Tâm tình độc giả

“Tam cương ngũ thường” thời 4.0

“Tam cương ngũ thường” thời 4.0

 

Trong sử Việt trung đại, có câu nói đầy khí phách của Trần Bình Trọng trước lúc bị quân Nguyên giết: “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc!”. Nhà Trần đã phong ông làm Bảo Nghĩa Vương vì có công tử thủ, chặn đường giặc ở Thiên Mạc, tôn vinh tấm lòng trung nghĩa, can đảm của ông.

 

Ở cuộc chiến chống Mông Cổ lần 2, Trần Hưng Ðạo và gia tướng Dã Tượng rút lui an toàn nhờ Yết Kiêu đã chờ bằng được chủ tướng ở bến thuyền, bất chấp nguy hiểm. Ngài cảm động nói: “Chim hồng hộc muốn bay cao tất phải nhờ ở 6 trụ xương cánh. Nếu không có 6 trụ xương cánh ấy thì cũng chỉ như chim thường mà thôi”, ý chỉ các gia tướng Yết Kiêu, Dã Tượng giống như xương trụ cánh của chim hồng hộc, nâng chủ tướng lên tầm cao.

Giải nghĩa thành ngữ Tam cương ngũ thường - Con Đường Hoa Ngữ

 

Nhìn lại trang sử hào hùng của dân tộc, ta càng cảm phục tiền nhân. Thời Lý – Trần hưng thịnh, nước ta có tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên”, dung hòa tinh hoa Nho giáo, Ðạo giáo và Phật giáo. Ngoài quan điểm trung dung từ bi của Phật, sự vô vi điềm tĩnh của Lão Tử, các sĩ phu, võ tướng còn học hỏi “tam cương, ngũ thường” của Khổng Tử.

– “Tam cương” là 3 mối quan hệ chính trong xã hội phong kiến: Vua – tôi, cha – con, chồng – vợ. Theo tam cương, người trên (vua, cha, chồng) có nghĩa vụ bảo vệ, chăm sóc và thương yêu người dưới (bề tôi, con, vợ). Người dưới cần nghe lời, tôn trọng, hiếu thuận với người trên. Nếu ai cũng làm tốt nghĩa vụ của mình, gia đình sẽ yên vui, đất nước sẽ thịnh vượng.

– “Ngũ thường” là 5 điều thường xuất hiện trong cuộc sống, giúp hình thành đạo đức con người: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Những phẩm chất đàn ông cần có và phải rèn luyện để đạt được.

Cũng có cách hiểu khác, Ngũ thường là: Cha nhân nghĩa, mẹ hiền từ, anh hữu ái, em cung kính, con hiếu thuận.

Thời xưa, “tam cương ngũ thường” là chuẩn mực cho nam giới, tương tự “tam tòng tứ đức” dành cho phái nữ. Thời nay, nhiều luật lệ Nho giáo đã không còn phù hợp với xã hội, nhưng “ngũ thường” và “tứ đức” vẫn là rường cột đạo đức của người Á Ðông.

“Tứ đức” gồm công (giỏi làm, khéo léo), dung (dung mạo), ngôn (lời ăn tiếng nói), hạnh (đức hạnh, tính nết). Thời phong kiến, “công” gắn liền với việc nhà, chăm sóc gia đình và nuôi dạy con cái. Bây giờ, chữ “công” đã có thêm nghĩa mới là “công ăn việc làm”. Phụ nữ đã có quyền đi học, đi làm và sống độc lập, áp lực tăng trong khi trách nhiệm “nội tướng” vẫn còn. Ai không cân bằng được việc cơ quan và việc nhà thường bị đánh giá là chưa đủ giỏi.

Nhiều anh hay vin vào “nam nữ bình đẳng” để dồn nốt vai trò kinh tế lên vai vợ, còn mình bớt được nửa gánh nặng. Vẫn còn nhiều người chồng mặc định “việc nhà là của đàn bà”, đàn ông chỉ lo “việc lớn” và biết kiếm tiền là đủ. Cơ mà việc lớn đâu chả thấy, chỉ thấy kha khá ông chồng tan làm là đi nhậu, hát karaoke, giải trí…, không bớt chút thời gian để làm việc nhà, chăm sóc con cái cùng vợ. Họp “phụ huynh” học sinh mà đa số là mẹ đi họp cho con.

Thời nay thiên hạ thái bình, đâu cần làm “trai thời loạn”, xông pha nơi hòn tên mũi đạn mà đòi phụ nữ trở thành hậu phương vững chắc, “giỏi việc nước đảm việc nhà”.

Ðến vai trò trụ cột gia đình còn muốn “san sẻ” cho vợ, thì nghĩa vụ của đàn ông còn lại gì?

Khi hai vợ chồng cùng gánh kinh tế, đồng nghĩa với việc nội trợ, dạy con phải chia nhau, bằng không thì mua máy rửa bát, máy giặt, máy hút bụi, robot lau nhà… để người vợ bớt vất vả. Cái kiểu sức không muốn bỏ, tiền không muốn chi nhưng vẫn đòi nhà sạch, cơm ngon canh ngọt mỗi ngày, có vợ đẹp con ngoan cho thiên hạ trầm trồ, thì như giới trẻ nói vui: Có ngày chỉ còn cái nịt!

 

**

Thế kỷ 21, mối quan hệ vua – tôi thay bằng tình yêu nước, nghĩa vụ với Tổ quốc, bổn phận công dân. Mối quan hệ cha – con nằm ở cái tình, vợ – chồng cốt ở sự đồng thuận. Cha con có lúc thân thiết như bạn bè nhưng vẫn phải “cha ra cha, con ra con”. Vợ chồng biết lắng nghe để hiểu và tôn trọng quan điểm của nhau, như vậy mới hòa thuận. Ba mối quan hệ đều mang tính song phương, không hề thiên vị hay một chiều, với quy phạm đạo đức từ hai phía, một bên mất đi tiêu chuẩn thì mối quan hệ này kết thúc. Chẳng có lý gì nam giới đòi phụ nữ giữ “tam tòng, tứ đức”, trong khi chính mình lại xao nhãng “tam cương, ngũ thường”.

Xã hội hiện đại đã có pháp luật nhưng những điều đúng đắn về mặt đạo đức giúp người cư xử với người được công minh, lễ phép; phân biệt được thiện ác, có chữ tín; tránh xa cạm bẫy cám dỗ.

Trở thành bậc “chính nhân quân tử” thời 4.0, cách tốt nhất, bền nhất là tự nâng cấp chính mình đầu tiên. Chẳng phải cổ nhân đặt “tu thân” trước cả “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” đó sao.

 

Ths-Bs LAN HẢI

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!