CÂU CHUYỆN TUỔI TRUNG NIÊN
Họ đến tòa án bằng các ngả khác nhau. Bà vợ đi cùng con gái trên chiếc Camry mới toanh. Con gái xinh đẹp mặc toàn đồ hiệu, bà vợ thì hột xoàn đeo đầy người, ở tuổi 60 chịu khó đi thẩm mỹ viện nên trông rất sang chảnh. Còn ông chồng khắc khổ đi chiếc xe máy cũ cà tàng, nhưng vẫn toát lên thần thái của người chỉn chu, đáng mến. Đây đã là lần hòa giải thứ ba. Mặc cho cô con gái một mực yêu cầu ba không được li dị, để nhà chồng cô không coi thường gia đình, người đàn ông vẫn nhất quyết ly hôn. Bà vợ điên lên buông ra đủ những từ ngữ khó nghe nhất. Cuối cùng người đàn ông xin địa chỉ email của ông thẩm phán để được trình bày cặn kẽ. Và đây là nguyên văn bức thư ông thẩm phán nhận được vào buổi tối.
Thưa ông!
Trước tiên xin cảm ơn ông đã cho tôi địa chỉ email để tôi có thể kể cho ông nghe câu chuyện cuộc đời mình.
Chuyện vợ chồng tôi thì cũng như bao cặp vợ chồng khác, lấy nhau từ hồi bao cấp, cùng nhau gây dựng gia đình và nuôi con, nhưng khác nhau ở chỗ vợ tôi là người rất mạnh mẽ và có ý chí tiến thủ. Khi con trai đầu mới lên 2 tuổi, cô ấy nhất quyết đòi nghỉ làm nhà nước để lập công ty riêng cho cô ấy, vì nhà cô ấy có rất nhiều mối quan hệ. Thương con còn nhỏ, tôi can ngăn thế nào cũng không được, vì vậy tôi phải vừa làm cha vừa làm mẹ. Cháu từ nhỏ đã không khỏe, trái gió trở trời là viêm phế quản. Những lúc cháu bệnh là tôi thức trắng đêm trông cháu. Tan làm 5 giờ chiều là hớt hải phóng xe về trường mẫu giáo đón con. Khi cháu lên 10 thì vợ tôi sinh thêm bé gái và vòng quay lại lặp lại. Thức đêm pha sữa, thay tã cho con, …chăm con một tay tôi làm hết. Vợ tôi kiếm tiền rất giỏi, nhưng cô ấy không chịu thuê người làm, vì sợ thường xuyên đi công tác nên tôi sanh tật. Vừa chăm đứa bé, vừa lo cho đứa lớn nên tôi chẳng còn thời gian để phấn đấu, tôi phải xin chuyển sang phòng hành chính để không phải nhận dự án, không phải đi công tác, vì vậy bao nhiêu năm trời lương của tôi cũng chưa đến 10 triệu.
Từ khi làm ra rất nhiều tiền, rồi thay căn nhà cấp bốn bằng ngôi nhà 3 tầng, và mua xe hơi đời mới nhất, thì thái độ của cô ấy đối với tôi cũng dần dần thay đổi. Đầu tiên là mỗi khi các con đòi mua sắm đồ gì đó, cô ấy bao giờ cũng đay đả :
– Hỏi ba mày ấy!
Và ngay lập tức rút cả xấp tiền ra đưa, rồi cười khẩy
– Cầm lấy đi! Chờ ba mày có mà đến Tết Công gô.
Ai có tiền thì người ấy có quyền. Trong mắt lũ trẻ tôi chỉ là cái bóng mờ nhạt bên cạnh mẹ chúng.
Tất cả mọi chuyện trong nhà khi còn nghèo thì vợ chồng kề vai bàn bạc, còn giờ đây cô ấy tự quyết hết rồi thông báo cho tôi biết sau. Sáng sớm cô ấy trang điểm lộng lẫy rồi lái xe đi làm, sau đó lại tiệc tùng, tụ tập bạn bè đến tối mịt. Tôi có góp ý là cô ấy nổi cáu, nói những lời hết sức tổn thương.
Tôi cũng chả nhớ vợ chồng tôi ly thân từ khi nào nữa. Từng ngày, từng ngày, cô ấy bào mòn hết sạch cảm xúc của tôi. Chuyện vợ chồng mà cô ấy ban phát theo kiểu bố thí thì tôi cũng chả cần. Với lại ngày xưa cô ấy nhìn dễ thương lắm, còn giờ đây nhìn vào khuôn mặt đập đi xây lại toàn bộ của cô ấy, tôi cứ sợ đi nhầm nhà. Mắt cắt, môi bơm, mũi độn, hai má sưng phồng như bị ong đốt vì bơm bô tốc gì đó…
Nhiều lúc tôi cũng chán nản lắm, chỉ muốn tung hê hết cả rồi muốn tới đâu thì tới, nhưng nhìn hai đứa con lại phải cố. Hàng ngày đưa đi, đón về, rồi đưa từng đứa đến lớp học thêm, đã chiếm hết sạch thời gian của tôi. Thằng anh vừa học xong lớp 12 là cô ấy cho đi du học. Tôi lại tiếp tục chăm sóc con bé lúc ấy mới 8 tuổi thêm 10 năm nữa. Nó học đại học 4 năm thì tôi cũng đưa đón nó đủ 4 năm.
3 năm trước con gái tôi lấy chồng. Gia đình chồng nó rất khá. Con trai thì cô ấy mua nhà định cư hẳn ở nước ngoài và cũng lấy vợ, có con.
Tôi sống lầm lũi như người thừa, cả tuần chả thấy mặt vợ nên tôi quyết định về quê. Cha mẹ tôi mất cũng lâu, anh em ở mỗi người một nơi, nhà thờ cha mẹ phải nhờ đứa cháu họ trông coi giùm. Tôi về sửa sang lại đôi chút là sống khỏe.
Trước khi về tôi có nói chuyện với cô ấy và mời cô ấy cùng về. Cô ấy nhìn tôi như nhìn người khùng, rồi cười nhạo. Tôi nghĩ vợ chồng không còn tình vẫn còn nghĩa, nên vài tháng tôi về thăm cô ấy một lần. Nhưng rõ ràng cô ấy không cần đến tôi, nên về sau tôi ở hẳn dưới quê luôn.
Trước kia khi còn lo chợ búa, cơm nước thì mỗi tháng cô ấy đều chuyển vào tài khoản cho tôi ba chục triệu. Giờ về quê tôi chỉ sống bằng lương hưu 5 triệu nhưng tôi rất thoải mái vì nhà có vườn, tôi trồng cây, trồng rau, nuôi gà vịt. Ăn không hết tôi còn gửi về Sài Gòn cho mẹ con cô ấy. Chiều chiều tôi mang cần câu ra sông gần nhà rồi bơi vài vòng. Về quê mới vài tháng mà tôi khỏe lên trông thấy, hết bệnh cao huyết áp, rối loạn tiền đình, mất ngủ….
Cách đây một năm tôi có hàng xóm mới. Em ấy ngày xưa học cùng trường với tôi , dưới tôi 3 lớp. Chồng em ấy mất sớm, em ở vậy nuôi con trai ăn học thành tài. Đến khi con trai lấy vợ, thì nghe lời vợ hắt hủi mẹ, nên em buồn quá về quê ở với mẹ già.
Cùng cảnh ngộ, chúng tôi nhanh chóng trở nên thân thiết. Em rất hiền lành, nấu ăn ngon và rất chu đáo. Tình cảm chúng tôi lớn dần, và khi thấy không thể sống thiếu nhau, thì tôi về nói với vợ tôi, và yêu cầu ly hôn để có thể đường hoàng bước tới với em.
Câu đầu tiên vợ tôi nói là:
– Anh tính chia của để nuôi bồ à? Đừng hòng.
Tôi nói thẳng là tôi ra đi chỉ mình không. Cô ấy gọi ngay con gái về, rồi hai mẹ con thay nhau tổng xỉ vả tôi. Đứa con gái mà tôi hết mực yêu thương, chăm sóc từ miếng ăn tới giấc ngủ, giờ nói vào mặt tôi những lời hỗn láo. Nó không cho tôi ly hôn để giữ thể diện cho nó trước nhà chồng. Vì vậy trong đơn ly hôn tôi chỉ ghi là không hợp nhau. Và cũng vì vậy ông đã tổ chức 3 buổi hòa giải rồi mà vẫn không thành.
Tôi đã 65 tuổi. Cũng không biết ông trời còn cho tôi được sống bao nhiêu lâu nữa, nhưng tôi muốn được sống hợp pháp với người mà tôi thương. Cuộc đời em ấy cũng quá bất hạnh, không có lẽ cuối đời còn mang tiếng giật chồng.
Đọc đến đây chắc ông cũng đồng ý với tôi là cuộc hôn nhân của tôi thực chất hữu danh vô thực.
Tôi đã hết lòng chăm lo cho gia đình mình, nhưng đổi lại chỉ là sự coi thường của vợ, sự thờ ơ, ghẻ lạnh, hỗn hào của các con. Còn rất nhiều bức xúc, cay đắng trong lòng nhưng tôi xin không viết ra hết, vì chúng tôi dầu gì cũng đã từng là vợ chồng, không còn tình cũng còn nghĩa, không ở được với nhau đã khổ tâm lắm rồi.
Tôi nhớ sau khi ba tôi mất, mẹ tôi hàng năm trời cứ nhắc đến ông là khóc, bữa ăn nào bà cũng dọn đủ chén đũa cho ông và mời ông về ăn cơm cùng bà. Tôi cũng chỉ mong về sau nếu tôi có ra đi, thì có người nhỏ nước mắt thương xót tôi thực lòng.
Tôi kính mong ông giải quyết cho tôi được ly hôn.
Tôi xin trân trọng cảm ơn ông.
st