Sống trung thành trong giao ước hôn nhân
GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
Bài 72: SỐNG TRUNG THÀNH TRONG GIAO ƯỚC HÔN NHÂN
Giuse Lê Đắc Thắng, SJ
Hỏi: Thời đại nay nhiều vợ chồng dễ dàng bỏ nhau, ly thân hoặc ly dị. Lời hứa trước mặt Chúa thuở ban đầu đã không đủ mạnh để họ chung thủy với nhau. Xin hỏi chúng ta làm cách nào để vợ chồng có thể trung thành với nhau trước mặt Chúa?
Trả lời:
Bạn thân mến,
Nếu bạn là người đang chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân thì hẳn đây là mối bận tâm lớn nhất đối với bạn trong lúc này. Bạn cảm thấy hoang mang vì thấy nhiều người đi trước đã không có được một cuộc hôn nhân trọn vẹn như mơ ước, và rồi không biết đến lượt bạn sẽ như thế nào. Bạn không biết liệu mình có thể sống trung thành trọn đời với một người hay không; mà cho dù bạn giữ lời cam kết thì vẫn không dám chắc người kia có chung thủy với mình hay không. Dường như đầy những bất trắc đang chờ chực phá hoại cuộc sống hôn nhân tương lai của bạn.
Là một người Công giáo, bạn càng có lý do để lo sợ nhiều hơn, vì hôn nhân của bạn được đóng ấn bởi bí tích hôn phối, bất khả phân ly theo luật Giáo hội. Khi hai người tuyên xưng tình yêu của mình trước mặt Thiên Chúa và Giáo hội, họ cam kết sẽ sống trung thành với nhau cho đến trọn đời. Thế nhưng thực tế như bạn thấy, nhiều người Công giáo đã không thể chu toàn lời hứa của họ. Chắc chắn bạn không muốn mình phải lâm vào hoàn cảnh giống như họ, vì thế bạn luôn thao thức làm cách nào để lời thề hứa chung thủy trong hôn nhân được thực hiện trọn vẹn trước mặt Chúa. Tôi nghĩ rằng đó không chỉ là mối bận tâm của riêng bạn mà còn là của những người Công giáo nói chung. Tôi muốn được chia sẻ với bạn đôi điều về vấn đề này.
Trước hết, việc bạn đặt vấn đề về sự chung thủy chứng tỏ bạn rất nghiêm túc và có trách nhiệm với đời sống hôn nhân của mình. Đây là nền tảng cần thiết cho đời sống gia đình. Chỉ khi nào bạn thực sự quan tâm đến một giá trị nào đó thì bạn mới cố gắng tập trung vun đắp xây dựng nó. Trong hôn nhân cũng vậy, nếu bạn đề cao sự chung thủy thì chắc chắn bạn sẽ đặt “chế độ ưu tiên” và tìm mọi cách để bảo vệ nó trong bất cứ hoàn cảnh nào. Theo lẽ thường thì hầu hết mọi người đều hướng đến sự chung thủy trong đời sống hôn nhân. Tôi không nghĩ rằng có một người nào đó tiến tới hôn nhân lại giả định rằng nó sẽ sớm kết thúc hay để mặc tới đâu thì tới!
Tuy nhiên, ý muốn chung thủy chỉ trở thành hiện thực khi vợ chồng cùng vun đắp xây dựng chứ không thể tự nhiên mà có được. Sự chung thủy không phải là một phép mầu được ban một lần qua lời hứa trong ngày lễ hôn phối và có hiệu ứng trong suốt phần còn lại của đời sống vợ chồng. Trái lại, nó là hạt giống cần được tưới tắm, che chở, bảo vệ trước mưa gió và nắng nôi của cuộc đời để có thể dần dần lớn lên thành cây to cứng cáp và đơm hoa kết quả. Hứa một lần, sống cả đời! Khi bạn muốn một cuộc hôn nhân trọn vẹn, bạn cũng hãy sẵn sàng đóng góp công sức đầu tư xây dựng nó trong suốt cuộc đời bạn.
Hôn nhân phải bắt đầu từ khâu chuẩn bị và tiếp tục kéo dài trong suốt thời gian vợ chồng chung sống với nhau. Trong nghi thức hôn phối, trước khi hai người bạn đời nói lên lời ưng thuận với nhau trước mặt Chúa và Giáo hội, họ tuyên xưng rõ ràng rằng họ “tự do đến với nhau chứ không bị ép buộc.” Tự do không chỉ là không có bất cứ sự ép buộc nào từ bên ngoài mà còn là tự do với chính mình. Tự do với chính mình nghĩa là mỗi bên đã dành đủ thời gian tìm hiểu bên kia, ý thức rõ những điều kiện hai bên cần có để có sống hòa hợp với nhau. Một khi đã nói lên lời ưng thuận rồi thì mỗi bên phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với quyết định của mình.
Do đó, để được tự do đến với nhau, đôi bạn cần phải trải qua một thời gian tìm hiểu, cân nhắc kỹ càng về gia thế, công việc và tính cách của nhau. Thời gian tìm hiểu đòi hỏi sự chân thành từ cả hai phía, phát xuất từ thái độ cởi mở và tin tưởng lẫn nhau. Nếu một bên nào đó nghĩ rằng đây chỉ là thời gian để “lấy le” hay thậm chí là “lừa lọc” nhau bằng cách phô diễn những hành vi giả tạo, hoặc dùng tiền của, thậm chí là xác thịt, để lôi cuốn người kia thì sớm muộn gì cuộc hôn nhân đó nếu có cũng sẽ tan thành mây khói, bởi vì ngay từ đầu hai bên đã mất tự do khi đến với nhau.
Sự tự do gắn liền với trách nhiệm của mỗi người khi đưa ra quyết định của mình. Có những cặp vợ chồng sau khi về chung sống với nhau một thời gian thì quyết định chia tay với một lý do đơn giản là hai bên “không hợp nhau.” Có phải đến lúc đó họ mới nhận ra hai bên “không hợp nhau” hay không? Tôi không tin rằng tính cách một người nào đó có thể thay đổi hoàn toàn sau vài năm kết hôn. Nếu như nơi một người có điểm nào đó không thể chấp nhận được thì chắc chắn điều nó đã được biểu hiện manh nha trong thời gian tìm hiểu trước đó rồi. Vấn đề là trong khi tìm hiểu, dù hai người đã biết “thói hư tật xấu” của nhau nhưng vì tình yêu nên họ vui lòng đón nhận và sẵn sàng bổ túc cho nhau. Do đó, nếu một người lấy lý do là người kia thay đổi khiến họ không thể chấp nhận được thì sự thật đôi khi là người kia không hề thay đổi, chỉ có khả năng đón nhận hay tình yêu của họ dành cho người kia là thay đổi mà thôi.
Để tránh phải hối hận muộn màng, tôi khuyên bạn đừng chọn bạn đời theo kiểu “cố đấm ăn xôi,” ví dụ như dù không thích tính em lẳng lơ nhưng vì em đẹp, hoặc là không chịu nổi anh cộc tính nhưng vì nhà anh giàu. Bạn nên hiểu rằng đến một lúc nào đó “xôi” sẽ không còn ngon lành như trước, và lúc ấy bạn cũng không còn đủ sức hay không muốn chịu “đấm” nữa. Bởi vậy ngay từ đầu bạn hãy thành thật với chính mình và khôn ngoan sáng suốt khi chọn lựa bạn đời. Giữa những thang giá trị khác nhau thì bạn phải biết nên dành ưu tiên cho giá trị nào.
Bạn phải xác định trước tính cách nào có thể chấp nhận được, còn tính cách nào khiến hai bên không thể sống với nhau. Tìm hiểu là do bạn, quyết định là ở bạn, và đó là cuộc đời bạn chứ không phải của bất cứ người nào khác. Như thế, trong thời gian tìm hiểu, và đặc biệt là khi nói lên lời ưng thuận của mình, bạn phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình trong việc đón nhận không những điểm tốt mà cả điểm chưa tốt của người kia, không chỉ trong ngày lễ hôn phối mà còn trong suốt cả đời bạn.
Vì thời gian tìm hiểu là cực kỳ quan trọng, giống như việc đổ nền móng để xây dựng tòa nhà hôn nhân sau này nên đòi hỏi cả hai bên phải đầu tư nghiêm túc. Nhiều nơi khuyến khích đôi bạn nên trải qua các kỳ kiểm tra tâm lý để chuẩn bị tốt cho việc chung sống với nhau về sau. Thậm chí có nơi còn bắt buộc các cặp vợ chồng tương lai phải xét nghiệm bệnh lý, tránh trường hợp có những căn bệnh lây lan.
Ông bà mình ngày xưa dù không tìm hiểu nhau một cách trực tiếp và không có kiểm tra tâm lý hay thể lý gì cả, nhưng thực ra gia đình hai bên đã dòm ngó và có thể nói là đã dò xét nhau rất kỹ, không chỉ về đương sự mà còn cả tông ti họ hàng bên kia nữa. Yếu tố làm nên hạnh phúc của những đôi bạn được “sắp đặt” như vậy không chỉ là sự chuẩn bị lâu dài từ hai bên gia đình mà quan trọng hơn, đó là hai người sẵn sàng đón nhận nhau trong yêu thương và cả trong đức tin nữa.
Đây là điều mà thế hệ trẻ ngày nay thua xa ông bà của họ và cũng chính là nguyên nhân chính khiến nhiều gia đình chia ly. Sống kiểu “vui ở, dở đi” thì hôn nhân chẳng mấy chốc sẽ đổ vỡ thôi. Thật vậy, chọn bạn đời không phải là đi tìm một nửa mảnh ghép của mình để tạo ra một “cặp đôi hoàn hảo” nhưng là tìm người sẵn sàng cùng mình chung tay xây dựng tổ ấm, đón nhận mọi khác biệt và đôi khi là cả những xung đột. Cứ theo lẽ thường thì không dễ để bất cứ hai con người nào có thể sống hòa hợp trọn vẹn với nhau suốt cả cuộc đời. Mỗi người một tính cách, để trung thành với nhau thì cần một sức chịu đựng nhất định từ cả hai phía. Nói cách khác là hai bên phải hy sinh cho nhau thì mới có thể cùng nhau vun đắp hạnh phúc bền lâu.
Bạn đời không phải là một người bạn nhảy phối hợp ăn ý theo điệu nhạc vui thích nhằm mang lại sự khoái cảm trong chốc lát. Trái lại, họ là người đồng hành với bạn trên suốt chặng đường dài phía trước. Nơi đó hai người không chỉ cùng nhau chiêm ngắm vẻ đẹp của ánh sáng bình minh nhưng còn dắt tay nhau bước đi trong đêm đen dày đặc. Hai người không chỉ lâng lâng bên nhau trước cảnh sương mù lãng mạn mà còn phải biết nâng đỡ nhau trong những lúc giông tố bão bùng. Theo ngôn từ được sử dụng trong nghi thức hôn phối, đôi bạn phải giữ lòng chung thủy với nhau trong mọi hoàn cảnh, “khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe.”
Do đó, khi đi đến quyết định sống đời hôn nhân với một người nào đó, từ phía bạn phải chuẩn bị cho mình đầy đủ hành trang tình yêu. Chỉ có tình yêu mới mang lại cho bạn sức mạnh và lòng quảng đại để chấp nhận và nâng đỡ người bạn đời của mình trong suốt chặng đường dài. Một khi cả hai cùng chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đồng hành bên nhau đi đến hết đường đời thì sự hấp dẫn của những thứ hoa lá cỏ cây hay trời mây chim chóc hai bên đường chỉ làm cho cuộc hôn nhân thêm thi vị chứ không thể khiến hai người rời tay nhau trong từng nhịp bước.
Tiếp đến, muốn có được hạnh phúc bền lâu trong đời sống chung thủy vợ chồng thì đôi bạn cần nhận ra đâu là giá trị nền tảng giúp xây dựng và củng cố giao ước hôn nhân của mình. Cho dù hai bên có tìm hiểu kỹ càng như thế nào đi nữa thì khi hai mảnh đời ghép lại với nhau, xung đột vẫn phải xảy ra. Do đó, để giao ước hôn nhân mang lại ý nghĩa trọn vẹn, hai người cần phải tuyên xưng lời hứa “yêu thương và tôn trọng nhau” mọi ngày trong suốt cuộc đời mình. Lời hứa này không chỉ nằm trên môi miệng cô dâu chú rể trong ngày làm phép cưới mà còn phải được thực hiện trong những tình huống cụ thể của cuộc sống, nhất là những lúc gặp khó khăn.
Muốn yêu thương nhau thì trước hết phải tôn trọng người bạn đời của mình, tức là đón nhận sự khác biệt cũng như điểm mạnh, điểm yếu của nhau. Điều kiện tiên quyết của việc tôn trọng nhau đó là hai bên phải mở lòng ra với nhau, không giấu giếm hay lừa dối nhau bất cứ chuyện gì, đến mức “hai người trở thành một xương một thịt” mới được. Tâm hồn mỗi người là một thế giới riêng tư cần nhiều thời gian để khám phá tìm hiểu. Như thế, việc mở lòng ra với nhau để hiểu nhau hơn, cũng như thái độ tôn trọng và đón nhận nhau, không chỉ cần thiết trong bước đầu chuẩn bị hôn nhân mà còn phải là một tiến trình liên tục suốt cả đời chung sống với nhau.
Thật ra không dễ dàng để yêu thương đón nhận người khác, đặc biệt là trong đời sống vợ chồng. Theo lẽ thường thì chúng ta chỉ muốn yêu thương và đón nhận những gì đáng yêu đối với chúng ta, còn những gì không đáng yêu hay thậm chí là đáng ghét nữa thì chúng ta tìm cách tránh xa hay loại bỏ khỏi cuộc đời mình. Thế nhưng trong đời sống hôn nhân chúng ta không được phép hành xử như vậy. Một khi đã quyết định gắn bó với nhau trong bậc vợ chồng thì chúng ta cần phải đón nhận tất cả mọi điều đáng yêu lẫn không đáng yêu từ người bạn đời của mình.
Điều này đòi hỏi sự kiên nhẫn chịu đựng, biết tha thứ, nhường nhịn từ người vợ lẫn người chồng, và chung quy nhất là phải biết sống quảng đại hy sinh cho nhau. Trong nhiều trường hợp, hai vợ chồng không chỉ hy sinh cho nhau mà còn cùng nhau hy sinh cho con cái nữa. Tuy nhiên, sức hy sinh chịu đựng của con người không phải là không có giới hạn.
Do đó, sự hy sinh đòi hỏi phải đến từ cả hai phía. Hai người chung vai vác cùng một gánh nặng thì vẫn nhẹ nhàng hơn là để một người phải chịu đựng. Thật khó để một người có thể hy sinh nếu người kia không biết trân trọng sự hy sinh của họ. Tóm lại, đời sống hôn nhân không thể tự nhiên mà hòa hợp được. Nó cần được điều chỉnh, uốn nắn và đòi hỏi sự hy sinh của cả hai bên. Thế nên các cặp vợ chồng cần biết ơn nhau vì sự hy sinh dành cho nhau trong suốt cuộc đời hôn nhân.
Cuối cùng, để có thêm động lực và thắp lên hy vọng cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc, bạn hãy nhìn vào mẫu gương của những cặp vợ chồng trung tín với nhau trọn đời mà bạn quen biết. Chúng ta dễ bi quan khi thấy nhiều gia đình tan vỡ nhưng thực ra chúng ta hoàn toàn có lý do để lạc quan tin tưởng rằng Chúa ban cho con người đủ sức giữ được lời cam kết chung thủy trong đời sống hôn nhân. Không cần tìm đâu xa, bạn hãy nhìn về bố mẹ, ông bà hay những người trong họ hàng của bạn để thấy được họ sống chung thủy với nhau như thế nào.
Chúng tôi đoán là bạn đã nghe biết hoặc tận mắt chứng kiến những lần rạn nứt trong mối quan hệ của họ. Thế nhưng, bạn cũng hiểu ra rằng nhờ kinh nghiệm đức tin mà họ đã vượt qua mọi sóng gió thử thách trong đời sống gia đình. Do đó, sự chung thủy trong đời sống vợ chồng không phải là vấn đề may rủi, kiểu như do hên mà gặp được anh chàng kia hiền lành hoặc cô nàng nọ đảm đang. Trái lại, động lực sâu xa giúp gắn kết mọi cặp vợ chồng Công giáo không chỉ là tình yêu đối với nhau mà còn là đức tin của cả hai người. Người Công giáo tin rằng hôn nhân là kế hoạch tác thành của Thiên Chúa. Tình yêu chung thủy Thiên Chúa dành cho Hội thánh của Người trở thành khuôn mẫu của sự chung thủy trong hôn nhân Công giáo.
Để kết thúc bài chia sẻ này, tôi xin nhắc lại một điều là trong hôn nhân Công giáo, không chỉ là hai người tìm đến với nhau mà còn là Chúa dẫn hai người đến với nhau. Do vậy câu “sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” không nên được hiểu như một gánh nặng bó buộc vợ chồng. Đúng hơn, đó là một lời chúc phúc đến từ Thiên Chúa từ thuở tạo dựng con người. Theo nghĩa đó, hôn nhân Công giáo được Thiên Chúa chúc phúc nên không một thế lực loài người nào có thể phá hoại được. Nói cách khác, nếu bạn tin tưởng vào tình yêu thương quan phòng của Thiên Chúa trong cuộc hôn nhân của bạn thì bạn sẽ không phải lo sợ về sự phân ly, trừ khi chính bạn muốn sử dụng tự do của mình để khước từ sự tác thành của Thiên Chúa và lựa chọn con đường phân ly mà thôi.
Chúng ta biết rõ thân phận yếu đuối của con người, tự sức mình không thể vượt qua những thách đố của việc hy sinh chịu đựng nhau trong đời sống vợ chồng. Tuy nhiên, vì tin tưởng rằng hôn nhân Công giáo được Chúa chúc phúc nên chúng ta luôn cậy nhờ ơn Chúa giúp qua lời cầu nguyện và cả những nỗ lực hy sinh cộng tác của mình trong đời sống gia đình. Như vậy sự trung thành trong giao ước hôn nhân của người Công giáo minh chứng một điều rằng tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa chiến thắng mọi thế lực sự dữ gây chia rẽ vợ chồng ở trần gian này.