CÂU CHUYỆN NHÀ SƯ CÕNG CÔ GÁI QUA SÔNG: HỌC CÁCH BUÔNG BỎ TRONG TÂM TRÍ
Có một vị hòa thượng già dẫn theo một tiểu hòa thượng đi thỉnh kinh. Trên đường đi, họ gặp một con sông. Cũng chính tại đó, họ gặp một phụ nữ rất muốn sang sông nhưng con sông lớn và sâu nên cô không dám lội xuống nước.
Không chút đắn đo, lão hòa thượng liền chủ động cõng người phụ nữ đó và đặt cô ấy xuống sau khi đã đến bờ bên kia rồi tiếp tục cùng tiểu hòa thượng lên đường.
Chú tiểu rất bất bình trước chuyện vừa diễn ra. Chú biết nhà sư không được phép đụng chạm nữ giới, nên chú nổi giận vì sư thầy đã vi phạm giới luật. Chú cứ ấm ức giày vò vì chuyện này suốt dọc đường đi. Về đến chùa, không chịu nổi nữa chú tìm đến trụ trì và kể cho trụ trì nghe sự việc.
Trụ trì nghe xong thì mỉm cười và nói: “Sư thầy đã đặt người phụ nữ xuống ngay khi qua được dòng sông rồi, còn con vẫn cõng cô ấy về đến tận phòng ta à?”
Câu trả lời của trụ trì chứa đựng một thông điệp mà có lẽ bất kỳ ai cũng cần khắc cốt ghi tâm. Đó là thông điệp về sự buông bỏ trong tâm trí.
Cuộc sống sẽ có những lúc mọi việc không được như ý ta mong muốn. Tuy vậy, biết nắm biết buông đúng lúc sẽ mang lại cho chúng ta sự bình yên từ trong tâm. Và từ sự bình yên đó ta mới có thể làm được nhiều điều tuyệt vời khác cho chính mình và những người xung quanh.
Một người luôn có tâm bình an, hoà nhã, vui vẻ sẽ toả ra năng lượng tích cực tác động đến những người xung quanh khiến mọi thứ trở nên dễ chịu hơn. Ngược lại, tâm thái luôn nóng giận, bực tức, không bằng lòng sẽ chỉ tự chuốc thêm buồn phiền cho bản thân.
Câu chuyện truyền tải thông điệp về sự buông bỏ trong tâm trí.
Bạn đang cõng bao nhiêu muộn phiền trên lưng vậy? Để bước tiếp và tận hưởng từng khoảnh khắc của cuộc sống, hãy đặt những muộn phiền lo toan xuống và hành trang của bạn sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.