Sống niềm vui Phục Sinh trong đời thường
Chúa đã sống lại Alleluia! Alleluia! Alleluia!
Chúa Giêsu Phục Sinh là nguồn vui bất tận cho niềm tin, niềm hy vọng của Giáo hội, của mỗi người tín hữu. Vẻ đẹp của Chúa Giêsu Phục Sinh thu hút và là sức sống giúp người tín hữu vượt qua những khó khăn và thách đố, đồng thời giúp mỗi người có những hứng khởi mới trên hành trình đời thánh hiến và trong sứ vụ phục vụ.
Niềm vui Phục Sinh không chỉ đơn thuần là chấm dứt 40 ngày chay tịnh và khổ chế. Niềm vui Phục Sinh còn hướng chúng ta bước đi trên con đường mới, con đường của Tin Mừng trên hành trình Sequela Christi – bước theo Đức Kitô. Trong niềm tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, mỗi tín hữu tin rằng Chúa Giêsu Phục Sinh sẽ luôn đem lại một sự sống mới sau những giới hạn, bất toàn, suy nhược và thất bại của mỗi người. Ngay cả từ đống đổ nát của tâm hồn con người, Chúa Phục Sinh cũng có thể xây dựng một kiệt tác từ những mảnh vỡ vụn của đời sống cá nhân, của cộng đoàn, của quê hương, của đất nước. Chính Chúa Giêsu Phục Sinh sẽ mở ra một trang lịch sử mới.
1. Sống niềm vui Phục Sinh qua việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ
Trong thân thể con người, đôi chân là nơi thấp nhất tiếp xúc với nhiều thứ bụi bặm, gai góc gập ghềnh của cuộc đời. Đôi chân cũng là nơi mang nặng dấu ấn hành trình của đời người với biết bao vui buồn, mưa nắng thăng trầm. Chúng ta cũng có những trải nghiệm về đôi chân dẫn lối bước hành trình của riêng mình khi từng nếm cảm những tình huống trái ý, những thất bại, những ngờ vực nghi nan, những lỡ lầm thiếu sót, những đắng cay, nghiệt ngã, những giới hạn, bất toàn, những bầm dập và thương tích của đời mình trên từng chặng đường, cũng như còn có cả đôi chân của “người bạn thân con hằng tin cậy, đã cùng con chia cơm sẻ bánh, mà nay cũng giơ gót đạp con !” (Tv 41,10). Tất cả đều là những bước chân đầy hệ lụy bụi trần, nghèo nàn và va vấp cần được rửa sạch, cần được giải thoát, chữa lành, cần được Phục Sinh, cần được cứu độ.
Chúa Giêsu đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ để dạy cho họ bài học “yêu thương cho đến cùng” (x. Ga 13,1) và mời gọi dấn thân thực hành giới răn mới: Nếu anh em thực hành, thì phúc cho anh em!” (Ga 13:17).
Với hành vi rửa chân, Chúa Giêsu muốn diễn tả tình yêu thương của Ngài dành cho các môn đệ, dành cho mỗi người chúng ta. Ngài đồng cảm và cúi xuống chạm đến nỗi đau của từng người, để rửa những chán chường thường ngày của chúng ta thành những niềm vui, rửa những đau khổ, tội lụy trong đời thành ân sủng và bình an, cho dù đôi lúc ngay cả bản thân cũng không thể nhận ra ân huệ này: “việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.” (Ga 13,7).
Chúng ta sống niềm vui Phục Sinh bằng chính bài học từ biến cố Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ:
– Cần khiêm cung nhận ra đôi chân trần đầy hệ lụy tội lỗi của chính mình cũng đang cần được gột rửa và biết cúi xuống để yêu thương, cảm thông, chia sẻ và phục vụ chính chị em mình và người khác.
– Cần mang lấy: “vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay” (x. MV 1) để dấn thân cách quảng đại bằng tấm lòng yêu thương và phục vụ vào đời sống hằng ngày của dân chúng bằng lời nói và hành động; biết cách vượt qua các khoảng cách, sẵn sàng hạ mình khi cần thiết và ôm ấp đời sống con người, chạm vào thân thể đau khổ của Đức Kitô nơi người khác, để đem đến cho tha nhân niềm vui Phục Sinh (x. Niềm Vui Tin Mừng, 24)
2. Sống niềm vui Phục Sinh qua việc Maria xức dầu thơm cho Chúa Giêsu
“Cô Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giêsu, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm ” (Ga 12,3)
Maria đã có một hành động đẹp như thế, nhưng lại bị người ta nhìn một cách tiêu cực; người ta không chỉ cảm thấy khó chịu trong lòng mà còn tỏ thái độ xầm xì với nhau, chỉ trích, lên án, rồi quay sang hằn học với chị : “Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?” (Ga 12,5). Với Giuđa, ba trăm quan tiền thì quá lớn, lớn hơn cả tình nghĩa thầy trò mà Chúa Giêsu dành cho ông bấy lâu. Sự bất bình của Giuđa với Maria chứng tỏ Giuđa đã không cảm nghiệm được niềm vui có Chúa ở cùng là một niềm vui lớn đến nỗi khiến các môn đệ của Ngài chẳng cần phải giữ chay đang khi những môn đệ của Gioan Tẩy Giả và những người Pharisêu giữ chay hai ngày trong một tuần (x. Mc 2,18-22).
Cái nhìn của Chúa Giêsu là cái nhìn đón nhận, trân quý những gì chị Maria dâng tặng cho Ngài. Chúa lên tiếng bênh vực, ủng hộ cho việc chị làm vì lòng yêu mến. “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy” (Ga 12, 7). Đức Kitô không chỉ chuẩn nhận đây là một việc làm tốt dành cho Ngài, nhưng còn hướng hành vi này đến mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh. Hương thơm từ Bêtania đã tháp nhập vĩnh viễn vào niềm vui Phục Sinh. Bởi lẽ, những giá trị của sự sống thì “thơm”, còn sự chết thì ngược lại. Cần nhìn ra những điều tốt, những thiện ý, những điều tích cực để cùng nhau bước đi trên hành trình đời thánh hiến để diễn tả niềm vui hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ
3. Sống niềm vui Phục Sinh từ Con đường Emmaus
“Có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Emmaus, cách Giêrusalem chừng mười một cây số. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra.” (Lc 24,13-14)
Sau khi Chúa Giêsu tử nạn trên Thánh giá, các môn đệ của Chúa Giêsu rơi vào tình trạng hoảng loạn, sợ hãi, mất phương hướng và tắt ngấm mọi niềm hy vọng. Trong các ông đã có những người âm thầm toan tính cho một kế hoạch rời bỏ cộng đoàn, rời bỏ sứ vụ, rời bỏ ơn gọi đi theo Chúa. Hai môn đệ trên đường đi Emmaus là một điển hình.
Tin Mừng theo Thánh Luca đã trình thuật lại biến cố này rất chi tiết. Từ một tâm trạng buồn sầu bối rối làm những bước đi của hai ông trở nên thật nặng nề, thất vọng. Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra và cùng đi với hai ông. Những lời giải thích về Kinh Thánh của Chúa, cách thức Chúa đồng hành đã làm cho tâm hồn trống rỗng của hai ông ấm dần lên và cách thức Chúa bẻ bánh đã làm cho hai ông nhận ra Chúa, đồng thời đem lại cho các ông những niềm vui mới, đó là: sự bình an, ánh sáng của niềm hy vọng và sự phân định ơn gọi.
Biến cố Emmaus đã giúp hai môn đệ gặp gỡ Chúa Giêsu Phục Sinh và cuộc sống của các ông đã hoàn toàn đổi mới. Hãy cùng đón nhận được những bài học cụ thể từ chính biến cố này:
Sự bình an: Chúa Giêsu Phục Sinh luôn trao sự bình an cho các môn đệ : “Bình an cho các con!”(Ga 20,19). Hôm nay, Chúa vẫn tiếp tục ban bình an, nếu chúng ta sẵn sàng đón nhận Ngài. Bình an, nghĩa là nhận ra “những ơn huệ Chúa ban ” (x. Ga 10,10) vì thế trong sự bình an cần nuôi dưỡng tâm tình sống và hành động với tâm tình biết ơn.
Ánh sáng của niềm hy vọng: trước khi Chúa Giêsu sống lại, các môn đệ đã hoàn toàn sống trong bóng tối. Bóng tối của sự sợ hãi, của u mê lầm lạc, của những điều chưa hiểu thấu được. Nhưng khi Chúa Phục Sinh hiện đến, Ngài đã ban cho các môn đệ nguồn ánh sáng hy vọng từ sự Phục Sinh của Ngài. Chính nhờ nguồn ánh sáng Phục Sinh, các tín hữu được mời gọi can đảm bước ra khỏi vùng bóng tối của sự nhát đảm, trì trệ, suy nhược và các thế lực đội lốt, trá hình trong đời sống thánh hiến để trở thành những chứng nhân loan báo về niềm vui, niềm hy vọng của Chúa Phục Sinh cho tha nhân.
Sự phân định ơn gọi: Kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Giêsu Phục Sinh đã giúp cho hai môn đệ có sự thay đổi quan trọng trong việc phân định ơn gọi: “Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó” (Lc 24,33). Đời sống đức tin cũng phải đối diện với nhiều thách đố khiến chúng ta hoang mang, sợ hãi, khủng hoảng và mất phương hướng trên hành trình ơn gọi. Gặp gỡ Chúa Giêsu Phục Sinh sẽ giúp có được ơn tái sinh với sự thay đổi nội tâm sâu sa trong việc phân định ơn gọi.
Sống niềm vui Phục Sinh là con đường dẫn chúng ta tìm thấy Đấng Phục Sinh trong cuộc đời của chính mình và cả trong những khuôn mặt của tha nhân đang sống chung quanh. Cùng bước đi với Chúa Giêsu – Đấng Phục Sinh, cuộc sống sẽ được thay đổi, sẽ được đổi mới vì Ngài đang sống và đang dẫn dắt lịch sử nhân loại vượt lên trên mọi thất bại, mọi sự ác và bạo lực, vượt qua mọi đau khổ và sự chết:
Đức Kitô hằng sống! Người là niềm hy vọng của chúng ta, và một cách kỳ diệu Người mang sự tươi trẻ đến cho thế giới, và mọi sự được Người chạm đến đều trở nên trẻ trung, mới mẻ, đầy tràn sức sống. (Tông huấn Đức Kitô hằng sống số 1).
Nữ tu Anna Hồ Thị Hạnh, dòng Chúa Quan Phòng Cù Lao Giêng