Phụng vụTư liệu Phụng vụ

Các kinh sư và người Pha-ri-sêu

Các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình ( Mt 23, 1 – 39)

Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm, xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen

Các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình
(1) Bấy giờ Ðức Giêsu nói với đám đông và các môn đệ Người rằng: (2) “Các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên tòa ông Môsê mà giảng dạy. (3) Vậy, những gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ; nhưng đừng theo hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm. (4) Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. (5) Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. (6) Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, (7) ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “rápbi”.
(8) “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là “rápbi”, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. (9) Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. (10) Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Ðức Kitô. (11) Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. (12) Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.
Ðức Giêsu khiển trách các kinh sư và người Pha-ri-sêu
(13) “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người khóa cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào! Các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng không để họ vào.
[(14) Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ, cho nên các người sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn].
(15) “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hỏa ngục gấp đôi các người.
(16) “Khốn cho các người, những kẻ dẫn đường mù quáng! Các người bảo: “Ai chỉ Ðền Thờ mà thề, thì có thề cũng như không; còn ai chỉ vàng trong Ðền Thờ mà thề, thì bị ràng buộc”. (17) Ðồ ngu si mù quáng! Thế thì vàng hay Ðền Thờ là nơi làm cho vàng nên của thánh, cái nào trọng hơn? (18) Các người còn nói: “Ai chỉ bàn thờ mà thề, thì có thề cũng như không; nhưng ai chỉ lễ vật trên bàn thờ mà thề thì bị ràng buộc”. (19) Ðồ mù quáng! Thế thì lễ vật hay bàn thờ là nơi làm cho lễ vật nên của thánh, cái nào trọng hơn? (20) Vậy ai chỉ bàn thờ mà thề, là chỉ bàn thờ và mọi sự trên bàn thờ mà thề. (21) Và ai chỉ Ðền Thờ mà thề, là chỉ Ðền Thờ và Ðấng ngự ở đó mà thề. (22) Và ai chỉ trời mà thề, là chỉ ngai Thiên Chúa và cả Thiên Chúa ngự trên đó mà thề.
(23) “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công bình, lòng nhân và thành tín. Phải làm các điều này mà không được bỏ các điều kia. (24) Quân dẫn đường mù quáng! Các người lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà.
(25) “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện trộm cắp và vô độ. (26) Hỡi người Pharisêu mù quáng kia, hãy rửa bên trong chén đĩa cho sạch trước đã, để bên ngoài cũng được sạch.
(27) “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. (28) Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác!
(29) “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người xây mồ cho các ngôn sứ và tô mả cho những người công chính. (30) Các người nói: “Nếu như chúng ta sống vào thời của tổ tiên, hẳn chúng ta đã không thông đồng với các ngài mà đổ máu các ngôn sứ”. (31) Như vậy, các người tự làm chứng rằng các người đúng là con cháu của những kẻ đã giết các ngôn sứ. (32) Thì các người đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên các người đi!
Tội ác và hình phạt
(33) “Ðồ mảng xà, nòi rắn độc kia! Các người trốn đâu cho khỏi hình phạt hỏa ngục? (34) Vì thế, này tôi sai ngôn sứ, hiền nhân và kinh sư đến cùng các người: các người sẽ giết và đóng đinh người này vào thập giá, đánh đòn người kia trong hội đường và lùng bắt họ từ thành này đến thành khác. (35) Như vậy, máu của tất cả những người công chính đã đổ xuống đất, thì cũng đổ xuống đầu các người từ máu ông Aben, người công chính, đến máu ông Dacaria, con ông Bêrêkia, mà các người đã giết giữa đền thánh và bàn thờ. (36) Tôi bảo thật các người: tất cả những tội ấy sẽ đổ xuống đầu thế hệ này.
Ðức Giêsu thương tiếc thành Giê-ru-sa-lem 
(37) “Giêrusalem, Giêrusalem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Ðã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu. (38) Thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ hoang mặc cho các ngươi. (39) Thật vậy, Ta nói cho các ngươi hay, từ nay các ngươi sẽ không thấy Ta nữa, cho đến khi các ngươi nói: Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Ðức Chúa!”
NƯỚC DO THÁI THỜI CHÚA GIÊSU:
* Giai cấp xã hội :
a. Giới tư tế :
– Thượng tế : Đứng đầu giới tư tế là vị thương tế. Vị này đứng đầu Thượng Hội Đồng và được coi như thủ lãnh của dân. Chỉ mình vị thượng tế mới được vào Nơi Cực Thánh mỗi năm một lần để dâng lễ xá tội cho dân
– Các tư tế : chia thành 24 nhóm thay phiên nhau phục vụ trong đền thờ
– Các thầy Lê-vi: có nhiệm vụ đàn hát, giữ cửa, bảo quản và bảo vệ đền thờ. b. Giới kỳ mục : Gồm các phú ông và bậc niên trưởng.
c. Giới kinh sư: Còn gọi là ký lục , luật sĩ hay các thầy thông Luật. Đó là những nhà chuyên môn về Kinh Thánh (Lề Luật), phần đông là giáo dân thuộc nhóm Pha-ri-sêu, một số ít trong nhóm kinh sư là tư tế . Họ có uy tín và ảnh hưởng lớn trong dân
Các kinh sư cùng với thượng tế và kỳ mục là ba thành phần trong Thượng hội đồng Do thái tại Giê-ra-sa-lem. Đứng đầu Thượng Hội Đồng này là vị thượng tế .
* Các nhóm tôn giáo:
a. Nhóm Xa-đốc : Gồm phần lớn các tư tế ở Giê-ru-sa-lem và một số kỳ mục. Đây là nhóm bảo thủ. Họ quý trọng đặc biệt Ngũ Thư hơn các sách thánh khác. không tin có sự sống đời sau
b. Nhóm Pha-ri-sêu : Hay còn được gọi là Biệt phái, có vào thời Ma-ca-bê. Nhóm này gồm phần đông là những giáo dân đạo đức, một ít tư tế vùng quê và một số thầy Lê-vi. Vào thời Chúa Giê-su, các Pha-ri-sêu rất được kính trọng. Họ chuyên cần suy niệm Kinh Thánh và tuân giữ tỉ mỉ mọi luật lệ.
Người Pharisêu rất quý trọng Kinh thánh và tục truyền. Sống theo luật lệ, họ thề trung thành với Thiên Chúa của Moise. Họ nhận có Thiên Chúa quan phòng, họ tin có Thiên thần, tin linh hồn bất tử, xác kẻ lành sẽ sống lại. Đáng tiếc, nhiều khi họ coi Tục truyền hơn Kinh thánh.
* Các nhóm xã hội :
a. Nhóm Eùt-xê-nô : Nhóm này được tổ chức hết sức chặt chẽ và có tôn ti trật tự. Họ sống nghèo khó, độc thân, và vâng phục những người lãnh đạo
b. Nhóm Sa-ma-ri : Là những người gốc Do Thái ở Sa-ma-ri. Họ bị pha trộn nhiều với dân ngoại, kể cả về mặt tôn giáo.
c. Nhóm Hê-rô-đê : Đây không phải là nhóm tôn giáo mà chỉ là những người ủng hộ Vua Hê-rô-đê và do đó, ủng hộ nhà cầm quyền Rô-ma. Nhóm Pha-ri-sêu liên kết với họ để chống Chúa Giêsu.

Các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình
Đức Giêsu nhận định các kinh sư và Pharasiêu giả hình, nói mà không làm, làm ra lắm luật bắt người dân phải giữ luật còn mình thì không, chỉ mang cho đầy người tua áo thật dài, hộp kinh thật to thể hiện sự tuân thủ luật lệ và thông thái của mình, ăn trên ngồi trước , được trọng vọng .
Ðức Giêsu khiển trách các kinh sư và người Pha-ri-sêu
1- Khốn cho các người, …  Các người khóa cửa Nước Trời… .các người cũng không để họ vào.

Đây là lời khiển trách thứ nhất của Đức Giêsu :
–  Các kinh sư và Pharasiêu họ không vào nước trời được vì lối sống giả dối, làm gương mù cho người khác mất lòng tin và vì thế họ cũng đã làm cho người ta không vào giáo hội, vào nước trời.
–  Nhiều người Do Thái muốn gia nhập Giáo Hội nhưng bị các Kinh sư và Pharisêu ngăn cấm. Giới Kinh sư và Nhóm Pharisêu đầy quyền lực, họ không muốn đồng bào của mình tin vào một ông Giêsu bị đóng đinh, nên họ đã nghiêm cấm bằng cách đưa ra một hình phạt: Ai đi theo ông Giêsu này, tức gia nhập Giáo hội sơ khai sẽ bị trục xuất ra khỏi Hội đường. Chính vì điều này làm cho người Do Thái sợ hãi, do dự và không muốn gia nhập Giáo hội sơ khai. Như vậy, các kinh sư và Pharisêu đã ngăn cấm người ta gia nhập vào Giáo hội sơ khai, tức ngăn cấm người ta vào Nước Trời.
– Khốn cho các người, Các người nuốt hết tài sản của các bà góa:
Đây là lời khiển trách thứ hai của Đức Giêsu : Các bà góa là những người nghèo, cô thân cô thế trong xã hội Do Thái thời Đức Giêsu. Họ thường là những thành phần bị bỏ rơi, không ai chú ý đến. Đáng lý ra thành phần này phải được miễn tất cả các thứ thuế, miễn dịch vụ công,…Thế mà những kinh sư và Pharisêu, là những người ngồi trên Tòa Môsê để giảng dạy dân chúng lại không thương tình, không cho họ được hưởng những trợ cấp về an sinh xã hội, họ phải có nghĩa vụ như bao người khác. Như vậy, những kinh sư và Pharisêu đã thực hiện việc mà Đức Giêsu nói: Đọc kinh cho dài để nuốt tài sản của các bà goá, bởi thế, các ngươi sẽ chịu phán xét nặng hơn. Họ đang sống với một thái độ giả hình.
3- “Khốn cho các người,……Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; .
Đây là lời khiển trách thứ ba của Đức Giêsu  Giới Kinh sư và Nhóm Pharisêu đã làm hại việc truyền giáo: Những người Do Thái đặc biệt là nhóm kinh sư và Pharisêu, rất nhiệt thành truyền giáo. Nhưng họ không đưa người tân tòng đến với Thiên Chúa mà lại đưa vào não trạng hẹp hòi và lối sống hình thức của họ. Người tân tòng nhìn vào lối sống của những người lãnh đạo để noi gương bắt chước, bắt chước gương lành, gương tốt thì khó, còn bắt chước gương xấu rất dễ, những người tân tòng có khi còn giả dối hơn các ông nhiều. Chẳng thà cứ để người ngoại giáo sống như cũ lại hay hơn, vì họ sống ngay thẳng theo lương tâm của mình, còn hơn vào đạo để sống giả hình. Chính vì thế Đức Giêsu mới nói: “khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hỏa ngục gấp đôi các người.”.
4- “Khốn cho các người, những kẻ dẫn đường mù quáng!
Đây là lời khiển trách thứ tư của Đức Giêsu về vấn đề thề thốt, Giới Kinh sư và Nhóm Pharisêu , họ tự cho mình là “kẻ hướng dẫn những người mù”. Nhưng đã không phân biệt được điều nào cao trọng hơn điều nào , cái gì làm cho nên thánh, cái gì được nên thánh, họ làm trắng hóa đen, đúng hóa sai. Chúa Giêsu nói chính họ cũng mù không kém  Những kẻ ấy hướng dẫn bám lấy những lời thề. Đức Giêsu bảo ” không được thề ” Vì ai chỉ Ðền Thờ mà thề, là chỉ Ðền Thờ và Ðấng ngự ở đó mà thề. Và ai chỉ trời mà thề, là chỉ ngai Thiên Chúa và cả Thiên Chúa ngự trên đó mà thề..
5- “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! ………Các người lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà.
Đây là lời khiển trách thứ năm của Đức Giêsu, Giới Kinh sư và Nhóm Pharisêu quá tập trung vào điều phụ thuộc mà bỏ quên điều cốt yếu. ” Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công bình, lòng nhân và thành tín.” Giới Kinh sư và Nhóm Pharisêu đã dạy cho người khác như vậy , nên Chúa đã khiển trách “Quân dẫn đường mù quáng!”
6-  “Khốn cho các người,….. Các người rửa sạch bên ngoài…. bên trong thì đầy những chuyện trộm cắp và vô độ…”
Đây là lời khiển trách thứ sáu của Đức Giêsu, Giới Kinh sư và Nhóm Pharisêu quá coi trọng cái bên ngoài mà coi thường cái bên trong, sự nhơ uế bên trong tâm hồn. Chúa dạy hãy rửa bên trong chén đĩa cho sạch trước đã , hãy lo canh tân tâm hồn nên sạch trong,  hãy lo việc nước trời trước , mọi sự khác Chúa sẽ cho thêm. ” để bên ngoài cũng được sạch”
7-  “Khốn cho các người, hỡi ! Các người giống như mồ mả tô vôi, …. Thì các người đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên các người đi!
Đây là lời khiển trách thứ bảy của Đức Giêsu, các kinh sư và người Pharisêu giả hình gian ác , họ như mồ mã tô vôi cho đẹp , bên trong chỉ là xương người chết và thịt thối vữa , chỉ có vẻ bề ngoài đẹp, công chính , nhưng bên trong là gian ác, tà tâm. Tội của dân Israel như thế cũng là tội khước từ vâng lời Giavê Thiên Chúa, khước từ tin tưởng nơi Thiên Chúa và phó thác cho Người. Bên ngoài xây mồ mả cho ngôn xứ , người công chính và loan báo không thỏa hiệp với những người đã giết họ, nhưng bên trong đang toan tính giết Đức Giêsu, Chúa nói ” các người đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên các người đi ” rồi thì ” tất cả những tội ấy sẽ đổ xuống đầu thế hệ này.”
Ðức Giêsu thương tiếc thành Giê-ru-sa-lem
Tất cả những tội ấy sẽ đổ xuống đầu thế hệ này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ hoang mặc cho các ngươi cho đến khi các ngươi nói: Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Ðức Chúa!
Và Tất cả những tội ấy đã đổ xuống đầu thế hệ này cho dân Israen, vào năm 70, Giêrusalem bị phá huỷ hoàn toàn bởi người La Mã. Sự sụp đổ nầy, và sự sụp đổ tới sau của Masada, đã làm tiêu tan Israrel trong vai trò một quốc gia, Hầu hết Kitô hữu đều đã trốn khỏi thành Giê-ru-sa-lem trước giờ sau cùng của nó, Họ phân tán khắp nơi trên thế giới từ Tây Âu đến Nam Âu, Đông Âu và thậm chí là cả Bắc Mỹ. Đó là thánh ý Chúa , Chúa tạo điều kiện cho một Hội thánh non trẻ phát xuất từ gốc rễ Do Thái, biến thành một thực thể có tính toàn cầu tách ra khỏi Israel và được có lai lịch riêng của nó giữa vòng các dân ngoại, mang lấy một sứ điệp cho cả thế gian. Nhưng dù đi đến đâu người Do Thái vẫn duy trì nền văn hóa và bản sắc riêng của họ, đặc biệt là khát vọng phục quốc cháy bỏng vì một tương lai trở về thánh địa Jerusalem với niềm tin Thiên Chúa sẽ giúp cho dân Người dù dân Do Thái đã nhiều lần bất trung với Thiên Chúa, họ vững tin vào tìn yêu của Người, Người sẽ tha thứ và đón đứa con hoang đàng trở về đất thánh.
Sau chiến tranh thế giới thứ 2, một làn sóng ồ ạt những người Do Thái sống sót sau cuộc diệt chủng của Phát xít Đức quay trở về Palestine dưới sự hậu thuẫn của Mỹ. Họ dùng tiền mua lại đất của người Palestine bản địa nhằm thành lập nhà nước Israel. Điều này bắt đầu làm các nước Ả Rập lo sợ. Ngày 14/5/1948 tại Tel Aviv, nhà nước Israel sau gần 1900 năm lại được thành lập. Ngay ngày hôm sau, các quốc gia Ả Rập bao gồm Ai Cập, Syria, Jordan, Iraq và Lebanon đồng loạt tấn công Israel nhằm bảo vệ người anh em Hồi Giáo Palestine.
Theo văn phòng trung ương thống kê Israel, tới cuối năm 2004, 76,2% người Israel là người theo Do Thái giáo, 16,1% là Hồi giáo, 2,1% Kitô giáo, 1,6% Druze (tôn giáo khởi nguồn từ Abraham, xác quyết niềm tin của mình vào Thiên Chúa.) và số còn lại 3,9% (gồm cả những người nhập cư từ Nga và một số người Do Thái) được xem là không tôn giáo. st

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!