LỊCH SỰ TRONG CÁCH GIỚI THIỆU
100. Tại gia đình – theo sự lễ độ, khi em dẫn một người bạn vào nhà, em phải đưa người đó tới chào ba má. Đồng thời, khi đến nhà một người bạn, em nhớ nhắc người bạn dẫn em tới chào ba má của người bạn.
101. Trong bữa ăn – những dịp đặc biệt, em mời ba bốn người đến tham dự bữa cơm thân mật, nếu họ chưa biết nhau, thì em giới thiệu tên và chức vị của mỗi người để tiện cho việc xưng hô và trò chuyện.
102. Giới thiệu người dưới với người trên trước – thí dụ: em dẫn người bạn đến thăm thầy giáo, hai người chào thầy xong, em nói: Thưa thầy, đây là anh T…, bạn con đang học lớp 9 trường Ngô Quyền. Hoặc em đang đi đường với ba má, gặp một chị bạn cùng lớp, sau khi chào nhau, em giới thiệu chị bạn với ba má: thưa ba má, đây là chị H… học cùng lớp với con. Nói thế, tức là chị H đã biết người đi chung với em là ai rồi. Như vậy, thường chỉ giới thiệu người dưới với người trên là đủ.
103. Nơi công cộng – khi em đang đi với anh chị mà gặp thầy dạy, em muốn đứng lại nói chuyện, trước hết cần giới thiệu anh chị của em cho thầy giáo: Thưa thầy, đây là anh chị con. Rồi giới thiệu thầy lại cho anh chị: Đây là thầy A, dạy văn ở trường em.
104. Khi được giới thiệu – hai người cúi đầu chào nhau, hoặc có thể bắt tay nhau và nói: “hân hạnh được biết…”. Nếu là người trên và người dưới, thì người trên đưa tay ra và người dưới mới được bắt. Không cần giới thiệu hai người đã quen nhau. Trong trường hợp này, em chỉ cần nói: chắc hai anh chị đã quen nhau.
105. Cách giới thiệu chức danh – em giới thiệu tên người đó trước và danh vị họ sau. Thí dụ: xin giới thiệu ông Nguyễn Văn A, giáo viên Anh văn. Trong một buổi lễ, đối với một vị khách đặc biệt, chỉ cần giới thiệu danh vị cho mọi người tham dự. Thí dụ: xin giới thiệu, Cha quản hạt X.