
Chúa nhật XV TN năm C : Người Samari nhân hậu
Ở trong đoạn Tin Mừng Chúa Nhật thứ 15 thường niên, Chúa Giêsu sẽ kể cho chúng ta nghe một trong những dụ ngôn có thể nói là hay và đẹp nhất ở trong Kinh Thánh. Đó chính là dụ ngôn người Samari tốt lành. Đây là câu chuyện được duy nhất Tin Mừng Luca ghi lại và thường được giải thích theo nghĩa thế nào là yêu người thân cận. Vì dụ ngôn này thường được xem là câu trả lời, câu Chúa Giêsu trả lời cho người thông luật: “Ai là người thân cận của tôi?”. Tuy nhiên, ở trong chuyên mục “Dưới ánh sáng Lời Chúa” tuần này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu ý nghĩa ẩn dụ qua những hình ảnh biểu tượng của dụ ngôn tuyệt vời này.
Kính thưa quý ông bà và anh chị em. Tin Mừng ghi nhận Chúa Giêsu thường dùng dụ ngôn mà giảng dạy dân chúng. Theo tác giả Tin Mừng Marcô thì Chúa Giêsu không bao giờ rao giảng cho người ta mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau thì Chúa Giêsu giải nghĩa hết. Tuy nhiên, các sách Tin Mừng chỉ ghi lại một ít lần Chúa Giêsu giải thích các dụ ngôn và thường là theo nghĩa ẩn dụ. Chẳng hạn như ở trong dụ ngôn người gieo giống hoặc là dụ ngôn cỏ lùng, dụ ngôn cây nho và cành nho.
Chúng ta thử nghe lại Đức Giêsu giải thích, giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng. Ở trong đó, mỗi hình ảnh hay mỗi nhân vật đều là một ẩn dụ. Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian, hạt giống tốt đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái ác thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế, thợ gặt là các thiên thần.
Theo nhiều nhà chú giải thì lối giải thích trên đây cũng chính là cách mà Hội Thánh sơ khai hiểu các dụ ngôn trong thực tế đời sống của các tín hữu. Vì thế, cũng đã có một cách hiểu ẩn dụ về câu chuyện dụ ngôn người Samari tốt lành như được mô tả ở trên một bức tranh kính màu có từ thế kỷ thứ 12 tại nhà thờ chính tòa Chartres, Pháp. Với phần thượng của bức tranh mô tả cảnh Adam và Eva được Chúa dựng nên, đặt vào trong vườn Địa Đàng, sau đó bị trục xuất vì phạm tội. Còn phần hạ của bức tranh thì mô tả dụ ngôn người Samari tốt lành. Vậy, việc Adam, Eva sa ngã có liên quan gì đến dụ ngôn người Samari tốt lành mà tác giả bức tranh lại đặt vào trong một bức tranh chia làm hai phần: phần thượng và phần hạ? Nếu chúng ta nhìn hai phần, phần thượng và phần hạ của bức tranh đó nối kết lại thì chúng ta sẽ thấy đó như là một câu chuyện của lịch sử cứu độ.
Dụ ngôn người Samari tốt lành không chỉ được đọc như là câu trả lời của Chúa Giêsu cho người thông luật “Ai là người thân cận của tôi?”, nhưng còn hàm ý về kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa từ khi nguyên tổ sa ngã cho đến khi Đấng Cứu Thế đến. Và chúng ta có thể khái quát ý nghĩa ẩn dụ của câu chuyện người Samari tốt lành như sau:
- Một người kia đi từ Giêrusalem xuống Giêrikhô chính là con người, loài người đã đi từ cảnh địa đàng xuống thế gian này.
- Kẻ cướp chính là ma quỷ và những mãnh lực thù nghịch với con người.
- Thầy Tư Tế tượng trưng cho Lề Luật, còn Thầy Lêvi thì tượng trưng cho các ngôn sứ.
- Một người Samari kia chính là Đức Kitô Cứu Thế.
- Những vết thương của nạn nhân là tội bất tuân của nguyên tổ.
- Lưng lừa của người Samari là hình bóng thân mình Đức Kitô.
- Quán trọ là Hội Thánh, nơi đón nhận mọi người.
- Chủ quán là các vị lãnh đạo Hội Thánh có nhiệm vụ chăm sóc Dân Chúa.
- Hai quan tiền mà người Samari đưa cho chủ quán là hai giới răn mến Chúa và yêu người.
- Và lời người Samari hứa với ông chủ quán trọ khi nào trở về của người Samari là lời hứa về ngày quang lâm của Đức Kitô.
Nhiều Giáo phụ thời xưa như là Thánh Irênê, Thánh Clêmentê Alêxanđria, Giáo phụ Ôrigênê, Thánh Gioan Kim Khẩu, Thánh Ambrôsiô, Thánh Âu Tinh xem ra đều đồng thuận với lối giải thích như vậy.
Chúng ta cùng nhau tìm hiểu chi tiết về dụ ngôn người Samari tốt lành này.
Câu đầu tiên trình bày dụ ngôn là “một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp”.
Một người kia, nhân vật một người kia tượng trưng cho Adam. Chúng ta biết hạn từ Adam ở trong tiếng Hipri có nghĩa là con người hay là nhân loại hoặc có thể là tên riêng của một người. Thánh Clêmentê thành Alêxanđria đã xem nạn nhân ở trong dụ ngôn tượng trưng cho tất cả chúng ta. Và tất cả đã đi xuống như là nguyên tổ Adam và Eva đã phải khốn khổ vì tội lỗi và sự chết. Như lời Thánh Phaolô, “mọi người vì liên đới với Adam mà phải chết”.
Chi tiết “từ Giêrusalem xuống Giêrikhô”, Thánh Gioan Kim Khẩu đã thấy nơi động từ đi xuống (Katabino) diễn tả sự sa ngã của Adam từ vườn Địa Đàng xuống thế gian, từ vinh quang xuống trần tục, từ bất tử xuống phải chết. Nạn nhân đã cố ý đi xuống dù đã được cảnh báo nguy hiểm như nguy cơ bị cướp ở dọc đường từ Giêrusalem xuống Giêrikhô trong thời của Đức Giêsu. Giêrusalem là ở đâu? Giêrusalem là thành thánh có Đền Thờ nơi Thiên Chúa hiện diện. Con người đã sa ngã và xa xuống khỏi nơi thành của Thiên Chúa. Giêrikhô tượng trưng cho trần gian này. Chúng ta biết thành Giêrikhô được xem là nơi thấp nhất ở trên trái đất vì nó thấp hơn mực nước biển khoảng 250 m. Như vậy, đi từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, tức là xuống dốc, xuống đến tận cái nơi thấp nhất của trái đất, xuống đến tận cái đáy của thế gian, xuống tận đáy của tội lỗi.
Và nạn nhân rơi vào tay kẻ cướp. Rơi vào tay kẻ cướp ở đây theo nghĩa biểu tượng là rơi vào tay ma quỷ và các mãnh lực sự dữ.
Sau khi rơi vào tay của kẻ cướp thì kẻ cướp “lột sạch người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ mặc người ấy nửa sống nửa chết.”
Tác giả Tin Mừng Luca dùng động từ dual, tức là lột sạch theo nghĩa cụ thể là lột y phục như là khi Chúa Giêsu bị lột áo ở trong cuộc Thương Khó. Theo Giáo phụ Ôrigênê và Thánh Âu Tinh thì người nạn nhân bị lột sạch, ám chỉ đến việc con người bị tước hết ân sủng, nhất là ơn trường sinh bất tử mà nguyên tổ loài người vốn được hưởng trước khi sa ngã. Thánh Gioan Kim Khẩu gọi là đánh mất chiếc áo choàng bất tử và bất khả hư hoại.
Rồi nạn nhân bị đánh nhừ tử. Việc nạn nhân bị đánh nhừ tử tượng trưng cho những thương tích đau đớn của linh hồn do tội lỗi và ma quỷ gây ra.
Rồi bọn cướp để mặc người ấy nửa sống nửa chết, ám chỉ đến cái chết thứ nhất và thứ hai. Khi Adam sa ngã, con người phải chịu cái chết thứ nhất là hậu quả của tội lỗi. Nhưng cái chết thứ hai tức là sự trầm luân vĩnh viễn thì con người sẽ được cứu khỏi nhờ ơn cứu độ của Chúa Giêsu Kitô. Như lời sách Khải Huyền: “Hạnh phúc thay và thánh thiện dường nào, kẻ được dự phần vào cuộc phục sinh thứ nhất này, cái chết thứ hai không có quyền gì trên họ, họ sẽ hiển trị với Đức Kitô.”
“Có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy, trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lêvi tới, cũng tránh qua một bên vân vân.” Thầy Tư Tế ở đây biểu trưng cho Luật Môsê và Luật Môsê không có khả năng cứu độ con người. Như kiểu nói của Thánh Phaolô, “con người được nên công chính không phải nhờ lề luật nhưng nhờ tin vào Chúa Giêsu Kitô”. Thầy Lêvi thì tượng trưng cho các ngôn sứ. Chúng ta biết chức Lêvi thấp hơn chức tư tế thế nào thì các ngôn sứ cũng thấp hơn lề luật như vậy. Cho nên nếu lề luật không thể cứu độ con người thì các ngôn sứ cũng không. Còn theo Thánh Âu Tinh thì họ tượng trưng cho lề luật và các hy lễ Cựu Ước. Tất cả cũng đều không thể cứu độ con người.
“Rồi một người Samari kia đi đường tới ngang qua chỗ ấy cũng thấy và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần lấy dầu và rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình đưa về quán trọ mà săn sóc.”
Người Samari trong dụ ngôn chính là hình ảnh Chúa Kitô. Đấng từng bị người Do Thái sỉ nhục rằng: “Chúng tôi bảo ông là người Samari và là người bị quỷ ám thì chẳng đúng lắm sao?” Và cũng như người Samari bị người Do Thái khinh rẻ thì Chúa Giêsu Kitô cũng bị khinh rẻ như vậy. Nhưng người Samari đã chạnh lòng thương. Động từ Hy Lạp splagkhnízomai là hạn từ quan trọng diễn tả lòng thương xót của Chúa Kitô. Chạnh lòng thương xót ở đây là một sự xúc động đến xao động và quặn thắt của lòng dạ một người vì đồng cảm sâu sắc với nỗi đau của tha nhân từ tận sâu thẳm cõi lòng của mình. Như người Samari, Chúa Kitô cũng chạnh lòng thương trước nhân loại khổ đau vì tội lỗi.
Rượu và dầu thì sao? Thưa quý ông bà và anh chị em, rượu và dầu tượng trưng cho các Bí tích và ân sủng. Chúng có dược tính trị thương và làm thuyên giảm cơn đau, ám chỉ Chúa Kitô và Thánh Thần. Đấng thanh tẩy và chữa lành con người bằng các Bí tích trong Hội Thánh. Còn việc băng bó vết thương thì tượng trưng cho việc khống chế tội lỗi hầu chữa lành linh hồn.
Rồi người Samari đặt nạn nhân lên lưng lừa của mình đưa về quán trọ mà săn sóc. Thì đây là hình bóng của thân mình Chúa Kitô mang lấy nhân loại bị thương tích vì tội lỗi. Và điều này ứng nghiệm với lời ngôn sứ I-sa-i-a: “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta.” Hay như lời Thánh Phêrô: “Tội lỗi của chúng ta chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành.”
Quán trọ ở đây tượng trưng cho Hội Thánh, nơi đón tiếp mọi người trên đường lữ thứ trần gian. Và cũng như người Samari giao phó nạn nhân cho chủ quán trọ chăm sóc thì Chúa Kitô cũng trao Hội Thánh và nhờ Hội Thánh chăm sóc mọi tín hữu nhờ các thừa tác viên ở trong Hội Thánh.
Rồi người Samari lấy ra hai quan tiền trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác chăm sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu thì khi trở về chính tôi sẽ hoàn lại bác.” Hai quan tiền ở đây đưa cho chủ quán. Theo Thánh Âu Tinh thì tượng trưng cho hai giới răn mến Chúa và yêu người. Hoặc theo một cách giải thích khác đó là Kinh Thánh và Thánh Truyền được trao cho Hội Thánh.
Lời hứa khi trở về của người Samari ám chỉ lời hứa của Chúa Kitô sẽ trở lại trong ngày quang lâm.
Kính thưa quý ông bà và anh chị em, ở trên đây con cùng với quý ông bà và anh chị em chúng ta xem xét cái cách nhìn về dụ ngôn người Samari tốt lành theo nghĩa biểu tượng. Và chúng ta ngang qua câu chuyện dụ ngôn này, chúng ta nhìn thấy cái chương trình cứu độ của Thiên Chúa sắp đặt và Ngài sắp xếp để tất cả chúng ta, những nạn nhân đã bị rơi vào tay của tội lỗi, sự dữ và chịu cái hậu quả đau đớn đó, được băng bó, được chữa lành, được cứu thoát. Và tạ ơn Chúa vì tất cả những điều đó.
Xin lược trích một chút bài giáo lý của Đức Thánh Cha Lêô thứ 14 vào ngày 28 tháng 5 năm 2025 để chúng ta cùng nhau suy niệm thêm một chút.
Kính thưa quý ông bà và anh chị em, mỗi người chúng ta cũng có thể ở trong hoàn cảnh của người bị rơi vào tay bọn cướp. Giống như ở trong dụ ngôn ở trên. Vì tất cả chúng ta đều đã trải qua những khó khăn của cuộc sống và chịu những nỗi đau do tội lỗi gây ra. Tuy nhiên, trong sự yếu đuối của mình, chúng ta khám phá ra rằng chính Chúa Kitô là người Samari tốt lành và nhân hậu. Đấng đã chữa lành vết thương của chúng ta và khôi phục niềm hy vọng của chúng ta.
Chính lòng thương xót của Chúa thúc giục chúng ta có lòng trắc ẩn, biết dừng lại trước tha nhân, trước anh chị em của mình đang cần được giúp đỡ và thúc đẩy chúng ta đến gần họ, sẵn sàng dành thời gian, dám chịu vấy bẩn nếu cần thiết để giúp đỡ anh chị em mình.
Nguyện xin Thánh Tâm Chúa giúp cho lòng của mỗi người chúng ta ngày càng trở nên nhân hậu giống như Chúa Kitô và xin cho các mối tương quan của chúng ta có thể chân thật và giàu lòng trắc ẩn hơn.
Lm. Anmai, CSsR