
MARTHA VÀ MARIA – HAI CHIỀU KÍCH CỦA ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN
Có thể nói, trong Tin Mừng Luca, tác giả đã dựng nên hành trình lên Giêrusalem của Đức Giêsu một cách hết sức độc đáo. Trên hành trình đó, Đức Giêsu không chỉ tiến dần đến cuộc thương khó của Người, mà Ngài còn từng bước hình thành cộng đoàn các môn đệ và dạy cho họ biết làm thế nào để đạt được sự sống đời đời làm gia nghiệp.
Thật vậy, ngay từ đầu Chương 10, tác giả Tin Mừng Luca đã cho chúng ta đối diện với một vấn đề hết sức căn bản qua câu hỏi mà nhà thông luật đặt ra với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Lc 10,25). Với câu hỏi đó, Đức Giêsu đã trả lời một cách ngắn gọn và rõ ràng qua hai giới răn: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn ngươi; và yêu mến người thân cận như chính mình” (Lc 10,27).
Rồi ngay sau đó, Đức Giêsu đã kể dụ ngôn Người Samari nhân hậu, một minh họa sống động cho giới răn yêu mến tha nhân (Lc 10,29-37). Và tiếp liền sau dụ ngôn này thì tác giả Tin Mừng Luca thuật lại câu chuyện hai chị em cô Martha và Maria tiếp đón Đức Giêsu (Lc 10,38-42), qua đó diễn đạt cho chúng ta thấy thế nào là yêu mến Thiên Chúa.
Theo đó, nếu tách rời hai trình thuật này – Tin Mừng Luca Chương 10 câu 29 đến 37 (dụ ngôn Người Samari nhân hậu) và Luca Chương 10 câu 38 đến 42 (trình thuật hai chị em cô Martha và Maria tiếp đón Đức Giêsu) – thì chúng ta nghe có vẻ như hai câu chuyện trên chẳng liên quan gì với nhau. Nhưng kỳ thực, tác giả Tin Mừng Luca đã xếp hai trình thuật này sát liền nhau để chúng bổ túc cho nhau và làm nên một câu trả lời hoàn hảo cho câu hỏi: “Tôi phải làm gì để đạt được sự sống đời đời?” qua hai chiều kích: mến Chúa hết lòng và yêu người thân cận như chính mình.
Vì thế, trong Chúa Nhật thứ 15 vừa qua, chúng ta đã cùng nhau chia sẻ về dụ ngôn Người Samari nhân hậu, một minh họa sống động cho việc yêu mến tha nhân. Còn trong Chúa Nhật thứ 16 sắp tới đây, chúng ta sẽ nghe câu chuyện về việc tiếp đón Đức Giêsu của hai cô Martha và Maria để qua đó trình bày thế nào là yêu mến Thiên Chúa.
Vậy thưa quý ông bà và anh chị em, trong buổi học hỏi Kinh Thánh tuần này, chúng ta sẽ cùng nhau xem xét hình ảnh đối lập giữa hai cô Martha và Maria để nhận ra rằng tác giả Luca sắp xếp như thế nhằm khơi mở cho người môn đệ Đức Giêsu một đời sống đạo quân bình giữa việc phục vụ (hoạt động) và việc chiêm niệm (lắng nghe Lời Chúa). Hai khía cạnh này của đời sống không tách rời nhau, nhưng cần được sắp xếp theo đúng trật tự ưu tiên để Kitô hữu đạt đến ơn cứu độ.
Vậy bây giờ, chúng ta cùng nhau xem xét bản văn Luca Chương 10 câu 38 đến câu 42 một chút để chúng ta có thể nắm bắt sứ điệp mà Tin Mừng Luca muốn truyền tải cho chúng ta.
CÔ MARTHA: NGƯỜI PHỤC VỤ HIẾU KHÁCH
Trước hết, chúng ta cùng nhau xem xét hình ảnh cô Martha – một người hiếu khách. Kính thưa quý ông bà và anh chị em, hình ảnh cô Martha phản ánh một nét đẹp của văn hóa Đông Phương, đó là lòng hiếu khách. Quả vậy, khi nghe Đức Giêsu đến làng quê của mình là Bê-ta-ni-a, thì cô đã đón Người vào nhà – một hành động đáng trân trọng. Và điều đó cũng thật đúng với cái tên của cô ở trong tiếng Aram là “Mar”, nghĩa là “bà chủ” hay “nữ gia chủ”.
Lòng hiếu khách, thưa quý ông bà và anh chị em, vốn là một đức tính được Kinh Thánh đề cao. Chẳng hạn như câu chuyện ông Abraham tiếp đón ba người khách ghé ngang lều của ông trong Sáng Thế Chương 18 đến Chương 19. Hoặc lời Thánh Phaolô khuyên các tín hữu Rôma phải ân cần tiếp đãi khách đến nhà (Thư Rôma Chương 12 câu 13). Hoặc qua giáo huấn trong các đoạn văn Hípri Chương 13 câu 2, Thư thứ nhất Phêrô Chương 4 câu 9, và Thư thứ ba Gioan.
Trở lại với câu chuyện của cô Martha, sau khi cô đón Đức Giêsu vào nhà, tác giả Tin Mừng Luca cho biết cô đã tất bật lo việc phục vụ. Ở đây, thưa quý ông bà và anh chị em, việc phục vụ (gốc Hy Lạp là diakonia) mang nghĩa là hầu hạ, phục vụ, sắp xếp, dọn dẹp, lo liệu để đáp ứng những nhu cầu vật chất. Điều này tốt và cô Martha cũng hết sức nhiệt tình, đúng theo tinh thần phục vụ mà Thánh Phaolô khuyến khích các tín hữu Rôma: “Hãy nhiệt thành, không trễ nải, lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ” (Thư Rôma Chương 12 câu 11). Hoặc tinh thần siêng năng mà sách Châm Ngôn khuyến cáo: “Hỡi người biếng nhác, hãy đến xem loài kiến sống thế nào, và nhờ đó mà trở nên khôn” (Châm Ngôn Chương 6 câu 6 đến câu 8).
Tuy nhiên, vấn đề của cô Martha là cô đã để cho sự nhiệt tình ấy khống chế và đẩy cô rơi vào tâm trạng lo lắng, xao động thái quá, đến mức cô không kiểm soát được tâm trạng khi bộc lộ sự bực bội: “Thưa Thầy, Thầy không quan tâm sao khi em con để con phục vụ một mình? Xin Thầy bảo nó giúp con với!” (Lc 10,40).
Quý ông bà và anh chị em thấy đó, giọng trách móc gián tiếp Đức Giêsu lẫn gián tiếp trách móc cô em Maria là một dấu hiệu cho thấy cô Martha đã để công việc lấn át và lấy mất sự bình an nội tâm của cô.
CÔ MARIA: HÌNH ẢNH CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHIÊM NIỆM
Còn cô Maria thì sao? Chúng ta thấy cô Maria trình bày hình ảnh của một người môn đệ. Thật vậy, trái ngược với sự lăng xăng của cô chị Martha, cô em Maria thì chỉ ngồi dưới chân Chúa mà nghe lời Người dạy (Lc 10,39). Hình ảnh “ngồi dưới chân” nhằm diễn tả tư thế của người môn đệ. Chẳng hạn, chúng ta thấy trong sách Công vụ Tông đồ đề cập đến việc ông Phaolô đã ngồi dưới chân Gamaliên (Cv 22,3), hiểu rằng ông Phaolô là môn đệ của ông Gamaliên. Theo đó, hành động ngồi dưới chân này đòi hỏi sự tập trung, tĩnh lặng, bỏ qua những lo lắng vụn vặt.
Cô Maria lắng nghe không phải vì cô lười hay vô trách nhiệm trong việc phục vụ, mà là vì cô đã nhận ra điều ưu tiên nhất lúc bấy giờ: đó là lắng nghe tâm tình của Thầy mình bằng cả tâm hồn. Qua đó, thưa quý ông bà và anh chị em, tác giả Tin Mừng Luca cho thấy cô Maria đã chọn “phần tốt nhất” khi cô không để cho diakonia (việc phục vụ) che mất logos (Lời Chúa).
PHẢN ỨNG CỦA ĐỨC GIÊSU
Và bây giờ, chúng ta xem một chút về phản ứng của Đức Giêsu. Thưa quý ông bà và anh chị em, trong câu chuyện này, chúng ta thấy phản ứng của Đức Giêsu rất đáng chú ý khi Người gọi tên cô Martha: “Martha, Martha!” (Lc 10,41).
Trong văn hóa Do Thái, kiểu gọi và lặp lại tên ai đó hai lần thường diễn tả sự trìu mến, thân thương, hoặc nhằm lôi cuốn sự chú ý và nhấn mạnh tính khẩn thiết của điều sắp nói. Chẳng hạn như khi chúng ta thấy Đức Giêsu gọi ông Simon Phêrô: “Simon, Simon!” (Lc 22,31); hoặc khi gọi ông Phaolô trên đường Đamát: “Saulô, Saulô!” (Cv 9,4); hoặc như khi thiên sứ của Đức Chúa gọi ông Abraham: “Abraham, Abraham!” (St 22,11); hoặc khi Đức Chúa gọi ông Môsê từ giữa bụi gai: “Môsê, Môsê!” (Xh 3,4).
Theo đó, ở đây chúng ta có thể hiểu là Đức Giêsu không mắng cô Martha, nhưng Người dịu dàng chỉ ra sự lệch hướng của cô: “Martha, Martha, chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” (Lc 10,41-42). Tình trạng “lệch hướng” của cô Martha là cô băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá đến mức có vẻ như cô không còn xác định được đâu là điều cần thiết, đâu là điều ưu tiên.
CHIÊM NIỆM VÀ HOẠT ĐỘNG TRONG ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU
Đến đây, chúng ta xem xét về sự chiêm niệm và hoạt động trong lối sống của Kitô hữu. Thưa quý ông bà và anh chị em, hẳn là không ai phủ nhận lòng hiếu khách của cô Martha, nhưng thái độ của cô phản ánh mối nguy thường gặp nơi những ai chuyên tâm phục vụ (chuyên ở đây xin phép để trong ngoặc kép, tức là những người chỉ biết phục vụ thôi). Và vô hình chung, một cách nào đó, nó cũng có nguy cơ biến việc phục vụ trở thành mục đích, chứ không còn chỉ là phương tiện đưa mình đưa người ta đến với Chúa. Khi việc phục vụ trở thành mục đích thì, quý ông bà và anh chị em thấy đó, người ta phục vụ chỉ nhằm thỏa mãn cái sở thích phục vụ của mình. Và theo đó, người ta phục vụ mà không cần biết đối tượng mình phục vụ muốn gì và cần gì. Nói theo ngôn ngữ ngày nay là phục vụ theo kiểu “nuôi thú cưng”, chỉ nhằm để thỏa mãn cái niềm vui phục vụ của mình.
Và như vậy, quý ông bà và anh chị em thấy, diakonia (việc phục vụ) mà thiếu nền tảng là logos (Lời Chúa – mà Lời thì cũng chính là Đức Giêsu) thì sẽ có nguy cơ biến người phục vụ trở thành nô lệ của sự băn khoăn, lo lắng nhiều chuyện đến mức quên mất hoặc không xác định được đâu là điều cần thiết, đâu là điều ưu tiên. Rồi từ đó đưa người ta rơi vào tình trạng phàn nàn, bất an như cô Martha.
Trái lại, việc cô Maria chọn ngồi dưới chân Chúa không nhằm chống lại sự năng động phục vụ của cô chị Martha, nhưng diễn tả việc cô biết ưu tiên cho điều quan trọng nhất: đó là lắng nghe Lời Chúa. Và qua đó, thưa quý ông bà và anh chị em, tác giả Tin Mừng Luca cũng trình bày hình mẫu người môn đệ đích thực của Đức Giêsu: “Mẹ và anh em tôi là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21). Vì thế, học giả Kinh Thánh Joachim Jeremias cho rằng cô Martha không sai khi phục vụ, nhưng đã lầm khi để nhiều chuyện lấn át một điều quan trọng nhất. Theo đó, nếu diakonia (việc phục vụ) mà tách rời khỏi logos (Lời), thì công cuộc loan báo Tin Mừng của người môn đệ sẽ mất dần sinh lực.
Chính Lời Chúa mới là yếu tố cốt lõi làm cho việc phục vụ của Kitô hữu không chỉ là công việc thuần túy xã hội mà trở thành hành vi tôn giáo.
SỰ QUÂN BÌNH GIỮA CHIÊM NIỆM VÀ HOẠT ĐỘNG
Như vậy, thưa quý ông bà và anh chị em, chúng ta có thể thấy hình ảnh hai cô Martha và Maria mà tác giả Tin Mừng Luca trình bày cho chúng ta hôm nay thực ra không loại trừ nhau mà có thể nói là mỗi người mỗi vẻ, mười phân vẹn mười. Cô Martha nhắc chúng ta yêu thương phục vụ tha nhân một cách cụ thể, trong khi cô Maria nhắc chúng ta yêu mến Chúa bằng cách lắng nghe và chiêm niệm Lời Chúa.
Theo đó, người môn đệ khôn ngoan là người biết giữ sự quân bình trong đời sống của mình theo trật tự ưu tiên là: chiêm niệm rồi hoạt động, lắng nghe rồi đem Lời ra thực hành. Đây chính là con đường mà Kitô hữu làm để đạt được sự sống đời đời làm gia nghiệp. Một linh đạo Kitô giáo vượt thời gian và vượt không gian, và là phương cách làm nên Hội Thánh Chúa Kitô hôm qua cũng như hôm nay và mãi đến muôn đời.
SUY NIỆM VÀ THỰC HÀNH
Tới đây, chúng ta cùng nhau suy niệm về câu chuyện hai chị em cô Martha và Maria tiếp đón Đức Giêsu hôm nay gợi lên cho chúng ta những câu hỏi rằng:
Chúng ta có dành ra những giây phút để đặt mình dưới chân Chúa không?
Chúng ta có đang loan báo Tin Mừng, mến Chúa và yêu người bằng những hành động cụ thể, bằng tình yêu, sự lắng nghe, bằng tinh thần phục vụ Chúa nơi tha nhân, bằng nụ cười chia sẻ với nhau, trao đổi với nhau như hai cô Martha và Maria đã làm không?
Hy vọng việc trả lời những câu hỏi này sẽ giúp cho mỗi người chúng ta điều chỉnh lối sống Kitô hữu của mình. Cuối cùng, chúng ta có thể có được sự sống đời đời làm gia nghiệp.
Lm. Anmai, CSsR