Nắm tay nhau đến cuối con đường…
Ông hơn bà ba tuổi nhưng bà về hưu trước ông hai năm. Bà chỉ là một viên chức bình thường, còn ông là “sếp” của một ngành cấp tỉnh. Chẳng phải bà kém cỏi gì khi xuất phát điểm của hai ông bà ngang nhau, nhưng bà đã khiêm tốn lùi lại, chu toàn mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà để ông yên tâm tiến.
Người ngoài cứ bảo bà thiệt có phước, chồng vừa đẹp trai, vừa có địa vị lại đàng hoàng, đứng đắn. Nhưng chính ông lại thấy mình mới là người may mắn. Ngày xưa bà cũng một thời hương sắc, bao người theo đuổi nhưng chỉ yêu mình ông. Tình yêu của bà vừa nồng nàn, vừa rộng lớn, đủ để bao dung cho một lần “say nắng” của ông và nhiều lần chịu ấm ức, thiệt thòi cũng vì ông.
Mọi chuyện qua khá lâu rồi, bà như đã quên hẳn để vẫn yêu thương ông như chưa từng có gì xảy ra. Nhưng với ông, lần vấp ngã được bà đưa tay ra, giúp chồng đứng dậy khiến ông ân hận và luôn cảm thấy như còn nợ bà. Có bà, ông mới được như hôm nay, nên mỗi khi nghe người ta khen trông ông trẻ hơn vợ, ông lại xót xa, áy náy và thương vợ hơn. Chỉ riêng chuyện phụ nữ sinh cho chồng những đứa con đã phải chịu già đi biết bao nhiêu rồi…
Ngày bà về hưu, con trai lớn vừa có vợ, con gái nhỏ còn học đại học. Đáng lẽ được nghỉ ngơi, nhưng bà như chuyển sang giai đoạn mới với những nhiệm vụ mới. Bà bảo, trước đây còn đi làm, nửa thời gian dành cho công việc, giờ mới là lúc thực sự dành trọn vẹn tâm sức cho gia đình. Cha con ông được chăm chút kỹ hơn.
Con trai trước giờ chỉ biết được chăm sóc nên thiếu quan tâm mẹ. Cưới vợ về, cũng chẳng ý tứ khi xăng xái giành làm thay việc này việc nọ cho vợ nhưng lại tỉnh queo để mẹ làm một mình. Cháu nội ra đời, bà càng vất vả hơn bởi vừa chăm cháu, vừa loay hoay suốt ngày với đủ thứ việc không tên. Đã vậy, đôi vợ chồng trẻ ỷ có mẹ lo nên cứ “tung tăng” như lúc còn son rỗi, nhiều hôm hết giờ làm vẫn chưa chịu về nhà, mà hẹn nhau đi ăn uống hoặc tình tang đâu đó.
Riết rồi cháu nội chỉ đeo bà, bố mẹ có ở nhà hay không cũng chả ảnh hưởng gì. Bà không nói gì nhưng ông nhìn thấy nét mệt mỏi trên khuôn mặt luôn gắng gượng tươi cười, khi bà luôn cố làm mọi chuyện cho các thành viên trong nhà được vui. Ông còn thấy khoản lương hưu ít ỏi của bà cùng số tiền ông đưa về hàng tháng, cứ làm bà phải tính toán chật vật, vì ngoài việc lo cho con gái đang học đại học, còn phải bù đắp cho vợ chồng con trai và cháu nội, khi tiền đóng góp “trách nhiệm” của con chỉ là “tượng trưng”.
Ông tự nhủ cứ vậy hoài chắc không ổn, bí mật hẹn con trai và con dâu đi cà phê, mục đích chính là “họp kín” để bàn việc nhà . Đôi vợ chồng ngồi nghe cha nói, giọng ông chân tình nhưng thẳng thắn, làm hai người không thể không nhìn lại mình. Họ nhận ra lâu nay mình vô tâm và thiếu trách nhiệm, ỷ lại vào mẹ. Họ cũng nhận ra tình cảm của cha đối với mẹ sâu nặng biết bao. Ông lo bà phải làm việc quá sức sẽ không trụ nổi: “Nếu một ngày lỡ mẹ không còn gắng gượng được nữa, quỵ xuống thì các con tính sao?”. Câu hỏi của ông làm các con bừng tỉnh, nhận ra mình đã làm cha làm mẹ rồi còn gì…
Chỉ một tháng nữa ông chính thức nghỉ hưu. Ông kể, có một doanh nghiệp tha thiết mời ông làm cho họ với mức lương tương đối cao. Sau mấy hôm suy nghĩ, đắn đo ông dứt khoát từ chối. Thật ngạc nhiên vì ông dư sức làm ở vị trí đó. Ông trầm ngâm bảo không thể để bà một mình được nữa.
Người giữ trẻ hay chăm sóc người già chỉ cần làm việc hai giờ liên tục đã stress như người làm tám tiếng trong văn phòng, huống hồ bà suốt ngày ở nhà chăm chút thằng cháu nội hơn một tuổi, còn kiêm thêm đủ thứ việc khác. Ông quyết định ở nhà chia sẻ việc trông cháu nội với bà. Tối về, giao thằng cu lại cho bố mẹ nó rồi ông bà cùng đi bộ, thư giãn. Ông bảo, bà ấy đã vất vả cả đời. Giờ là lúc dành trọn thời gian cho nhau, không thì còn cơ hội nào nữa.
Sưu tầm.