Hôn nhân khác đạo
WHĐ (6.7.2020) – Nhạc sĩ tác giả bài ca: “Tình người ngoại đạo” đã trình bày sự ngần ngại khi yêu người Công giáo:
Tại sao lại ngần ngại, bởi có nhiều người hiểu lầm cứ ngỡ rằng đạo Công giáo là vật cản lớn nhất làm cho đôi bạn trẻ khó tiến tới hôn nhân, có bạn đã tâm sự: “Em và cô ấy đã yêu nhau được hơn 5 năm. Chúng em yêu nhau rất chân thành, em vừa ra trường, công việc cũng ổn, em muốn kết hôn với cô ấy. Em về nhà và xin phép gia đình hai bên, nhưng hai bên đều không đồng ý vì cô ấy theo đạo Thiên Chúa, còn nhà em thì theo lương. Hai gia đình bất đồng quan điểm”.
Quả thật, theo Giáo luật điều 1055 khoản 2: “Giữa những người đã chịu phép rửa tội, không thể có khế ước hôn phối hữu hiệu nếu đồng thời không phải là bí tích”. Có nghĩa là người Kitô hữu khi kết hôn thì hôn phối của họ cần phải được cử hành sao cho thích hợp để trở thành Bí tích, để được như thế điều kiện cần phải có là hai người phối ngẫu phải là Kitô hữu, vì chỉ có Kitô hữu mới có thể trở thành thừa tác viên trao bí tích hôn phối cho nhau.
Nói như thế phải chăng Giáo hội Công giáo đang cướp đoạt sự tự do của tình yêu và đang giới hạn tình yêu trong khuôn khổ của niềm tin tôn giáo? Phải chăng Giáo hội Công giáo đang đòi hỏi việc tỏ bày tình yêu giữa người nam và người nữ phải được thể hiện như là một lời tuyên xưng đức tin? Thưa không phải thế, bởi Giáo hội luôn ý thức rằng, mình được hiện hữu nhờ bởi Thiên Chúa yêu thương. Tình yêu này được Thiên Chúa tỏ bày trước tiên qua công trình tạo dựng của Ngài. Sách Sáng Thế đã tường thuật: “Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh của Người. Người đã tạo dựng người nam và người nữ. Thiên Chúa thấy điều Người làm: điều đó tốt và rất tốt (St 1, 27. 31). Việc tạo dựng giống hình ảnh của Ngài chính là giống bản tính Ngài, một bản tính được thánh Gioan minh định: Thiên Chúa là Tình yêu (1 Ga 4, 8), vì thế với hình ảnh giống Ngài, con người được mời gọi đi vào yêu thương và sự hiệp thông. Theo thần học Do thái, “vũ trụ được tạo dựng không phải để các tinh tú và các vật thể khác gia tăng trong đó, nhưng để có một không gian cho giao ước, để Thiên Chúa thể hiện tình yêu của Ngài và con người đáp lại”. Tạo dựng là để thực hiện cuộc đối thoại tình yêu của Thiên Chúa với con người, cuộc đối thoại được biểu tỏ trước tiên qua tình yêu mà người nam và người nữ tỏ bày cho nhau.
1. Hôn nhân tự nhiên
Như vậy, qua việc tạo dựng con người, Thiên Chúa đã đặt để nơi người nam và người nữ một khả năng yêu thương giống như Thiên Chúa. Theo tường thuật trong sách Sáng Thế, Thiên Chúa tạo dựng nên một mình Ađam trước nhưng ông đã không tìm thấy một niềm vui, ông cảm thấy cô đơn. Thiên Chúa hiểu nỗi cô đơn đó, nên Ngài đã phải thốt lên: Con người ở một mình không tốt, nên Ngài đã tạo dựng thêm Evà, và khi vừa thấy Evà, Ađam đã thể hiện một niềm vui khôn tả, đến nỗi ông đã lìa bỏ mọi sự mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt (X. St 2, 18-24). Việc lìa bỏ mọi sự để tìm đến với Evà và cả hai gắn kết với nhau để nên một xương một thịt, theo Đức Bênêđictô XVI trong Thông điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu” (Deus caritas est), nói lên hai điều này: “eros như được cắm rễ sâu trong bản tính của con người. Ađam luôn đi tìm và ‘lìa cha mẹ”, để tìm người đàn bà; cả hai hợp lại mới nói lên tính trọn vẹn của con người, “cả hai trở thành một xương một thịt”. Điều thứ hai cũng quan trọng không kém: ngay từ lúc sáng tạo, eros hướng con người đến hôn nhân, đến sự ràng buộc, đến sự duy nhất và dứt khoát”[1]. Quả vậy, Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người có nam có nữ và đặt để trong bản tính con người một yếu tố đặc biệt như động lực thúc đẩy họ tìm đến nhau để có thể kết hợp với nhau làm nên một thân xác, đó là yếu tố “tính dục” và là một phần làm nên tình yêu.
Như vậy việc nam nữ tới tuổi trưởng thành thể hiện tình yêu dành cho nhau nó thuộc về bản chất, do đó, chẳng ai có quyền ngăn cản tình yêu. Bởi thế, Giáo Hội luôn tỏ lòng tôn trọng các cuộc hôn nhân tự nhiên hợp pháp. Cũng nên biết rằng, khi thiết lập định chế hôn nhân, Thiên Chúa ghi dấu ấn vào trong định chế này mang đặc tính đơn hôn và vĩnh hôn, như Công Đồng Triđentinô đã tuyên tín: “Mọi hôn nhân hợp pháp do luật tự nhiên và thiên định đều vĩnh viễn và bất khả phân ly”, điều đó có nghĩa hôn nhân của những lương dân nếu không có ngăn trở theo luật tự nhiên và thiên luật thì được coi là hợp pháp.
Quả thật, “Đấng Tạo Hóa đã thiết lập và ban những quy luật riêng cho cộng đồng của sự sống và tình yêu đầy thân mật giữa đôi vợ chồng. Cuộc sống chung đó được gầy dựng do giao ước hôn nhân, nghĩa là do sự ưng thuận không thể rút lại của từng cá nhân. Như thế, bởi một hành vi nhân linh, trong đó, hai vợ chồng tự hiến cho nhau và đón nhận nhau, nhờ sự an bài của Thiên Chúa, phát sinh một định chế vững chắc có giá trị ngay cả đối với xã hội. Vì lợi ích của lứa đôi, của con cái và của xã hội, mối dây liên kết linh thiêng này không thể đặt dưới sự phân xử tùy tiện của con người” (GS số 48).
2. Hôn nhân bí tích
Câu hỏi được đặt ra là vậy tại sao Giáo hội lại không cho người Công giáo kết hôn với người ngoài Công giáo? Nói không cho là hoàn toàn sai. Như đã nói Giáo hội luôn tôn trọng tình yêu giữa người nam và người nữ, Giáo hội tôn trọng sự tự do trong tình yêu và không bao giờ đưa ra một sự kỳ thị nào về tôn giáo, màu da, ngôn ngữ… Tuy nhiên, Giáo hội cũng ý thức về trách vụ của mình là phải chăm lo thiện ích cho con cái của mình, nhất là thiện ích về sự sống đời đời, sự sống mà Chúa Kitô đã hứa ban tặng cho những ai tin vào Người. Và vì thế, sự sống đời đời có một giá trị cao hơn các giá trị khác. Do đó, để giúp con cái của mình luôn trung thành với đức tin hầu có thể đạt tới sự sống đời đời, Giáo hội đồng ý cho phép con cái của mình kết hôn với người ngoài Giáo hội với một số điều kiện. Chung quy các điều kiện đó liên quan đến đời sống đức tin của người Công giáo, sự cho phép này theo thuật ngữ chuyên môn gọi là phép “chuẩn hôn phối”.
Để hiểu rõ tại sao phải chuẩn hôn phối cho người Công giáo khi kết hôn với người ngoài Công giáo, trước tiên chúng ta nói về mầu nhiệm Giáo Hội. Giáo hội là một cộng đoàn được Chúa quy tụ trong đức tin. Qua Bí tích Rửa tội, người tín hữu được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, và được tháp nhập vào thân thể huyền nhiệm của Người, tức Giáo hội, nói như thánh Phaolô Tông đồ: “Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng, thì chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể” (Rm 12,4-5). Như vậy, khi được tháp nhập vào thân mình huyền nhiệm này, tất cả mọi Kitô hữu không ai là người đơn lẻ trong Giáo hội, nhưng mọi người đều có sự hiệp thông và hiệp nhất: tất cả đều có tương quan với các người khác và tất cả đều đồng quy về việc làm thành một thân thể sống động duy nhất, gắn liền với Chúa Kitô một cách sâu xa. Chúng ta hãy nhớ rõ điều này: “là thành phần của Giáo hội có nghĩa là kết hiệp với Chúa Kitô và nhận được từ Người sự sống thiên linh khiến cho chúng ta sống như kitô hữu”[2].
Chính trong sự hiệp thông này Giáo hội được nhìn như một cộng đoàn đức ái, một cộng đoàn với dáng vẻ của một thục nữ và được gọi là hiền thê của Chúa Kitô. Hình ảnh Giáo hội như là Hiền Thê của Chúa Kitô được Công đồng Vat. II trình bày trong hiến chế Lumen Gentium: “Giáo hội… được mô tả như hiền thê tinh tuyền của Con chiên không tì ố, được Chúa Kitô yêu mến và ‘hiến thân để thánh hóa’, được Người kết hợp bằng một giao ước bất khả phân ly được ‘nuôi dưỡng và săn sóc’ không ngừng. Sau khi thanh tẩy hiền thê, Chúa Kitô muốn hiền thê ấy kết hợp và vâng phục mình trong tình yêu và trung tín ” (LG số 6).
Khi trình bày hình ảnh Hiền thê, Công đồng Vat. II diễn tả đến mối tương quan đối đương giữa Chúa Kitô và Giáo hội được xây dựng trên tình yêu, mà thánh Phaolô trình bày như là tình yêu hôn nhân vợ chồng (x. Ep 5, 21 – 32). Trong thư gởi tín hữu Êphêsô Thánh Phaolô đã trình bày mối tương giao giữa Chúa Giêsu và Giáo hội là mối tương giao trong tình nghĩa vợ chồng (x. Ep 5, 21 – 33). Qua đó Thánh Tông đồ đã trình bày Chúa Giêsu như vị Hôn thê của Giáo hội, đã yêu thương Giáo hội như người bạn trăm năm. Qua mối tương giao Chồng – Vợ, Thánh Phaolô đã khám phá chiều kích hiệp thông nên một “thân mình” giữa Chúa Kitô và Giáo hội: “…người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Giáo hội, vì chúng ta là một trong thân thể của Người. Sách Thánh có lời chép rằng: “Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Giáo hội” (Ep 5, 29 – 32). Quả thật “Chúa Kitô yêu thương Giáo hội như hiền thê Người, Người trở thành gương mẫu của người chồng yêu thương vợ mình như yêu chính bản thân (x. Ep 5, 25 – 28)” (x. LG số 7).
Hiểu Giáo hội như thế, chúng ta mới nhận ra rằng, mỗi một Kitô hữu đều thuộc về dung mạo Hiền Thê Chúa Kitô, dung mạo đó được biểu lộ trong suốt đời sống của người Kitô hữu, cho nên việc kết hôn của người Kitô hữu không phải là một việc làm mang tính cá nhân, một công việc thuần tính tự nhiên, nhưng tự bản chất đó là công việc của Hội thánh, bởi mỗi tín hữu là một chi thể của Nhiệm thể Chúa Kitô, kết nên hình ảnh Hiền Thê của Người. Vì là công việc thuộc về Giáo hội, nên việc kết hôn của người tín hữu phải thực sự diễn tả trọn vẹn huyền nhiệm mà mình thuộc về, đó là huyền nhiệm yêu thương giữa Chúa Kitô và Hội thánh. Bởi thế, việc kết hôn của người Kitô hữu phải thể hiện tính bí tích, đó là điều mà Giáo luật nói tới: “Giữa những người đã chịu phép rửa tội, không thể có khế ước hôn phối hữu hiệu nếu đồng thời không phải là bí tích”[3].
3. Hôn phối giữa người Công giáo và không Công giáo
Vì là bí tích, nên việc kết hôn phải được cử hành giữa hai người đã được rửa tội, vì người không được rửa tội thì không có khả năng trao bí tích. Bởi bí tích hôn phối không đơn giản là một nghi lễ mang tính hình thức bên ngoài, không phải chỉ là một khế ước giữa người với người, nhưng đây còn là dấu chỉ thánh nhằm hướng tới một thực tại thánh thiêng, một thực tại trình bày lý do tại sao Giáo hội hiện hữu, đó là thực tại về một tình yêu vô cùng lớn lao mà Chúa Giêsu Kitô dành cho Giáo hội, nhờ tình yêu này, mà con người được quy tụ vào trong cung lòng của Giáo hội, nơi mà mọi người nhận được ơn cứu độ. Vì thế, sự kết hợp của vợ chồng trong hôn nhân diễn tả sự kết hợp giữa Chúa Kitô và Hội thánh. Sự hy sinh của vợ chồng dành cho nhau là hình ảnh sự hy sinh của Chúa dành cho Giáo Hội. Công đồng Vat. II đã nói đến hiệu quả mà bí tích hôn nhân mang lại: (1) Khi hai người yêu nhau muốn được Thiên Chúa chúc phúc cho họ, thì Bí tích hai người ban cho nhau, cũng sẽ đem lại cho họ ân sủng và phúc lành của Chúa. (2) Đối với người Công giáo, hôn nhân còn là môi trường giúp cho họ cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa dành cho họ một cách cụ thể qua tình yêu của người yêu. Nói cách khác, trong tình yêu hôn nhân họ cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa dành cho họ một cách cụ thể: Họ dễ dàng xác tín rằng Thiên Chúa yêu thương họ tha thiết trong vòng tay của người yêu. Tình yêu trong hôn nhân như thế chính là hình ảnh tình yêu của Chúa dành cho con người. (GS, số 48). Vì thế, bí tích hôn phối không phải chỉ được cử hành một lần trong nghi thức Phụng vụ, mà còn cần phải được cử hành mỗi ngày một cách cụ thể trong đời sống thường ngày giữa hai vợ chồng bằng cách tận hiến cho Chúa và hy sinh cho nhau. Như thế, Bí tích Hôn phối là một phần thuộc thực tại cứu độ bao la của Thiên Chúa dành cho loài người qua sự tử nạn và phục sinh của Đức Kitô, Con yêu dấu của Ngài.
Vì là dấu chỉ bí tích nên việc kết hôn của người Kitô hữu phải được thực hiện giữa hai người đã được rửa tội như đã trình bày ở trên. Tuy nhiên, tình yêu có bao giờ lại bị giới hạn trong một quy định, một giới luật! Đã là con người, cho dẫu xấu như Thị Nở trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao cũng khao khát yêu và được yêu, thì có gì có thể ngăn cản tình yêu nảy nở giữa hai người khi đã bị tiếng sét ái tình đánh gục! Bởi đó Giáo Hội cũng luôn rộng lòng tạo điều kiện cho con cái của mình được thành hôn với những người chưa được rửa tội nếu họ yêu nhau, như đã nói, Giáo hội tạo điều kiện qua phép chuẩn. Phép chuẩn này cho phép người Kitô hữu được kết hôn với lương dân mà không vi phạm luật về bí tích Hôn phối. Việc cho phép này tạo điều kiện cho người tín hữu sau khi kết hôn được tiếp tục thi hành đời sống đức tin Công giáo của mình, cụ thể là được lãnh bí tích Hoà Giải và bí tích Thánh Thể, được tham dự cách tích cực vào các công việc mục vụ trong Giáo hội.
Phép chuẩn hôn phối được ban do Đấng bản quyền địa phương. Theo Giáo luật khoản 1125: Nếu có lý do chính đáng và hợp lý, Bản quyền sở tại có thể ban phép ấy; tuy nhiên, đừng nên ban phép khi chưa hội đủ những điều kiện sau đây:
a. Bên Công giáo phải tuyên bố sẵn sàng xa tránh mọi nguy cơ làm tổn thất Đức tin, và hứa thành thật sẽ làm hết mọi sự có thể để con cái được rửa tội và giáo dục trong Giáo hội Công giáo.
b. Vào lúc thuận lợi, phải cho bên kia biết những lời hứa mà người Công giáo phải giữ, để chính họ được thực sự ý thức về lời hứa và bổn phận của bên Công giáo.
c. Cả hai bên phải được giáo huấn về các mục đích và đặc tính cốt yếu của hôn phối, và không bên nào được loại bỏ các điều ấy.
Việc chuẩn như thế để thấy một mặt Giáo hội luôn tôn trọng tình yêu đôi lứa, đàng khác Giáo hội cũng không quên nhiệm vụ chính yếu của mình là luôn hướng dẫn con cái luôn đặt giá trị của ơn cứu chuộc lên hàng đầu. Việc kết hôn giữa một người Công giáo và lương dân không làm thành Bí tích Hôn phối, nhưng đặc tính hôn nhân vẫn có giá trị trọn vẹn, đó là bất khả phân ly và một vợ một chồng, và buộc hai bên phải tuân giữ, vì những đặc tính này không do bí tích Hôn phối mang lại, nhưng là do Thiên Chúa thiết định khi Ngài thiết lập định chế hôn nhân.
4. Những thách đố
Trong khi đề cao tình yêu nam nữ và ban phép chuẩn cho các cuộc tình không cùng niềm tin Kitô giáo được tiến tới hôn nhân một cách hợp pháp, Giáo hội cũng nhắc nhở con cái của mình đừng quên rằng, trong cuộc sống gia đình, trước mặt còn đối diện với nhiều thách đố:
a- Về tính bền vững của hôn nhân: Cha ông Việt Nam ta có câu: “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, để nói lên tầm quan trọng của sự thuận thảo trong gia đình, nhất là giữa vợ chồng. Kiểu ông nói gà bà nói vịt thì gia đình không thể nào đạt tới sự thiện ích của nó. Việc thuận vợ thuận chồng không chỉ gói gọn trong các quyết định chỉ liên quan đến những thực tại trần thế: như việc đầu tư, việc chọn vợ gả chồng cho con, việc giáo dục con cai… Nhưng còn có một thực tại quan trọng hơn nhiều đó là đời sống tâm linh. Quả thật, đời sống gia đình không luôn luôn là con đường trải đầy hoa hồng, nhưng có thể nói, vợ chồng luôn đối diện với bao thách đố của cuộc đời, bao là bão tố, bao là lo toan. Đứng trước những thách đố, vợ chồng cảm thấy như bất lực, mệt mỏi, chính niềm tin tôn giáo như là chiếc phao cứu sinh. Thế nhưng trong hoàn cảnh niềm tin tôn giáo không cùng song hành với hai vợ chồng thì quả thật đây là vấn đề nan giải. Chẳng hạn ngày Chúa nhật người Công giáo muốn đi lễ để thi hành trọn vẹn đời sống đức tin của mình, nhưng người không Công giáo lại có kế hoạch đưa cả gia đình đi chơi, hạt giống bất hòa bắt đầu được gieo; hay là những nan giải trong việc thờ cúng giỗ chạp giữa các tôn giáo, làm sao phận làm dâu, làm rể có thể chu tất mà không đi ngược lại với đức tin Công giáo? Rồi việc con cái có được rửa tội hay không theo điều đã cam kết?… Vô số vấn đề nảy sinh giữa hai niềm tin khác nhau trong đời sống vợ chồng, và thật là khó nghĩ khi hai người kết hợp nên một thân mình, nhưng trong thân mình đó lại đối kháng với nhau về niềm tin tôn giáo. Kết quả của sự đối kháng đó là sự bất hòa làm cho đời sống vợ chồng nên nặng nề, nảy sinh bao nhiêu là cuộc cãi vã và rồi sự thuỷ chung của đời sống vợ chồng từ từ gãy đổ.
b- Về đời sống đức tin của người Công giáo: Cho dẫu trong tờ cam kết xin chuẩn hôn phối bên Công giáo hứa sẽ trung thành trong đời sống đức tin, bên không Công giáo cam kết tôn trọng và tạo mọi điều kiện để bên Công giáo sống trọn vẹn với niềm tin của mình. Cam kết là thế, nhưng trong thực tế nhiều đôi hôn phối đã huỷ lời cam kết. Trong một thế giới tục hóa hôm nay, đứng trước trào lưu hưởng thụ ích kỷ, và đề cao các ngẫu tượng như tiền bạc thì quả thật đức tin của người Công giáo trong môi trường của gia đình vắng bóng gương sống đức tin của ông bà, lời nhắc nhủ của cha mẹ, đã bị lung lay và cuối cùng là sống xa lìa hẳn với đức tin Công giáo.
Vâng, khi yêu nhau đôi bạn trẻ vẽ bao là mộng đẹp, nhưng khi bước vào cuộc sống hôn nhân mộng đẹp tan vỡ như giọt sương ban mai khi gặp ánh nắng mặt trời. Đức Phanxicô đưa ra lời nhận định: “Chỉ khi đối diện với đời sống chung thường nhật, một cuộc sống đòi đôi vợ chồng phải hiến thân và hy sinh cho nhau, một số người mới nhận thấy mình đã không hiểu rõ hôn phối mà họ mới bắt đầu. Và họ thấy mình không thích hợp, nhất là khi phải đối chiếu với tầm mức và giá trị của hôn nhân Kitô, với những khía cạnh cụ thể, gắn liền với đặc tính bất khả phân ly của bí tích hôn phối, sự cởi mở đón nhận hồng ân sự sống và phải chung thủy với nhau”[4].
Vì thế, mục vụ cho các đôi hôn phối khác đạo luôn là nỗi trăn trở của các mục tử, mong tìm cách giúp cho đời sống gia đình của họ đạt tới hạnh phúc và thiện ích. Tuy nhiên, điều quan trọng trước tiên chính là ở nơi các bạn trẻ. Do đó, ước mong sao các bạn trẻ luôn tìm hiểu đúng đắn về người mình yêu, và nghiêm túc khi quyết định tiến tới hôn nhân với một ý thức trách nhiệm minh bạch rõ ràng.
Trích Tập san Hiệp Thông / Số 115