Cà phê và bệnh ung thư
Một số (chắc là nhiều) người cảm thấy tỉnh táo, năng suất hoạt động cao hơn khi uống một ly cà phê, nhưng cũng có một số người khác lại cảm thấy bồn chồn, lo lắng, thậm chí không thể tập trung làm việc khi “lỡ” uống chỉ một ngụm cà phê thôi.
Như thế thì cà phê tốt hay xấu đối với sức khỏe, mà tác dụng của nó như con dao hai lưỡi vậy?
Điều này được giải thích như sau: Cà phê không chỉ chứa nhiều caffeine mà còn giàu chất chống oxy hóa và chứa một lượng nhỏ một số vi chất dinh dưỡng mà cơ thể chúng ta cần. Tuy nhiên, nó cũng có liên quan đến nhiều tác dụng phụ khác nhau, do đó các chuyên gia y tế thường khuyên một số nhóm người nhất định nên hạn chế uống để tránh những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Ngoài điều này, nhiều nghiên cứu độc lập mới đây cho thấy, có thể có mối liên hệ giữa việc tiêu thụ cà phê và nguy cơ ung thư. Cụ thể, trên Scientific Reports vừa có bài phân tích, lưu ý rằng uống cà phê có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc nhiều loại ung thư, bao gồm miệng, họng, đại tràng, gan, tuyến tiền liệt, nội mạc tử cung…
Trước đây, người ta đồn cà phê là chất gây ung thư vì quá trình rang tạo ra chất acrylamide.
Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), chi nhánh của Tổ chức Y tế Thế giới phân loại acrylamide là chất có thể gây ung thư Nhóm 2A.
Có bằng chứng đáng kể cho thấy acrylamide có thể gây ung thư ở động vật, nhưng chưa thể xác định nó có làm tăng nguy cơ ung thư ở người hay không.
Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), acrylamide cũng xuất hiện trong khói thuốc lá, quy trình công nghiệp như sản xuất nhựa, giấy và thuốc nhuộm, thực phẩm giàu tinh bột nấu ở nhiệt độ cao như khoai tây chiên…
Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS) tuyên bố rằng acrylamide cũng có mặt trong bao bì thực phẩm, một số chất kết dính…
Viện Nghiên cứu Ung thư Mỹ chưa tìm thấy mối liên hệ nào được thiết lập giữa acrylamide trong thực phẩm và nguy cơ ung thư cho con người.
Và đây là điều quan trọng: IARC đã xem xét hơn 1.000 nghiên cứu trên người và động vật và không tìm thấy bằng chứng đầy đủ cho thấy cà phê là chất gây ung thư. Song song đó, nhiều cuộc nghiên cứu chỉ ra điều ngược lại:
– Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy trên thực tế, uống cà phê có thể làm giảm nguy cơ phát triển một số bệnh ung thư.
– Một nghiên cứu được công bố vào năm 2020 cũng cho thấy mối liên hệ nghịch đảo giữa việc uống cà phê và nguy cơ ung thư gan và nội mạc tử cung.
Có điều cần lưu ý là mặc dù các nghiên cứu trước đây đôi khi tìm thấy mối liên hệ giữa việc uống cà phê và phát triển bệnh ung thư, nhưng nguyên nhân thường là do hút thuốc chứ không phải do cà phê. Những người hút thuốc cũng có xu hướng uống cà phê.
Hút thuốc là một trong những nguyên nhân gây ung thư vòm họng và phổi.
Ngoài ra còn có mối liên hệ giữa việc uống chất lỏng quá nóng và ung thư thực quản. Vì vậy, tốt nhất bạn nên để cà phê nguội một chút trước khi uống, đặc biệt nếu cà phê không chứa sữa. Một nghiên cứu năm 2019 khuyến nghị rằng nhiệt độ an toàn tối ưu để uống đồ uống nóng là 50-70 độ C (122-158 độ F)
Uống cà phê một số người có thể gặp rủi ro, một số người hưởng lợi
Uống cà phê như một phần của lối sống lành mạnh dường như không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều cà phê có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe. Cà phê có chứa caffeine, một chất kích thích khiến não tỉnh táo hơn và làm tăng huyết áp tạm thời.
Những người có vấn đề về tim có thể chọn tránh cà phê nếu họ thấy tim đập nhanh sau khi uống. Cà phê cũng có thể gây trào ngược axit ở một số người và có thể gây kích ứng dạ dày.
Uống cà phê vào buổi tối có thể khiến bạn khó ngủ. Vì thế, nếu uống cà phê vào cuối ngày, bạn có thể chọn loại không chứa caffein hoặc uống trà thảo dược.
FDA khuyến nghị người lớn nên tiêu thụ không quá 4-5 tách cà phê mỗi ngày. Còn trẻ em, hoặc thanh thiếu niên thì không nên dùng các chất có chứa caffeine.
Các bà mẹ đang có bầu hoặc đang cho con bú cũng nên hạn chế uống cà phê. Tốt nhất là kiêng.
Để giảm lượng caffeine tiêu thụ, bạn có thể thay thế cà phê bằng trà, cà phê đã khử caffeine, trà thảo dược. Trà đen và một số loại trà thảo dược, chẳng hạn như trà xanh, có chứa caffeine tuy nhiên, nó thường ít hơn một tách cà phê.
Nhiều bằng chứng kết luận rằng uống một lượng cà phê vừa phải nói chung là an toàn, và có lợi cho sức khỏe.
Nghiên cứu so sánh những người không uống cà phê với những người uống 4-7 ly mỗi ngày, 1-3 ly và 1 ly. Kết quả, tất cả các nhóm uống cà phê (từ 1 ly đến 7 ly/ngày) đều có tỷ lệ mắc bệnh ung thư thấp hơn những người không uống cà phê. Những người uống nhiều cà phê giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư tuyến tiền liệt, nội mạc tử cung, miệng, bệnh bạch cầu…
Các lợi ích khác của việc uống cà phê bao gồm giảm nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân và giảm nguy cơ mắc bệnh tim, bệnh gan và bệnh Parkinson. Ngoài ra, cà phê còn có thể làm giảm 6% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
Như vậy, các nghiên cứu hiện tại cho thấy cà phê không có khả năng gây ung thư. Nó có thể làm giảm nguy cơ phát triển một số loại ung thư. Tuy nhiên, vẫn chưa có đủ bằng chứng khoa học để khẳng định điều này.
Là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh, cà phê có thể sẽ có lợi. Uống không quá 4 tách cà phê mỗi ngày sẽ không gây ra bất kỳ rủi ro nào cho sức khỏe và có thể làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh.
Thế nên bạn cứ tận hưởng mùi vị thơm tho của ly cà phê buổi sáng, và tốt nhất là đừng hút thuốc. (Theo Healthline)