cho nó hiểu: – Khi anh còn đứng sừng sững giữa hai chúng tôi, thiên hạ đến cung kính tôn thờ anh vì họ nhận ra anh là nơi đã treo thân xác Thiên Chúa của họ. Còn bây giờ anh bị vất nằm giữa chúng tôi, không ai nhận ra anh nữa nên chẳng ai tìm đến anh. Anh nghĩ rằng người ta tôn sùng anh ư? Anh lầm rồi, người ta không tôn thờ anh mà tôn thờ Đấng đã được treo trên thân gỗ của anh đấy thôi!
Quý ông bà và anh chị em thân mến,
Nhờ mang Chúa Giêsu trên lưng mà cây thập giá nọ được người đời tôn kính. Điều đó nói lên rằng người ta tôn kính Đấng đang bị treo trên cây gỗ giá đó chứ không phải tôn kính một cây thập giá vốn dĩ là sự ô nhục đối với người Do Thái, và là sự điên rồ đối với dân ngoại (1Cr 1, 23). Thập giá đã trở nên Thánh Giá khi có Chúa Giêsu giang tay trên đó và trở nên dấu chỉ của tình yêu mang ơn cứu độ cho nhân loại. Còn nếu không có Chúa Giêsu thì thập giá mãi mãi vẫn chỉ là thập giá, là đau khổ và hình phạt đáng sợ mà con người dành cho nhau.
Hôm nay, cùng với Giáo Hội, chúng ta cử hành Lễ Suy Tôn Thánh Giá để suy tôn tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại và tôn vinh, tưởng nhớ sự hy sinh mà Chúa Giêsu Kitô đã thực hiện trên thập giá để cứu rỗi chúng ta. Mừng Lễ Suy Tôn Thánh Giá, chúng ta tôn thờ Đức Giêsu Kitô – Đấng đã chịu treo trên cây thánh giá và chính nhờ cây Thánh Giá của Người mà Nước Thiên Chúa được thiết lập vĩnh viễn, và Thiên Chúa đã cai trị từ trên cây gỗ này” (GLHTCG số 550). Nếu như người ngoại giáo coi thập giá là hình phạt nhục nhã, là dấu hiệu của sự thất bại và đau khổ, thì đối với các Kitô hữu, thập giá là khí cụ cứu rỗi nhân loại của Chúa Giêsu và là tin mừng về tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa đối với tất cả mọi người trên thế giới, không phân biệt tôn giáo, quốc gia, chủng tộc, đẳng cấp và ngôn ngữ.
Thập giá vẫn sừng sững trong cuộc sống chúng ta như một lời thách thức và bóng của thánh giá vẫn bao phủ cuộc đời chúng ta như một niềm an ủi. Những vất vả mưu sinh, những đớn đau bệnh tật và bao trăn trở, cay đắng của phận người vẫn là thực trạng mà chúng ta phải đối diện từng giờ, từng phút. Nếu chúng ta chỉ nhìn thấy thập giá với những đau khổ, tuyệt vọng thì thập giá vẫn mãi là nỗi thống khổ của chúng ta. Trái lại, nếu chúng ta nhìn thấy nơi thập giá của đời mình một Chúa Giêsu đang cùng chia sẻ và mang lấy những nỗi thống khổ đó thì thập giá ấy sẽ trở thành thánh giá giúp chúng ta chạm đến được ơn cứu độ của Thiên Chúa. Ước gì việc cử hành phụng vụ mừng Lễ Suy tôn Thánh Giá hôm nay giúp chúng ta tái khám phá lại niềm tri ân và tình yêu đối với Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh và sẵn lòng đón nhận mọi thập giá trong đời mình với niềm xác tín rằng Chúa vẫn luôn chia sẻ gánh nặng của thập giá với chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chịu chết trên thập giá và sống lại để cứu chuộc nhân loại chúng con. Xin cho chúng con luôn biết kết hợp những thập giá trong cuộc sống hằng ngày với hy tế của Chúa trên thánh giá để được hưởng nếm hoa trái của niềm vui phục sinh với Chúa ở đời này và đời sau. Amen. Thùy Trang